Bước tới nội dung

Tây sương ký/Phần II/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Một cảnh: Trong biệt thự họ Thôi.

BÀ LỚN - (ra) Con Hồng sang mời cậu Trương, sao mãi chả thấy sang.

CON HỒNG - Thưa bà! Cậu Trương bảo con về trước, cậu sẽ sang ngay. (Cậu Trương vào lạy chào bà lớn)

BÀ LỚN - Hôm trước ví không có cậu thì đâu có bây giờ! Tính mệnh cả nhà tôi, sống là nhờ cậu! Gọi là có chén rượu nhạt, không dám nói chuyện báo đáp, xin cậu vui lòng chiếu cố cho.

CẬU TRƯƠNG - "Một người có phúc, muôn họ nhờ ơn!" Cũng nhờ hồng phúc của bà lớn, nên mới phá nổi quân giặc. Việc đã qua, có chi đáng kể.

BÀ LỚN - Đem rượu đây! Mời cậu uống cạn chén này.

CẬU TRƯƠNG - Bẩm, bà lớn đã cho, theo lễ không được từ chối (Đứng uống cạn, rót rượu dâng bà lớn).

BÀ LỚN - Mời cậu ngồi!

CẬU TRƯƠNG - Theo lễ chúng con phải đứng hầu, đâu dám ngồi ngang với bà lớn.

BÀ LỚN - Lễ phép nào bằng sự vâng lời. (Cậu Trương xin phép ngồi. Bà lớn vào gọi con Hồng vào mời Oanh Oanh)

OANH OANH - (ra)

Gió mây phút chốc quang trời mới!
Nhật nguyệt đôi vầng rọi tiệc hoa!
Trừ biết người như cậu cử Trương,
Giá như người khác, dễ biết đường giải vây!
Đàn ca rượu quả sẵn bày,
Mùi hoa thoáng, khói hương bay dịu dàng!
Gió Đông cuốn bức mành tương,
Một nhà tai nạn, một chàng gỡ xong!
Đáng cho tôi lạy tạ ơn lòng,

CON HỒNG - Hôm nay cô dậy sớm quá!

OANH OANH:

Áo là rũ sạch phấn rơi!
Gương loan kẻ lại mày ngài qua loa!
Nhẹ tay giắt lại cành thoa...
Ví không đánh thức, đã biết lối mà dậy đâu!

CON HỒNG - Thưa cô trang điểm đã xong, mời cô rửa tay! Con trông má cô, chỉ thổi mạnh một cái là rạn! Cậu Trương thật có phúc! Trời sinh cô thật đúng là một bà lớn!

OANH OANH:

Thổi mà rạn được má người ta!
Thôi đừng khéo tán con ma nữa Hồng!
Biết ta có thật đáng bà không?
Đã đâu chắc phúc phận nhà chồng mà hay!
Sao em chẳng nói thế này:
Ta cùng chàng vẫn đêm ngày nhớ thương...
Gánh tương tư giờ đã nhẹ nhàng,
Tiệc vui dẫu món ăn xoàng cũng ngon?
Cưới bù tiền, sá kể thân con!
Nhưng một công đôi việc đổ dồn, mẹ thực lôi thôi!
Kể công dẹp giặc vừa rồi,
Cả cơ nghiệp nữa dễ đền bồi được đâu!
Tiệc cưới như bữa cơm rau!
Nhưng thôi! Thương mẹ, cơ cầu không nên!
Chẳng qua sợ phí, sợ phiền;
Chẳng qua sợ tốn đồng tiền, đấy thôi!
Gót chân đưa đến cửa ngoài,
Hãy đem mắt ngó thử người hôm xưa!...

CẬU TRƯƠNG - Chúng con xin phép ra ngoài một chút. (đứng dậy, chợt trông thấy Oanh Oanh).

OANH OANH:

Người đâu tinh quái ai ngờ,
Mắt lanh như cắt đã xa đưa liếc mình!
Vội vàng tôi ngoảnh mặt làm thinh!

BÀ LỚN - Con ra đây! Lạy chào anh con!

CẬU TRƯƠNG - Trời ơi! Giọng nói nghe thế nào ấy!

OANH OANH - Trời ơi! Mẹ tôi dở quẻ rồi!

CON HỒNG - Tương tư chuyến này mới khổ ạ!

OANH OANH:

Ngồi trơ, chẳng nói, chẳng thưa!
Người coi bủn rủn, ngẩn ngơ thế nào!
Mẹ ơi! Mẹ tai ác làm sao!
Em nào mà lạy anh nào ở đây?
Đền ma, ngọn lửa cháy lây,
Cầu Lam, sóng rẫy, nước đầy mênh mông!
Mênh mông nước biếc, sông trong,
Ai làm đôi cá vợ chồng lìa nhau?
Vì đâu tôi mặt ủ, mày châu?
Cũng đành ngậm miệng, cúi đầu cho qua!
Xa nhau đành chịu xót xa!
Nhưng gặp nhau nào đã dễ mà thở than!
Lòng xuân đau đớn muôn vàn!
Mắt mờ, nước mắt đã tràn vùng quang!
Trời ơi! Đám tiệc linh đình!

BÀ LỚN - Con Hồng bảo hâm rượu đây. Rót rượu mời anh, đi con! (Oanh Oanh rót rượu mời)

CẬU TRƯƠNG - Thưa thôi! Tôi xin đủ!

OANH OANH - Hồng ơi! Đỡ khay chén ra!

Dẫu cho chén ngọc, rượu đào,
Thực lòng ai dễ nuốt vào cho trôi!
Cành Nam, giấc mộng tỉnh rồi!
Mái Tây, thương ánh trăng soi lạnh lùng!
Gạt làn nước mắt tôi trông:
Vạt là ai cũng giọt hồng đầy vơi!
Dần dần hai mắt trông xuôi!
Hai tay buông thõng vẻ người lao lư!
Sống sao cho được bây giờ!
(Trăm nghìn nguyện ước, ai ngờ thành không!)
Mẹ ơi! Tiễn khách cho xong!
Lại còn mời mọc, tiệc tùng mà chi!

BÀ LỚN - Thế nào cô cũng phải mời anh uống lấy một chén!

CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi đã thưa là xin đủ!

OANH OANH - Thì anh cứ đỡ lấy khay chén đã!

Rượu đầy, buồn chẳng có vơi!
Cúi đầu nín lặng mệt người biết bao!
Mặt coi chưa đỏ lắm nào!
Say gì một chén rượu đào mà say!
Nghe em, anh cạn chén này,
Lòng phiền mượn rượu làm khuây họa là,
Giờ đây chưa mấy xót xa!
Niềm thương nỗi nhớ rồi ra còn dài!
Mẹ già ngồi cạnh, anh ơi!
Cùng anh than thở đôi lời được đâu!
Cứ gì núi thẳm sông sâu.
Chỉ trong gang tấc, xa nhau bằng trời!

(Cậu Trương uống rượu, Oanh Oanh vào tiệc)

BÀ LỚN - Con Hồng rót rượu nữa đây! Cậu uống cạn chén này. (Cậu Trương nín lặng)

OANH OANH:

Chốt then tuy nắm ở tay ta,
Nhưng mẹo lừa, người đã xét ra rành rành!
Lại còn ngon ngọt nói quanh,
Dàn hòa khéo đã bực mình hay chưa!
Đàn bà phận phỏng như tờ,
Học trò lại giống nhu nhơ lạ lùng.
Đồ gọi gả! Của cho không,
Sinh con, cha đã đau lòng hay chưa.
Hỏi cha, cha chẳng nói chẳng thưa,
Một mình con dại, bây giờ biết sao.

(Cậu Trương cười nhạt)

Cười đây là nghĩa thế nào?
Bao nhiêu nước mắt đã nuốt vào tim gan!
Thư kia không phá được giặc tan,
Nhà này thử hỏi an toàn hay không?
Trừ nhân duyên, ai có trông mong,
Tự lòng mẹ lại dối lòng mà chơi.
Bày trò tự mẹ, mẹ ơi!
Dở trò thử hỏi tự ai bây giờ?
Rồi đây tôi, mặt hoa ngày một bơ phờ,
Môi son ngày một nhạt thưa màu hồng!
Biết tính sao nỗi sầu như bể cả mênh mông,
Bao la đất rộng, mịt mùng trời cao?
Xưa kia trọng vọng thế nào:
Khát xem bằng nước! Tựa vào như non!
Bây giờ lấy độc làm khôn,
Đâu còn kể nghĩa, đâu còn nhớ công!
Hoa đôi ngắt héo từng bông!
Cành liền bẻ gẫy, giải đồng xé tơi!
Những lo, đầu bạc không hưởng nổi phúc trời!
Ai ngờ: xuân xanh mà đã ra người dở dang!
Tiếng vợ hờ, tôi đã bẽ bàng!
Thân làm rể hụt, giọng mật đường lại khéo lừa ai!
Còn nói chi hạnh phúc một đời!

BÀ LỚN - Hồng đâu con! Đưa cô vào phòng trong an nghỉ. (Oanh Oanh chào cậu Trương, vào).

CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi say lắm rồi! Cũng xin phép lui chân! Trước mặt bà lớn đây, muốn nói một lời cho hết ý, xin bà lớn thứ cho! Hôm trước quân giặc lăng loàn, biến sinh trong chốc lát, bà lớn có dạy: Ai có cách gì lui giặc sẽ đem cô Oanh gả cho. Chẳng hay có chuyện đó hay không?

BÀ LỚN - Cái đó, có!

CẬU TRƯƠNG - Trong lúc ấy, ai là người đứng ra nhận việc?

BÀ LỚN - Cậu thực có ơn cứu sống cả nhà tôi, ngặt vì khi quan Tướng tôi còn...

CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi xin đỡ lời bà lớn! Bấy giờ chúng tôi vội vàng viết thư, mời được Đỗ tướng quân sang, có phải chi mong kiếm bữa chén hôm nay thôi sao! Sớm nay chị Hồng sang gọi, những tưởng bà lớn y lời hứa trước, cho kết duyên lành... Chẳng hiểu ý bà lớn thế nào, lại phủ đầu bằng hai tiếng anh em! Chúng tôi xin hỏi: Chẳng hay tiểu thư có cần dùng gì nhận chúng tôi làm anh? Chứ chúng tôi thì thực không cần dùng gì nhận tiểu thư làm em cả! Tục ngữ nói: "Nghĩ đi cũng có nghĩ lại". Xin bà lớn nghĩ lại cho!

BÀ LỚN - Con em đó, lúc quan Tướng tôi còn, đã hứa gả cho cháu tôi là Trịnh Hằng. Hôm trước tôi đã có viết thư gọi nó. Nó mà đến, biết làm thế nào? Vậy xin sửa ít nhiều vàng lụa, kính tạ ơn cậu! Xin cậu kén lựa vào nơi cao môn lệnh tộc khác! Đôi nào lứa ấy! Như thế thật tiện cho cả hai bên!

CẬU TRƯƠNG - Thế ra bà lớn nghĩ vậy! Chỉ không biết Đỗ tướng quân không đến, Tôn Phi Hổ cứ việc làm càn, khi đó bà lớn lại dạy ra làm sao! Chúng tôi có cần dùng vàng với lụa làm gì! Thôi! Xin chào bà lớn nghĩ lại!

BÀ LỚN - Xin cậu hãy thư thả! Hôm nay cậu say rồi! Hồng đâu! Đỡ anh sang phòng sách yên nghỉ đi con! Ngày mai ta sẽ nói chuyện! (Bà lớn vào)

CON HỒNG - (đỡ cậu Trương) Ồ cậu! Thì cậu uống in ít chứ có được không?

CẬU TRƯƠNG - Trời ơi, chị Hồng! Chị cũng trêu tôi nốt nữa! Nào tôi có uống gì mà uống! Kể từ khi tôi thoáng trông thấy cô, đêm mất ngủ, ngày mất ăn, cho đến bây giờ, đã trải bao nhiêu là khổ sở! Người khác không thể nói được, nhưng chị thì tôi không dám giấu! Câu chuyện hôm nọ, một bức thư của tôi, vốn không đáng kể. Thế nhưng bà lớn đường đường là một bà nhất phẩm, lời vàng tiếng ngọc, đã đem chuyện hôn nhân mà nói hứa, chị Hồng! Cái đó chẳng phải chỉ có tôi với chị nghe tiếng; còn bao nhiêu người tăng, kẻ tục trong chùa, còn trên có Trời Phật, dưới có hai ông Hộ Pháp, đều nghe tiếng cả! Không ngờ bây giờ bỗng dưng dở quẻ, làm cho tôi hết mưu, hết kế, vào rừng chẳng biết lối ra! Công việc như thế, còn trông mong đến bao giờ. Chi bằng trước mặt chị đây, cởi dây lưng ra, tôi thắt cổ chết đi cho rảnh!

Lấy giây treo cổ lên xà,
Làm thân ma dại lìa nhà, bỏ quê!

(Cổi dây lưng)

CON HỒNG - Cậu đừng hoảng vội! Cậu đối với cô thế nào, em biết rõ lắm! Hôm trước chưa từng quen biết, cậu đường đột hỏi ngay, em dù có lỡ lời, tưởng cậu cũng không nên trách. Đến như bây giờ, một lời bà lớn đã hứa... Huống chi là việc đem ơn đền ơn, em xin hết lòng giúp cậu!

CẬU TRƯƠNG - Được thế thì sống, chết tôi cũng không quên ơn chị! Thế nhưng làm ăn ra thế nào?

CON HỒNG - Em thấy cậu có một cây đàn đựng vào túi, chắc hẳn cậu hay đàn! Thế mà cô em thì rất thích nghe đàn. Hôm nay, thế nào cô em với em cũng ra vườn hoa thắp hương. Hễ nghe tiếng em dặng làm hiệu, là cậu đem đàn ra gảy! Hãy xem cô em nói ra thế nào, bấy giờ em sẽ lựa lời thưa rõ nỗi lòng của cậu. Nếu có tin tức gì, sớm mai em sẽ trả lời cậu. Còn bây giờ, sợ bà lớn gọi, thôi em hãy xin vào. (vào)

CẬU TRƯƠNG:

Buồng xuân, nào lễ loan phòng?
Mái chùa, thôi lại nằm không một mình! (vào)

Lời phê bình cả chương

[sửa]

Chương "Lật hẹn", nếu dùng vai bà lớn hát, có được không? - Thưa rằng không được! - Vậy dùng vai cậu Trương hát có được không! - Thưa rằng không được! - Thế dùng vai con Hồng hát có được không? - Thưa rằng cũng không được! - Sao lại không được cả như vậy? - Tác giả khi bấy giờ, tôi chắc đã nghĩ kỹ về chuyện đó lắm. Ví phỏng dùng vai bà lớn hát mà được, hay dùng vai cậu Trương hát, con Hồng hát mà được, thì có dùng vai Oanh Oanh ra hát mà chi! Ví rằng: Nếu việc chỉ là một việc, tình chỉ một tình, lý chỉ một lý; hỏi người này, người này ừ là phải; hỏi người kia, người kia cũng ừ là phải; thì cái dó đích thực là giống nhau! Nay việc tuy một việc, tình tuy một tình, lý tuy một lý, song đem việc ra mà nói, thì lại tùy từng người, tùy cõi lòng từng người, tùy thể diện từng người, cho đến tùy địa vị từng người mà ở mỗi người một khác. Cái đó thì thực là không giống nhau! Có người nói ra thì đứng đắn; có người nói ra thì trái ngược; có người nói ra thì dịu dàng; có người nói ra thì hung hăng; có người nói ra thì hết ý; có người nói ra thì nửa chừng... Ta không nghe chuyện bà Kinh Khương nước Lỗ không khóc Văn bá đó sao? Cùng một câu nói, ở miệng bà mẹ nói ra thì là mẹ hiền; ở miệng vợ nói ra thì là người vợ ghen. Xem câu nói ra từ miệng ai, sẽ rõ đó là lời của hạng người thế nào. Câu chuyện đó tuy chẳng giống với câu chuyện ở đây, song cũng đủ tỏ ra rằng ta cần phải để ý phân biệt đối với kẻ cất tiếng nói mới được! Thế nào là có người nói ra thì đứng đắn? Ví dụ như tình, lý, chuyện lật hẹn, tự cậu Trương nói ra, thì quyết là không thể lật được. Cậu sẽ nói: nào tôi có dám mong đâu, nhưng mà chính bà lớn đã hứa. Bây giờ máu miệng chưa ráo mà trong lòng đã vội quên hay sao? Thế thì thực là đứng đắn! Nếu bà lớn tự nói ra, thì lại quyết là không lật không được. Bà sẽ nói: Nào tôi có muốn ăn lời đâu; chỉ là vì ông lớn tôi ngày trước... ơn to tuy rằng chưa trả thật, nhưng ước xưa còn đó thì sao? Thế thì thật là trái ngược! Thế nào là có người nói ra thì dịu dàng? Ví dụ như tình, lý, câu chuyện ấy, tự Oanh Oanh nói ra, thì lật đã lật rồi, còn nói chi nữa. Cô sẽ nói: Không cất tiếng khóc, thì mặt nào mà nhìn thấy cậu Trương? Muốn cất tiếng khóc, thì mặt nào nhìn thấy mẹ già? Mẹ sẽ quở: mẹ chỉ có một chứ chồng thì thiếu gì! Thế thì dịu dàng lắm! Nếu lại tự cậu Trương nói ra, thì lật đã lật rồi, còn sợ gì nữa! Bà lớn đã không biết lấy lễ đãi người, thì có trách sao được ta không biết lấy lễ đối lại? Có lẽ bà lớn sẽ nói: dù đem nhau đến cửa công nữa, tôi cũng chẳng nghe nào! Thế thì thật hung hăng quá! Thế nào là có người nói ra thì hết ý! Ví dụ như tình, lý, câu chuyện ấy, tự Oanh Oanh nói ra thì bà lớn đã lật rồi, nhưng ta có lật sao được! Cô sẽ nói: Mẹ ta lật là lật câu nói ở ngoài miệng. Đến như ta mà lật, là lật hẳn con người ở trong lòng. Vậy mà, nếu ta lật con người ở trong lòng ta, thì chẳng hóa ra bắt chàng cũng phải lật con người ở trong lòng chàng hay sao? Thế thì thật là hết ý. Nếu tự con Hồng nói ra thì bà lớn đã lật rồi, còn ai mà không lật! Nó sẽ nói: Miệng bà lớn đáng lẽ không nên nói ra lời hứa ấy! Mà lòng tiểu thư cũng đáng lẽ không nên nghĩ đến con người ấy! Nếu lòng tiểu thư mà quả có con người ấy, thì chẳng hóa ra tiểu thư cũng sớm đã ao ước làm con người ở trong lòng người ấy hay sao? Thế thì thật nói ra mà mới được nửa chừng! Vì sao vậy? Vì rằng việc tuy là một việc, tình tuy là một tình, lý tuy là một lý, song khốn nỗi ở những người nói ra, cõi lòng mỗi người một khác, thể diện mỗi người một khác, mà đến địa vị mỗi người một khác... Cõi lòng bà lớn, khác với cõi lòng cậu Trương, cho nên người nói ra thì đứng đắn, mà người nói ra thì trái ngược!... Thể diện cậu Trương lại khác với thể diện cô Oanh, cho nên người nói ra thì dịu dàng, người nói ra thì hung hăng!... Đến như địa vị con Hồng lại khác với địa vị cô Oanh, cho nên có người nói ra thì hết ý, có người nói ra thì nửa chừng!... Nói mà nửa chừng thì thà rằng đừng nói! Nói mà hung hăng thì cũng chỉ là nói được nửa chừng! Đến như mà nói trái ngược thì không phải là cách nói của sách này... Tác giả bấy giờ, chắc đã nghĩ kỹ lắm, nên biết rằng về chương "lật hẹn", phải dùng vai Oanh Oanh làm vai hát, chứ không thể dùng vai bà lớn, vai cậu Trương hay vai con Hồng làm vai hát vậy.