Bước tới nội dung

Sử ký Tư Mã Thiên/XIX-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
XIX. — Truyện Quản, Án

XIX. — TRUYỆN QUAN, ÁN.

Quản-Trọng tự Di-Ngô, người Dĩnh-Thượng. Lúc nhỏ thường chơi với Bão-Thúc-Nha. Bão-Thúc biết là người giỏi. Quản-Trọng nghèo khổ, thường lừa dối Bão-Thúc. Bão-Thúc đối-đãi vẫn tử-tế, không hề nói đến... Sau đó, Bão-Thúc thờ công-tử (con vua) nước Tề là Tiểu-Bạch. Quản-Trọng thì thờ Công-tử Củ. Kịp khi Tiểu-Bạch lên làm vua Hoàn-Công, Công-tử Củ bị giết, Quản-Trọng bị tù. Bão-Thúc bèn tiến Quản-Trọng. Quản-Trọng khi đã được dùng, cầm quyền chính nước Tề.

Tề Hoàn-Công vì thế nên nghiệp Bá. Nào họp tập Chư Hầu, nào sửa lại thiên-hạ, đều là mưu của Quản-Trọng.

Quản-Trọng nói: « Tôi xưa lúc nghèo túng thường cùng buôn với Bão-Thúc. Chia lờ-lãi, phần nhiều lấy cho mình! Bão-Thúc không cho tôi là tham, vì biết tôi nghèo... Tôi thường tính việc hộ Bão-Thúc mà càng cùng-khốn thêm! Bão-Thúc không cho tôi là ngu, vì biết vận có khi may khi rủi... Tôi từng, ba lần làm quan, thì ba lần bị vua đuổi! Bão-Thúc không cho tôi là hư-hỏng, vì biết tôi chửa gặp thời... Tôi từng ba lần ra trận. ba lần chạy dài! Bão-Thúc không cho tôi là hèn-nhát, vì biết tôi còn mẹ già... Công-Tử Củ bị thua, Thiệu-Hốt chết theo, tôi giam-cầm cam chịu nhục! Bão-Thúc không cho tôi là hạng vô-sỉ, vì biết tôi không nề-hà tiết nhỏ, mà cho công-danh không lừng-lẫy ở đời làm xấu hổ... Sinh tôi thì là cha, mẹ! Biết tôi thì là anh Bão! »

Bão-Thúc tiến Quản-Trọng rồi, đem mình ở chức dưới. Con, cháu đời đời ăn lộc nước Tề, hơn mười đời được có ấp-phong, thường là những viên quan có danh tiếng. Người đời chẳng phục cái giỏi của Quản-Trọng, mà phục Bão-Thúc về chỗ biết được người...

Quản-Trọng khi đã cầm quyền làm tướng nước Tề — cái nước Tề khoen-khoen ở xó bãi bể! — buôn hàng, chứa của, làm cho nước giầu quân mạnh; cùng chung yêu, ghét với dân! Cho nên ông nói rằng: « Kho đụn đầy, lễ-phép mới hay! Áo cơm đủ, nhục vinh mới rõ! Người trên tiêu dùng dè-đặt, thì sáu thân-bền chặt... Bốn diềng (lễ, nghĩa, liêm, sỉ) không cất, nước thế là mất! » Lệnh ban xuống như khơi nguồn nước, cốt thuận lòng dân... Cho nên lời bàn thấp mà dễ làm. Điều mà dân-chúng muốn, tìm cách giúp cho. Điều mà dân chúng không ưng, lần lần trừ bỏ. Cách làm chính-trị của ông, khéo chuyển họa làm phúc, gỡ thua thành được; khinh, trọng cân, nhắc rất kỹ càng: Hoàn-công thực vì giận Thiếu-cơ, sang Nam đánh úp nước Sái. Quản-Trọng nhân đánh luôn nước Sở, trách về tội không đem đồ tiến-cống nhà Chu... Hoàn-công thực lên Bắc rẹp bọn Mán-Rừng. Quản-Trọng nhân khuyên vua yên chỉnh đốn lại những chính-lệnh của Thiện-công thuở trước... Khi hội ở đất Kha, Hoàn–công muốn xoá lời thề ở Tào-Mạt. Quản-Trọng nhân làm tôn-trọng nó lên, Chư-Hầu vì vậy theo về Tề. Cho nên nói rằng: « Biết cách cho đó mà là lấy, ấy là điều rất báu trong chính-trị! »

Quản-Trọng giầu ngang với nhà vua, có toà lâu đài Tam-Quy... Vậy mà người nước Tề không cho là xa-xỉ. Quản-Trọng mất, nước Tề theo chính sách của ông, thường mạnh hơn Chư-Hầu. Sau hơn trăm năm thì có thày án...

Án-Anh, tự Bình-Trọng, người ở Di-Duy, thuộc ấp Lai, Thờ Linh-công, Trang-Công, Cảnh-công nước Tề, vì tiết-kiệm, chăm-làm, được cả nước coi trọng. Khi đã làm Tướng nước Tề, bữa ăn không hai ón thịt; nàng-hầu không được mặc đồ tơ. Khi ở Triều-đình, vua hỏi tới thì tâu lời rất thẳng; khi không hỏi tới thì giữ mình rất nghiêm. Ở đời trị thì thuận theo số-mạnh; ở lúc loạn thì liệu chiều quyền-biến. Vì vậy, trải ba đời vua, tiếng tăm lừng lẫy cả Chư-Hầu. Việt-Thạch-Phủ là người giỏi, ở trong vòng gông-xiềng. Thày Án ra đi, gặp ở đường, bán con ngựa kèm xe chuộc tội cho, đón về nhà, không thấy tạ ơn. Vào trong buồng một lúc lâu, Việt-Thạch-Phủ xin cho tuyệt giao! Thày Án sửng-sốt, xốc áo, mũ xin lỗi rằng:

— Anh tôi đây dù bất nhân, gỡ nhà-thày khỏi tai-nạn, sao nhà-thày xin tuyệt-giao vậy?

Thạch-Phủ nói:

— Không phải thế! Tôi nghe người quân-tử chịu nhũn với kẻ không biết mình, mà ngay-thẳng với người tri-kỷ. Khi tôi đương ở trong gông-xiềng, nào ai biết tôi đâu! Ông đã cảm biết mà chuộc tội cho tôi thế tức là tri-kỷ! Tri-kỷ mà đãi mình không có lễ, vẫn không bằng cứ giữ phận gông-xiềng!

Thế rồi thày Án mời vào, đãi là bậc thượng khách.

Thày Án làm Tướng nước Tề, khi đi ra, vợ tên đánh xe cho thày, từ trong kẽ cửa ròm chồng. Người chồng đánh xe cho quan Tướng, che tàn lớn, dong bốn ngựa, vẻ mặt chảnh-hoảnh rất là tự-đắc! Đến lúc về, người vợ xin đi!.. Chồng hỏi cớ sao? Vợ nói:

— Thày Án cao không đầy sáu thước, thân làm tướng nước Tề, tiếng lừng cả Chư-Hầu! Hôm nay em xem khi thày ra đi, có vẻ nghĩ ngợi sâu-xa lắm! Thật là người lúc nào cũng biết tự-hạ mình! Còn anh, mình cao tám thước, chịu làm tôi-tớ người ta! Vậy mà xem ý anh lại tự lấy làm hả! Vì vậy nên em xin đi!...

Sau hôm đó, người chồng tự nén, bớt mình. Thày Án lấy làm lạ mà hỏi. Người đánh xe cứ thực thưa lại. Thày Án liền tiến-cử lên làm chức Đại-phu...

Ông Thái-Sử nói: Tôi đọc sách Quản-Tử cùng sách Án-Tử Xuân-Thu, bàn-luận xem thực là kỹ càng. Đã được thấy sách của hai ông viết, lại muốn coi việc của hai ông làm, cho nên chép ra truyện này. Những sách ấy người đời phần nhiều có cả, vì vậy không bàn. Bàn riêng về các dật-sự. Quản-Trọng là hạng mà đời gọi là « tôi hiền ». Song thày Khổng cho là nhỏ-nhen! Có lẽ cho rằng: Nhà Chu đến lúc suy, Hoàn-Công đã giỏi, sao không cố giúp cho làm « Vương », mà lại chỉ làm nổi « Bá »?

Sách dậy rằng: « Thuận giúp điều hay, cứu chữa điều dở, cho nên trên, dưới thân được nhau ». Quản-Trọng có lẽ như vậy chăng? — Khi thày Án phục bên xác Trang-Công mà khóc, thành lễ rồi mới ra, nào phải là hạng « vô dũng », thấy việc nghĩa không dám làm? Đến như những lúc can ngăn « vỗ mặt » nhà vua, thật đáng là bậc người « tiến thì nghĩ sao cho hết lòng trung; lui thì mong sao sửa được nhầm-lỗi »! Ví phỏng thày Án mà còn sống, tôi dù cầm roi hầu-hạ, âu cũng vui lòng!