Bước tới nội dung

Tôn Tử binh pháp/VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VI

Thiên Hư Thực

Lý Thuyên rằng: người giỏi dùng binh, lấy hư làm thực, người giỏi phá địch, lấy thực làm hư, cho nên thiên này ở dưới những thiên trên.

Đỗ-Mục rằng: này việc binh tráng chỗ thực đánh chỗ hư, trước phải nên biết sự hư thực của người và mình.

Vương Tích rằng: phàm tự giữ thì lấy thực, đánh giặc thì lấy hư.

Trương Dự rằng: Thiên Hình nói đánh giữ, thiên Thế nói kỳ chính. Người giỏi dùng binh trước phải biết cái cách đánh giữ vững-vàng, sau sẽ biết kỳ chính; trước phải biết cái thuật kỳ chính biến hóa, sau sẽ biết hư thực. Bởi kỳ chính tự việc đánh giữ mà dùng, hư thực do chỗ kỳ chính mà thấy. Cho nên thiên này ở dưới thiên Thế.


Tôn Tử nói: Phàm ở trước tại chiến địa mà đợi quân địch thì nhàn rỗi.

Tào Công, Lý Thuyên đều rằng: Như thế thì sức có thừa.

Trương Dự rằng: Cái đất hình thế, mình giữ được trước, ngồi mà đợi quân địch kéo đến, thì binh mã nhàn rỗi, sức lực có thừa


Đến sau ở chiến địa mà ứng chiến thì vất vả.

Họ Mạnh rằng: Nếu bên địch đã ở cái chỗ tiện thế, mình mới đến sau, thì binh mã khó nhọc, không có phần lợi.

Lý Thuyên rằng: Như thế thì sức không đủ, sách Thái-nhất độn-giáp rằng: Họ đến đánh ta thì ta là chủ, họ là khách, chủ dễ khách khó. Cho nên sách Thái-nhất độn-giáp nói về cái nghĩa định kế. Vậy biết nhọc và nhàn việc chẳng giống nhau, trước và sau thế khác.


Cho nên kẻ thiện-chiến, làm cho người đến mà không đến với người.

Đỗ-Hựu rằng: nói hai quân xa nhau, mạnh yếu bằng nhau, ta nên khiến họ vượt hiểm mà đến, chứ ta không nên tự vượt hiểm mà đi, nên nhử cho họ đến với mình, chứ đừng phải tìm theo họ.

Đỗ-Mục rằng: nhử cho họ đến với mình, mình ngồi chứa sức lực để đợi. Không đến với họ, vì sợ mình nhọc vậy.


Khiến được kẻ địch tự đến, là lấy lợi mà nhử.

Lý Thuyên rằng: lấy lợi mà nhử, kẻ địch sẽ từ xa tìm đến, tức như tướng Triệu là Lý-Mục nhử Hung-nô đó.

Đỗ-Mục rằng: Lý-Mục thả bừa những trâu, dê, binh sĩ đầy đồng, Hung-nô mới thử kéo một đội nhỏ vào, Mục đã giả thua mà chạy, bỏ lại đến mấy nghìn người; chúa Hung-nô cả mừng, bèn kéo ùa vào, Mục đánh cả phá được, giết được 10 vạn quân kỵ của Hung-nô, chúa Hung-nô chạy, từ đấy hơn một năm không dám phạm vào biên-cảnh.


Khiến được kẻ địch không đến, là lấy hại mà dọa.

Tào Công rằng: ra cái chỗ họ phải săn, đánh cái chỗ họ phải cứu.

Đỗ-Hựu rằng: ra cái chỗ họ phải săn, đánh cái chỗ họ phải cứu, chẹn giữ con đường hiểm yếu. khiến họ không thể tự đến được. Cho nên Vương-tử nói: một mèo ngồi ở cửa hang, muôn con chuột không dám thò ra, một hổ phục ở bên khe, muôn con hươu không dám đi qua.

Đỗ-Mục rằng: Tào-Công đánh Hà-bắc, quân đóng ở Đốn-khau, giặc Hắc-sơn là bọn Vũ Độc đến đánh Vũ-dương, Tào-Công bèn dẫn quân vào núi đánh đồn gốc của Độc, Độc nghe tin phải bỏ Vũ-dương mà về, Tào-Công đón đánh ở trong cả phá được.

Trần Hạo rằng: tức như Tử Tư làm mỏi quân Sở, Tôn Tẫn đuổi tướng Ngụy đó.


Cho nên kẻ địch họ nhàn có thể làm cho họ nhọc.

Tào-Công rằng: cới việc ra để phiền quấy họ.

Lý Thuyên rằng: đánh chỗ bất ý khiến họ mỏi nhọc vì chạy chọt.

Đỗ-Mục rằng: Cao Cảnh nói cái kế bình định nước Trần với Tùy-tổ rằng: Xứ Giang-bắc lạnh, lúa gặt muộn hơn, xứ Giang-nam nóng, lúa má chín sớm. Ta liệu khi họ gặt hái, đem quân lên ngựa tuyên truyền lên là sẽ sang đánh úp, họ nghe tin tất phải họp binh phòng ngữ, đủ phải bỏ cả việc đồng ruộng. Họ đã họp binh, ta lại giải giáp, như thế là người Trần đủ phải khốn khổ.

Họ Hà rằng: Đời Xuân-thu Ngô-vương Hạp Lư hỏi Ngũ Viên rằng: Nay ta muốn đánh Sở nên như thế nào? Ngũ Viên thưa rằng: Nên chia ra ba toán quân để làm cho họ mệt. Một toán đến họ tất đều ra, họ ra ta về, họ về ta ra, họ tất phải lử ở dọc đường. Khi đã làm nhiều cách để họ nhọc mệt bấy giờ ta đem cả ba toán nối tiếp mà đánh, tất là phải được lớn. Hạp Lư nghe theo, nước Sở nhân thế phải ốm dở, Ngô bèn vào thành Dĩnh.


Họ no, có thể làm cho họ đói.

Tào Công rằng: Cắt đường lương để cho họ đói.

Lý Thuyên rằng: Đốt cháy kho đạn, phá hủy lúa má, cắt đứt đường lương, đều có thể làm cho bên địch phải đói. Ta là chủ, địch là khách, thì có thể cắt đứt đường lương làm cho họ đói, nhưng nếu ta là khách, địch là chủ, thì ta phải làm thế nào? Đáp rằng: Cái thuật làm đói bên địch, không phải chỉ có một cách cắt đường lương, bất cứ cách gì làm cho họ phải đói là được. Cao Cảnh nhà Tùy bàn kế bình Trần rằng: Giang-nam đất xấu, nhà cửa phần nhiều bằng gianh, họ có vật chứa đựng, đều ở đấy cả. Nên mật sai người nhân gió phóng lửa, đợi khi họ dựng lại, ta lại đốt nữa. Chỉ sau vài năm thì họ sẽ mất, hết cả của lẫn sức. Nhà Tùy làm theo kế ấy, nhân thế mà nhà Trần ngày càng khốn đốn. Cuối đời nhà Tùy, Vũ-văn Hóa-Cập đem quân đánh Lý Mật ở Lê-dương. Mật biết Hóa-Cập lương ít, bèn giả vờ giảng hòa để quân Hóa-Cập phải tự hỏng. Hóa-Cập cả mừng, cho quân cứ ăn bừa, chắc sẽ có Mật cung cấp cho. Về sau lương hết, tướng là bọn Vương Tri-Lược, Trương Đồng-Nhân đem quân bản bộ về theo với Mật, trước sau nối tiếp, Hóa-Cập nhân thế phải bại.


Họ yên có thể làm cho họ động.

Tào-Công rằng: Đánh cái chỗ họ tất giữ, ra cái chỗ họ tất săn, sẽ khiến kẻ địch không thể không đi cứu.

Họ Hà rằng: đánh vào chỗ họ yêu tiếc, họ há có thể ngồi yên nhìn mà không nhúc nhích được sao!


Ra cái chỗ họ tất săn, săn cái chỗ họ bất ngờ.

Tào Công rằng: khiến kẻ địch không thể không đi cứu được.


Đi nghìn dặm mà không nhọc, ấy là đi trong chỗ không người.

Tào-Công rằng: ra chỗ không, đánh chỗ hư, tránh chỗ giữ vững, đánh chỗ bất ý.

Trần Hạo rằng: nói chỗ trống không, không cứ là chỗ quân địch không phòng bị, song phòng bị mà không nghiêm trấn, giữ mà không vững, tướng yếu, binh loạn, lương ít, thế cô, ta viện quân kéo đến họ theo chiều gió mà tự vỡ. Thế là ta không khó nhọc, như đi vào chỗ không người vậy.

Họ Hà rằng: Tào-Công tiến lên bắc đánh rợ Ô-Hoàn, mưu thần là Quách Gia nói: binh quý thần tốc, nay nghìn dậm đi đánh úp người, đồ tri trọng nhiều, khó mà thu được phần lợi; vả họ nghe tin, tất là phòng bị sẵn. Chẳng bằng để đồ tri trọng lại, đem khinh binh đi gấp đường để đánh úp trong lúc bất ý. Công bèn mật đi ra cửa ải Lư-long, thẳng chỉ đến triều đình nước rợ. Quân rợ chợt nghe Công đến hoảng sợ, Công hợp đánh cả phá được, chém được Tháp-Đặc cùng những vị danh vương trở xuống.


Đánh mà muốn lấy được, phải đánh vào chỗ họ không giữ.

Đỗ Mục rằng: dọa đàng đông, đánh đàng tây, nhử đàng trước, úp đàng sau.

Trương Dự rằng: người giỏi đánh như dậy động trên chín lần giời, khiến kẻ địch không biết đâu mà phòng bị được, vậy chỗ nào ta đánh tức là chỗ kẻ địch không giữ.


Giữ mà muốn vững được, phải giữ cả chỗ họ không đánh.

Đỗ Mục rằng: chỗ không đánh còn giữ, huống hồ là chỗ đánh ư? Thái-úy nhà Hán là Chu Á Phụ khi đánh bẩy nước ở Xương-ấp, giặc đổ xô đến đóng ở góc đông nam, Á Phụ sai phòng bị ở góc tây bắc. Thoắt chốc giặc đem những tinh binh đánh góc tây bắc nhưng không vào được, phải trốn đi, Á Phụ đuổi theo phá vỡ.

Mai Nghiêu Thần rằng: giặc đánh vào phía tây của ta, ta cũng phải phòng bị phía đông.

Trương Dự rằng: người giỏi giữ như giấu ở dưới chín lần đất, khiến kẻ địch không thể lường được, họ không thể lường được thì chỗ ta giữ tức là chỗ họ không đánh. Chu Á-Phụ: giặc đánh đông nam mà phòng tây bắc cũng là một mối ở trong cái phương thuật đó.


Cho nên người giỏi đánh, quân địch không biết đâu mà giữ, người giỏi giữ, quân địch không biết đâu mà đánh.

Đỗ Mục rằng: nói cái tình hình đánh lấy, phòng giữ, không để tiết lậu ra ngoài.

Giả Lâm rằng: giáo lệnh thi hành, nhân tâm quy phụ, phòng giữ kiên cố, kín đáo không để lộ hình tích, khiến cho kẻ địch do dự, dù có trí năng cũng không thể giở ra được.


Mờ thay! mờ thay! đến không có hình. Thần thay! thần thay! đến không có tiếng, cho nên có thể làm thần giữ mệnh của quân địch.

Họ Hà rằng: Tôn Vũ bàn về phép hư thực, đến lẽ thần vi mà mới thấy cái chỗ cùng tột của sự thành công. Cái thực của ta, khiến kẻ địch phải coi làm hư, cái hư của ta, khiến kẻ địch phải coi làm thực. Cái thực của địch, ta có thể khiến cho thành hư, cái hư của địch, ta có thể biết không phải thực. Thế túc là kẻ địch không biết được hư thực của ta, mà ta thì có thể biết rõ hư thực của địch. Ta muốn đánh kẻ địch ư? biết chỗ họ giữ là thực mà chỗ họ không giữ là hư, ta sẽ tránh chỗ bền mà đánh chỗ yếu, cướp chỗ chốt mà phá chỗ rỗng. Kẻ địch muốn đánh ta ư? ta biết chỗ họ đánh là không cần cấp, mà chỗ họ không đánh mới là khẩn yếu, ta sẽ lừa kẻ địch chỗ hư để họ phải chọi với chỗ thực của ta, họ tỏ ra cái hình ở đông, nhưng ta sẽ đặt quân phòng bị ở tây. Ấy cho nên ta đánh, họ không biết chỗ nào là nên giữ; ta giữ họ không biết chỗ nào là nên đánh. Sự biến hóa của cách đánh giữ là xuất ở cái phép hư thực. Có thể ví sự giữ của ta như giấu kín dưới chín lần đất, sự đánh của ta như xịch động trên chín lần giời. Diệt tích không ai có thể nhìn thấy, kín tiếng không ai có thể lắng nghe. Như từ dưới đất lên, từ trên giời xuống. Chợt ra, thoắt vào, sao lòe quỷ hiện.

Đi vào cõi vô gián, vòng quanh vực cửu toàn. Mờ đến rất mờ, thần đến rất thần. Đến người sáng mắt trong thiên hạ cũng không thể nhìn thấy cái mờ của hình, người sõi tai trong thiên hạ cũng không thể nghe thấy cái thần của tiếng. Có hình mà đến thành không hình, có tiếng mà đến thành không tiếng. Không phải là không hình. nhưng kẻ địch không thể nhìn được, không phải là không tiếng, nhưng kẻ địch không thể nghe được, ấy là sự hư thực biến hóa đến cùng tột đó. Người giỏi dùng binh thì suốt được cái biến của hư thực sẽ vào được chỗ sâu của thần ví (mờ). Người không giỏi thì cứ ngay thẳng mà tìm cái mờ, xét cái thần nệ ở những dấu vết của sự dùng binh, không thể bỏ qua được những hình những tiếng để mà đi đến được chỗ nghe chỗ thấy. Đó là không biết chỗ diệu của thần ví là ở chỗ biến của hư thực. Số người ba quân, số binh trăm vạn, làm thế nào mà không có hình với tiếng được, chẳng qua kẻ địch không thể nhòm thấy, nom thấy được đấy thôi.


Tiến mà họ không thể chống được, bởi ta xông vào chỗ không hư; lui mà họ không thể đuổi được, bởi ta nhanh chóng họ không thể đuổi kịp.

Tào Công rằng: chợt tiến đánh vào chỗ trống-trải trễ-nải, lúc rút lui thì lại nhanh-chóng.

Lý-Thuyên rằng: lúc tiến thì đánh úp vào chỗ trống-trải trễ-nải; lúc thoát thì đưa các xe truy-trọng đi trước, đi xa, rồi đại-quân mới rút, như thế thì giặc sẽ không đuổi kịp được. Vua nước Hậu Triệu là Thạch-Lặc đóng quân ở Cát-bi, khổ vì giời mưa tầm-tã, muốn rút quân về Thành-nghiệp, nhưng sợ người Tấn đuổi theo sau, bèn dùng kế của Trương-Tân cho các xe truy-trọng đi trước, khiến cách rõ xa, để quân địch không đuổi kịp được. Vì thế Thuyên này cho chữ tốc là nhanh chóng trên đây, phải là chữ viễn là xa mới đúng.

Đỗ-Mục rằng: đã đánh vào chỗ trống-trải, quân địch tất thua, sau khi thua, còn đuổi theo ta sao được, vì thế ta có thể được rút lui mau.

Trần-Hạo rằng: lời Đỗ nói đây không phải. Tào-Công khi vây Trương Tú, thành chưa hạ, sức chưa sút, mà đã rút đi, quân Tú đuổi theo đánh úp đằng sau. Giả-Hủ ngăn, nhưng Tú không nghe, quả bị Tào-Công đánh bại. Tú bảo Hủ rằng: ông đã biết được sự bại, tất cũng biết được sự thắng. Hủ nói: bây giờ lại đem quân đã bị bại mà đánh úp. Tú nghe theo, quả lại đánh bại được Tào-Công, thế thì há phải sau khi bại trận, thì không thể đuổi được đâu. Đây nói thừa hư mà tiến, quân địch không biết đâu mà chống, được lợi mà lui, quân địch không biết đâu mà đuổi vậy.


Cho nên ta muốn giao-chiến, quân địch tuy cao lũy sâu hào, cũng không thể mà không cùng ta giao chiến, bởi ta đánh vào chỗ mà họ tất phải cứu vậy.

Tào-Công, Lý-Thuyên rằng: cắt đứt nẻo lưng, giữ chẹn đường về, đánh ngôi quân chủ, ấy là những chỗ họ không thể không cứu.

Đỗ-Mục rằng: Ta là chủ, địch là khách, thì ta cắt lương thực, giữ đường về; nếu ta là khách địch là chủ, thì ta đánh vào ngôi quân chủ, tức như Tư-mã Tuyên-vương đánh Liêu-đông, mà thẳng chỉ đến Tương-bình đó.

Vương-Tích rằng: Tào-Công bảo cắt lối lương, giữ đường về, đánh quân chủ, nhưng Tích bảo: nếu quân địch cứ giữ bền, thì ta cứ đánh vào chỗ nào mà họ phải cứu, tự nhiên họ phải cùng ta giao chiến, như Cảnh Cam muốn đánh Cự-lý, để làm cho Phi-Ấp phải đến, cũng tức như vậy.


Ta không muốn đánh thì vạch đất mà giữ.

Họ Mạnh rằng: Lấy vật vạch đất mà giữ, ấy là nói ví, bởi ta có thể làm cho giặc e sợ mà không dám đến.

Lý Thuyên rằng: Đóng vững bờ cõi để tự giữ; nếu vào đất giặc thì dùng phép chân-nhân bế-lục-mậu trong sách Thiên-nhất độn-giáp, lấy dao vạch đất mà cắm trại.


Kẻ địch không được cùng ta giao chiến, là ta dùng cách làm ngang trở sự đi của họ.

Lý Thuyên rằng: Ta bầy ra những sự kỳ dị để khiến họ nghi ngờ, như thế họ sẽ không thể đến để cùng ta giao chiến, tức như viên Thái-thú Thượng-cốc đời Hán là Lý Quảng thả ngựa cổi yên để làm ngờ quân địch đó.

Đỗ Mục rằng: Nói quân địch đến đánh ta, ta không cùng họ giao chiến, đặt ra những cách quyền biến để làm cho phải ngờ, khiến họ nghi hoặc, ngãng hẳn cái lòng lúc mới định đến, không dám cùng ta giao chiến nữa. Tào-Công khi tranh đất Hán-trung, Thục Tiên-chúa chống cự. Bấy giờ viên tướng Triệu Vân giữ ở đồn khác, đem mấy chục quân kỵ đi ra, chợt gặp đại quân của Tào, Vân vừa đánh vừa lui. Quân Tào đuổi đến vây ngoài trại. Vân vào trại sai mở toang cửa, ngả cờ im trống, Tào-Công ngờ là có quân phục phải dẫn quân đi. Gia-Cát Võ-hầu đóng ở Dương-Bình, sai bọn Ngụy-Diên các tướng đem quân xuống đông, Võ-Hầu chỉ để một vạn người giữ thành, rồi Tư-Mã Tuyên-Vương đến đánh. Lượng ở trong thành binh đơn sức yếu, tướng sĩ đều lo sợ thất sắc. Song Lượng ý khí vẫn bình tĩnh như thường, sai trong quân đều ngả cờ im trống hết, không ai được ra, mở toang bốn cửa mà quét dọn. Tuyên-Vương ngờ có quân phục, phải rút binh kéo đến Bắc-Sơn. Lượng bảo với viên Tham-tá rằng: Tư Mã-Ý cho là ta có quân phục đã phải men núi mà chạy rồi. Tuyên-Vương sau mới biết rõ, lấy làm tức bực. Tào-Công cùng Lã-Bố giữ nhau, quân Tào ra đồng gặt lúa, chợt Lã-Bố đem quân đến. Trong trại Tào chỉ có nghìn người, Tào-Công cũng ra trận, để một nửa số quân ấy. ẩn ở dưới đê. Lã-Bố dùng dằng không dám tiến mà nói: Tào-Công hay lừa dối lắm, ta chớ đi vào đám quân phục; bèn kéo quân đi

Giả-Lâm rằng: Đặt nghi binh ở chỗ quân địch e ngại, đóng trại ở chỗ đất hình thắng thì tuy chưa lập hào lũy, quân địch cũng không dám đến đánh ta.


Ta chụm làm một, địch chia làm mười, thế là ta lấy mười để cùng đánh một.

Đỗ Hựu rằng: Ta xét thấy cái hình của địch, hiểu rõ hư thực, cho nên phòng bị ít, có thể chụm làm một đồn. Lấy sự chụm của ta để đánh sự tan của địch thì tức là lấy mười của địch.

Mai Nghiêu Thần rằng: Tách một làm mười tức là ta lấy mười đánh một.


Thế thì ta đông mà địch vắng.

Đỗ-Hựu rằng: Ta chụm một cho nên đông, địch chia làm mười cho nên vắng.

Trương-Dự rằng: Thấy rõ chỗ hư chỗ thực của quân địch, không phải nhọc công phòng bị nhiều, cho nên có thể chụm làm một đồn. Họ thì không thế, không trông thấy hình của ta, cho nên phải chia ra làm mười. Thế là ta lấy mười phần của ta để đánh một phần của địch. Cho nên ta đông mà địch tất phải vắng.


Có thể lấy được số đông để đánh số vắng, thì toán quân ta phải cùng giao chiến với, có ít ỏi.

Đỗ-Mục rằng: Ta sâu hào cao lũy, giấu vết vùi hơi, ra vào không có hình, đánh giữ chẳng ai biết, hoặc lấy quân nhanh ngựa khỏe xông vào chỗ không hư, hoặc lấy nỏ cứng cung dài cướp lấy chỗ yếu hại, húc bên tả giẫm bên hữu, dọa đàng trước sấn đàng sau, ban ngày thì nạt bằng ngọn cờ, ban đêm thì lừa bằng tiếng trống. Cho nên quân địch sợ hãi, chia binh đề phòng. Ví như lên núi nhòm vào thành, buông rèm nhìn ra cửa. Cái thế phân trương của địch, ta đều biết hết, cái phương công thủ của ta, địch đều khôn hay. Cho nên ta có thể chuyên nhất, địch thì phải chia lìa. Chuyên nhất thì sức toàn, chia lìa thì sức mọn. Lấy toàn mà đánh mọn cho nên có thể tất thắng.


Cái chỗ ta định giao chiến, không thể biết được.

Đỗ-Hựu rằng: Nói cử động kín đáo, tình không tỏ ra, khiến họ biết ta đi ra mà không biết đi về phía nào, biết đi về phía nào mà không biết họp ở chỗ nào.


Không thể biết được thì kẻ địch phải phòng bị nhiều.

Mai Nghiêu-Thần rằng: kẻ địch không biết thì chỗ nào cũng phải phòng bị.


Địch phòng bị nhiều thì toán quân ta phải cùng giao chiến với, sẽ vắng thưa.

Tào-Công rằng: hình giấu địch ngờ, họ sẽ phải chia rẽ số quân để phòng bị ta. Nói quân địch vắng thưa dễ đánh.

Trương-Dự rằng: họ không lường biết xe ta ra lối nào, ngựa ta ruổi ngả nào, bộ ta đi đường nào cho nên phải phân chia ra để phòng bị khắp, thành ra quân tan mà yếu, thế chia mà suy, bởi thế chỗ ta tiếp chiến, lấy đám quân nhớn mà đánh toán quân nhỏ.


Cho nên phòng trước thì sau vắng, phòng sau thì trước vắng, phòng tả thì hữu vắng, phòng hữu thì tả vắng, chẳng chỗ nào không phòng thì chẳng chỗ nào không vắng.

Đỗ-Hựu rằng: nói bên địch phòng bị nhiều nơi thì lính tráng phải chia tan thành ra ít ỏi.


Vắng, là bởi phải phòng bị người, đông là khiến người phải phòng bị mình.

Họ Mạnh rằng: phòng người thì ta tan, phòng ta thì người chia.

Lý-Thuyên rằng: cái chỗ dàn binh không nên để cho quân địch biết, họ ngờ thì cho là nhiều, phải chia ra để phòng bị ta.

Đỗ-Mục rằng: cái đất định đánh nhau không nên để cho quân địch biết. Hình của ta họ không thể lường, tả hữu trước sau, xa gần hiểm dễ, họ đều không biết, cũng không biết là ta sẽ tấn công vào đâu, sẽ hội chiến ở đâu, cho nên phải chia binh để phòng bị khắp. Hình giấu thì đông, chia nhiều thì vắng cho nên đông thì tất thắng, vắng thì tất thua.

Trương-Dự rằng: tả hữu trước sau đâu cũng phòng bị thì không đâu là không vắng quân. Vắng vì chia tãi để đem quân đi phòng bị người, đông vì chuyên nhất mà khiến người phải phòng bị mình.


Cho nên biết được chỗ giao chiến, biết được ngày giao chiến thì có thể hội chiến, ở chỗ cách xa nghìn dặm.

Họ Mạnh rằng: lấy sự lường tính mà biết được không hư, biết trước cái hình chỗ chiến địa, lại biết cái ngày tất phải giao chiến, thì có thể nghìn dặm hẹn hò rồi đến trước để đợi, nếu quân địch đã đến trước thì mình có thể không đến để cho họ phải vất vả uổng công.

Trần-Hạo rằng: lời chua của Đỗ-Mục chỉ nói biết chỗ giao chiến, mà chưa kể biết ngày giao chiến. Ta đánh kẻ địch, đến kỳ không cho được cùng ta giao chiến, kẻ địch lấn ta, ta tất dự bị để chống lại. Hạng Võ bảo Tào-cữu rằng: Ta mươi lăm ngày tất định xong đất Lương, sẽ lại cùng tướng-quân gặp gỡ. Ấy nếu không biết cái ngày tất chiến, thì sao ước hẹn được như thế.

Trương Dự rằng: Phàm cắt binh đánh giặc cái chỗ giao chiến tất phải biết trước cái ngày quân đến, phải khiến cho người người đúng hẹn mà tới để cùng chiến đấu. Biết chỗ chiến, ngày chiến thì phòng bị được chuyên mà giữ gìn được vững, tuy xa nghìn dặm cũng có thể đến ứng chiến được. Như Kiển Thúc biết người Tấn chống với quân mình tất ở đất Hào, ấy là biết chỗ chiến đó. Như Trần Thang liệu rằng quân Ô-tôn vây quân mình 5 ngày tất cổi, ấy là biết ngày chiến đó. Lại như Tôn-Tẫn đón Bàng-Quyên ở Mã-lăng, biết rằng lúc đến tất vào buỏi tối đó.


Không biết chỗ chiến, không biết ngày chiến, thì tả không thể cứu hữu, hữu không thể cứu tả, trước không thể cứu sau, sau không thể cứu trước, huống chi là xa mấy chục dặm, gần mấy dặm ư?

Đỗ-Hựu rằng: Kẻ địch đã chiếm trước những chỗ hình thế rồi mình mới đến, muốn chiến thì tả hữu trước sau nghi ngờ tiến thoái, không thể cứu lẫn nhau được, huống hồ trong khoảng mấy chục dặm xa ư?

Trương Dự rằng: Không biết bên địch hội binh ở chỗ nào, tiếp chiến ở ngày nào, thì phòng bị không chuyên, giữ gìn không vững, chợt gặp cường địch, thì thảng thốt cùng giao chiến, tả hữu tiền hậu còn không thể tiếp cứu được, huống đầu đuôi cách nhau xa ư?


Cứ tôi liệu xem, quân của người Việt tuy nhiều, cũng chẳng ích gì cho sự thua được đâu.

Trần Hạo rằng: Tôn Tử bàn việc binh với Ngô Vương Hạp Lư, Ngô vương là thù của nước Việt, cho nên nói tới nước Việt.

Giả Lâm rằng: Không biết chỗ chiến, không biết ngày chiến, quân lính tuy nhiều, không thể khiến được sự thắng bại, thế thì nhiều cũng chẳng ích gì.

Mai Nghiêu Thần rằng: Ngô Việt là hai nước địch, nói người Việt tuy nhiều, cũng bị ta chia ra mà thành có ít.

Vương Tích rằng: Đây Vũ xem thời mà liệu địch. Nói quân Việt tuy nhiêu, nếu không biết khéo cứu nhau, cũng chẳng ích gì cho sự thắng bại.


Cho nên nói rằng thắng có thể làm được.

Họ Mạnh rằng: Nếu quân địch không biết chỗ chiến, ngày chiến thì sự ta thắng trận có thể thường có.

Trương Dự rằng: Sự làm nên thắng là ở ta. Thiên Hình nói: Thắng có thể biết mà không thể làm. nay nói thắng có thể làm là cớ làm sao? Bởi Thiên Hình là bàn về cái thế đánh giữ, nói kẻ địch nếu có phòng bị thì ta không thể nhất định làm lấy thắng được; nay thì lấy quân Việt mà nói, liệu người Việt tất không thể biết được chỗ chiến ngày chiến, cho nên nói rằng có thể làm.


Quân địch tuy nhiều, có thể khiến họ không đấu chiến.

Họ Mạnh rằng: Địch tuy nhiều binh, nhưng ta biết đặt ra nhiều sự biến trá để chia hình thế của họ, khiến không thể hợp sức lại được.

Đỗ Mục rằng: Lấy bốn việc dưới đây mà suy lường, quân địch tuy nhiều, cũng khiến không thể cùng ta tranh chọi được.

Trương Dự rằng: Ta chia tan các thế của họ, khiến không được đều sức cùng tiến thì tranh chọi với ta sao được.


Cho nên liệu tính mà biết cái kế đắc thất.

Họ Mạnh rằng: Liệu tính tình hình bên địch, xem sự thi vi của họ thì có thể biết được cái cơ màu.


Động tác để biết cái lý động tĩnh.

Đỗ Hựu rằng: Mừng giận, động tác, xét cái cử chỉ thì có thể rõ được tình lý. Cho nên biết những động tĩnh quyền biến thì có thể biết được sự thắng phụ.

Đỗ Mục rằng: Tác nghĩa là khêu dậy. Nói khêu dậy là kẻ địch, khiến họ ứng lại, rồi sẽ xem cái hình động tĩnh trị loạn của họ. Ngụy Võ-Hầu nói: hai quân chống nhau, không biết rõ viên tướng bên địch thì làm thế nào? Ngô Khởi nói: sai kẻ mạnh mà hèn mang đồ nhọn sắc sang đánh, vừa mới giao tiếp đã thua mà chạy, nhưng thua chạy cũng đừng trách phạt, sẽ xem bên địch tới lui thế nào, một ngồi một dậy, đủ thấy được tình hình của họ. Thua chạy không đuổi. thấy lợi không lấy, đó là viên tướng ấy có mưu. Nếu đem hết quân ra đuổi theo, cờ phướn rối loạn, đi đứng lộn xộn, chuộng lợi ham được, như thế là tướng lệnh không được thi hành, nên đánh đi không còn phải ngờ gì nữa.


Hình tượng để biết cái đất sống chết.

Lý-Thuyên rằng: này phá thế trận, đặt kỳ binh hoặc ngả cờ trống, tỏ cái hình yếu, hoặc bầy hão bếp lửa cờ phướn tỏ cái hình mạnh, ném vào chỗ chết, đưa vào chỗ sống, cho nên chết sống là nhân đất mà nên. Hàn Tín xuống Tỉnh-hình, Lưu-Dụ qua Đại-nghiễn, tức là nghĩa ấy.

Đỗ Mục rằng: cái đất chết sống tức là chiến địa. Ném vào đất chết thì tất sống, để vào đất sống thì tất chết. Nói ta làm nhiều cách dối lừa trêu ghẹo kẻ địch, để xem cái hình họ ứng lại ra sao, để sau sẽ tùy liệu mà đối phó, thì cái đất chết sống có thể biết được.

Trương Dự rằng: phô cái hình yếu thì họ tất tiến, phô cái hình mạnh thì họ tất lui, nhân cái khoảng tiến lui đó mà biết cái đất họ đóng là chết hay sống. Trên kia có chỗ nói: khéo khêu động bên địch, phải tỏ ra ở cái hình, bên địch tất theo, ấy là nghĩa đó. Đất chết là bảo cái đất sụp đổ, đất sống là bảo cái đất tiện lợi.


So đọ mà biết cái chỗ có thừa và không đủ.

Đỗ Hựu rằng: so đọ cái số quân mã của người và ta, thì hơn kém có thể biết.

Đỗ Mục rằng: nói lấy cái có thừa của ta, so đọ với cái có thừa của quân địch, lấy cái không đủ của ta, so đọ với cái không đủ của quân địch. Quản-Tử nói: người giỏi đánh thì liệu quân để đánh quân, liệu lương để đánh lương, lương thực không còn thì không đánh, phòng bị không còn thì không đánh. Tư-mã Tuyên-Vương đi đánh Liêu-đông, Tư-mã Trần-Khuê nói: ngày trước đánh Thượng-dung tám bộ đều tiến, ngày đêm không nghỉ, cho nên có thể trong nửa tuần hạ được thành bền, chém được Mạnh-Đạt. Nay từ xa đến mà lại yên ổn, ngu này chợt lấy làm ngờ. Vương nói: Mạnh-Đạt quân ít mà có lương ăn một năm, quân ta có gần gấp tư quân của Đạt, mà lương không đủ ăn một tháng, lấy một tháng đồ một năm, sao nên không đánh rõ mau chóng, lấy bốn đánh một, dù có thiệt mạng gấp đôi của họ thì cũng nên làm. Vì thế mà không quản chết hại mà cạnh tranh với số lương. Nay thì giặc nhiều ta ít, giặc đói ta no, giời lại mưa trầm-trệ thế này, lương giặc sắp hết, ta nên tỏ sự không có tài năng gì, để họ yên vững. Rồi đó mưa tạnh, ngày đêm đánh riết, bèn bình được xứ Liêu-đông.


Nhân hình mà đặt sự thắng vào mọi người, mọi người không thể biết được.

Lý-Thuyên rằng: Đặt cái thế hình hiểm, nhân cái sức mạnh của quân lính, để mà thủ thắng. Việc quân còn kín, không phải mọi người có thể biết được.

Đỗ-Mục rằng: nhòm cái hình để đặt sự thắng bại phi người trí giả thì không thể, vậy không phải mọi người thường có thể biết được.

Trương-Dự rằng: nhân cái hình biến động của kẻ địch mà mưu lấy thắng, không phải mọi người thường có thể biết được.


Người đều biết cái hình để ta thắng được mà không biết cái hình ta đã làm nên để thắng.

Lý-Thuyên rằng: chiến thắng người ta đều biết, nhưng cach làm nên cuộc chiến thắng thì nó mờ kín, người ta không biết.

Đỗ-Mục rằng: Nói sau khi đã thắng, người ta chỉ biết vì bên địch có cái hình bại cho nên ta thắng được, mà không biết chính ta đã làm cho kẻ địch có cái hình ấy, rồi ta mới thắng được họ. Thiên trên kia nói: Gần mà tỏ ra xa, xa mà tỏ ra gần, đem mối lợi mà câu nhử, nhân rối loạn mà đánh lấy, thấy chắc thì phải phòng, thấy mạnh thì phải tránh, trêu cho họ tức, lún cho họ kiêu, họ nhàn rỗi thì làm cho nhọc, họ thân cận thì làm cho lìa, đó đều là cái cách làm ra để thắng, người ta không biết được.


Hình binh tránh chỗ thực mà đánh chỗ hư.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Lợi như vậy.

Trương-Dự rằng: Nước xuống chỗ thấp thì thuận, binh đánh chỗ hư thì lợi.


Nước nhân đất mà đánh thành dòng.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Thuận thế cao thấp.

Trương-Dự rằng: Vuông, tròn, vậy, thẳng, nhân đất mà thành hình.


Binh nhân địch mà làm lấy thắng.

Đỗ-Hựu rằng: Nói nước nhân đất nghiêng chếch mà đánh thành dòng, binh nhân địch thiếu hở mà xoay lấy thắng.

Lý-Thuyên rằng: Không nhân cái thế của bên địch thì xoay lấy thắng làm sao được. Này khinh-binh[1] không thể kéo dài, mình cứ giữ vững không đánh tất họ phải bại, trọng binh thì khiêu khích để cho họ ra, binh nóng giận thì mình làm nhục, binh khỏe mạnh thì mình trì hoãn, tướng hợm thì mình nên khiêm nhún, tướng tham thì mình nên nhử mồi tướng hay ngờ thì mình nên làm kế phản gián, cho nên phải nhân bên địch mà làm lấy thắng.

Họ Hà rằng: Nhân địch mạnh yếu mà thành công.

Trương-Dự rằng: Hư thực mạnh yếu, tùy bên địch mà xoay lấy phần thắng.

Cho nên binh không có thế thường[2].

Mai Nghiêu-Thần rằng: Phải ứng với bên địch mà làm ra thế.

Trương-Dự rằng: Bên địch có biến động, cho nên mình không thể có cái thế thường lúc nào cũng như lúc nào.

   




Chú thích

  1. Quân nhanh nhẹn kéo đi không mang theo nhiều đồ lương thực khí giới; trọng binh thì trái lại.
  2. Thường là nhất định, lúc nào cũng như lúc nào.