Sử ký Tư Mã Thiên/I-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

I. — TỰ-TỰ

Ông Thái-sử nói:

— Cha tôi trước có dậy rằng: « Từ khi ông Chu mất, năm trăm năm mà có thày Khổng. Sau khi thày Khổng mất, đến nay cũng năm trăm năm... Có ai nối được các bậc soi sáng cho đời, chính được Dịch-truyện, kế được Xuân-Thu, thể được ý của Thi, Thư, Lễ, Nhạc, chắc ở lúc này! Chắc ở lúc này! » Thân hèn đâu dám nhường việc ấy...

Quan Thượng-Đại-phu là Khổn-Toại nói:

— Vì sao mà thày Khổng xưa lại làm Xuân-Thu?

Ông Thái Sử nói:

— Tôi nghe Đổng-sinh dậy rằng: « Khi ấy đạo cả suy-bỏ... Thày Khổng làm Tư-Khấu nước Lỗ, chư-hầu[1] hại thày! Các quan ngăn đón thày!... Thày Khổng biết lời mình không được dùng, đạo mình không được làm, bèn khen chê những việc xẩy ra trong hai trăm bốn mươi hai năm, để làm khuôn phép cho đời. Nào chê Thiên-Tử! Nào nén Chư-hầu! Nào phạt các đại-phu! Cốt để tỏ rõ đạo Vương[2] mà thôi! » Thày dậy rằng: « Ta muốn chép nó vào lời nói suông. Nhưng không bằng cho trông thấy nó ở việc làm là sâu-sát, rõ-ràng hơn. » Cho nên Xuân-Thu trên làm sáng tỏ đạo của ba đời Vương; dưới phân biệt dường-mối việc đời; biện bạch chuyện ngờ-vực; vạch rõ lẽ phải trái; quyết-định sự do-dự; khen điều hay; chê điều dở; tôn người hiền; khinh kẻ không tốt; còn lại các nước đã mất; nối lại các dòng đã dứt; vá chỗ rách; làm các việc bỏ đó: ấy đều là các việc lớn của đạo Vương. — Kinh Dịch nói về Trời, Đất, Âm, Dương, bốn mùa, năm hành-cho nên giỏi về biến-đổi. Kinh Lễ xếp đặt luân-lý, cho nên giỏi về hành-động. Kinh Thư ghi chuyện các vua đời trước, cho nên giỏi về chính-trị. Kinh Thi chép tên núi, sông, hang, suối, chim, muông, cỏ, cây, sống, mái, đực, cái, cho nên giỏi về ví-von. Kinh Nhạc gây nên vui-vẻ, cho nên giỏi về vui-hòa. Kinh Xuân-Thu phân biệt phải trái, cho nên giỏi về trị người. Bởi vậy, Lễ là để giữ người; Nhạc để gây vui; Thư để bàn việc; Thi để tỏ ý; Dịch để dậy về biến-hóa; Xuân-Thu để dậy về nghĩa-vụ. Rẹp đời loạn, đưa nó lại đường thẳng, không sách nào gần-thiết bằng Xuân-Thu. Xuân-Thu chữ gồm có mấy vạn; ý kể hàng nghìn. Muôn vật tan, họp đều ở Xuân-Thu... Trong đời Xuân-Thu, ba mươi sáu vua bị giết! Năm mươi hai nước bị diệt! Hạng chư-hầu chạy ngược, chạy xuôi, không giữ nổi cơ-đồ, không thể đếm xiết! Xét ra sở-dĩ thế đều bởi bỏ mất đạo gốc thôi vậy! Cho nên Kinh Dịch dậy rằng: « Bỏ mất hào, ly, sai đi nghìn dậm! » Lại dậy rằng: « Tôi mà giết vua, con mà giết cha, không phải là duyên cớ một sớm, một chiều, mà dần-dà đã từ lâu... » Cho nên kẻ có nước mà không biết Xuân-Thu không được: Trước mặt có kẻ ton-hót sẽ không biết! Sau lưng có quân giặc cướp sẽ không hay! Kẻ làm tôi người ta mà không biết Xuân-Thu không được: giữ việc thường không rõ lẽ nên chăng; gặp việc biến, không biết lối tòng quyền. Làm vua, làm cha người ta mà không thông nghĩa Xuân-Thu, tất mang tiếng gây ra tội-ác! Làm tôi, con người ta mà không thông nghĩa Xuân Thu, tất hãm vào tội chết, mang tiếng cướp ngôi cả, giết người trên. Kỳ-thực họ đều cho thế là phải; làm đó mà không hiểu nghĩa. Rồi mang tai, mang tiếng mà không dám chối cãi... Chỉ vì không hiểu thế nào là lễ, nghĩa, mới đến nỗi vua chả ra vua, tôi chả ra tôi, cha chả ra cha, con chả ra con! Vua chả ra vua thì phạm. Tôi chả ra tôi thì đáng giết. Cha chả ra cha thì vô đạo. Con chả ra con thì bất-hiếu. Bốn điều đó là những lỗi lớn ở đời. Đem những lỗi lớn ở đời buộc cho, vậy mà nhận chứ không dám chối, cho biết Xuân-Thu là gốc lớn của lễ-nghĩa... Lễ nghĩa, để ngăn cấm trước khi việc chưa xẩy. Phép-luật để trừng-trị sau khi việc xẩy rồi. Công-dụng của phép-luật dễ thấy, nhưng chỗ mà lễ-nghĩa ngăn-cấm thì thật khó biết.

Khổn-Toại nói:

— Đời thày Khổng, trên không có vua sáng-suốt, dưới không được tin dùng, cho nên làm Xuân-Thu, dùng lời suông để định rõ lễ-nghĩa, cũng kể như phép-tắc của một đời Vương. Nay ông trên gặp đức vua sáng-suốt, dưới được giữ một chức quan. Muôn việc đều đã sắp đặt đâu vào đấy. Vậy sách ông muốn bàn cho rõ lẽ gì?

Ông Thái-Sử nói:

— Dạ! Dạ! Không! không! Đâu phải thế... Tôi nghe cha tôi dậy rằng: « Phục-Hy rất thuần hậu, làm ra tám quẻ Dịch. Nền thịnh-trị đời Nghiêu-Thuấn, chép trong Thượng-Thư; Lễ, Nhạc bắt đầu từ đấy. Công của Thang, Vũ, Thi-nhân ca-tụng. Xuân Thu nhặt chuyện hay, chê chuyện dở, suy ở đạo-đức của Ba Đời để khen nhà Chu, nào phải chỉ có mai mỉa thôi đâu! Từ khi nhà Hán lên, đến đức vua chúng ta, được điềm lành, làm lễ Phong-Thiện, đổi niên hiệu, thay mầu áo-mũ, chịu mạnh của Cao-Xanh, ơn thấm không cùng. Các dân lạ ở ngoài bể, dùng hai, ba lần thông-ngôn, thực lòng thành-kính, xin vào chầu, vào cống, không thể nói hết. Trăm quan ở dưới hết sức tán dương thánh-đức còn không tỏ hết được ý... Bỏ kẻ hiền-tài mà không dùng, đó là nhục của kẻ có nước. Đức vua minh-thánh mà ơn đức không truyền rộng, đó là lỗi của các quan giữ việc. Vả chăng tôi lại giữ chức ấy. Bỏ thịnh-đức của bậc Thánh-Minh mà không chép; để mất công-nghiệp của các danh-thần, các thế-gia, các quan đại-phu tài-giỏi mà không thuật lại; nhãng quên lời cha dậy trước; tội còn gì to hơn? Sách tôi viết, tức là kể lại chuyện xưa, sắp-đặt lại việc từng đời, chứ không phải là sáng tác. Vậy mà ông đem ví với Xuân-Thu thì lầm...

Thế rồi bàn sắp văn-chương... Qua bẩy năm thì ông Thái-Sử gặp cái vạ Lý-Lăng, giam trong vòng cùm xích, bèn ngậm-ngùi mà than rằng:

— Tôi làm nên tội này chăng! Tôi làm nên tội này chăng! Mình hỏng không dùng được nữa rồi!

Khi lui về, lại nghĩ kỹ rằng:

— Chao ôi! Sách vở viết ra, thường là kẻ ẩn-thân muốn cho đạt được ý-nghĩ của mình... Xưa kia Tây-Bá giam ở Dữu-lý, bèn diễn giải Chu-Dịch; thày Khổng gặp nạn ở Trần, Sái, làm ra Xuân Thu; Khuất-Nguyên đầy đọa, viết phú Ly-Tao; Tả-Khâu-Minh mù lòa, mới có Quốc-Ngữ; Tôn-Tẫn cụt chân, liền bàn Binh-Pháp; Bất-Vi dời sang Thục, sách Lã-Lãm truyền đời; Hàn Phi tù ở Tần, sách Thuyết-Nan một mình bực-tức!... Ba trăm bài trong kinh Thi, phần nhiều là do các Thánh-Hiền phát phẫn mà làm ra cả! Những người ấy đều có những chuyện uất-ức ở trong lòng, mà đạo mình không sao đạt được, cho nên thuật việc xưa mà nghĩ đến người sau...

Nghĩ thế rồi, bèn thuật từ nhà Đào-Đường trở xuống cho đến đời Lân-Chỉ,[3] bắt đầu từ vua Hoàng-Đế.

  1. Vua các nước phong-kiến, chịu dưới quyền Thiên-Tử.
  2. Đạo trị nước của các vua mở đầu ra ba đời Vương: Hạ. Thương. Chu.
  3. Đời Hán Vũ-Đế.