Tây sương ký/Phần III/Chương III
Một cảnh: Vườn hoa
CON HỒNG - (ra) Hôm nay cô sai tôi đem thư sang bên cậu Trương. Trước mặt tôi thì vờ vĩnh! Còn trong thơ thì lại thầm hẹn cậu ta sang! Cô đã không nói với tôi, tôi cũng chẳng cần nói vỡ câu chuyện ra làm gì! Tôi cứ việc mời cô ra thắp hương. Xem đến lúc bấy giờ thì làm thế nào mà giấu được tôi? (mời) Thưa cô! Ta ra thắp hương thôi!
OANH OANH - (ra) Ngâm:
Âm thầm vườn vắng trăng vừa sáng,
Ngào ngạt hoa thơm gió thoảng đưa.
CON HỒNG:
Lọt song, lạnh ngắt gió chiều!
Neo vàng gác để, rèm thêu buông chùng!
Sân hè sương đọng mịt mùng,
Mái lầu, tường gác ráng lồng nhạt thưa!
Trước gương nhìn bóng thẩn thơ,
Chiều hôm trang điểm khi vừa mới xong!
Êm đềm, lặng lẽ một vùng,
Ao xanh đàn vịt song song ngủ đều!
Âm thầm thanh lịch trăm chiều,
Liễu vàng, đàn ác dập dìu đậu sau!
Hài hoa dẫm nát mầm đơn!
Trâm hoa chạm vướng bên đàn văn côi!
Lối trơn rêu lấp, cỏ vùi!
Tất thêu thấm giọt sương rơi ướt đầm!
Tôi coi cô - tôi với cậu Trương, chỉ những ngong ngóng sao cho trời chóng tối!
Ba thu dồn lại một giờ!
Chờ trăng từ lúc tờ mờ sáng ra!
Thấy ngàn dâu lơ lửng bóng tà,
Rủa rằng: Thánh vật! Sao mà không lặn nhanh!
Phấn son ăn vận cho xinh!
Mây Tần, mưa Sở rắp ranh từ giờ!
Đôi oanh, lứa én đợi chờ,
Nghĩ đòi cơn, lại thẫn thờ đòi cơn!
Trăm chiều nguyệt thẹn, hoa hờn,
Không cơm, ăn cháo lại đẹp hơn mọi ngày!
Thật tình hay giả vờ đây?
Lòng xuân dễ nén vơi đầy yêu đương!
Rình mò, tôi quyết bắt quả tang!
Cô hãy đứng dưới non bộ này! Con ra đóng cánh cửa mạch, sợ khi ta nói chuyện có người nghe lóng. (Ròm ra ngoài cửa)
CẬU TRƯƠNG - (ra) Bây giờ mình vào thì vừa lắm! (Ròm vào trong cửa)
CON HỒNG:
Phải bóng người nghiêng mũ nom ròm?
Hay bóng hòe, gió động chim hôm trên cành!
Bên bao lan, cậu hãy náu hình!
Dưới non bộ, cô đứng một mình thẩn thơ!
Đã trò chuyện đâu tự bây giờ!
CẬU TRƯƠNG - (vớ lấy con Hồng) Cô em yêu quý của tôi!...
CON HỒNG - Em đây mà! May mà lầm phải em, chứ giá lầm phải bà lớn, có phải oan gia không?
Trông chả trông! Cứ vớ quàng!
Rõ phường ma đói, mắt đổ hồng quang ra rồi!
Nhưng em hãy hỏi cậu: Có thật hẹn cậu sang không?
CẬU TRƯƠNG - Tôi đây trạng đoán thơ, thánh tán gái, chúa phong tình! Chắc chắn lắm chứ sai thế nào được!
CON HỒNG - Nhưng cậu đừng vào tới cửa, lại bảo em dắt cậu sang! Trèo qua tường mà vào cậu ạ! Cậu Trương! Cậu có thấy không? Phong cảnh đêm nay đẹp quá! Thật là trời giúp cho cô cậu làm lối động phòng!
Trăng thanh trong lớp mây lồng,
Rõ ràng sáp bạc thắp trong chao điều!
Cỏ non trải tấm nệm thêu!
Lơ thơ tơ liễu rủ đều rèm the!
Im chìm cảnh đẹp trời khuya;
Bóng hoa thấp thoáng; sân hè vắng không!
Nhưng cô em mới mẻ, lạ lùng...
Cậu phải tìm lời âu yếm, để lòng nể nang!
Xin đừng xuồng sã coi thường,
Như trò liễu ngõ, hoa tường mà oan!
Ngọc lành còn mơn mởn vẹn toàn,
Chớ nhìn riêng, khuôn mặt phấn với làn tóc mây!
Em cũng khỏi điều sợ hộ, lo thay!
Em cũng chẳng mong trà ngát, rượu say nhà người!
Ngón tay rầy được nghỉ ngơi...
Chăn êm, đệm ấm có người nằm chung!
Chẳng còn than thở, ngóng trông!
Chẳng còn bận nghĩ, nhọc lòng như xưa!
Thôi sắp ra mà hú hí thì vừa!
(Cậu Trương nhảy tường vào)
OANH OANH - Ai?
CẬU TRƯƠNG - Thưa tôi!
OANH OANH - (gọi) Hồng ơi! (Con Hồng không thưa).
OANH OANH - (giận dữ) Trời ơi, anh Trương! Anh là hạng người thế nào mà tôi đương thắp hương, anh lại vô cố lẻn vào đây? Anh muốn làm trò gì thì bảo?
CẬU TRƯƠNG - Trời đất ơi!
CON HỒNG:
Mối manh tôi chẳng có lo!
Vợ chồng sát thị, còn phải chuyện trò lôi thôi!
Rén chân tôi thử lắng tai:
Bên thời hổ thẹn; bên thời hung hăng!
Bên thời chẳng nói, chẳng rằng;
Bên thời dở quẻ, dở chừng lạ thay!
Bên thời như dại như ngây!
Bên thời liến thoắng thế này thế kia!
(Đứng xa sẽ gọi)
Cậu Trương ơi cậu Trương! Vắng mặt thì già mồm thế! Bây giờ mồm để đâu rồi? Lại đây! Thưa đến cửa công, còn gì là thể diện nữa!
Trạng để đâu? Thánh để đâu?
Lại như câm, như điếc, cúi đầu khoanh tay?
Vắng người tán dóc, khoe hay!
Ai ngờ bên non bộ chẳng giống Mái Tây chút nào?
OANH OANH - Hồng ơi! Trộm!
CON HỒNG - Thưa cô, ai đấy ạ?
CẬU TRƯƠNG - Chị Hồng! Tôi đấy mà!
CON HỒNG - Kìa cậu Trương! Ai bảo cậu vào đây? Cậu vào đây định làm trò gì? (Cậu Trương nín lặng).
OANH OANH - Mau mau lôi vào trong bà! (Cậu Trương nín lặng)
CON HỒNG - Lôi vào trong bà bây giờ, thì cậu ấy mang tiếng chết! Thôi! Cô với con phân xử quách cho rồi! Cậu Trương! Lại quỳ xuống đây! Cậu đã đọc sách cụ Khổng, tất hiểu lễ ông Chu! Đương đêm đến đây, định làm gì mới được chứ!
Cô Hương lên án cậu Hoa!
Phải đâu lên mặt quan tòa với ai!
Lòng ngay nói một đôi lời,
Nên, chăng, phải, trái, cậu thời nghe cho!
Tưởng tài học cậu sâu như bể khôn dò!
Ai ngờ cái gan mê gái cậu to bằng trời!
Đương đêm lẻn đến nhà người,
"Phi dâm tắc đạo" tội thời luận ra!
Quế không vin, lại chực bẻ hoa!
Vũ môn chẳng vượt, lại xê la leo tường!
Xin cô hãy nể mặt con, tha cho cậu ấy!
OANH OANH - Ơn anh cứu sống, đành phải đền ơn! Nhưng đã là anh em, sao lại sinh lòng kia khác? Muôn một bà lớn biết chuyện, thì anh còn mặt mũi nào? Nể mặt con Hồng, lần này thôi hãy tha cho! Lần sau mà thế nữa, quyết cho lôi vào trước mặt bà lớn, chứ em không chịu!
CON HỒNG:
Xin cám ơn cô mở lượng từ bi!
Rộng tha cho cậu, cũng vì nể con!
Ví bằng thưa đến công môn,
Thì cậu sắp mông ra mà chịu một trận đòn nên thân!
OANH OANH - Hồng! Thu dọn hương án rồi đi vào! (Oanh Oanh vào).
CON HỒNG - (lêu lêu cậu Trương) Lêu lêu phỉ hổ! Lêu lêu phỉ hổ!! Đời thủa nào trạng đoán thơ, thánh tán gái, chúa phong tình mà bây giờ lại chịu đứng chết dẫm đấy!
Thôi nói chi: đêm xuân một khắc nghìn vàng!
Hãy chịu khó: buồng văn chín tối nằm suông cả mười!
Trạng đoán thơ, thế mới đáng đời!
Theo luồng gió, cửa đóng rồi, thấy không?
Mái Tây mây phủ trăng trong!
Chạm tường núi lấp chập chùng bóng hoa!
Tha hồ con người ngọc vào ra,
Cô em vẫn giữ phép nhà đoan trang!
Mây mưa chừa thói nghĩ quàng!
Trêu hoa, ghẹo nguyệt, chớ màng mất công!
Thơ đừng làm, mà tờ cũng đừng hòng!
Trạng thì trạng thật, nhưng học chưa thông sách tình!
Thôi thưa cô, xin Văn Quân bớt giận làm lành!
Còn cậu! Em khuyên Tư Mã trở lại học hành là hơn!
Lời phê bình cả chương
[sửa]Văn chương, không gì hay bằng khúc chiết! Nếu được một thứ văn trăm khúc, nghìn khúc, muôn khúc, trăm chiết, nghìn chiết, muôn chiết, để cho ta được thả trí nghĩ vào, tìm cho ra đầu, cuối, rồi nhởn nhơ trong khoảng đó thì thật là một chuyện rất thú vị ở đời. Sao lại nói vậy? Tôi vì thương Song Văn lật thư mà nói vậy. Kìa như Song Văn với Quân Thụy, có thể gọi là chí tình. Chỉ có khi bắt đầu gặp gỡ, Quân Thụy trông thấy Song Văn, nhưng hoặc giả Song Văn chưa trông thấy Quân Thụy mà thôi! Từ đó trở đi thì chính mắt ta được trông thấy: trong đêm họa thơ đã phục về tài văn hay, trong hôm làm đám, lại nhìn rõ vẻ người đẹp. Vậy thì tấm lòng châu ngọc kia, tuy rằng ở cách tường, mà chẳng khác gì có xích ràng, khóa buộc. Huống chi không bao lâu lại thêm có chuyện phá giặc; không bao lâu lại thêm có chuyện lật hẹn. Như vậy, thực không làm sao được một chỗ vắng người để cùng ai sẽ cầm tay và sẽ hỏi thăm, thì khi đó chừ - tôi xin đem cái trường tình của các cô con gái đời nay mà đoán phỏng câu chuyện của một cô con gái đời xưa, người xưa và người nay khác nhau chắc cũng chẳng bao xa! - Có đợi gì mãi đến đêm "đáp thư" mới cho ai được gần kề vóc ngọc! Vì sao vậy? Cảm vì tài là một! Cảm vì đẹp là hai! Cảm vì ơn là ba! Cảm vì oán là bốn! Đem một tấc lòng non nớt, rất thông minh, rất trung hậu của Song Văn, mà nhất thời chứa nhiều mối cảm như thế, thì muốn nghìn cực chẳng đã, thế tất phải tràn lan ra ngoài khuôn phép. Đó là tình thường lẽ thường ở một người, không có chi lạ cả. Nếu vậy thì khi con Hồng đưa tin sang, cậu Trương gửi thư về, Oanh Oanh đáng lẽ phải mừng sợ khôn cầm, sướng hết chỗ nói, chẳng khác gì đóa mây ở trên trời, thình lình sa vào giữa bàn tay xinh xinh!... Chứ cớ sao lại nổi trận lôi đình? Mà khi đã nổi trận lôi đình, thì sao không đóng cửa tuyệt khách, cấm con Hồng không được ra viện sách, để còn dứt đường đi lại; mà lại còn viết thư trả lời? Mà lời lại toàn giọng trai lơ, để Quân Thụy phải mê tơi! Cho mãi đến khi chó sủa, khăn rơi, bấy giờ mới ra vẻ nghiêm trang, nặng lời nhiếc mắng và cự tuyệt. Như thế, tôi lấy làm ngờ. Nếu bảo rằng: Đó là con một ông Tướng quốc, gió xuân còn chửa được thổi, nắng xuân còn chửa được soi, những lời quái gở kia, từ đâu mà đưa lại? Cái đó, không sợ sao được? Mà đã sợ, không giận được sao? Thì bức thư của Quân Thụy viết, rõ ràng là tự Song Văn xui. Đêm trước khi cách song nghe đàn, chính tai con Hồng đã được nghe thấy... Nếu bảo rằng: Khi cách song nghe đàn, sở dĩ tỏ tình quyến luyến, là vì trong lòng thì nhớ ơn, mà ngoài mặt thì thẹn vì chuyện phụ ơn: Người ta cứu sống mình, mà mình đẩy người ta ra bên đường, dễ đành lòng sao được? Đến như bỗng dưng trêu ta bằng những lời quái gở, thì đó là vô lễ với ta. Thì đó là "đuổi loạn trước, rước loạn sau", Quân Thụy có hơn gì Phi Hổ. Như vậy, làm gì mà không giận? Thì tôi nghĩ: Nếu thực đem lòng giận mà không đoái hoài gì nữa, thì nên đem thư thưa với mẹ già, trước hãy phạt nặng con hầu vô phép, rồi đó đưa nhiều lễ tạ mà tiễn chàng đi ngay. Khi đó tất chàng cũng thẹn vì những lời nhảm nhí quá ư đường đột, chả còn mặt nào mà ở lại nữa. Đó là chước cao nhất. Vì bằng còn chưa nỡ quên ơn, thì xé thư đi mà khép cửa lại; mắng qua con hầu mà gác bỏ chuyện đó ra một bên... Kinh Thi cũng có câu: "Chớ quên ơn to, mà nghĩ oán nhỏ!" Ấy, cực chẳng đã thì dùng chước ấy! Chứ sao lại còn có chuyện viết và gửi thư trả lời? Nếu bảo rằng: Cần phải mắng cho, thì mới dứt tình được! Nếu không mắng cho, thì rồi ra chưa chắc đã tuyệt được nào! Mà đã mắng thì phải mắng cho tận mặt mới xong! Nếu không mắng vào tận mặt, cái con hầu đã chịu đưa thư hộ chàng kia, tất không chịu vì ta mà nói cho thống thiết! Thì đời thủa nhà ai lại có một người anh họ, lại ở về họ khác, lại mới có câu chuyện hôn nhân, lại luôn mấy ngày có những chuyện rắc rối, lại vừa mới quyến rũ ta bằng những lời nhảm nhí, vậy mà ta lại trả lời, hẹn người ta đêm mò vào vườn hoa, đem mặt đến để cho người ta mắng bao giờ! Vả chăng sách đã dạy: "lời nói là tiếng rủa lòng". Nay ta xem trong lúc giận dữ, vậy mà lại làm được một bài thơ bóng bẩy! Phát ra những tiếng rủ rỉ và thư thả đó, hỏi mối cảm trong lòng là mối cảm gì? Vả chăng, ta sở dĩ muốn mắng, chẳng qua vì cớ chàng vô lễ đó thôi! Vậy mà nay ta lại hẹn chàng trèo tường vào để chịu mắng; mắng xong lại bắt chàng phải trèo tường để về mà sửa lỗi; trong đời lại mới có cái việc như thế mà cho là có lễ sao?
Nếu vậy thì Song Văn sao lại có cái cử chỉ ấy?
- Thưa rằng đó là vì Song Văn là một người con gái rất tôn quý, rất hữu tình, rất thông minh và rất đài các ở trong đời!... Vì Song Văn là người tôn quý, cho nên nào các anh em họ xa, họ ngoại, nào các người trong bọn quan lại, tự tào, họ đi lại ra vào, nàng gặp kể cũng đã lắm. Trong đó tuy cũng có một đôi người có tài, có đức, song được như Quân Thụy thì chưa có ai! Một ngày kia bỗng thấy trong khoảng trời cao đất thấp lại có một người là Quân Thụy, làm cho nàng mắt đắm đuối nhìn, lòng xao xuyến động, đương không biết làm ra thế nào! Dè đâu từ miệng mẹ già, lọt vào tai gái thơ, lại là câu chuyện đẹp duyên, phỉ nguyền! Trời xui khiến chăng? Người gây dựng chăng? Song Văn là gái hữu tình, khi đó chắc đã chải mái tóc mới, ướm bức quần mới, đinh ninh nhắc nhỏm, ngóng tin xuân sắp đến nay mai! Tự cổ chí kim, các con gái trong đời, còn ai sướng bằng Song Văn khi ấy nữa! Vậy mà thình lình mở tiệc, thình lình lật hẹn! Trò gì những trò ấy? Khi đó bất tất Quân Thụy phải viết thư sang... Dù rằng Quân Thụy có học sách thánh hiền, quá ư câu nệ, chẳng viết thư sang nữa, thì Song Văn thực lòng cũng muốn viết thư sang... Vì sao mà tôi biết vậy? Thế biết vậy vì đêm nghe đàn... Trong đêm ấy tôi nghe thấy có những câu: "Giữa một hàng con tiện khẳng khiu, với vài lần giấy hồng điều bồi song, phải đâu mây nước muôn trùng, lấy ai tin tức đưa thông trong ngoài?" Đó chẳng phải là đã muốn gửi thư sang sao? Chẳng những thế mà thôi, trước đó sau khi họa vần, trước khi hứa gả đã thấy có những câu: "...Hai bài thơ mới bao nhiêu sự lòng! Lòng đôi bên cách một bức tường Đông, Kim vàng ai đó, xin giắt sợi chỉ hồng cho ai!" Đó lại chẳng phải là ý muốn gửi thư sang sao? Song Văn muốn gửi thư sang là chuyện rất sướng! Là điều vẫn mong đêm mong ngày mà chưa thấy. Là món mở rồi đọc, đọc rồi gấp, gấp rồi lại mở, mở rồi lại gấp, cho đến lúc chữ nhòe, giấy rách, mà vẫn chưa nỡ dời tay? Chứ sao lại có chuyện bừng bừng nổi giận? Song Văn sở dĩ bừng bừng nổi giận, ấy lại là vì cái thông minh của nàng... Lòng nàng cho rằng: Như Quân Thụy, thật là tay tài tử ở trong đời! Nếu chàng không thật là tay tài tử ở đời, thì sao ta lại say mê chàng đến quá như thế? Rồi lòng nàng lại nghĩ thầm: Ta là một cô gái đáng giá nghìn vàng, con quan Tướng quốc, dù ai có là tài tử nữa, ta cũng chả nên say mê quá đến như thế, thì cái quá đến như thế ấy, tưởng không nên để cho một người nào biết chuyện. Vì vậy Song Văn muốn viết thư cho Quân Thụy kể đã lâu lắm, nhưng liếc mắt thấy con Hồng đành phải thôi. Lại liếc mắt thấy con Hồng đành lại phải thôi. Cho đến luôn luôn liếc mắt thấy con Hồng đành luôn luôn là cứ phải thôi. Cái đó không lạ gì. Ở trong đời, chỉ có lòng ta là lòng của Quân Thụy, và chỉ có lòng Quân Thụy là lòng của ta, thế thôi! Đến như lòng con Hồng thì có sao lại là lòng của Quân Thụy được? Lòng con Hồng đã không thể là lòng của Quân Thụy, thì có sao lại là lòng của ta được? Cho nên Song Văn đã lâu vẫn muốn gửi thư cho Quân Thụy, nhưng chỉ ngại có con Hồng, là vì ý nàng không muốn cho một kẻ vẫn dòm trộm hai người, bỗng dưng lại biết được lòng của một người trong hai người ấy vậy. Một buổi sớm kia, trong nơi buồng kín, bên hộp nữ trang, lại sờ sờ có bức thư đây, cái đó không phải tự con Hồng, thì còn ai vào đây nữa? Mà con Hồng đã làm thế, thì là Quân Thụy đã nói ra rồi. Mà Quân Thụy đã nói rồi thì ra chàng ta đã đem ta mà nói hết với con Hồng, không còn tiếc rẻ gì nữa! Thì ta vẫn đã ngờ mà: Lúc nó về, không đi mà ra đi! Không cười mà ra cười! Không nói mà ra nói! Mọi ngày có dám vạch màn đâu! Vậy mà hôm nay nó dám đưa tay vạch! Mọi ngày có dám nhìn trộm đâu! Vậy mà hôm nay nó dám lật chăn nhìn! Mọi ngày nó có dám nói hỗn đâu! Vậy mà hôm nay nghiễm nhiên mỉa ta: lười đâu lười thế! Đó rõ ràng là những vẻ sau khi Quân Thụy đã nói hết với nó! Kể như ta là một bậc quý nhân, nhìn xuống một con hầu thơ yếu, có khó gì không bảo cho nó được biết tấm lòng của ta! Chỉ vì không chịu nổi những vẻ đó mà đành nín nhịn cho đến bây giờ! Cho đến bây giờ, mà ta có ngờ đâu cái con hầu thơ ấu này lại dám thế... Như vậy thì thà rằng ta quyết tuyệt hẳn với Quân Thụy cũng chẳng có sao! Chứ lấy mình là bậc quý nhân, ai mà chịu được những nước ấy! Ấy thiện tính của Song Văn đài các là thế! Thế nhưng đối với Quân Thụy, nàng không sao mà quyết tuyệt được!... Chẳng những không quyết tuyệt được, mà còn để đến nỗi không thể chậm một, hai ngày nữa mà không gặp nhau! Cầm lấy bút viết thật nhanh, rồi đề, rồi phong, rồi đưa tay cho nó, và nói dối rằng: Ta muốn bảo cậu ấy từ rầy đừng có thế nữa! Kỳ thực thì có phải thật muốn chàng từ rầy đừng thế nữa đâu! Thì thơ vẫn còn đây! Thơ rằng: "Cửa hé theo luồng gió... Trăng chờ dưới mái tây... Chạm tường hoa động bóng... Người ngọc đến đâu đây!" Muốn người ta đừng có thế nữa, mà lại nói như vậy sao? Vả chăng một bài thơ chưa đủ, lại còn có cả đầu đề. Đề rằng: "Trăng sáng đêm rằm". Muốn người ta đừng có thế nữa, mà lại thơ kia chưa đủ, phải đề thêm như thế nữa sao? Thực ra thì Song Văn là người hữu tình, mà cho là ai cũng hữu tình như mình... nàng lại là người thông minh, mà cho là ai cũng thông minh như mình... Vừa rồi ta nổi giận, thật là nóng nảy vô cùng. Chắc con Hồng thế nào cũng mách lẻo... Lại vừa rồi ta đưa thư cho nó, đã dặn đi dặn lại rằng: Ta muốn đừng có thế nữa. Chắc con Hồng thế nào cũng thuật lại... Quân Thụy biết ta giận lắm; lại biết khi ta đưa thư ân cần dặn rằng đừng có thế nữa; mà khi mở thư coi, lại thấy như thế, thì ta chắc hẳn ban đầu tuy giật mình, kế đó tuy hồ nghi, nhưng nghĩ kỹ lại, thì ai mà không hớn hở hiểu ra... Khi Quân Thụy đã hớn hở hiểu ra rồi, thì gấp mau thư mà cất đi, giả vờ than thở cho xong chuyện đi! Cám ơn con Hồng mà bảo về đi! Rồi đó nằm hoặc ngồi, thong thả mà chờ... Chờ đến canh khuya, cất lẻn mà sang... Chàng là tay tài tử ở đời, cớ sao không biết cách ba lần lật bàn tay, ba lần giơ ngón tay, như Thôi Thiên Ngưu ra hiệu với ả Hồng Phất? Thế mà lại không thế: Canh chưa khuya, người chưa vắng, ta đương thắp hương, con Hồng còn đứng đó, mà đã một mình xông xáo tìm vào, thì lại còn đem thơ ta mà nói hết cả với con Hồng, chả còn tiếc rẻ gì nữa! Đó là chuyện Song Văn đâu có ngờ! Mà cũng là chuyện Song Văn đâu có chịu! Lại cũng là chuyện Song Văn không nín nhịn được nữa! Ấy nàng là người tôn quý đài các, tính trời đã như vậy, có chừa bớt đi, thế nào được!
Cứ đó mà suy, thì "tán thơ" nào phải bản tâm của nàng, mà "lật thơ" lại càng không phải bản tâm của nàng! Vậy mà người đọc Mái Tây không xét, cứ thoáng mắt bỏ qua! Kỳ thực thì thứ văn trăm khúc chiết; nghìn khúc chiết; muôn khúc chiết ở đời, còn hơn đâu chương "lật thư" ở Mái Tây? Sao không chịu buông trí nghĩ tìm ra đầu cuối, để nhởn nhơ trong đó mà chơi? (Tả Song Văn như vậy, thật là một người con gái chưa quen những chuyện ấy! Có bao giờ đã viết thư hẹn cậu Trương mà còn giấu con Hồng? Thật vẽ ra một cô gái nghìn vàng vừa ngây thơ, vừa đài các, vừa đa tình, lại vừa thông minh, không phải là hạng con gái nhà đối cửa ở Lạc Dương vậy.)