Bước tới nội dung

Tản Đà tùng văn/Ba đức riêng/1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1° Tự-ái

Phàm người làm nên sự-nghiệp to nhớn ở trên đời, trước hết phải có đức tự-ái, cho nên tự-ái đứng đầu trong ba đức riêng.

Sách Luận-Ngữ chép nhời đức Khổng rằng: « Ăn cơm rã dối, uống nước lã, cong cánh tay mà gối đầu, thế cũng tự có cái vui. Bất-nghĩa mà giầu lại sang, ở ta như thể đám mây nổi. » Lại có chép những sự thường của ngài rằng: « Cơm càng rã kỹ càng ưa; gỏi, tái càng thái nhỏ càng ưa. Sắc xấu chẳng ăn; vị xấu chẳng ăn; nấu thất cách, chẳng ăn; chẳng được thức chấm, chẳng ăn. Áo cừu hồ lạc để mặc thường. Tất có áo ngủ, giài gấp rưõi mình. » Ôi, hình-thể là để chứa tinh-thần, nếu không có hình-thể thời tinh-thần không ở vào đâu; hình-thể kém thua thời tinh-thần không được kiện-vượng, Cho nên nhân yêu tiếc tinh-thần mà yêu tiếc hình-thể, yêu tiếc hình-thể chính là để yêu tiếc tinh-thần; quyết không vì hình-thể mà có khi hại đến tinh-thần vậy. Vậy thời biết cái đạo tự-ái trong lúc thường cảnh thuận.—Ông Lê-Quýnh mười tám năm ở Tầu, ngồi tù ở Yên-kinh. Ông Tô-vũ mười chín năm ở Hung-Nô, ăn tuyết cùng lông trên bể Bắc. Những người đàn bà trẻ tuổi mà đứng-hóa, vách lạnh rêu phong, phòng không khói tỏa, đem xuân-xanh bỏ quá một đời. Ấy là bởi hình-thể, tinh-thần không yêu tiếc được cả hai, cho nên bỏ sự yêu tiếc về hình-thể mà tự yêu tiếc lấy tinh-thần vậy. Vậy thời biết cái đạo tự-ái trong khi biến cảnh nghịch. — Trong Nho-hạnh nói rằng: « Tiếc cái chết là để có đợi », cho nên ông Quản-Trọng không chết theo Tử-Củ. Nếu không có cái đợi ở sau nữa thời bỏ hẳn hình-thể mà tự yêu tiếc lấy tinh-thần, cho nên bà Mỵ-Ê deo mình xuống Châu-Giang. Vậy thời biết cái đạo tự-ái trong lúc sinh tử.— Vua Lê ta rồng lặn ở Lam-Sơn, người Minh gọi ra mà không ra. Ông Gia-Cát rồng nằm ở Long-Trung, họ Tào gọi đến mà chẳng đến. Ấy chỉ là không nỡ đem cái thân-hình bẩy thước có chứa cái tinh-thần tuyệt nhớn ấy mà thí hoài bán rẻ cho nhân-gian. Vậy thời biết cái đạo tự-ái trong lúc xuất sử vậy. Ấy các bực người đó, tài đức, cảnh-ngộ, vị-trí, sự-nghiệp đều có khác nhau mà đều đủ làm chứng cho cái nghĩa tự-ái.

Nay thử trái lại mà nghĩ: Đức Khổng nếu ưa được cái giầu sang bất-nghĩa thời sao còn làm nên đứng thánh-nhân mà dạy cho thiên-hạ vạn thế. Ông Lê-Quýnh nếu không theo vua Chiêu-Thống: ông Tô-Vũ nếu cũng như Lý-Lăng, Vệ-Luật; những người đàn-bà hóa nếu tiếc cái tuổi xuân mà đi lấy chồng khác thời còn lấy gì làm trung, trinh. Ông Quản-Trọng nếu cũng cùng Thiêu-Hốt mà tự-vẫn ở nước Lỗ thời trong đời Xuân-thu lấy ai để chính lại thiên-hạ. Bà Mỵ-Ê nếu không quấn tấm chiên đỏ thời trên bờ sông nọ lấy gì làm khói hương. Vua Lê-Tổ nếu ra làm Tuần-kiểm thời non xanh nước biếc trong lúc ấy lấy ai mặc áo vàng xưng chẫm mà từ cuối đời Trùng-Quang cho đến hết đời Chiêu-Thống, trong khoảng ba-trăm-bẩy-mươi-sáu năm đó, sử ta có nhẽ là thuộc Minh. Ông Gia-Cát nếu ra theo Tào-Man thời Ngụy, Thục, Ngô lấy ai thành cái thế tam-phân vậy. Than ôi! bao những cái công-đức sự-nghiệp long giời lở đất, khốc quỉ kinh thần, của những bậc đại-thánh, đại-hiền, anh-hùng hào-kiệt, nhân-nhân, chí-sĩ, tiết-phụ, liệt-nữ từ nghìn năm về trước mà khiến cho ta đến nay còn được tưởng-mộ, được sùng-bái, được nhờ cái ơn sót mà vớt cái thơm thừa, dẫu vì là cái tài, cái đức có hơn người, nhưng nguyên cũng đều tự một chút lòng tự yêu mình, tự tiếc mình, cho nên mới giữ được cái tài ấy, cái đức ấy mà để làm nên các cái công-đức, sự-nghiệp ấy. Vậy thời một cái đức tự-ái chẳng thực là một phần gốc của thánh-hiền hào kiệt hay sao? Cho nên quân-tử quí tự-ái.