Tản Đà tùng văn/Cái lo

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Cái lo.

Thiên-hạ đến cái lo, nghĩ rất là buồn cười! Cái lo tại sao mà buồn cười? vì rằng cùng là lo mà có nhiều cái lo khác nhau: có cái lo sang-trọng, có cái lo đê-tiện, có cái lo sung-sướng, có cái lo khốn-khổ, có cái lo mà sống, có cái lo mà chết, có cái lo hữu-tình, có cái lo vô-vị. Cái lo mà nhiều đến như thế, không trách ở đời nhiều người có cái lo, không trách ở đời nhiều người có nhiều cái lo.

Đông tây xưa nay, tưởng không mấy người không có lo; xem cái lo mà người ta hơn kém nhau cũng biết được đôi ít. Trong các cái lo, có giá hơn nhất là cái lo sang-trọng, Trong cái lo sang-trọng lại có hai tính-chất: một là lo vì mình; một là lo vì đời. Lo vì mình như thế nào? Đức Khổng có nói rằng: « Đức chẳng sửa, học chẳng giảng, nghe điều thiện chẳng đổi sang được, điều bất-thiện chẳng đổi bỏ được, ấy là cái lo cưa ta. » Thầy Mạnh nói rằng: « Người quân-tử có cái lo suốt đời, không có sự áy-náy trong một buổi. Ấy như cái lo thời có lắm: vua Thuấn là người, ta cũng là người, vua Thuấn làm phép cho thiên-hạ, truyền được đến đời sau; ta còn vẫn chỉ là người làng, ấy thời là đáng lo. Lo như thế nào, như vua Thuấn thôi vậy. » Ông Mạnh lại suy bụng vua Thuấn mà nói rằng: « Kẻ sĩ trong thiên-hạ yêu mình, là cái người ta thích, vậy mà không đủ để giải cái lo; gái đẹp là người ta thích, lấy hai con gái vua, vậy mà không đủ để giải cái lo; giầu là người ta thích, giầu có cả thiên-hạ, vậy mà không đủ để giải cái lo; sang là người ta thích, sang đến làm thiên-tử, vậy mà không đủ để giải cái lo. Người ta yêu mình, gái đẹp, giầu, sang, không gì đủ để giải lo; duy thuận lòng cha mẹ có thể giải cái lo. » Ông Mạnh ở nước Tề, không muốn ra làm quan mà mẹ thời tuổi già, thường đứng tựa cửa thở giài mà lo. Ấy những cái lo đó là lo vì mình. Lo vì đời như thế nào? ông Mạnh có nói rằng: « Vua Nghiêu lấy không được ông Thuấn làm cái lo của mình. Vua Thuấn lấy không được ông Vũ, ông Cao-Rao làm cái lo của mình. » Lại như đức Khổng lấy thiên-hạ không bình-trị làm cái lo của mình. Đức Gia-tô lấy người đời mắc vào tội lỗi làm cái lo của mình. Đức Thích-Ca lấy người đời chìm đắm trong bể khổ làm cái lo của mình. Như những cái lo đó là lo vị đời. Lo vị mình, lo vị đời, dẫu tính-chất có khác nhau mà các cái lo đó thật đều là sang-trọng. Sang-trọng thay cái lo! — Cái lo thế nào là đê-tiện? Bác nhiêu lo lên làm bác xã, bác xã lo lên làm bác khán, bác khán lại lo lên một bực trên bác khán, trên bác khán lại lo lên một bực, hai bực..... trên bực trên bác khán. Những cái lo đó, có cái lo mất một chục, hai chục....., có cái lo mất một trăm, hai trăm.... có cái lo mất một nghìn, hai nghìn..... Lo cho được thời phải chịu mất; lo không được, thường cũng phải mất; lo đã được thời lại lo mất. Dẫu lo có nhớn bé, mất có nhiều ít khác nhau mà các cái lo đó thật đều là đê-tiện. Đê-tiện thay cái lo! — Cái lo thế nào là sung-sướng? Như ông vua Sắt ở Hoa-kỳ, giầu có không biết bao nhiêu triệu, để ra năm trăm triệu tiền Hoa-kỳ, ngày chỉ ngồi lo không biết lấy cách gì tán hết cho đắc-nghi. Như cái lo đó, nghĩ thật là sung-sướng. Sung-sướng thay cái lo! — Cái lo thế nào là knốn-khổ. Xưa có một văn-sĩ ở Trung-quốc, gần đến tiết trùng-cửu, ngồi trông cảnh mưa gió mà làm thơ, mới ngâm được một câu rằng: « Đầy thành mưa gió giáp trùng-dương. » Sực thấy người xã vào thu tiền thuế thời lo quá mà cụt mất hứng thơ, rồi cũng không nối được thành bài. Lại cũng có nhiều người lo ăn lo mặc, lo công lo nợ, lo ốm lo đau, lo tội lo vạ, lo chồng lo con, lo con lo vợ. Những cái lo đó, nghĩ thật là khốn-khổ. Khốn-khổ thay cái lo! — Cái lo thế nào mà sống? Thơ Chi-Hào trong kinh Thi thác làm nhời con chim mà nói rằng: « Từ lúc giời chưa mưa gió, lấy rễ cây râu, ràng-rịt cửa tổ. » Ông Mạnh-tử nói rằng: « Thế rồi mới biết sống ở lo. » Lo như thế là lo mà sống, đáng sống thay cái lo! — Cái lo thế nào mà chết? khi ta thuộc về đời Đường ở Trung-quốc, Cao-chính-Bình sang làm đô hộ, bị quân ông Phùng-Hưng vây phủ, không biết làm thế nào, rồi lo quá mà chết. Lo như thế là lo mà chết, đáng chết thay cai lo! — Cái lo thế nào là hữu-tình? Xưa có một người đàn-bà lấy chồng học-trò nghèo, đến khi chồng được đi làm quan thời buồn-bã mà khóc. Có người hỏi vì cớ sao?. Nói rằng: nguyên cảnh nghèo thời hai vợ chồng chỉ có nhau, ân-ái đầm-thấm; nay chồng đi làm quan, tất sẽ lấy hầu lấy lẽ, lo rằng ân-ái không được như xưa. Như cái lo đó, nghĩ thật là hữu-tình. Hữu-tình thay cái lo! — Cái lo thế nào là vô-vị? Người nước Kỷ ngày xưa lo giời đổ. Người nước ta có câu « lo bò trắng răng ». Như các cái lo đó, nghĩ thật là vô-vị. Vô-vị thay cái lo!

Cái lo đối với cái mừng. Cái lo ở đời nhiều như thế thời không biết cái mừng ở đời có nhiều như thế không? Tại làm sao mình không nghĩ về cái mừng mà mình cứ nghĩ về cái lo? Hay bởi tự mình có nhiều cái lo chăng? Nếu tự mình có nhiều cái lo thời là lo sang-trọng, hay lo đê-tiện? lo sung-sướng, hay lo khốn-khổ? lo mà sống, hay lo mà chết? lo vô-vị, hay lo hữu-tình?

Nghĩ mình, mình lại hỏi mình,
Tự mình, mình cũng chưa đành rằng sao.
Cái lo là cái làm sao?
Lo sao lo mãi? khi nào hết lo.
Một mình lo nghĩ quanh-co.
Mình lo mình biết ai lo cho mình.
Ấy ai là khách hữu-tình,
Vì mình lo đỡ cho mình đỡ lo.
Kẻo mình lo mãi quanh-co.