Sử ký Tư Mã Thiên/VII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
VII. — Bữa tiệc Hồng-Môn

VII. — BỮA TIỆC HỒNG-MÔN.

Hoặc có kẻ bàn với Bái-Công (Hán Cao-Tổ) rằng:

— Tần giầu gấp mười thiên-hạ, hình thế lại hiểm-trở. Nay Hạng-Võ sắp đến, sợ đức-ông chả giữ được đây nào! Nên mau cho quân giữ ải Hàm-Cốc, đừng cho quân Chư-hầu vào.

Bái công theo lời bàn ấy.

Thế rồi Hạng-Võ đến Ải. Cửa Ải đóng. Nghe tin Bái-công đã rẹp yên miền trong Ải, cả giận, sai Kình-Bá đánh vỡ ải Hàm-Cốc.

Tháng chạp, Hạng-Võ tiến quân đến sông Hy.

Quan Tả-Tư-Mã của Bái-Công là Tào-Vô-Thương sai người nói với Võ rằng:

— Bái-Công muốn làm vua miền trong Ai. Các của báu đã lấy hết. Muốn cầu được phong.

Võ cả giận, khao quân-lính, hẹn sớm mai sẽ đánh quân của Bái-Công.

Bấy giờ quân Võ bốn mươi vạn, gọi lên là trăm vạn, đóng ở Hồng-Môn trong hạt Tân-Phong. Quân của Bái-Công mười vạn, gọi lên là ba mươi vạn, đóng ở Bá-Thượng.

Phạm Tăng nói với Võ rằng:

— Bái-Công lúc ở Sơn Đông, tham tiền, mê gái! Nay vào trong Ải, của cải không lấy! Đàn bà, con gái không chơi! Thế là chí nó không nhỏ. Tôi sai người xem sắc mây, thấy thành hình rồng mà có năm mầu, đó là khí-tượng bậc Thiên-tử! Phải đánh gấp! chớ để lỡ!

Hạng-Bá là chú Hạng-Võ, vốn quen Trương-Lương, đêm ruổi ngựa thăm Lương, bảo cho biết chuyện, muốn rủ Lương trốn đi. Trương-Lương nói:

— Tôi vì vua Hàn mà theo Bái-Công. Nay Bái-Công có nạn, trốn đi cũng nên bảo cho biết truyện.

Lương bèn cố mời Hạng-Bá vào ra mắt Bái-Công. Bái-Công nâng chén rượu, chúc thọ Hạng-Bá, hẹn gả con cho nhau, và nói rằng:

— Tôi vào Ải, mảy-may không dám lấy gì, Thu biện các kho tàng, để đợi Tướng-quân (chỉ Hạng Võ). Sở dĩ sai tướng giữ cửa ải, là phòng bọn giặc khác, chứ có đâu dám làm phản. Ông nói hộ cho. Ơn ấy không dám phụ.

Hạng Bá nhận lời, và bảo Bái-Công rằng:

— Sớm mai thế nào cũng phải sang.

Bái-Công: Vâng! Thế rồi Hạng-Bá lại về đêm, đem lời Bái-Công thưa lại cả với Võ, và nói:

— Bái-Công nếu không phá trước được miền trong Ải, ông đã dám vào chưa? Giờ người ta có công lớn mà giết đi: không hay! Chi bằng lấy cách tử-tế mà tiếp.

Hạng-Võ nhận lời.

Sớm ngày, Bái-Công đem hơn trăm quân kỵ, đến ra mắt Võ ở Hồng-Môn, xin lỗi rằng:

— Tôi cùng Tướng-quân cùng hết sức mà đánh Tần. Tướng-quân đánh Hà-Bắc. Tôi đánh Hà-Nam. Không ngờ lại vào trước được trong Ải, phá được Tần, lại được hầu Tướng-quân ở đây! Nay vì có lời của kẻ tiểu-nhân, làm cho Tướng-quân cùng tôi có điều xích-mích...

Hạng Võ nói:

— Đó là viên Tả-Tư-Mã của Bái-Công là Tào Vô-Thương nó nói. Nếu không, Tịch (Tên Võ) đâu đến nỗi thế!

Võ nhân giữ Bái-Công ở lại uống rượu. Phạm-Tăng đưa mắt cho Võ luôn, lại nâng cái vòng ngọc đeo bên mình ra hiệu ba lần. Võ không ưng. Tăng đứng rậy, ra ngoài gọi Hạng Trang mà bảo-rằng:

— Nhà vua là người không được nhẫn! Anh vào trước tiệc rót rượu chúc thọ, rồi nhân tiện đem gươm ra múa, đâm luôn Bái-Công ở trong tiệc mà giết đi!

Hạng-Trang liền vào chuốc rượu. Chuốc xong, thưa rằng:

— Trong quân không biết lấy gì làm vui, xin cho múa gươm.

Võ nói:

— Được!

Hạng Trang rút gươm đứng rậy múa. Hạng-Bá nói:

— Múa gươm cần phải múa đôi!

Cũng rút gươm đứng rậy múa. Rồi thường lấy mình che-chở cho Bái-Công. Trang không sao đâm được. Thế rồi Trương-Lương chạy ra ngoài cửa trại, gặp Phàn-Khoái, liền bảo:

— Giờ Hạng-Trang rút gươm múa, thường để ý đến Bái-Công. Việc gấp lắm rồi!

Khoái liền đeo gươm, xách mộc vào cửa trại, vén màn đứng, trừng mắt trông Hạng-Võ, tóc đầu dựng đứng, vẻ mắt lộn hết! Võ hỏi:

— Khách là ai vậy?

Trương-Lương nói:

— Thưa: Phàn-Khoái, Tham-Thặng của Bái-Công!

Võ khen:

— Tráng-sĩ!

Ban cho một tô rượu. Khoái uống một hơi hết. Lại cho một vai lợn sống. Khoái rút gươm thái mà ăn. Võ hỏi:

— Tráng-sĩ có uống được nữa không?

Khoái nói:

— Tôi chết cũng không kiêng! Tô rượu đâu đáng chối-từ! Kìa Tần có lòng hùm sói, giết người tưởng như không xuể! Làm tội người chỉ e không xiết! Cả Thiên-hạ đều phản lại! Hoài-vương hẹn với các tướng: Ai phá Tần trước, vào được Hàm-Dương, sẽ cho làm vua Tần! Nay Bái-Công phá Tần trước, vào Hàm-Dương, đem quân trở lại Bá-Thượng để đợi Tướng-quân, khó-nhọc mà công to như vậy, chưa thấy có được phong thưởng gì! Nay lại nghe lời quân hèn-mọn, muốn giết người có công, đó là lối nối gót quân Vong-Tần! Tôi trộm nghĩ xin vì Tướng-quân mà chê điều đó!

Một lát sau, Bái-Công đứng rậy đi ngoài, định trốn về, nói:

— Nhưng ra còn chưa chào, tính sao?

Khoái nói:

— Nết to không chấp điều cẩn-thận nhỏ. Giờ người ta sắp dao-thớt, mình là cá-thịt! Còn chào làm chi! Bèn đi tắt rảo về Bá-Thượng. Để Trương-Lương lại, xin lỗi với Võ rằng:

— Bái-Công sai Lương tôi đưa một đôi ngọc bạch-bính dâng dưới chân Tướng-quân! Một chiếc chén ngọc dâng dưới chân Á-Phụ![1]

Á-Phụ rút gươm đập tan chiếc chén ngọc mà rằng:

— Thằng nhãi không được việc gì hết! Cướp mất thiên-hạ của Tướng-quân, chắc chắn là Bái-Công!

  1. Á-phụ, tức là Phạm-Tăng.