Sử ký Tư Mã Thiên/VIII-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
VIII. — Niên biểu Chư-hầu từ khi Hán lên đến giờ

VIII. — NIÊN-BIỂU CHƯ-HẦU TỪ KHI HÁN LÊN ĐẾN GIỜ

Đời Ân trở về trước lâu lắm rồi!... Đời Chu phong năm bậc: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Nhưng phong Bá-Cầm, Khang-Thúc ở Lỗ, Vệ, đất đều bốn trăm dậm, là lấy nghĩa trọng người thân và thưởng riêng kẻ có đức. Thái-Công ở Tề, đất rộng bằng năm nước hầu khác, là tôn người có công khó nhọc. Vua Vũ, vua Thành, vua Khang, phong ra vài trăm, mà cùng họ đến năm mươi lăm nước. Đất, rộng nhất không hơn trăm dậm, hẹp nhất ba mươi dậm. Để họ phụ-vệ nhà Vương. Quản, Sái, Tào, Trịnh, hoặc hơn, hoặc kém chút. Sau đời vua Lệ, vua U, nhà Vương suy, các nước Hầu, Bá mới trở nên mạnh. Thiên-Tử yếu, không sửa nổi. Không phải đức có kém, hình-thế yếu đó thôi!

Nhà Hán lên, phong hai bậc (Vương và Hầu). Cuối đời Cao-Tổ, hạng Vương không phải họ Lưu (họ nhà vua), hạng Hầu không có công, không phải nhà vua phong ra, Thiên-hạ ai cũng được phép giết chết. Con em cùng họ với Cao-Tổ được phong Vương có chín nước. Chỉ có Trường-Sa-vương là khác họ. Công thần được phong hầu hơn một trăm người. Từ Nhạn-Môn, Thái-Nguyên, sang Đông đến Liêu Dương là nước Yên, nước Đại. Từ núi Thường Sơn sang Nam, núi Thái Hàng chuyển sang Tả qua sông Hà, sông Tế, sông A-Nhân, đông xuống giáp bể, là nước Tề, nước Triệu. Từ Trần sang Tây, Nam đến núi Cửu-Nghi, Đông cắp các sông Giang, Hoài, Cấu, Tứ, sát mãi Cối-Kê, là các nơi Lương, Sở, Ngô, Hoài-Nam, Trường-Sa. Đều ngoài tiếp-giáp với Hồ, Việt. Còn nội-địa thì cách về Bắc, phía Đông Thái-Sơn đều là đât Chư Hầu cả. Nước lớn có khi gồm năm sáu quận; liền vài chục thành; đặt trăm quan, xây cung-điện tiếm cả Thiên-Tử! Nhà Hán chỉ có ba quận ở phía Đông Hoàng-hà, Dĩnh-Xuyên, Nam-Dương; từ Giang-Lăng Tây sang tới Thục; Bắc từ Vân-Trung sang Lũng-Tây cùng Nội-Sử; gồm có mười lăm quận. Mà số thực-ấp của các công-chúa, các liệt-hầu cũng là ở trong đó. Sao vậy? Thiên-hạ mới định, anh em xương-thịt trong họ ít, cho nên cho các bà-con được rộng đất mạnh-quyền, để trấn giữ bốn bể, mà hộ-vệ cho Thiên-tử vậy.

Nhà Hán bình-định rồi, vào khoảng trăm năm, tình thân-thuộc ngày càng xa. Chư-Hầu hoặc có kẻ xa-xỉ, kiêu căng, tin lời bọn loạn-thần, âm mưu làm việc bậy-bạ. Lớn thì làm phản; nhỏ thì không chịu theo đúng phép-luật. Vì đó tự hại đến thân, mất mạng, mất nước! Nhà vua xét xem đời Thượng-cổ rồi đó gia ơn cho vua Chư-Hầu được quyền chia các ấp trong nước cho con em. (Theo lời Chủ-Phủ-Yển). Cho nên nước Tề chia làm bẩy; Triệu chia làm sáu; Lương chia làm năm; Hoài-Nam chia ba. Các con thứ Thiên-Tử là Vương. Các con thứ Chư-Hầu là Hầu. Kể có hơn trăm nước.

Vào thời Ngô, Sở, các vua Chư-Hầu trước sau thường vì có tội mà phải bớt đất. Vì thế mà Yên, Đại mất các quận ở phía Bắc; Ngô, Hoài-Nam, Trường-Sa, mất các quận ở phía Nam; Tề, Triệu, Lương, Sở, các quận lẻ, các núi to, các bãi-bể, đều nộp vào nhà Hán. Chư-Hầu nhỏ dần: Nước lớn chẳng qua hơn mười thành; nước nhỏ chẳng qua vài chục dậm; trên đủ để vâng việc triều cống; dưới đủ để cung-cấp tế-tự mà làm phên dậu cho Kinh-sư. Nhà Hán có đến tám, chín mươi quận, lẫn vào các nước Chư-Hầu, chen nhau như răng chó, giữ được các nơi ách-tắc, địa lợi. Đó là cái thế làm mạnh cỗi-gốc, mà yếu ngành, lá.

Trên, dưới đã rõ-ràng, mà muôn việc đều đâu vào đấy! Thiên tôi kính chép các nước Chư Hầu từ đời Cao-Tổ đến đời Thái-Sơ, chua xuống dưới những thời-kỳ thêm, bớt, để đời sau được xem. Hình-thế tuy mạnh, cần phải lấy nhân-nghĩa làm gốc...