Tản Đà tùng văn/Ba đức riêng/2
2° Tự-trọng
Phàm người tất biết tự-ái, rồi mới biết tự-trọng, cho nên đức tự-trọng lại ở sau đức tự-ái. Đã biết tự-ái. tất nên biết tự-trọng, cho nên đức tự-ái lại tiếp đến đức tự-trọng.
Ông Tử-Cống hỏi đức Khổng rằng: « Nay có hòn ngọc tốt, bỏ hòm mà cất đi chăng? cầu được giá mà bán chăng? » Ngài nói rằng: « Bán đi lắm! bán đi lắm! Ta thời ta đợi giá. » Ngọc tất được giá mới bán, là tự-ái; tất đợi người đến mua mà không đem đi bán rao, là tự-trọng. Ông Mạnh-Tử nói rằng: « Con giai sinh ra mà muốn cho có vợ, con gái sinh ra mà muốn cho có chồng, lòng cha mẹ, người ta ai cũng có. Không đợi mạnh cha mẹ, nhời mối-lái mà khoét lỗ vách ròm nhau, leo qua tường theo nhau thời cha mẹ, làng nước đều khinh. » Giai lấy vợ, gái lấy chồng, tất được người sứng-đáng mới thuận lấy, là tự-ái; tất đợi có mạnh cha mẹ, nhời mối-lái mà không tự theo nhau, là tự-trọng. Tự-trọng nghĩa là không tự-khinh, là tự mình coi có mình, là không tự lấy tinh-thần theo thuộc cái khác mà làm tôi tớ cái khác. Thử nghĩ như mấy điều:
Không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ thế-tục — Sắp muốn nói về nghĩa không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ thế-tục, liệu hoặc có người lấy sự « đức Khổng đi săn thi ở nước Lỗ » làm ngờ, cho là lễ phải theo tục. Lễ thời phải theo tục, nhưng cũng là sự bất-đắc-dĩ của thánh-nhân; còn như không phải lễ mà tất cứ theo tục thời ai bắt mà phải thế? Nghĩ cho tục-tình tập-thượng, cũng không hẳn đều là dở cả mà ta cùng ở với xã-hội, có nhẽ đâu lấy trái người làm hay. Duy những sự không cần theo, không nên theo mà bỏ ta để theo tục, sợ mất lòng tục mà không quản mất lòng ta, sợ tục lấy làm dở mà không quản tự-ta lấy làm dở, vậy thời biết có tục mà không biết có ta, vậy thời như đem ta mà bán không cho tục vậy. Trong thiên-hạ duy những kẻ đã đem mình bán cho người khác làm tôi tớ thời cái thân ấy thuộc về chủ-nhân mà nhất-thiết đi đứng theo ở chủ-nhân cả. Tinh-thần của ta, tự giời cho ta có, giá-trị rất trọng, địa-vị rất trọng, trách-nhiệm rất trọng, tự người không thể mua, tự ta không thể bán, ấy còn mong để cứu đơi xửa tục, chiếm một địa-vị trọng-yếu trong nhân-gian; dẫu chưa được như thế thời cũng tự ta giữ lấy ta mà chớ để mất vào ai có. Nay nếu vô-cố hiến không cho thế-tục, kính phụng những mạnh-lệnh của thế-tục, dù hay dù dở, nhất-thiết không dám sai, ấy sao tự khinh đến như thế vậy! Chúng ta muốn tự-trọng, nên không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ thế-tục.
Không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ canh-ngộ. — Ông Mạnh-Tử nói rằng: « Giầu sang không làm hư được; nghèo hèn không đổi được; uy vũ không khuất được: thế mới gọi là đại-trượng-phu ». Sự giầu sang không làm được cho ta hư thân; sự nghèo hèn không làm được cho ta đổi chí; sự uy vũ không làm được cho ta khuất tiết, nghĩ như thế thực là đại-trượng-phu, như thế thực là không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ cảnh-ngộ vậy. Người ta ở đời, cảnh-ngộ rất là bất-nhất mà đều có sức sai khiến được ta. Cho nên có người bị giầu sang sai khiến, có người bị nghèo hèn sai khiến, có người bị uy-vũ sai khiến. Lại có người, trong khi nghèo hèn mà ý-khí đồi-đường, nhường thiên-hạ làm thần làm thánh, mày râu ủ-rũ, coi tấm thân như manh chiếu rách nhà hàng; đến ở vào cảnh giầu sang thời những cái hư-thân không biết tự đâu sinh ra vậy. Trong lúc bình-cư thời hiền-hào tự mạnh, ngang giời dọc đất chí kinh-luân, sự-nghiệp tự kỳ, lặn suối qua đèo thân thiết-hán; đến gặp phải sự uy vũ thời những cái hơn người không biết tiêu-tán đi đâu vậy. Ấy đều là cảnh-ngộ bắt người ta phải làm tôi làm tớ, khiến sao nên thế mà tự người thường không tự biết ra làm sao. Ôi, tinh-thần của người ta, nguyên-chất thực rất cứng mà có sức rất mạnh; những cái nhỏ-nhen tẹp-nhẹp ở đời đó, quả có quyền thế gì mà để cho xoay vần sai khiến được ta du? Chẳng qua tự lấy ta làm tôi tớ thời cũng được làm tôi tớ đó vậy, ấy sao tự khinh đến như thế vậy. Chúng ta muốn tự-trọng, nên không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ cảnh-ngộ.
Không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ sách vở. — Người sinh sau có một cái quyền-lợi hơn người đời trước, là gì? Tức là đem những tinh-thần của người đời trước đã họp lại ở trong các sách vở mà chọn lấy để tự nuôi tinh-thần của mình. Có cái quyền ấy mà biết dùng thời sách vở chính là sản-nghiệp của ta; không biết dùng cái quyền-lợi ấy thời thường tự lấy tinh-thần làm tôi tớ sách vở. Trong đời biết bao nhiêu sách vở, trong sách vở biết bao nhiêu nhời nói, việc làm; mỗi quyển sách, mỗi nhời nói, việc làm, không cứ là tự ai, đã qua đến mắt ta thời ta có quyền chọn. Thế nào là hay, thế nào là phải, có hợp với ta chăng, có ích cho ta chăng, ấy đều ở ta cả. Trong đời thường có những quyển sách, trong sách thường có những câu nói, việc làm, vì tình-thế riêng, lợi hại riêng mà phát ra, chỗ đó phải nên xét; không xét thời sẽ nhầm nhầm thời sẽ là tôi tớ sách vở vậy. Những nhời nói của thánh hiền mà thường là có hại, những việc làm của kẻ gian-hùng mà thường là có ích, chỗ đó phải nên xét; không xét thời sẽ nhầm, nhầm thời sẽ là tôi tớ sách vở vậy. Sách vở đã là sản-nghiệp của tá có, nếu ta chỉ đem hết tinh-thần mà học, không biết dùng quyền-lợi của ta mà lấy cái đó để tự nuôi tinh-thần thời chỉ như « đứa ở giữ tiền », ấy tức là tôi tớ sách vở vậy. Học sách mà tự làm tôi tớ sách, ấy chỉ bởi mình tự coi không có mình, ấy là tự-khinh, ấy là không tự-trọng. Chúng ta muốn tự-trọng, nên không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ sách vở.
Không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân lý. — Nói đến nghĩa không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý, liệu có người mới thoạt nghe mà lấy làm kinh-hãi, cho là phá luân-thường, hủy đạo-lý. Một sự kinh-hãi đó, có khi cũng là phải; song ai thử tĩnh mà nghĩ lại: Luân-thường đạo-lý, đặt ra để làm gì? Chẳng cũng là trỏ cho người ta cái đường ngay nhẽ phải, cho người ta được theo đó mà ở đời, cho không thẹn với sự làm người du? Đã như thế thời luân-thường đạo-lý, nếu có lúc không nên theo mà cũng tất phải cứ theo du? Nếu tất cứ theo, chẳng là tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý mà thêm làm lụy cho luân-lý du? Nghĩ luân-lý của thế-gian xưa nay, thường lấy cha con, vua tôi, anh em, thầy trò, vợ chồng, bè bạn làm trọng; vậy mà suốt bấy nhiêu cái luân-lý thực đều có lúc không thể theo. Nay thử lấy những người từng không theo luân-lý mà xem thời chỗ ấy sẽ rõ. Ông Yến-Anh là một ông hiền đại-phu ở nước Tề về đời Xuân-thu, vua Linh-Công nước Tề bị kẻ bầy-tôi là Thôi-Trữ giết chết; có người hỏi Yến-Anh sao không chết theo vua. Đáp rằng: « Vua chết vì nước thời chết theo, Vua đi mất vì nước thời đi theo; còn như vì riêng mình mà chết, vì riêng mình mà đi mất, phi là kẻ thân riêng, yêu riêng, ai chịu lấy thân mà theo đó. » Ông Trịnh Thành-Công, là một người đại-hào-kiệt ở cuối đời Minh ở Trung-quốc, bố là Trịnh-chi-Long hàng nhà Thanh, Thành-Công can mà không được; người Thanh bắt Chi-Long viết thư dụ Thành-Công phải theo về Thanh, Thành-Công nếu không theo thời tất Chi-Long không sống. — Than ôi! như cảnh-ngộ ông Thành-Công thực là khó nghĩ — Thành-Công khóc mà viết thư giả nhời rằng: « Nếu có sự không may, con chỉ có mặc đồ sô gai giả ơn bố. » Ông Bách-Lạp-Đồ là một nhà đại-triết ở Âu-châu, là học-trò ông Tô-Cách-Lạp-Để, thường có nhiều nghĩa không theo ông Tô-Cách-Lạp-Để mà nói rằng: « Ta biết yêu thầy ta, ta càng yêu cái nhẽ xác-thực. » Vợ Đào-Đáp-Tử là một người hiền-phụ mà sao phải ãm con đi mà bỏ chồng. Ông Chu-Công là một vị thánh-nhân mà sao phải đem quân đánh giết anh. Dương-Giốc-Ai, Tả-Bá-Đào, tình nghĩa bạn còn truyền lại đời sau mà sao một người sống nỡ để một người chết. Nghĩ luân-lý tự đâu mà sinh ra, tự các ông thánh-nhân đời xưa tự lấy tinh-thần đặt ra đó. Các ông thánh-nhân đời xưa tự lấy tinh-thần đặt ra luân-lý, chỉ là trỏ bảo cho người ta nên theo mà cũng chưa từng có buộc người nhất-quyết phải cứ theo như thế. Chúng ta cũng tự có tinh-thần, cũng tự có sẵn một lòng luân-lý, ta lấy luân-lý của thánh-nhân đời trước đã đặt ra làm phải, cho nên ta nhân tiện mà theo; không phải lấy đó làm cái luật nhất-định, có quyền bắt ta phải theo mà ta không còn suy xét gì, chỉ cứ nhất-quyết y theo như thế vậy. Trong một đời ta, nếu phàm sự ở theo luân-lý mà thích-đáng thời ta chỉ cứ theo luân-lý, ấy thực là rất tiện cho ta mà là cái may của ta; nếu hoặc có sự ở theo luân-lý mà không được thích-đáng thời ta phải tự lấy tinh-thần mà ăn ở, sao cho không thẹn với luân-lý thời thôi, ấy thực bất-đắc-dĩ cho ta mà là cái không may của ta vậy. Ôi, những sự theo luân-lý mà không thích-đáng thời dẫu tự người đặt ra luân-lý, có gặp sự như thế, cũng không thể cứ theo luân-lý; nếu ta gặp có sự như thế mà ta cứ y theo luân-lý thời tức là tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý vậy. Những sự theo luân-lý mà thích-đáng thời dẫu người đời xưa chưa từng đặt ra luân-lý, ta cũng tự lấy tinh-thần mà ăn ở hợp như thế; nếu ta chỉ biết theo luân-lý mà tự ta không nhận thấy cái chỗ thực nên theo thời tức là tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý vậy. Hoặc như thế, tóm lại chỉ là tự mình coi không có mình, là tự khinh, là không tự trọng. Chúng ta muốn tự trọng, nên không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ luân-lý.[1]
Không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ tình-dục. — Mấy điều nói ở trên đó đều là đối với ngoài. Không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ tình-dục thời là tự mình đối với mình. Đối với ngoài mà tự lấy tinh-thần làm tôi tớ thời còn có từng lúc mà còn dễ thoát khỏi; đối với mình mà tự lấy tinh-thần làm tôi tớ thời không có lúc nào mà thoát khỏi lại là khó hơn. Ôi, tình-dục thuộc về tinh-thần, không lúc nào xa lìa mà rất hay quấy nhiễu, lôi giắt. Tình-dục rất là bất-nhất, mà tinh-thần chỉ có một chủ-trương. Nghĩ như một người giắt một đàn dê đi năm sáu ki-lô-mét, trong khoảng đường trưòng ấy, mỗi con dê mỗi lúc muốn găng đi mỗi nơi, một con dê một lúc mà găng đi thời lôi cả người giắt cùng phải đi, tự người giắt dê cũng không thể buông ra mà bỏ được. Nếu cứ để cho những con dê găng được thời lúc này theo con dê này, lúc khác theo con dê khác, hết theo con dê này, lại theo con dê khác, lại trong một lúc mà mỗi con găng mỗi nơi thời chỉ những theo đàn dê không xong mà còn đi được đến đâu nữa. Ấy tinh-thần của ta, phận-vị chính như người giắt dê mà tình-dục ham mê thời là đàn dê ngu, ương, gân, ngạnh kia vậy. Một đời người năm sáu mươi năm, từ bé cho đến nhớn, từ nhớn cho đến già, miệng muốn cái vị ngon, mắt muốn cái sắc đẹp, thân-thể muốn an-nhàn, muốn vui-chơi, muốn sung-sướng, muốn giầu-sang, vinh-hoa, muốn những cái phi-đạo phi-nghĩa; nếu tinh-thần không có sức chủ-trương thời cũng lại chỉ theo những cái đó mà làm tôi tớ cả mọi đời. Ôi, mỗi một cái tặc lưỡi của người ta, chính là lúc cái chủ tinh-thần bị những con dê tình-dục giặt đi vậy. Ấy chẳng qua tự coi mình rẻ-rúng, đành phận hư-hèn, như thế là tự-khinh, như thế là không tự-trọng. Chúng ta muốn tự-trọng, nên không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ tình-dục.
Không tự lấy tinh-thần làm tôi tớ tính-khí.
Mình tư đối với mình mà lấy tinh-thần làm tôi tớ, không những với tình-dục có như thế, với tính-khí lại càng có như thế. Đối với tình-dục mà lấy tinh-thần làm tôi tớ thời còn rễ tỉnh-ngộ mà mong để thoát khỏi; đối với tính-khí mà lấy tinh-thần làm tôi tớ thời tỉnh-ngộ được khó hơn. Ôi, tính-khí thực là cái bệnh của tinh-thần, như các bệnh hàn nhiệt của thân-thể; tính-khí bắt tinh-thần phải theo, như các bệnh hàn nhiệt bắt thân-thể phải theo vậy. Những người có phát bệnh hàn nhiệt, hoặc đương giời nắng mà đắp chăn, hoặc đương giời rét mà phải quạt, đó là thân-thể bị cái bệnh sai khiến, cho nên tự mình (thân-thể) không có quyền. Những người có tính hay gắt thời sự không đáng gắt cũng gắt, có tính hay sợ thời sự không đáng sợ cũng sợ; đó là tinh-thần bị tính-khí sai khiến, cho nên tự mình « tinh-thần » không có quyền. Tinh-thần đương trong lúc bị tính-khí sai khiến, thường không tự biết; qua lúc ấy mà nghĩ lại thời hoặc cũng có biết, nhưng cũng chỉ biết qua một lúc, rồi lại y như xưa, vì rằng cái bệnh kia vẫn còn y nguyên vậy. Bao nhiêu các cái tính xấu: dan-dối, tham-lam, ghen-ghét, dua-nịnh, nương-tựa, tàn-nhẫn.... thường hay lặn sâu nắu kĩ trong tinh-thần mà thay nhau làm bệnh. Xét ra được cũng đã khó, bỏ đi được lại càng khó; nếu không xét mà bỏ đi được thời đành chịu lấy tinh-thần làm tôi tớ những cái đó. Như thế, lại thật là tự-khinh, là không lấy trọng. Chúng ta muốn tự-trọng, nên không tự-tự tinh-thần làm tôi tớ tính-khí.
Nghĩa tự-trọng, liệu không phải như sáu đoạn nói đây mà đã là đủ hết, song hãi dữ được như thế, nghĩ cũng đã là tự-trọng thay! Ôi, các bậc hiền-kiệt ở trong đời thời ta không dám biết; ta muốn cùng các người như ta, cùug nhau thử nghĩ trong một đời mình từ nay giở về trước, bao nhiêu lúc, bao nhiêu sự, bao nhiêu nỗi đã tụ lấy tinh-thần làm tôi tớ, có thể đếm được chăng? Các cái đã qua đều đã qua, không thể sao được nữa; các cái chưa lại còn chưa lại thời ta còn có qnyền. Xưa có đứa trẻ con hát rằng: « Nước sông Thươg-Lương trong chừ! ta dặt giải mũ ta: nước sông Thương-Lương đục chừ! ta rửa cái chân ta ». Đức Khổng nói rằng: « Các anh học-trò nghe đấy, trong thời dặt giải mũ, đục thời rửa chân đấy, thế là tự mình » Ông Mạnh-tử nói rằng: « Ôi, người tất tự khinh, rồi người ta mới khinh. » Ta muốn cho người không khinh ta thời ta phải tự-trọng; ta muốn cho ta không khinh ta thời ta phải tự-trọng. Sau đức tự-ái mà nối được đức tự-trọng, chẳng đã là cái nền của thánh hiền, hào-kiệt đó du? Cho nên quân-tử quí tự-trọng.
- ▲ Những sự theo luân-lý không hợp mà phải ở trái với luân-lý, như thế, người đời xưa gọi là « dụng quyền ». Dụng quyền là sự bất-đắc-dĩ của thánh-nhân; dụng-quyền mà không thẹn với luân-lý thời mới là dụng-quyền, nghĩ thực không dễ. Đây không nói theo nghĩa dụng-quyền, chỉ là nói nghĩa tự-trọng, ấy cũng rất nên phải cẩn-thận; chơi dao mà đướch tay, không phải lỗi ở dao vậy.