Bước tới nội dung

Tôn Tử binh pháp/V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

V

Thiên Thế

Tào-Công rằng: dùng binh khiến thế.

Vương-Tích rằng: thế là dồn tích cái thế nó biến đổi. Người thiện chiến thì biết dùng thế để thu lấy phần thắng không phải nhọc sức.

Trương Dự rằng: thế binh gây thành, rồi sau dùng thế để thu lấy phần thắng cho nên ở dưới thiên hình.


Tôn tử nói: phàm trị nhiều như trị ít, bởi vì đã có phân số.

Tào-Công rằng: bộ khúc là phân; thập ngũ là số.

Lý-Thuyên rằng: phàm giỏi dùng binh, tướng khua một tiếng chiêng, cất một ngọn cờ thì ba quân đều ứng theo hết, hiệu lịnh đã định thì tuy nhiều cũng như ít vậy.

Đỗ-Mục rằng: phân là chia biệt, số là số người, nói bộ khúc hàng ngũ đều phân biệt số người nhiều ít, cất dùng các chức thiên, tỳ, trưởng, ngũ, mọi sự huấn luyện thăng giáng đều giao phó cho, cho nên ta chỉ phải trông coi có ít. Tức như Hàn Tín nói nhiều nhiều càng tốt đó.

Trần Hạo rằng: số binh tụ họp đã nhiều thì nên chia ra nhiều bộ ngũ, trong mỗi bộ ngũ, đều có một kẻ tiểu lại để chủ trương, cho nên chia ra số người khiến giữ việc huấn luyện quyết đoán, gặp giặc, ra trận thì trao cho phương lược, như vậy thì ta thống quản tuy nhiều mà chỉ phải coi trị có ít.

Vương-Tích rằng: phân số là nói bộ khúc, những chức thiên tỳ đều có bộ phận cùng nhân số ở dưới quyền mình như sư, lữ, tốt, lưỡng chẳng hạn.

Trương-Dự rằng: thống quân đã nhiều, tất trước phải chia ra những chức thiên tỳ, định ra cái số hàng ngũ, khiến không lộn sộn rồi sau mới có thể dùng được. Cho nên cái phép trị binh, một người là độc hai người là ty, ba người là tham, ty cùng tham hợp lại là ngũ, năm người là liệt, hai liệt là hỏa, năm hỏa là đội, hai đội là quan, hai quan là khúc, hai khúc là bộ, hai bộ là hiệu, hai hiệu là tỳ, hai tỳ là quân, bậc nọ thống thuộc vào bậc kia, đều riêng giữ việc huấn luyện, tuy trị quân trăm vạn cũng như là trị ít vậy.


Ba quân đông đúc, có thể khiến thụ địch cả mà không thua, bởi vì đã có kỳ chính.

Tào-Công rằng: ra trước hợp đánh là chính, ra sau là kỳ.

Lý-Thuyên rằng: đạo quân đối địch giữa mặt giặc là chính, đạo quân chà chạnh là kỳ. Đem ba quân đi mà không có kỳ binh, chưa thể cùng người tranh giành phần lợi được. Đời Hán, Ngô-vương-Ty đem quân vào thành Đại-lương, tướng Ngô là Điền-bá-Lộc nói với Ngô-vương rằng: quân chụm cả lại để tiến về phía tây, không có một đạo kỳ binh nào thì khó mà lập công được. Thần xin được đem 5 vạn người, do ngả sông Giang sông Hoài mà tiến lên thu lấy Hoài-nam, Tràng-sa rồi tiến vào Võ-quan, cùng với Đại-vương hội họp. Đó cũng là một đạo kỳ binh. Ngô-vương không nghe, bèn bị Chu Á-Phu đánh bại. Đó là có chính mà không kỳ.

Giả-Lâm rằng: cản giặc thì dùng chính trận, thủ thắng thì dùng kỳ binh, trước sau tả hữu đều có thể tiếp ứng nhau được, như thế thì thường được mà không thua vậy.

Mai Nghiêu-Thần rằng: động là kỳ, tĩnh là chính, tĩnh để đợi, động để thắng.

Trương Dự rằng: Ba quân tuy đông, nhưng khiến người người đều thụ địch cả mà không thua là bởi ở có kỳ có chính. Cái thuyết kỳ chính, các nhà nói không giống nhau. Úy-liêu-tử thì nói: Chính binh quý ở đi trước, kỳ binh quý ở đi sau; Tào Công thì nói: ra trước hợp đánh là chính, ra sau là kỳ; Lý Vệ-công thì nói: binh lấy tiến về trước là chính, lùi lại sau là kỳ, đó đều là lấy chính làm chính, lấy kỳ làm kỳ, chứ không nói đến cái nghĩa tuần hoàn biến đổi. Duy Đường Thái-tông nói: lấy kỳ làm chính, khiến cho kẻ địch coi làm kỳ, rồi ta mới lấy chính mà đánh, hỗn hợp lại làm một phép, khiến cho quân địch không lường được. Lời nói ấy thật là rất tường.


Binh đánh vào đâu, như lấy hòn đá gieo vào quả trứng, cái hư cái thực như vậy.

Tào-Công rằng: Lấy cái chí thực đánh cái chí hư.

Họ Mạnh rằng: Binh nếu huấn luyện thành thục, bộ đội phân minh, lại biết liệu rõ địch tình, biết tường hư thực, sau mới đem binh tới đánh, thực không khác gì lấy hòn đá đập vào quả trứng.

Trương Dự rằng: Thiên dưới nói: Người thiện chiến thì làm cho người phải đến mà mình không phải tự đến, ấy là cái phép hư với thực, người với ta đó. Nhử bên địch đến thì thế họ thường lui mình không phải đến thì thế mình thường thực, lấy thực đánh hư như cầm hòn đá đập quả trứng, sự vỡ là chắc chắn lắm. Nay hợp quân tụ lính, trước phải định về phân số, phân số rõ rồi sau tập về hình danh hình danh chính rồi sau chia ra kỳ chính, kỳ chính tỏ rồi sau hư thực sẽ rõ vậy. Ấy bốn việc sở dĩ thứ tự là như thế.


Phàm chiến đấu, lấy đạo chính để hợp, lấy đạo kỳ để thắng.

Tào Công rằng: Chính thì trọi thẳng với quân địch kỳ thì do bên cạnh mà đánh chỗ họ không phòng bị.

Mai Nghiêu-Thần rằng: dùng quân chính để hợp chiến[1], dùng quân kỳ để thắng địch.

Họ Hà rằng: Như đời Chiến-quốc, Liêm Pha làm tướng nước Triệu, sứ-giả nước Tần đến nói phản gián rằng: Tần chỉ sợ nhất có Triệu Quát mà thôi, chứ Liêm Pha thì dễ trị lắm, sẽ hàng ngay đấy. Nhân lúc quân Pha trốn bỏ mất nhiều, đánh nhau thường bị thua luôn, Pha bèn đóng vững không ra đánh. Vua Triệu thấy thế lại nghe lời phản gián của Tần, bèn cử Quát để thay cho Pha. Quát đến thì đem quân đánh Tần, quân Tần giả vờ thua mà chạy rồi phái hai đạo kỳ binh để chờ đánh úp. Quân Triệu đuổi tràn đến sát tận lũy Tần, lũy bền chống vững không thể vào được, rồi chợt 2 vạn 5 nghìn kỳ binh của Tần chặn sau quân Triệu, lại 5 nghìn quân kỵ nữa chặn gần lũy Triệu. Quân Triệu bị chia làm hai, đường lương nghẽn đứt, Quát phải thua vỡ.

Trương Dự rằng: Hai quân gặp nhau, trước lấy quân chiến để cùng nhau hợp chiến, rồi mới phái những kỳ binh, hoặc sấn vào bên cạnh, hoặc đánh vào phía sau, để mà thủ thắng, như Trịnh Bá chống quân nước Yên lấy ba quân dàn ở mặt trước, rồi đem quân ngầm đánh ở mặt sau đó.


Cho nên người giỏi đánh lối kỳ-binh thì vô cùng như là giời đất.

Lý-Thuyên rằng: Nói sự động tĩnh.


Bất kiệt như là sông nguồn.

Đỗ Hựu rằng: Nói sự ứng biến xuất kỳ không biết đâu là cùng kiệt.

Lý Thuyên rằng: nói lưu thông bất tuyệt.


Sau rồi lại trước là nhật nguyệt, chết rồi lại sống là bốn mùa.

Trương Dự rằng: Nhật nguyệt vần xoay, lặn rồi lại mọc, bốn mùa thay đổi, thịnh rồi lại suy, nói ví với kỳ chính hóa, phân vân trẫn trộn, sau trước không cùng vậy.


Tiếng không quá năm.

Lý Thuyên rằng: Tiếng có năm bậc là cung, thương, giốc, chủy, vũ.


Thế mà năm tiếng biến hóa thì không thể xiết nghe.

Lý Thuyên rằng: Khi năm tiếng ấy biến vào bát âm thì những khúc nhạc tấu thật không nghe hết.


Sắc không quá năm.

Lý Thuyên rằng: sắc có năm là xanh, vàng, đỏ, trắng, đen.


Thế mà năm sắc biến hóa thì không thể xiết xem.


Vị không quá năm.

Lý-Thuyên rằng: năm vị là chua, cay, mặn, ngọt, đắng.


Thế mà năm vị biến hóa thì không thể xiết nếm.

Tào-Công rằng: từ câu vô cùng như giời đất trở xuống đều là ví sự vô cùng của kỳ với chính.

Đỗ-Mục rằng: từ câu vô cùng như giời đất giở xuống đều là ví sự kỳ chính của bát trận.

Trương-Dự rằng: dẫn nói sự biến hóa của năm tiếng, năm sắc, năm vị để ví những phép kỳ chính sinh đẻ ra vô cùng.


Kỳ chính cái nọ đẻ ra cái kia, như cái vòng xoay tròn không có đầu mối, chẳng thể nào cùng được.

Lý-Thuyên rằng: kỳ chính dựa vào nhau mà sinh ra như cái vòng xoay tròn không biết đến đâu là chỗ cùng.

Trương-Dự rằng: kỳ cũng là chính, chính cùng là kỳ, biến hóa mà cùng sinh ra nhau, như quay một cái vòng không có gốc ngọn, còn đi đến chỗ cùng sao được.


Loạn sinh ra ở trị, nhát sinh ra ở mạnh, yếu sinh ra ở khỏe.

Lý Thuyên rằng: Cậy rằng đã trị, không chịu vỗ về người dưới để nhiều người oán, loạn tất phải sinh.

Đỗ Mục rằng: Nói muốn vờ làm vẻ loạn để nhử kẻ địch, trước phải rất trị, rồi sau mới có thể vờ loạn được; muốn vờ làm vẻ nhát để dò kẻ địch trước phải rất mạnh, rồi sau mới có thể vờ nhát được; muốn vờ làm vẻ yếu để nống kẻ địch, trước phải rất khỏe, rồi sau mới có thể vờ yếu được.

Mai Nghiêu Thần rằng: Trị thì có thể giả làm loạn, mạnh thì có thể giả làm nhát, khỏe thì có thể giả làm yếu.

Họ Hà rằng: Đó là nói khi giao chiến làm ra những binh thế kỳ chính để phá quân địch. Quân ta vốn trị tướng ta vốn mạnh, thế ta vốn khỏe, nhưng nếu không giấu cái trị, cái mạnh, cái khỏe, thì sao nhử được quân địch đến?


Mạnh nhát là ở thế.

Lý Thuyên rằng: Việc binh hễ được thế thì nhát cũng hóa mạnh, mất thế thì mạnh cũng hóa nhát. Binh pháp không có nhất định, chỉ nhân ở thế mà thành đó mà thôi.

Trần Hạo rằng: Mạnh là hăm hở, nhát là rụt rè. Kẻ địch thấy ta muốn tiến lại không tiến, bèn cho ta là nhát, tất có cái bụng khinh thường.

Ta nhân sự trễ nải của họ, mượn thế để đánh.

Trương Dự rằng: thực mạnh mà giả vờ là nhát, nhân ở cái thế. Tướng Ngụy là Bàng-Quyên đi đánh nước Hàn, tướng Tề là Điền Kỵ đi cứu, Tôn Tẫn bảo với Kỵ rằng: quân Tam Tấn vốn mạnh tợn mà khinh nước Tề, Tề vẫn mang tiếng là nhát. Kẻ thiện chiến là phải biết nhân cái thế mà khoi lấy lối lợi cho mình. Bèn đem quân Tề vào đất Ngụy, rồi hằng ngày cứ giảm dần số bếp. Quyên nghe thấy cả mừng mà rằng: Ta vốn biết Tề vẫn nhát mà! Bèn đi gấp đường đuổi theo, rồi bị đánh thua ở Mã-lăng.


Khỏe yếu là ở hình.

Đỗ-Mục rằng: lấy khỏe làm yếu, phải tỏ ra ở hình, như chúa Hung-nô đem những quân già yếu phô ra với Lâu-Kính đó.

Vương-Tích rằng: khỏe yếu là ở cái hình biến đổi.

Trương-Dự rằng: thực khỏe mà vờ tỏ ra yếu là thấy ở hình. Hán-Cao-Tổ muốn đánh Hung-nô, sai sứ đi dò thăm xem. Hung-nô giấu hết những lính khỏe ngựa béo, chỉ bầy ra những người gầy vật ốm. Sứ giả mười bọn đi về, đều nói là nên đánh. Duy Lâu-Kính nói: hai nước đánh nhau, nên phô phang ra những cái giỏi cái hay, nay họ chỉ phô bầy những cái già yếu, vậy chắc là có kỳ binh, ta không nên đánh. Vua không nghe, rồi quả bị vây ở Bạch-đăng.


Cho nên hễ khéo khêu động bên địch, phải tỏ ra ở cái hình, bên địch tất theo.

Tào-Công rằng: tỏ ra cái hình gầy yếu.

Lý-Thuyên rằng: khéo nhử kẻ địch thì có thể khiến kẻ địch phải tiến hay phải thoái. Quân Tấn sang đánh Tề, dọn dẹp núi đầm, tuy chỗ không đến cũng cắm cờ dàn trận lưa thưa, lại kéo củi theo nữa. Người Tề trèo lên núi để trông quân Tấn, thấy cờ quạt phơi phới và cát bụi mịt mù, cho là quân Tấn rất nhiều, đương đêm phải lẻn trốn. Nước Tề sang đánh nước Ngụy, tướng Tề là Điền-Kỵ dùng mưu của Tôn-Tẫn, giảm bếp mà kéo đến Đại-Lương. Tướng Ngụy là Bàng-Quyên đuổi theo và nói: quân Tề sao mà nhát thế? Vào cõi nước ta, trốn đi dần dõi mất đến nửa. Rồi đến Mã-lăng, bị quân Tề đánh bại, Bàng-Quyên phải giết, và Thái-tử Ngụy bị bắt sống. Ấy cái hình tỏ ra yếu kém, mà quân địch theo ngay như thế đấy.

Đỗ-Mục rằng: không phải chỉ phô ra cái hình gầy yếu mà thôi. Đây nói ta mạnh mà địch yếu thì ta phô ra cái hình gầy yếu, để khêu động cho họ lại; nhưng nếu ta yếu mà địch mạnh thì ta phải phô ra cái hình khỏe mạnh để khêu động cho họ đi. Sự động tác của kẻ địch, đều phải theo ta chầm chập. Tôn-Tẫn nói: nước Tề mang tiếng là nhát, bọn ba nước Tấn họ vẫn coi khinh. Nay sai vào cõi đất nước Ngụy làm 10 vạn bếp ngày hôm sau làm rút xuống 5 vạn bếp. Bàng Quyên nước Ngụy thấy thế đem quân đuổi mà nói: Quân Tề sao mà nhát thế, vào nước ta, lính tráng bỏ trốn đến quá nửa. Nhân đuổi theo gấp, đến con đường hẹp ở Mã-lăng. Tại đấy, Tẫn đã đẽo vỏ thân cây viết vào mấy chữ rằng: « Bàng-Quyên chết ở dưới cây này ». Và cho những tay nỏ phục ở cạnh đấy, ra lệnh rằng: hễ thấy lửa sáng thì tức là Quyên đến, bật lửa để đọc, vậy muôn nỏ đều chĩa cả vào mà bắn. Bàng-Quyên quả phải chết ở đấy. Đó là tỏ cái hình gầy yếu để khêu động Bàng-Quyên, khiến phải theo mình mà đi vào đường chết.


Ta cho, kẻ địch tất lấy.

Tào-Công rằng: lấy lợi nhử kẻ địch, họ sẽ phải rời bỏ đồn lũy, ta lấy cái thế tiện mà đánh vào chỗ trống trải trơ trọi.

Đỗ-Mục rằng: Tào-Công cùng Viên-Thiệu giữ nhau ở Quan-độ, Tào-Công men sông đi về phía tây, Thiệu qua sông đuổi theo. Công đóng trại ở Nam-bản, xuống ngựa cổi yên. Bấy giờ xe ngựa đồ đạc bừa bãi ở đường, các tướng bảo quân kỵ của địch kéo đến rất nhiều, chi bằng thu xếp đem về trại. Tuân-Du nói: các đó cốt để nhử quân địch, sao lại đem về. Tướng Thiệu là Văn-Xú cùng Lưu-Bị đem 5, 6 nghìn quân kỵ trước sau tiếp đến, có những toán xô nhau đến lấy các đồ quân dụng. Tào-Công nói: được rồi. Bèn đều lên ngựa. Quân kỵ của Tào chỉ có không đầy 6 trăm người mà cả phá được quân Viên-Thiệu, chém chết Văn-Xú.


Cho nên kẻ thiện chiến, chỉ tìm ở thế chứ không trách ở người.

Đỗ-Hựu rằng: nói cái đạo được thua tự mưu ở trong chứ không trách ở người dưới Trách ở người dưới là gắt gưởi tướng sĩ bắt phải cố đánh.

   




Chú thích

  1. Hai bên dàn trận rồi xô vào đánh nhau là hợp chiến.