Sử ký Tư Mã Thiên/Cùng bạn đọc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CÙNG BẠN ĐỌC

Nước Tầu xưa có một nhà văn học phê-bình... Nhà ấy là Thánh-Thán!

Thánh Thán sinh vào thế-kỷ mười bẩy hồi cuối Minh sang Thanh

Cứ kể nguyên về cái tên con người ấy đã tác quái rồi: Tên ông là Vị họ Dư Thánh Thán là tự. Rồi vì cái tự ấy ông đổi tên là Nhân Thụy và đổi luôn cả họ theo họ Kim

Về văn học ông còn tác quái hơn: Hồi ấy, ở nước Tầu lối văn-chương cổ-điển, quý tộc vẫn giữ bá quyền. Vậy mà ông dám nói:

« Kể văn-chương xưa nay, chỉ có sáu người viết đáng gọi là tài-tử: Một là Trang-Chu, viết Nam-Hoa-Kinh; hai là Khuất-Nguyên, viết Ly-Tao ba là Tư Mã Thiên, viết Sử Ký; bốn là Đỗ-Phủ viết các lối thơ-luật; năm là Vương-Thực-Phủ, viết Tây-Sương, Ký; sáu là Thi-Nại-Am viết Thủy-Hử. »

Khen văn-thơ của Trang, của Khuất, của Tư-Mã, của Đỗ, cái đó khác nào ta khen « phò-mã tốt áo »... Thế nhưng dám kéo Vương-Thực-Phủ với Thi-Nại-Am lên ngồi cùng một chiếu với bốn ông trên, thì thực là một anh chàng gan nuốt búa mà mắt tầy rổ!...

Bởi vì Tây-Sương là một vở tuồng mà Thủy Hử chỉ là một bộ truyện...

Tuồng và truyện, người thời ấy cho là những thứ văn nhảm, kẻ đứng đắn không thèm viết!

Chẳng những thế viết hai món văn nhảm ấy tác giả lại dùng một thứ chữ nhảm: chữ bạch-thoại! Thứ tiếng nói thông thường của đàn bà con trẻ ấy, các nhà văn nói hằng ngày cũng ít khi nói đến, đừng kể chi là dùng vào văn-chương!

Vậy, đem hai tập văn nhảm, viết bằng một thứ chữ nhảm ấy mà khen ràm trời, tức là « nói cho thiên-hạ vả miệng chơi! » — lời cụ Đào-Nguyên-Phổ nhà ta đã dậy!

Tuy-nhiên, cái con người có gan để cho kẻ đồng-thời vả miệng đó, đã được ngàn sau thán-phục là có con mắt tinh đời! Tây-sương và Thủy Hử chính là hai bộ sách có giá trị nhất của nền văn-học bình dân nước Tầu khi mới phôi thai. Mà thứ chữ bạch-thoại thì ngày nay ở trường-học cũng như ở đàn-văn đã nghiễm nhiên thay chân cho thứ chữ văn-ngôn, bị loại làm một món đồ-cổ!

Nói cho thực thì Thánh Thán là một tay cách-mạnh trong văn-học-giới.

Nhưng văn học giới đã không đủ chỗ để chứa cái tâm-hồn to-tát ấy!

Thấy việc nước nát bét vì bọn quan-lại tham-tàn, ông liền theo phái Thanh-Nghị, đem ba tấc lưỡi nói chuyện văn chương mà nói chuyện Triều-Đình! vẫn một tinh thần cứng-cáp và tinh-ranh, ông phê văn nghiệt-ngã chừng nào thì ông chửi đời cũng chua cay chừng ấy! Rồi, sau bao năm lăn-lóc, một khi thấy việc đời chửi cũng không thể chuyển được như là cười hoặc khóc; một khi thấy cây bút trong tay mình là bất lực, ông liền quăng nó đi mà cầm lấy cây gươm! Chuyện đó có thực, hay do phe địch bịa đặt ra? Cái án ấy cũng ngờ như cái án Cao Bá Quát nước ta. Và cũng như ông Quát đầu Thánh-Thán đã rơi dưới cái tội-danh phản-đối triều đình! Nhà văn-học cách-mạnh đã chết trong một việc chính-trị cách-mạnh!

Chúng tôi tưởng cần phải giới thiệu câu chuyện đó ra đây sau khi đã trình với các bạn ba bản dịch « Tây-Sương », « Ly-Tao », « Thơ Đỗ-Phủ ». Nhất là dưới đây chúng tôi lại tạm dịch hầu các bạn những đoạn văn mà người xưa cho là hay nhất trong bộ Sử-ký của Tư-Mã Thiên

Chúng tôi mong trong một ngày rất gần đây sẽ có thể cho ra mắt các bạn bản dịch toàn-bích bộ Cổ-sử có giá trị ấy.

Trên Phong-Mãn-Lâu, đêm 28,
tháng 1 năm Giáp-Thân (1944)

Nhượng Tống.