Bước tới nội dung

Sử ký Tư Mã Thiên/I-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây-Trọng

Lời bình của Lâm Tây-Trọng

Đây là ông Long-Môn tự bầy tỏ bản-ý mình khi viết bộ Sử-ký. Sử-ký là sách chép việc. Việc không thể không có điều hay điều dở; tức là người chép không thể không có chỗ khen, chỗ chê. So-sánh với sáu kinh, ý ấy gần với kinh Xuân-Thu hơn hết. Như các mục Bản-kỷ, Thế-gia, Liệt-Truyện, Thử-biểu, chép rõ các sự-thực, thế gọi là « án », tức là phép cứ việc chép thẳng của Xuân-Thu. Còn các lời bàn trước, tán sau, thì gọi là « đoán », mà tức là phép dụng ý ở chỗ để hay bỏ của Xuân-Thu vậy. Từ Ban-Cố, Phạm-Việp, cho đến các nhà làm sử về sau, đều lấy thế làm thể-thức. Theo thói quen, ta coi là lẽ cố-nhiên... Có biết đâu ở đời Tử-Trường, thì đó là sự mới bắt đầu có, có thể cho là kế-tiếp với Xuân-Thu cũng được. Các nhà khác làm sử, chẳng qua chép việc trong một đời. Riêng Tử-Trường thì nói lên mãi tận Hoàng-Đế, Đào-Đường; góp nhặt những việc xẩy ra từ mấy nghìn năm trở lại; phàm chuyện chép trong năm Kinh, không chỗ nào là không thu lượm... Cho nên bắt tay nhắc cả đến sáu Kinh, tự đảm-nhiệm lấy việc kế-thuật. Nói lớn đấy, song không phải là khoác-lác đâu! Nhà Hán theo sau trận « lửa Tần »[1], tuy đã bỏ luật cấm cắp-sách, song sách mua được phần nhiều rách-nát. Nhất-thời vua vậy, tôi vậy, chẳng hiểu gì về lễ-nghĩa, cùng đạo trị dân của Ba Đời. Cho nên mượn câu hỏi của Khổn-Toại, để nói cho ra cái bản-ý viết Xuân-Thu của thày Khổng. Nhân đem Năm Kinh nói cặp vào, mà riêng trọng Xuân-Thu là có quan-hệ đến việc giáo-hóa... Đại ý nói: « Sách Sử-Ký này viết ra, là để làm tỏ rõ lễ-nghĩa, cùng đạo trị người của Ba Đời. Nó có quan hệ đến giáo-hóa, chứ chẳng phải cho có chuyện mà thôi! » Thế nhưng Xuân-Thu viết ra, cốt mong rẹp yên đời loạn, đưa lại đường ngay... Đem Sử-Ký mà sánh cùng, không khỏi động-chạm đến lòng hờn-ghét. Cho nên lại phải nói cho rành-rõ thế nào là thuật lại, thế nào là sáng-tác, để tỏ ra rằng sách mình có khác với Xuân-Thu. Đến khi đã chịu tội thiến rồi, nếu kể cùng sầu mà viết sách, thì thực không khác gì thày Khổng: nói chẳng được dùng, đạo chẳng được làm! Vậy đành lại phải mượn chuyện chấm dứt vào đời Lân-chỉ, cũng tỷ như Xuân-Thu tuyệt-bút từ việc « săn được con lân », để cho rõ đôi bên giống nhau là vì lẽ thế nào...

Văn viết không dời, không sát, úp-mở, uốn éo, mạch lạc rất rõ ràng. Những kẻ không hiểu nghĩa, chỉ thấy thế bút dọc ngang, man mác, liền khen lấy khen để, khác nào thần sông khi đứng trước bể khơi! Rồi đọc hộn-ẩu cho thuộc lòng. Ấy cũng khác nào anh lùn xem đám, hò reo theo miệng hàng-xứ thôi vậy!...

  1. Tần Thủy-Hoàng thu đốt các sách vở, cấm không ai được mang sách, chứa sách.