Sử ký Tư Mã Thiên/II-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm Tây Trọng

Đây là bài thứ nhất, mở đầu cho bộ Sử-Ký. Ông Long-Môn muốn lấy năm đời Đế đứng đầu mục Bản-kỷ (Mục chép chuyện các vua chúa) Nhưng vì Phu-tử (danh-từ người sau dùng để gọi tôn thày Khổng) dọn Thượng-Thư, ngắt từ Đường, Ngu trở xuống, nên trước Nghiêu, Thuấn không sao xét được, đành lẽ phải lựa chọn ở sách vở của Trăm-Nhà (Các nhà hiền-triết ngoài phái nhà Nho). Phiền nỗi sách vở của Trăm-Nhà, phần nhiều chép chuyện thần quái. Dù có thuật lại lời thày Khổng nói về đức cùng họ năm Đế, các nhà Nho cũng ngờ là không đúng. Như vậy, chuyện đó tựa hồ khó lòng mà xét, mà tin được! Thế nhưng cứ những nơi ngày thường có đi tới, thì những điều được thấy, được nghe, chẳng những hợp với Thượng Thư, mà cũng không sai mấy với sách vở của Trăm-Nhà nữa. Vậy ta không thể nhất khái chỉ cho Thượng-Thư là đúng, mà ngờ các sách khác là không hẳn được! Nay hãy thử bàn sách vở của Trăm Nhà: Ví dụ như thuyết « đức cùng họ các Đế », ngay Xuân-Thu và Quốc-Ngữ (hai bộ sách của nhà Nho), cũng nói tới rất rõ. Mà bất-tất xét kỹ đến ý-nghĩa đó nữa, cứ những sự tích cùng phong-tục, giáo-hóa còn truyền lại ở miệng các bậc già-cả, cũng là chắc chắn đáng tin. Ở bộ Thượng-Thư, đời trước Nghiêu, Thuấn tuy thiếu, sót không còn song linh tinh thấy chép ở sách vở Trăm-Nhà nhiều lắm. Đại-ước thì phi người có ý-nghĩ sáng-suốt, sẽ không thể phân biệt được chỗ nào là đúng, chỗ nào là bịa mà chọn nữa, Đến như phường nông thấy, ít nghe, thì phi bạ sao tin vậy, tất xếp xó bỏ đó mà thôi! Ấy, đại-ý người viết là thế!...

Lời phụ bàn của kẻ dịch

Trong các món gọi là khoa học ngày nay, có lẽ Toán-học và Sử-học là hai tòa nhà được xây móng đổ nền sớm nhất. Thế nhưng trái hẳn với Toán-học, có một chân-lý tuyệt-đối, chân-lý ở Sử-học lại rất là mỏng-mảnh. Mỏng-mảnh đến nỗi có người bạo miệng dám bảo Sử-học chỉ đáng tên là một nghệ-thuật mà thôi!

Sở-dĩ thế là vì sao? Là vì các tài-liệu của Sử-học nguyên là một mớ « lẫn-lộn vàng, thau »! Sự lựa-lọc vàng, thau trong đó thực là một chuyện có trăm-nghìn khó! Nó khó đến nỗi các nhà Sử-học đến hiện-kim đã định ra phương-pháp hẳn-hoi, đã dậy chúng ta nên như thế nào trong lúc sưu-tầm và đối-khám tài-liệu, vậy mà không phải ai ai cũng sáng-suốt, cũng cẩn-thận, đủ sức để theo những lời chỉ-bảo ấy cho có kết quả. Ví-dụ như gần đây ở ta có nổi lên cái phong-trào lịch-sử, những sách thuộc về loại ấy soạn ra vô-số, vậy mà phần nhiều đều là những cuốn làm cho người đọc phải đỏ mặt! Tôi phải đỏ mặt khi đọc những cuốn sử mà người viết hình như hoàn-toàn không có một chút thường-thức về Sử-học! Nhất là về chỗ lựa-lọc tài-liệu, nó tỏ ra rằng tác-giả tay thì vơ quàng, vơ bậy, mắt thì nhắm lại, mà chân thì không bước đi đến đâu!

Coi qua những cuốn sách đó, rồi đọc lại bài này, tôi thực không ngờ nhà viết sử ngót hai nghìn năm trước ta, trong sự lựa lọc tài-liệu, lại có cái băn-khoăn « khoa học » đến thế! Ước gì các tay cầm những cây « sử-bút » ở nước nhà ngày nay, nếu không hiểu thế nào là phương-pháp sử-học hiện-đại, hãy có lấy một chút băn-khoăn của lão Long-Môn!