Tây sương ký/Phần I/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Một cảnh: Trên điện Phật chùa Phổ Cứu

CẬU TRƯƠNG – (ra) Hôm nay rằm tháng hai, nhà chùa mời sang dâng hương, mình phải sang một lát mới được.

Ngâm:

Sóng gầm gió lật lá Kinh,
Mây quang, mưa rắc long lanh hoa trời!

Vỉa:

Trước chùa trăng mới mọc cao…
Mịt mờ sương bạc phủ vào ngói xanh!

PHÁP BẢN – (cùng các sư, các tiểu ra) Hôm nay rằm tháng hai, là ngày đức Phật Thích Ca vào cõi Niết Bàn; đức Thuần Đà trưởng giả cùng đức Văn Thù bồ tát làm chay cúng Phật. Các thiện nam, tín nữ ai lễ Phật ngày hôm nay là được phúc lớn lắm. Kia thầy cử Trương đã đến từ bao giờ rồi nọ! Anh em đạo tràng lên trống đi thôi! Đợi trời sáng sẽ mời bà lớn cùng tiểu thư sang lễ!

CẬU TRƯƠNG:

Khói hương: mây kết tán tròn!
Tiếng kinh, tiếng kệ: sóng dồn bể khơi!
Phất phơ bóng phướn lưng trời.
Bao nhiêu quan khách trong ngoài chen đua!
Ầm ầm trống giục la khua:
Sấm xuân vang động mái chùa bỗng không!
Rầm rầm Phật niệm chuông rung:
Gió mưa dồn dập ngọn thông lưng trời!
Cửa quyền, sư cụ khó sang mời!
Song the sao Hồng chẳng lựa lời trình cô!
Đỏ mắt mong sao chẳng sang cho!
Sang, ta nhìn chán, nhìn nọ, kẻo hoài.

PHÁP BẢN – (quay ra mời cậu Trương) Mời thầy vào lễ. Bà lớn có hỏi, thầy cứ thưa là có bà con với lão!

CẬU TRƯƠNG – (vào thắp hương lạy):

Xin cầu cho người sống thì hưởng trọn tuổi trời;
Người chết thì thong thả ở nơi thiên đường.
Rước các Tiên linh vào lễ Phật mười phương.
Lòng thành tôi lại thắp tuần hương mà khấn nhỏ rằng:
Xin cầu cho con Hồng đừng có rỉ răng;
Bà lớn đừng biết đến; con chó đừng cắn to!
Hẹn thầm ước vụng, xin cho nguyền được như nguyền!

BÀ LỚN - (cùng Oanh Oanh, con Hồng cùng ra) Nói một mình: Sư cụ mời sang lễ, ta sang một lát.

CẬU TRƯƠNG:

Giống tình vào lễ trước đàn,
Tưởng đâu nàng tiên ngọc vừa sa xuống khỏi làn mây xanh!
Thân gượng sầu, gượng ốm như mình,
Đọ sao được vẻ nghiêng nước, nghiêng thành của ai!
Kìa hãy coi: nụ đào điểm cặp môi tươi!
Liễu xuân khéo uốn vẻ người thướt tha!
Bông lê in mặt nõn nà!
Ngọc đông, ngà chuốt nước da mịn màng!
Nét yểu điệu, vẻ đoan trang,
Ngắm càng rõ đẹp, nhìn càng nổi xinh!

PHÁP BẢN - Bẩm bà lớn, chúng tôi có câu chuyện xin thưa. Số là chúng tôi có người bà con, là học trò vào kinh thi Hội. Vì cha, mẹ mất sớm, không biết lấy gì báo đáp. Nhân thấy nhà chùa làm chay, cũng sắm chút lễ, nhờ chúng tôi cúng siêu độ cho. Chúng tôi đã trót nhận lời, sợ bà lớn trách cập...

BÀ LỚN - Việc báo hiếu cho cha mẹ, có việc gì mà trách cập! Xin mời lại đây!

CẬU TRƯƠNG – (lại chào bà lớn):

Sư già tuổi tác ngồi trên,
Đăm đăm mắt cũng đưa nhìn lúc lâu!
Thầy đạo tràng bụng dạ để đâu,
Tay đương gõ khánh, lại gõ sang đầu Pháp Thông!
Ồn ào, náo nức lạ lùng!
Trẻ, già, quê, lịch vòng trong, vòng ngoài,
Cùng nhau thích cánh chen vai,
Cố xem cho được con người thần tiên!
Sợ người biết đến không nên,
Long lanh mắt lệ, sẽ nhìn qua loa!
Mắt đâu có mắt oan gia!
Thực lòng này thấy khó mà dửng dưng!
Tiếng khóc như oanh hót bên rừng!
Nước mắt như sương đọng ngập ngừng trên hoa!
Ai người học được sư già,
Ngồi che mặt lại thật là từ bi!
Hương mà chi! Nến mà chi!
Nến thì tắt ngấm, Hương thì nguội tanh!
Khoanh tay lũ tiểu làm thinh,
Đổ xô lại cứ Oanh Oanh mà nhìn!
Lòng ta, mình hẳn đã tin,
Bao nhiêu tình tứ, in trên đuôi mày!
Ý mình, ta đoán được ngay,
Bao nhiêu buồn tủi chưa đầy buồng tim!
Đổ hồi trống giục hết đêm,
Người đi lễ, kẻ đi xem giật mình;
Chém cha tiếng trống cầm canh!
Đám đương vui bỗng vô tình phá ngay!
Vô tình tiếng trống ác thay!
Hữu tình ta chịu đắng cay thiệt thòi!
Hữu tâm chi lắm ai ơi!
Còn gì sung sướng hơn người vô tâm!

PHÁP BẢN – (đọc sớ, đốt sớ) Trời đã sáng rõ, xin mời bà lớn cùng tiểu thư lại nhà!

(Bà lớn cùng Oanh Oanh, con Hồng cùng vào)

CẬU TRƯƠNG – Thì làm thêm một ngày nữa có được không! Bây giờ thì bảo tôi ra làm sao!

Lao lư suốt một đêm trường,
Trông ra trăng đã gặm gương lúc vào!
Tiếng chuông đã động lầu cao!
Tiếng gà đã gáy xôn xao bốn bề!
Vội vàng, người ngọc ra về!
Các sư thu dọn lễ nghi tán đàn!
Đàn tràng thôi thế là tan!
Ai về nhà nấy, canh tàn, trời đã sáng ra!

Lời phê bình cả chương[sửa]

Bạn tôi là ông Trác Sơn thường bảo tôi rằng. Núi Khuông Lư thật là một cảnh lạ ở trong đời: Đi sông luôn mấy ngày, thoạt cũng chẳng để ý, bỗng dưng giữa khoảng trời trong sáng, thấy sừng sững một ngọn núi xanh; giữa núi một dòng thác chảy như tấm lụa treo ngược! Lái đò hoảng hốt thưa: Đấy tức là núi Khuông Lư. Nhưng nào đã đến núi Khuông Lư đâu! Lại đi hai ngày, dần dần không thấy gì nữa, thì ra lại đến nơi rồi!

Tôi nghe lấy làm thích lắm, muốn sang xem ngay, nhưng rồi gắng chưa sang được. Một là vì nghèo không có tiền ăn đường. Hai là vì sang đấy không có ai là chủ nhân. Ba vốn là tính lười biếng, tạm ngồi rồi đã lại hết một năm! Thế nhưng trong lòng thì có lẽ không một hôm nào là không nghĩ đến, vì thế mà đêm thường chiêm bao... Thường cứ một hôm, hai hôm lại nằm mơ thấy đi dưới sông. Đương lúc thuyền chạy như bay, ngẩng nhìn trời xanh, lại thấy ngọn núi sừng sực lưng trời. Y như lời Trác Sơn. Khi tỉnh dậy, khoan khoái cả người! Về sau có gặp người ở miệt Tây Giang sang, tôi nắm áo hỏi ngay. Nhưng họ nói: làm gì có như thế! Tôi phát bực: Đồ ngốc còn có hiểu gì! Sau lại có người ở miệt Tây Giang sang, tôi lại nắm áo vội hỏi. Họ lại nói: Làm gì có như thế! Tôi phát bực: Lại một thằng ngốc nữa! Rồi đó hễ có người ở miệt Tây Giang sang là tôi đều hỏi cả. Nửa thì họ nói có như thế, nửa thì họ nói không có như thế! Tôi ngờ hỏi lại Trác Sơn. Trác Sơn bật cười mà rằng: Chính mắt tôi cũng chưa trông thấy nữa! Trước kia có nhiều người ở Tây Giang sang, người thì nói như thế, người thì nói không có như thế. Thế nhưng tôi đối với người nói như thế thì tin là thật. Còn những kẻ nói không có như thế thì bỏ đó không đếm xỉa đến. Vì sao vậy? Vì rằng ví phỏng núi Khuông Lư mà thật như thế, thì ta tin lời họ nói là thật, thực đáng lắm. Còn ví phỏng núi Khuông Lư mà chẳng như thế nữa, thì đó là cái lỗi của Trời Đất. Lấy cái thế lực lớn, cái trí tuệ lớn, cái học vấn lớn, cái đùa nghịch lớn của Trời Đất, phỏng có khác gì chẳng bầy ra nổi một cảnh lạ, như thế để làm trò vui cho chúng ta, mà lại hà tiện không chịu làm!

Tôi nghe lại lấy làm thích lắm, trong lòng hớn hở cho mãi đến bây giờ, chẳng những ban đêm thường chiêm bao, mà ban ngày cũng thỉnh thoảng được gặp nữa? Thế nào mà thỉnh thoảng ban ngày cũng được gặp? Ấy, tôi thỉnh thoảng được gặp trong khi đọc Tả Truyện! Thỉnh thoảng được gặp trong khi đọc Sử Ký, Hán Thư! Mà bây giờ lại thỉnh thoảng được gặp trong khi đọc Mái Tây! Thế nào mà lại được gặp trong khi đọc Mái Tây? Ấy, như ngay đầu chương này, câu thứ nhất viết "Trước chùa trăng đã mọc cao?" Chẳng qua có 6 chữ mà thôi, thế nhưng tôi thì cho thật là "đi sông thoạt không để ý đến"...; thật là "giữa khoảng trời trong sáng, sừng sững một ngọn núi xanh"...; thật là "nhưng nào đã đến núi Khuông Lư"...; thật là "khi đến núi Khuông Lư thì lại không trông thấy"...; một thế lực lớn! Thật là một trí tuệ lớn! Thật là một sức học vấn lớn! Thật là một cách đùa nghịch lớn! Ấy là điều mà bạn Trác Sơn đã dạy tôi. Kiếp này tôi cũng chả cần đến Tây Giang nữa. Kiếp này dù tôi chả bao giờ đến Tây Giang, nhưng núi Khuông Lư thì tôi nhìn đã quen lắm: Nó thật là một cảnh lạ ở trong đời.

Đến đây là lần thứ ba mà cậu Trương được gặp Oanh Oanh. Thế nhưng khi ở vườn hoa thì mới là thoáng trông thấy! Thoáng trông thấy thì chưa thực là trông thấy... Khi ở cách tường thì mới là xa trông thấy! Xa trông thấy! Thì cũng chưa thực là trông thấy. Hai lần trông thấy mà đều chưa thật là trông thấy, vậy thì lần này mới là lần cậu Trương được thật trông thấy Oanh Oanh, cho nên tác giả về chỗ đó phải dùng bút cẩn thận lắm. Khi mới thoáng trông thấy thì nào: "đùa cợt mặc ta", "bút hoa mỉm cười", "cảnh Bồng Lai", "con người thần tiên", đều là những lời dùng để tả bậc Thiên nữ vừa hiện ra thoắt đã biến đi. Khi mới xa trông thấy thì nào "bàn chân nhỏ quá", "bước chậm rì rì", "thu mất linh hồn", "càng nhìn càng đẹp", đều là những lời dùng để tả hồn Lý phu nhân, nửa như phải mà nửa như không phải! Đến mãi đây mới thật là trông thấy, thật là nhìn chán nhìn no cho nên tả nào miệng, nào mặt, nào da, nào người; chẳng khác gì xem cá ở chỗ nước trong, nhận được từng vây, đếm được từng vẩy! Kẻ không hiểu cho tả thực. Họ có biết đâu phàm văn hay xưa nay có phép gì là tả thực đâu! Tả thực thì khác nào như cái ụ đắp bằng đất, dù người quê mùa đi qua, họ cũng không thèm nhìn vậy.

Bỗng dưng mượn chuyện các tiểu, các đạo tràng đều mê mệt vì Oanh Oanh, để tả cái cực đẹp của con người sắc nước. Đó tất là lẽ tất nhiên trong khi viết văn, song hiện nay đương lúc Phật pháp suy đồi, bọn sư mô tội ác đầy đầu, nếu không phải là hạng rắn rết, rùa, giải, thì cũng nên để ý giữ gìn; hạng khuê các trong sạch, chớ nên bén mảng đến cửa Phật. Vì cái thói dâm độc của bọn sư mô gân đây, có những là hương tàn nến tắt mà thôi đâu! Vậy mà bọn rắn rết rùa giải kia, lại đương chắp tay trả lời: A di đà phật! Tội nghiệp! Tội nghiệp! Các cụ đều là bậc chân chính, vào hạng một nghìn hai trăm năm mươi bậc thiện trí thức cả! Vợ tôi, dâu tôi, con gái tôi đương lục hòm, dốc rương, hết lòng bá thí cúng đường! Không phải chuyện bỡn đâu! Anh đừng nói nhảm rồi sa xuống "ngục cắt lưỡi" đấy! Trời ôi! Sao mà hạng rắn rết rùa giải ngày nay chúng nó lại ngu mà thích để cho người ta lợi dụng như thế! Đáng thương biết là bao nhiêu!