Tôn Tử binh pháp/IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

IV

Thiên Hình

Tào Công rằng: nói cái hình của quân. Ta hành động, họ ứng lại, hai bên địch cùng dò xét nhau.

Lý Thuyên rằng: hình là nói cái hình chủ khách đánh giữ, tám trận năm dinh, âm dương thuận trái.

Đỗ-Mục rằng: nhân hình thấy tình, không hình thì tình kín, có hình thì tình hở, kín thì thắng hở thì bại.

Vương-Tích rằng: hình là cái hình nhất định, bảo hai địch mạnh yếu có cái hình nhất định. Người giỏi dùng binh thì có thể biến hóa cái hình, nhân bên địch mà giành lấy phần thắng lợi.

Trương-Dự rằng: nói cái hình đánh giữ của hai quân, ẩn vào trong thì người ta không thể biết, hiện ra ngoài thì bên địch lần tìm chỗ hở mà vào. Hình nhân đánh giữ mà tỏ ra, cho nên ở dưới Mưu-công.


Tôn-Tử nói: ngày xưa người thiện chiến, trước phải làm cách không thể thắng.

Trương-Dự rằng: ấy gọi là biết mình đó.


Để đợi cái chỗ có thể đánh thắng được bên địch.

Mai-Nghiêu-Thần rằng: tàng hình ở trong, để rình khi quân địch trống trải trễ biếng.

Trương-Dự rằng: ấy gọi là biết người đó.


Không thể thắng ở mình, có thể thắng ở kẻ địch.

Tào-Công rằng: nói tự sửa trị để chờ khi quân địch trống-trải, trễ-nải.

Đỗ-Hựu rằng: trước bàn hỏi ở chỗ miếu đường để tính sẵn sự nguy nan, rồi sau mới sâu hào cao lũy, khiến binh luyện tập. Lấy sự phòng giữ vững bền ấy để chờ khi quân giặc trống hở thì có thể thắng được. Nói sự chế biến ở ta, ta tự sửa trị để đợi khi quân địch trống-trải trễ-nải, khi thấy họ có cái hình trống-hở, bấy giờ mới có thể thắng được.


Cho nên người thiện chiến, có thể làm cách không thể thắng.

Đỗ-Mục rằng: không thể thắng, trên đây đã chú giải, tức là bảo sửa sang quân sự, giấu vết ẩn hình. Việc ấy ở mình, cho nên nói là có thể làm.

Trương-Dự rằng: giấu hình ẩn tích, ngày thường cũng phòng bị nghiêm cẩn, đó là việc mình có thể làm.


Không thể khiến được bên địch có cái cơ để mình tất thắng.

Đỗ-Hựu rằng: Nếu bên địch biết luyện tập binh lính, tính toán phải đường, lưu-ý phòng bị, thì cũng không thể cố cưỡng mà thắng được.

Đỗ-Mục rằng: kẻ địch nếu không có cái hình có thể nhòm được, không có sự trống-trải, trễ-nải có thể lấn được, thì ta tuy sẵn sàng những cái khí cụ để thắng, nhưng dễ hồ mà thắng được kẻ địch ư?

Trương-Dự rằng: nếu cái hình mạnh yếu của họ không tỏ ra ngoài thì ta cũng chẳng thể nhất định sẽ thắng được họ.


Cho nên nói rằng: thắng có thể biết.

Tào-Công rằng: thấy cái hình nó rõ ra.

Đỗ-Mục rằng: biết là biết cái sức của mình có thể thắng được bên địch.


Mà không có thể làm.

Tào-Công rằng: vì kẻ địch đã có phòng bị.

Đỗ-Mục rằng: nói ta không thể khiến kẻ địch trống trải, trễ nải để giúp cho sự thắng của mình.

Họ Hà rằng: cái thắng có thể biết là ở về ta, vì ta có phòng bị, cái thắng không thể làm là ở bên địch, vì địch không có hình.


Không thể thắng được thì giữ.

Đỗ-Mục rằng: nói chưa thấy bên địch có cái hình để mình có thể thắng được thì mình tàng hình làm ra bộ không thể đánh thắng để chỉ tự phòng giữ mà thôi.

Họ Hà rằng: chưa thấy cái hình thế hư thực của bên địch để mình có thể thắng được thì nên bền giữ.


Có thể thắng được thì đánh.

Lý-Thuyên rằng: người giỏi dùng binh giữ thì cao lũy bền vách, đánh thành thì sắm giá cao, thang dài, núi đất, đường hầm, bầy trận thì bên tả sông đầm, bên hữu gò đống, dựa vào phía trơ, hướng về phía trống, dõi theo chỗ ngờ, công kích chỗ hở, biết phân biệt năm lệnh để tiết chế quân sĩ, ỷ giốc thế bầy, đầu đuôi ứng tiếp. Như thế là cái hình mình không thể đánh thắng được. Không có những cái ấy là có thể thắng.

Đỗ-Mục rằng: quân địch có cái hình để cho mình đánh thắng được thì nên ra mà đánh.

Trương-Dự rằng: biết họ có cái lý để cho mình thắng, thì đánh vào lòng họ mà chiếm lấy.


Giữ thì không đủ, đánh thì có thừa.

Tào-Công rằng: ta sở dĩ giữ là vì sức không đủ, sở dĩ đánh là vì sức có thừa.

Mai Nghiêu-Thần rằng: giữ thì biết sức không đủ, đánh thì biết sức có thừa.

Trương-Dự rằng: ta sở dĩ giữ, vì cái đạo thủ thắng có bề không đủ, cho nên hãy đợi; ta sở dĩ đánh, vì cái sự thắng địch có phần hữu dư, cho nên ra đánh. Nói phi trăm phần thắng cả thì không chiến, muôn phần vẹn cả thì không đấu vậy. Người sau bảo không đủ là yếu, có thừa là mạnh là không phải.


Người giỏi giữ thì giấu ở dưới chín lần đất, người giỏi đánh thì động ở trên chín lần giời, cho nên có thể tự giữ mà toàn thắng.

Đỗ-Mục rằng: giữ thì vùi tăm diệt tích, kín tựa quỷ thần, như ở dưới đất, không ai biết đâu mà dò thấy, đánh thì lanh chân lớn tiếng, mau dường sâm sét, như hiện trên giời, không ai biết đâu mà phòng bị. Chín là cái số cùng cực cao sâu.

Mai Nghiêu-Thần rằng: chín lần đất nói sâu không thể biết, chín lần giời nói cao không thể lường, bởi phòng giữ kín mà đánh chác mau vậy.


Thấy thắng không hơn sự biết của mọi người, không phải người giỏi ở trong những người giỏi.

Tào Công rằng: Phải thấy từ lúc chưa tỏ hiện.

Họ Mạnh rằng: Phải thấy từ lúc chưa tỏ hiện: Nói hai quân đã giao, tuy liệu biết được thua nhưng sự đó không có gì là sáng suốt hơn người thường, vì chỉ thấy được cái hình gần chứ không xa xôi. Thái-công nói: Trí khôn chỉ như mọi người thường thì không phải là thầy nước.

Lý Thuyên rằng: Biết không hơn người thì cái biết ấy không giỏi. Hàn Tín phá Triệu, chưa ăn mà kéo ra tỉnh hình, bảo phá xong quân Triệu sẽ ăn. Các tướng đều không bằng lòng cả cũng gượng vâng nhời. Bèn bầy một cái trận xoay lưng xuống nước. Quân Triệu trèo lên tường thành trông thấy, đều cả cười, bảo tướng Hán không biết dùng binh. Hàn Tín bèn phá tan quân Triệu, chém Thành-an-quân. Cái điều biết ấy mọi người thường không thể biết được.

Đỗ Mục rằng: Sự thấy của mọi người, phá quân giết tướng mới biết rằng thắng, nhưng sự thấy của ta, trên chỗ miếu đường, trong khoảng be chén, đã biết rõ sự được thua rồi.

Trương Dự rằng: Mọi người xem biết khi đã thành đã rõ, riêng ta trông thấy khi chưa hình chưa hiện.


Chiến thắng mà thiên hạ khen giỏi, không phải là người giỏi trong những người giỏi.

Tào Công rằng: Nói giao tranh mà thắng.

Thái Công nói: Tranh thắng ở dưới lưỡi dao sáng nhoáng, không phải là bậc lương tướng.

Đỗ Mục rằng: Thiên hạ đây cũng như chương trên nói mọi người. Người thiên hạ đều khen rằng mình chiến-thắng, tức là đã thấy mình phá quân giết tướng.

Nhưng cái giỏi của ta là ở chỗ ngầm mưu lặng tính, đánh lòng đập mưu, cái ngày thắng địch lưỡi dao không hề vấy máu.

Trần Hạo rằng: Ngầm vận cái trí khôn chuyên đánh khi mưu hoạch, chưa chiến mà làm khuất phục được binh người, đó mới là người giỏi trong những người giỏi.


Cho nên nhắc được cái lông mùa thu, không phải là nhiều sức, trông thấy mặt giời mặt giăng, không phải là sáng mắt, nghe thấy tiếng sấm, tiếng sét không phải là sõi tai.

Tào Công rằng: Nói những cái dễ nghe dễ thấy.

Vương Tích rằng: Biết những cái mọi người đều biết, không phải là khôn, dùng sức giao chiến mà thắng người, không phải là giỏi.


Đời xưa gọi là người thiện chiến là thắng được kẻ địch trong khi dễ thắng.

Đỗ Mục rằng: Mưu của kẻ địch mới có mầm mống, ta ngầm vận động để phá đi, dùng sức ít mà chiến thắng nhỏ, cho nên gọi là dễ thắng.

Mai Nghiêu Thần rằng: Sức nhắc lông thu, sáng thấy nhật nguyệt, sõi nghe sấm sét, như thế thì chẳng hơn gì những cái sở năng của mọi người thường. Cho nên hễ thấy ở tỏ rệt thì thắng ở khó khăn, hễ thấy ở nhỏ mờ thì thắng ở dễ dãi.

Trương Dự rằng: Giao gươm tiếp mác rồi mới đè được kẻ địch thì sự thắng khó, nhìn mờ xét ẩn để phá từ lúc vô hình thì sự thắng dễ. Cho nên người thiện chiến thường đánh ở lúc dễ thắng mà không đánh ở lúc khó thắng.


Cho nên sự thắng của người thiện chiến không có cái tiếng khôn ngoan, không có cái công mạnh mẽ.

Tào Công rằng: Hình của quân địch chưa thành, cho nên khi thắng không có cái công lừng lẫy.

Đỗ Mục rằng: Thắng khi quân địch chưa tỏ ra, thiên hạ không biết, cho nên không có tiếng khôn ngoan; lưỡi gươm chưa từng vấy máu, nước địch đã phục, cho nên không có công mạnh mẽ.

Mai Nghiêu Thần rằng: Trí lớn không tỏ, công to không rõ. Thấy nhỏ, thắng dễ, ai hay dũng trí.

Họ Hà rằng: Tiêu được nạn từ lúc chưa hình, ai biết mình là người trí, không cần đánh mà người phải phục, ai biết mình là người dũng, Tử Phòng đời Hán, Bùi Độ đời Đường là những người thuộc vào hạng ấy.


Cho nên sự chiến thắng không hề sai chệch.

Trương Dự rằng: Dùng sức mà đánh để cầu thắng, tuy người giỏi cũng có khi bại, đàng này nhìn thấy từ lúc chưa hình, xét rõ từ lúc chưa thành, trăm trận đánh trăm trận được, không còn thể sai chệch được nữa.


Không sai chệch vì hễ dàn đặt tất là phải thắng, thắng cái quân địch đã bại.

Lý-Thuyên rằng: đặt sự thắng vào đám quân đã bại, còn sai chệch làm sao được. Đã bại là trỏ vào đám quân tướng nản binh lười, pháp lệnh bất nhất.

Đỗ-Mục rằng: đã nhìn thấy trước cái hình tất thua của kẻ địch, rồi sau mới đánh, cho nên thu được cái công tất thắng, không thể sai chệch.

Trương-Dự rằng: sở dĩ thắng được mà không sai, bởi xét thấy cái hình đã bại của bên địch, rồi sau mới dàn binh để mà thắng họ.


Cho nên kẻ thiện chiến đứng vào cái đất không thua mà không bỏ lỡ cái sự phải thua của kẻ địch.

Lý-Thuyên rằng: việc binh được đất thì hay, mất đất thì hỏng. Đất là cái chỗ yếu hại. Quân Tần đánh bại quân Triệu, bởi trước giữ được Bắc-sơn cho nên thắng, quân Tống đánh Yên, qua núi Đại-nghiễn cho nên thắng, đều là bởi chiếm được tất cả.

Trương-Dự rằng: pháp lệnh cho tỏ, thưởng phạt cho minh, khí dụng cho tinh, võ dõng cho sẵn, ấy là đứng vào cái đất không thua đó. Ta có tiết chế thì quân kia tự phải thui-lụi, ấy là không bỏ lỡ cái sự phải thua của kẻ địch đó.


Ấy cho nên quân thắng thì trước thắng rồi sau mới tìm cuộc chiến, quân bại thì trước chiến rồi sau mới tìm sự thắng.

Đỗ-Mục rằng: phàm sự công phạt, tất trước phải định kế ở trong, hiểu suốt tình hình của bên địch, cho nên lấy đông đánh vắng, lấy trị đánh loạn, lấy giầu đánh nghèo, lấy giỏi đánh không giỏi, lấy những quân sĩ huấn luyện, đánh bọn người chẳng biết việc quân là gì, nhân thế mà trăm trận đánh, trăm trận được. Ấy tức là cái nghĩa trước đã nắm vững sự thắng, rồi sau mới tìm cuộc chiến đó. Vệ-công Lý-Tĩnh nói: việc cần nhất của viên tướng, ở chỗ minh xét mà hòa đồng, mưu sâu mà nghĩ xa, hiểu thiên thời biết nhân lý. Nếu không liệu tài năng, không suốt quyền biến đến lúc lâm cơ ứng địch, rồi mới bối rối loanh quanh, ngó bên tả trông bên hữu, tìm bới chẳng ra kế gì, tin dùng những lời nói không đâu, tiến thoái hồ nghi, bộ ngũ lộn xộn, phỏng có khác gì đẩy dân chúng nhẩy vào lửa củi, xua trâu dê vồ thịt sói hùm hay không? Ấy tức là cái nghĩa trước chiến rồi sau mới tìm sự thắng đó.

Giả-Lâm rằng: không biết tình hình của người và của ta, đem quân khinh tiến, ý tuy cần thắng, nhưng tất sẽ phải bại.

Mai Nghiêu-Thần rằng: có thể thắng mà đánh, đánh thì sẽ thắng, chưa thấy có thể thắng mà đánh, thì thắng làm sao được!

Họ Hà rằng: phàm dụng binh trước định cái thế tất thắng, rồi sẽ ra quân. Nếu không tính trước mà muốn thị cường, thì sự thắng chắc gì nắm được.


Người giỏi dùng binh, sửa đạo mà giữ phép, cho nên có thể làm cái chính thắng bại.

Đỗ-Mục rằng: đạo là nhân nghĩa, phép là pháp chế. Người giỏi dùng binh, trước sửa trị nhân nghĩa giữ gìn pháp-chế, tự làm cái cách không thể thắng của mình để nhòm cái dịp tất phải bại của địch, như thế thì tất phải thắng.

Giả-Lâm rằng: thường tu cái đạo thắng của sự dùng binh, giữ cái phép tắc trong sự thưởng phạt. như thế thì sẽ thắng, nếu không thì tất bại, cho nên nói cái chính thắng bại.

Vương-Tích rằng: phép là trỏ năm việc dưới này.


Binh pháp một rằng đo.

Giả-Lâm rằng: nói đo đất cát.


Hai rằng lường.

Giả-Lâm rằng: lường sức người nhiều ít, kho đạn rỗng chắc.


Ba rằng đếm.

Giả-Lâm rằng: tính đếm thì nhiều ít sẽ biết, rỗng chắc sẽ thấy.


Bốn rằng cân.

Giả-Lâm rằng: cân để biết nhiều ít, lại biết cái đức nghiệp nặng nhẹ, cái tài năng hơn kém của người và ta.


Năm rằng thắng.

Tào-Công rằng: cái chính (chính sách chẳng hạn) thắng bại, cái phép dùng binh, nên lấy năm việc ấy cân lường để biết tình hình bên địch.

Trương-Dự rằng: đây là nói cái cách đóng dinh bầy trận. Lý-Vệ-Công nói: dạy quân như bày cờ trên bàn, nếu không vẽ đường thì quân cờ cũng chẳng thể dùng làm gì được.


Đất sinh ra đo.

Tào Công rằng: nhân hình thế đất mà đo.

Đỗ Mục rằng: đo nghĩa là tính. Nói đo xem của mình đất nước nhớn nhỏ, số dân nhiều ít, thuế má thu nhập, binh xa chắc cậy, núi sông hiểm dễ, đường xá cong thẳng, so với bên địch như thế nào, rồi sẽ khởi binh. Nay nhỏ không thể mưu nhớn, yếu không thể đánh mạnh, gần không thể úp xa, phẳng không thể đánh hiểm, đó là điều sinh ra ở đất, cho nên cần phải đo trước.

Mai Nghiêu Thần rằng: nhân đất mà đo thuế quân.

Vương Tích rằng: đất là cái mà người ta phải giẫm lên. Cất quân đánh chác, trước tính ở đất. Do đất cho nên sinh ra đo, đo là để đo xem dài ngắn cùng xa gần. Phàm hành quân đánh giặc, trước phải biết tính sự xa gần.


Đo sinh ra lường.

Đỗ Mục rằng: Lường là chước lượng. Nói đo đất đã kỹ, rồi mới có thể chước lượng sự mạnh yếu của người và ta.

Mai Nghiêu Thần rằng: nhân đo đất để lường tình giặc.

Họ Hà rằng: lường là chước lượng cái hình thế của người và mình.


Lường sinh ra đếm.

Tào Công rằng: Biết xa gần rộng hẹp sẽ biết được cả số người.

Lý Thuyên rằng: Lượng sự xa gần mạnh yếu của quân địch, nên phải biết cả cái số lính tráng quân nhu để mà thắng họ.

Giả Lâm rằng: lượng đất xa gần rộng hẹp, sẽ biết được bên địch số người nhiều ít.

Mai Nghiêu Thần rằng: nhân lường mà biết được số đếm nhiều ít.

Họ Hà rằng: đếm là nói về cơ biến. Trước phải chước lượng sự mạnh yếu lợi hại của người và ta, để sau sẽ tính cách cơ biến.

Trương Dự rằng: đất có cái hình rộng hẹp xa gần, trước phải đo cho biết, rồi sau mới lượng cái số người chứa được nhiều ít bao nhiêu.


Đếm sinh ra cân.

Tào Công rằng: cân nhắc xem mình với bên địch đằng nào hơn.

Lý Thuyên rằng: Phân số đã biết, lại phải biết những người hiền trí nhiều ít, được người hiền thì nặng, mất người hiền thì nhẹ, như Hàn Tín luận về Sở Hán hai bên vậy.

Mai Nghiêu Thần rằng: nhân số đếm để cân nặng nhẹ.

Vương Tích rằng: cân để cho biết nặng nhẹ mà hiểu cái hình thế mạnh yếu. Khi đã do những đo, lường, đếm, mà biết được xa gần, nhón nhỏ, nhiều ít của mình và bên địch, thì sẽ biết nặng nhẹ ở về bên nào.


Cân sinh ra thắng.

Tào Công rằng: Cân lường rồi sẽ biết được thua ở đâu.

Mai Nghiêu Thần rằng: nhân nặng nhẹ để biết được thua.

Vương Tích rằng: nặng thắng được nhẹ.

Họ Hà rằng: năm việc trên này là cách chưa chiến đã phải tính lấy sự tất thắng, cho nên Tôn-tử dẫn phép xưa để giải cái điều chất của sự thắng bại.

Trương Dự rằng: cân là cân bằng nhau. Hình đất với số người cân nhau thì thưa mau vừa phải, cho nên có thể thắng được. Úy-liêu-tử nói: không nhầm nhỡ là nhờ ở đo và đếm. Đo là nói về thước, tấc, đếm là nói về năm mười, đo để lượng đất, đếm để lượng quân, đất cùng quân xứng nhau thì thắng. Năm việc trên này đều nhân ở hình đất, cho nên từ đất mà sinh ra, Lý Tĩnh năm trận tùy hình đất mà biến, cũng là thế đó.


Cho nên quân thắng như lấy giật mà cân với thù.

Mai Nghiêu Thần rằng: cái sức nhắc lên dễ dàng lắm.


Quân bại như lấy thù mà cân với giật.

Tào Công rằng: nhẹ không thể nhắc nổi được nặng.

Lý Thuyên rằng: hai mươi lạng là một giật. Thù đối với giật, nhẹ nặng khác nhau, sự thua được lại cũng khác nhau như vậy.

Vương Tích rằng: nói thù với giật để rõ sự nhẹ nặng khác hẳn.

Trương Dự rằng: 20 lạng là một giật, 24 thù là một lạng. Đây nói cái quân có pháp chế với cái quân không có pháp chế, nhẹ nặng không thể so sánh được.


Sự đánh của quân kẻ thắng, như tháo cái khe nước chứa ở trên cao nghìn nhận, hình nó như vậy.

Tào Công rằng: tám thước là một nhận. Tháo nước nghìn nhận, thế chẩy mau gấp.

Lý Thuyên rằng: tám thước là nhận, nói cái thế mạnh. Đỗ Dự đánh Ngô, nói việc binh như chẻ nứa, sau khi đã chẻ được vài đốt thì chỉ hất mũi nhọn là toác ra hết, tức là nghĩa ấy.

Mai Nghiêu Thần rằng: Nước tháo cái khe nghìn nhận, khôn lường được mau lẹ, binh động ở trên chín giời, khôn thấy được dấu vết, đó là cái hình của quân.

Trương Dự rằng: tính nước tránh chỗ cao, xô chỗ thấp, khơi nó chẩy xuống đợt sâu thì nó chẩy bồn cồn không ai cản được. Hình của binh cũng tựa như nước, đè khi quân địch không phòng bị, đánh lúc quân địch bất thình lình, tránh chỗ chắc, nhằm chỗ rỗng, cũng chẳng thể ai ngăn được. Có người nói: Cái khe nghìn nhận tức là một cái vực thăm thẳm, không ai lường được sự sâu nông của nó, đến khi khơi cho chẩy xuống thì cái thế không ai cản nổi. Như người giỏi giữ náu hình ẩn vết, giấu ở dưới chín lần đất, kẻ địch không biết đâu mà lường mạnh yếu, đến khi thừa hư kéo ra thì cái thế mạnh mẽ không ai đương nổi.