Tô Hiến Thành

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tô Hiến Thành
của Hoàng Cao Khải

Khinh bề tài hóa, trọng cương-thường,
Lòng giãi hai triều một tiết sương.
Mặt bạc trách ai toan đổi trắng,
Chiếu son còn đó dám tham vàng!
Nhà yên, gà mái mai không giống gáy,
Nước vững, anh con cánh lại giương.
Phò chúa xin ai nên nghĩ lấy,
Nghìn năm bia miệng có Tô Trương.

Bài thơ này là khen ông Tô-hiến-Thành hết lòng phò chúa mà khuyên người đời sau phải nên lấy thế mà làm gương vậy.

Đại-ý nói rằng: « Nghĩa lợi bất lưỡng lập[1] ». Lợi là ích riêng của một nhà, nghĩa là ích chung của một nước: nhưng làm quan đại-thần ấy, đã lấy ích chung mà lo toan cho nước thời không nên lấy ích riêng mà thu vén cho nhà; bởi thế thời tài-hóa vốn phải nên khinh mà cương-thường vốn phải nên trọng. Như ông Tô-hiến-Thành phụ-chánh hai triều giúp vua Cao-Tôn, vua Anh-Tôn nhà Lý mà trước sau trọn lấy một tiết; tâm sự quang minh, như là bạch-nhật, tiết-tháo lẫm-liệt, giống thể thu sương[2].

Xem như đương buổi vua Anh-Tôn mất, để tờ di-chiếu lập vua Cao-Tôn, mà bà Thái-hậu có ý đổi thay, một thời hiếp đó lấy thế, một thời dụ đó lấy lợi, nếu khiến ông ấy mà tham của bất nghĩa, thời thay đen đổi trắng, nào có khó gì, thế mà ông khăng-khăng giữ lấy một niềm trung-ái, thế đã không sợ, lợi cũng không tham. Bởi thế mà bà Mẫu-hậu không được chuyên chế, thời gà mái buổi mai không gáy, mà vận nhà từ đó mới yên; ấu-chúa không đổi ngôi, thời anh con cánh lại giương bay, mà thế nước từ đó mới vững. Thế chẳng phải là trọng nghĩa khinh tài, khí-độ hơn người lắm ru!

Than ôi! Quân-tử tại triều, nước bao giờ cũng là thịnh, tiểu-nhân đắc chí, nước bao giờ cũng là suy. Kìa như ngươi Trương-phúc-Loan cũng là phò ấu-chúa, thế mà giam vua Hiếu-Khang, lập vua Hiếu-Định[3], mà nghiệp chúa Nguyễn từ đó mới suy. Xem với ông Tô chẳng là còn thẹn lắm thay! Ta khuyên những người có trách-nhiệm phò chúa ấy, không nên tham lấy chữ lợi mà phải giữ lấy chữ nghĩa cho tròn: Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

   




Chú thích

  1. Nghĩa với lợi không cùng đứng với nhau được, được cái nọ tất hỏng cái kia.
  2. Giọt sương mùa thu, trong lắm.
  3. Khi chúa Nguyễn là Võ-Vương mất (1765), quyền-thần là Trương-phúc-Loan đổi tờ di-chiếu, bỏ đức Chương-Võ (tức là Hoàng-khảo đức Gia-Long, sau truy tôn là Hiếu-Khang hoàng-đế), mà lập vua Định-vương (sau truy tôn là Hiếu-Định hoàng-đế) mới có 12 tuổi để được chuyên quyền làm bậy. Vì vậy mới sinh ra loạn Tây-Sơn.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.