Sử ký Tư Mã Thiên/VI-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bàn của kẻ dịch

Lời bàn của Kẻ dịch

Người đời xưa đọc Sử-Ký, cho rằng Tử-Trường bị tội oan, nên đối với nhà Hán rất là oán-giận. Bởi vậy, những đoạn bàn hoặc chép về các vua đời Hán, bên ngoài thì ra vẻ tán-tụng, mà bên trong thường hàm có ý mỉa mai!

Điều đó, tôi nghiệm ra quả có. Tức như đoạn này, tác giả tán Cao-Tổ nhà Hán là bực đại thánh sở-dĩ được làm vua là có trời giúp. Nhưng trời giúp là gì? Cái nghĩa sâu của nó tức như ta nói: « Chó ngáp phải ruồi! » Vì rằng: Theo quan-niệm của người xưa thì « Hoàng thiên võ thân, duy đức thị phụ », trời chỉ giúp nước có đức mà thôi! Vậy mà Cao-Tổ có đức gì? Một người không gốc, không rễ, nổi lên từ đám thôn quê, đã chẳng « tích lũy công-đức hàng mấy mươi năm » như Ngu, Hạ; lại không có ông cha « sửa nhân, làm nghĩa hàng hơn mười đời » như Thang, Võ, như vậy thì sao trời lại giúp? Hai câu « há chẳng phải trời sao? » đi luôn, có lẽ là tác giả muốn trách trời kia sao lại mù-quáng làm vậy! Nào phải có thực lòng tán-dương!

Cố-nhiên cái thái-độ chủ-quan ấy, không nên có ở người viết sử. Nhưng đó là một câu chuyện khác, ở đây không đủ chỗ bàn. Dù sao thì ta cũng không nên nghiêm-ngặt quá với một nhà cầm cây Sử-bút trước ta hàng mấy mươi đời. Và trong lúc đọc văn, cần phải tinh-tế để nhận lấy những giọt máu chắt ra tự con tim héo nát của người Thiên-Cổ!