Sử ký Tư Mã Thiên/Lược truyện Tư Mã Thiên
LƯỢC TRUYỆN
TƯ-MÃ-THIÊN
Ông họ Tư-Mã, tên Thiên, tự là Tử-Trường, quê ở Long-Môn, làm chức Thái-Sử, đời vua Vũ-đế nhà Hán. Cha ông xưa cũng làm chức ấy. Nó là một chức chuyên giữ việc chép sử đương-thời.
Ở thời-đại quân-chủ, nhất-cử, nhất-động của nhà vua đều có thể có quan-hệ đến vận mạnh quốc-gia, và đều có giá-trị đáng ghi vào sử sách. Cho nên, Thái-Sử tuy là một chức quan nhỏ, mà được luôn luôn gần gặn bậc Chí tôn. Vũ-đế là một ông vua rất thông-minh, lại có văn tài. Ông cũng là người giỏi văn-chương. Vua, tôi vì thế rất là tương-đắc. Có ai ngờ ông lại có một ngày mang một cái vạ lạ lùng và thảm-nhục!
Nguyên ông có một người bạn là Lý-Lăng, người đã cùng với Tô-Vũ mở đầu ra lối thơ « năm chữ ». — Thơ cổ mỗi câu thường gồm có bốn chữ thôi. — Chẳng những là một nhà thơ có tài, dòng dõi tướng-môn, Lăng còn là một viên tướng cầm quân rất giỏi. Trấn giữ ngoài biên-cương, với một số quân nhỏ, nhiều trận Lăng đã thắng được những toán quân Hung-Nô đông gấp bội. Thấy Lăng có tài lạ, Vũ-đế bèn cất làm phó-tướng, để giúp Nhị Sư tướng-quân đem binh đi rẹp Hung-Nô. Nhị Sư tướng-quân là ai? Là Lý-Quảng-Lợi em Lý-Phu-nhân, một người vợ yêu của nhà vua. Ông tướng ấy có lẽ chả có tài gì! Cắt cho việc ấy, nhà vua chừng như chắc cả ở Lăng: Nhà vua mong Nhị-sư sẽ nhờ Lăng mà lập được công to, để lấy lối phong hầu cho « cậu em » thôi vậy! — Phép đời Hán, không có quân-công thì không được phong hầu. — Không ngờ trong một trận hãm vào trọng-địa mà số quân nhiều, ít chênh nhau quá. Lăng, sau khi hết cả quân, gẫy cả khí-giới, bị thương nhiều vết, đã bị chúa Hung-Nô cầm-tù! Chừng như còn muốn lưu lại tấm thân hữu-dụng. Lăng đã không chết mà nghe lời dụ-hàng của Thiền-Vu![1] Tin ấy về Triều-đình, Vũ-đế liền nổi trận lôi-đình... Cái tội phản-quốc, không trị được ở Lăng, Vũ đế liền trị ở thân-nhân của Lăng: Lăng đã bị chu-di tam-tộc! Nặng lòng vì bạn, nhà chép-sử ta đã biện-bạch hộ Lăng: Thiên cho Lăng chỉ là trá hàng, đợi có dịp sẽ tìm cách báo đền ơn nước. Dám bênh-vực cho một tên phản-quốc, tội đáng chết còn chi! Thương Thiên là kẻ có sử-tài, việc chép sử khó lòng kiếm được người xứng đáng bằng Thiên, Vũ-đế liền đổi hình-phạt chém đầu ra hình-phạt thiến — về thời ấy, người ta chưa dùng những lối trị-tội như đời sau: đánh gậy, đánh roi, cầm tù hay sung làm lính. Người ta chỉ thích chữ vào trán (kình); cắt mũi (tỵ); chặt chân (phi); thiến (cung,) và chém-đầu (đại tích). Năm món đó gọi là năm món nhục-hình.
Sau khi bị tội, Thiên tủi cực không cùng! Cho được khuây-khỏa ít nhiều, ông dong-chơi hồ khắp nước Tầu. Không mấy nơi sông rộng non cao, dấu xưa, vết cũ là chân ông không tới. Đau đớn nhất là không sao còn có thể có con để nối dõi cho dòng mình nữa, ông liền đem hết tâm-trí để tự-tạo lấy « một đứa con tinh-thần »... Đứa con ấy tức là bộ Sử-ký mà người Tầu còn nâng-niu trìu-mến tới nay! Và cho tới nay, nó càng làm tỏ ra rằng Thiên là một bậc có thiên-tài về Sử-học. Vì rằng: khác hẳn với các bộ sử khác của người Tầu, phần nhiều chỉ là sử riêng của mấy họ đế-vương, của những kẻ cầm quyền thống-trị, bộ Sử-Ký đã chú ý nhiều đến những điểm có quan hệ chung cho cả dân-tộc. Đọc nó, ta có thể kiếm được nhiều tài-liệu, nhờ đó xét được các dấu vết biến-thiên về văn-hóa, về tư-tưởng, về kinh-tế, về chính-trị ở thời cổ nước Tầu. Riêng về mặt văn-chương, nó hàm có một vẻ đẹp mạnh mẽ và bao-la, vẻ đẹp của những cảnh thiên-nhiên mà trong đời tác-giả đã từng du-lịch.
Đó là lời của các người thời trước. Đúng hay không? Các bạn hãy nghiệm xem trong những trang trích dịch theo đây.
- ▲ Vua Hung-Nô.