Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn/K

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

K

  1. Kê minh cẩu đạo.
    Gà gáy chó ăn trộm, chính nghĩa là gian vặt ; mượn nghĩa thì là bạn hữu thiết. Tích rằng : Ông Mạnh-thường-quân là công tử nước Tề nuôi thực khách hơn ba ngàn, đi sứ qua Tần, bị Tần Chiêu-vương giam tù, phải lo với bà công chúa ; bà công chúa đòi cái áo hồ bạch cầu, ngặt áo ấy công tử dâng cho vua Chiêu vương bỏ vào kho rồi, vậy có một người thực khách chịu làm chó chun vào kho lấy đặng cái áo hồ cầu dâng cho công chúa cứu công tử khỏi tù.
Công tử lật đật ra cữa thành, trời hãy còn khuya ; lệ cữa thành gà gáy mới mở, có người khách giả làm gà gáy, gà lối xóm đều gáy theo, quân canh ngỡ trời đã sáng, mở cữa thành, Mạnh-thường-quân mới thoát ra mà về, khỏi ai bắt bớ nữa.
  1. Khắc bạc thành gia, lý vô cữu hưởng.
    Ăn ở khắc bạc mà làm nên sự nghiệp nhà, thì lẽ Trời chẳng cho hưởng đặng lâu.
  2. Khách tới nhà chẳng gà thì vịt.
    Biết hậu đãi nhau.
  3. Khai khẩu như phá thạch.
    Mở miệng dường phá đá, chỉ nghĩa là lời nói cho chắc chắn.
  4. Khai môn ấp đạo.
    Mở cửa rước kẻ trộm, chỉ nghĩa là rước kẻ dữ vào nhà mà làm hại cho mình.
  5. Khẩu đầu chi giao.
    Bạn hữu đầu miệng, chỉ nghĩa là không thiệt lòng, không phải là bạn tâm phúc.
  6. Khai quyển hữu ích.
    Mở sách ra thì thấy có ích. Sách nào cũng có đều khuyên răn dạy bảo, làm ích cho mình được.
  7. Khê hác chi tâm.
    Lòng dạ như khe rãnh, chỉ nghĩa là tham lam không chừng.
  8. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.
    Biết cầm kiệm giữ gìn thì khỏi đói lạnh.
  9. Khéo làm tôi vụng.
    Có câu rằng : Xảo giả đa lao, chuyết yên nhàm, nghĩa là khéo lắm thì mệt, mà vụng lắm lại không biết chuyện chi mà làm cũng tệ.
  10. Khi kiến ăn cá, khi cá ăn kiến.
    Đến khi thất thế, thì dẫu là vật nhỏ hèn cũng hại mình đặng, ấy là giao long ly thủy thất phu khả chế.
  11. Khi lành cho nhau ăn cháy, khi dữ mắng nhau cạy nồi.
    Khi thương khi ghét không chừng.
  12. Khi lành quạt giấy cũng cho, khi dữ quạt mo cũng đòi.
    Hậu bạc không chừng.
  13. Khinh nặc quả tín.
    Nghĩa là nhẹ ừ, ít tin. Hiểu ra hai nghĩa : một nghĩa là ừ chịu lấy đặng thì chẳng đáng tin, một nghĩa là ừ dể là ít tin, hay là chẳng mấy khi thiệt. Ư dễ, tục hay gọi là ừ bấc tử.
  14. Khinh sĩ mắc sĩ.
    Nghĩa là dễ ngươi thì phải mắc. Sĩ ấy là học trò nhiều trí thuật. Lấy tích xưa có nhiều học giả hay giả hình giả dạng mà gạt người ta
  15. Khó chó cắn thêm.
    Khổ dập ; nghèo mắc lấy eo.
  16. Khó có nhau hơn giàu một mình.
    Lấy nghĩa sum vầy làm hơn.
  17. Khó khách hơn giàu annam.
    Đờn bà Annam lấy chồng khách sung sướng, dẫu nó nghèo nó cũng câng, khỏi làm công chuyện.
  18. Khó mới có mà ăn, ngồi không ai dễ đem phần tới cho.
    Nghĩa là không có của sẵn mà cho kẻ làm biếng.
  19. Khó nằm giữa chợ chẳng ai han, giàu ở lâm san, ghe kẻ tìm tới.
    Có tiền dẫu ở trong hang cũng có bạn hữu.
  20. Khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt.
    Lỡ khóc lỡ cười.
  21. Khỏi lổ vổ vế.
    Khỏi việc thì lấy làm may ; câu nầy có nghĩa tục.
  22. Khôn cho người ta giái, dại cho người ta thương.
    Có câu kết rằng : Đừng có oan ương cho người ta ghét.
  23. Khôn đâu cho trẻ, khỏe đâu cho già.
    Trẻ chưa trải việc, già lại mỏn hơi.
  24. Khôn một người một léo, khéo một người một ý.
    Các hữu sở trường, kẻ không thế nầy, người khéo thế khác.
  25. Khôn ngoan chẳng bằng thật thà.
    Phải giữ mực thiệc là hơn.
  26. Khôn ngoan giữa đám ba bề, chớ cho ai lận chớ hề lận ai.
    Có ý nói về việc buôn bán ; ra giữa đô hội, không thua trí người ta, hay là biết giữ lận, cũng chẳng thèm lận thời mới thiệt là khôn ngoan.
  27. Khôn nhà dại chợ.
    Chỉ biết so đo, nói vặt ở trong nhà.
  28. Khôn thì sống, mống thì chết.
    Cũng như nói khôn thì nhờ, dại thì chịu.
  29. Khôn thuở nên ba, dại cho đến già còn dại
    Thông minh, dại dột đều là bẩm tánh tự nhiên, nhưng vậy có học cũng đũ mà phá ngu. Học khả dĩ biến tánh chất.
  30. Không ai chịu cha ăn cướp.
    Ai ai cũng muốn rảnh mình, vốn cũng biết tội ăn cướp là xấu.
  31. Không ai nắm tay đến tối, không ai gối đầu đến sáng.
    Không ai dám chắc mình rằng bình yên vô sự.
  32. Không chó bắt mèo ăn dơ.
    Chỉ nghĩa là túng phải dùng đỡ.
  33. Không dau làm giàu biết mấy.
    Tiếng than vận trời trắc trở.
  34. không thầy đố mầy làm nên.
    Không người dạy biểu chỉ vẽ, thì chẳng làm nên việc, ấy là có học mới có hành.
  35. Khoai vò mình củ.
    Mình lại khen mình, bào chuốt cho mình.
  36. Khoang tắc đắc chúng.
    Độ lượng lớn, thì nhiều người tùng phục.
  37. Khúc đột tỉ tân vô ân trạch, tiêu đầu lan ngạch vi thượng khách.
    Vạy bếp dời củi không ơn nghĩa, cháy đầu phỏng trán làm khách trên ; ơn dự phòng cho khỏi lửa thì bạc, công chữa lửa thì hậu.
  38. Kị chỉ thử nhỉ.
    Nghề có chừng ấy. Có một xứ không có lừa, người trong xứ mới đi mua một con đem về để mà coi chơi. Cọp trong xứ ấy thấy con lừa hình tượng cao lớn, thì cũng rình trong bụi mà coi, đến khi nghe con lừa kêu lên thì sợ hãi đâm đầu mà chạy. Song chứng cọp hay tọc mạch, mỗi bữa thường tới mà rình, thấy lừa không có tài gì khác, thì dần làn lại gần, sau hết mới khuấy thiệt, con lừa giận lắm bèn đá một cái ; con cọp nhảy trái ra, rồi lại áp vào mà khuấy, con lừa cũng đá một cái nữa. Con cọp nghĩ trong mình rằng : vậy thì nghề nó có bấy nhiêu mà thôi, liền nhảy chờm cắn cổ con lừa mà ních thịt. Chớ cho người ta biết tâm sự mình.
  39. Kỉ dụ lập nhi lập nhơn, kỉ dục đạt nhi đạt nhơn.
    Mình muốn nên, mà làm nên cho người ; mình muốn hiển đạt mà hiển đạt cho người ; chỉ nghĩa là làm nên cho người, tức thị là làm nên cho mình.
  40. Kì hậu dã bạc, kì bạc dã hậu.
    Chỗ phải hậu lại bạc, chỗ phải bạc lại làm hậu ; dụng đãi không phân minh.
  41. Kị hổ nan hạ.
    Cỡi cọp khó xuống ; nghĩa là thế không dám thôi. Giả như theo giặc không dám bỏ giặc.
  42. Kì phụ nhương dương, nhi tử chứng chi.
    Người cha ăn trộm dê, mà con làm chứng ; ấy là lỗi nghĩa tử vị phụ ân. Nghĩa cha con phải giấu cho nhau.
  43. Kì phùng địch thủ.
    Cờ gặp tay đối địch, chỉ nghĩa là anh hùng gặp anh hùng.
  44. Kiến bất thủ nhi tầm thiên lý.
    Thấy chẳng lấy mà tìm ngàn dặm, nghĩa là thất cơ hội, không biết tính trước.
  45. Kiến cơ nhi tác.
    Coi máy thế mà làm, thì là tùy theo việc mà biến thông.
  46. Kiến hiền tư tề diên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh.
    Thấy kẻ hiền lo cho bằng vậy, thấy kẻ chẳng hiền, mà trong xét lấy mình, chỉ nghĩa là thấy người hiền thì lo bắt chước, thấy kẻ chang hiền thì hỏi mình răn mình.
  47. Kiến leo cột sắt chi mòn, vò vò xây ổ sao tròn mà xây.
    Tài trí chẳng có, chẳng làm chi nên. Câu trước là câu hứng, chỉ lấy nghĩa câu sau.
  48. Kiến lợi vong ngãi.
    Thấy lợi quên ngãi, thì là tham lợi trước mắt, mà chẳng nhớ đến sự phải chăng.
  49. Kiến ngãi bất vi vô dõng dã.
    Thấy nghĩa không làm, không có cảm dõng vậy : ngãi là đều đáng làm, như tế hiểm phò nguy vân vân.
  50. Kiến pháp tri ân.
    Thấy phép biết ơn, kẻ có quyền muốn cho người ta biết ơn hay là muốn cho người ta mắc ơn, thì hay là oai phép trước : ấy cũng là cách hách dịch người ta mà ăn tiền.
  51. Kiến tài ám nhãn.
    Thấy của tối mắt, chỉ nghĩa là quên liêm sĩ. Có một người tới nhà anh em bạn, thấy vàng anh em bạn để ra nơi ván thì giựt mà chạy, anh em bạn thấy vậy liền hô oán, bắt anh ta dem tới quan, quan hỏi sao dám khi anh em bạn mà làm tới nước cướp giựt. Anh ta bẩm rằng : khi ấy tôi chỉ thấy vàng mà chẳng thấy người.
  52. Kiến tha lâu đầy lỗ.
    Ấy là tích thiểu thành đa.
  53. Kiết thảo hàm hoàn.
    Kết cỏ, ngậm vành. Nghĩa là biết ơn mà trả ơn. Truyện rằng : Tướng nước Tấn là ngươi Ngụy-Lỏa đánh giặc với tướng nước Tần là ngươi Đổ-hồi ; Đổ-hổi là người mạnh bạo, đang khi giao chiến, Ngụy-Lỏa thấy một ông già lum khum kéo cỏ mà cột xiếu lại, Đổ-hồi vương lấy cỏ ấy mà ngã xuống, liền bị Ngụy-Lỏa giết đặng. Sau Ngụy-Lỏa nằm chiêm bao thấy ông già ấy tới mà xưng mình đi làm việc đền ơn. Té ra ông già ấy là cha vợ bé ông Ngụy-Thù thì là cha Ngụy-Lỏa. Ngụy-Thù đau nặng trối với Ngụy-Lỏa : Tao chết xuống, mầy sẽ gả con vợ bé tao. Đến khi Ngụy-Thù ngặt mình lại dặn con chôn vợ bé theo. Ngụy-Thù chết rồi, Ngụy-Lỏa lấy lời dặn sau làm lời hoảng hốt, bèn gả người vợ bé lấy chồng. Ông già ấy cảm vì Ngụy-Lỏa biết đều không chôn con mình, mới đền ơn thể ấy. — Có một con chim huình tước bị bò cắt đâm té xuống đất, lại bị kiến thui, may gặp một người có nhơn đem mà về nuôi khỏi chết. Sau con chim ấy cứ bay đi bay về hoài, có một bữa nó tha về ba chiếc vòng ngọc bạch mà đền ơn ; nhờ ba chiếc vòng thì con cháu người có nhơn ấy nối đời làm tới chức Tam-công.
  54. Kiêm thính tắc minh, thiên thính tắc ám.
    Gồm nghe thì sáng, mích nghe thì tối : Nghe lời một người quấy quấy thì chẳng khỏi lầm.
  55. Kim ngọc dị cầu, danh ô nan thục.
    Vàng ngọc dễ tìm, tiếng xấu khó chuộc.
  56. Kín tranh hơn lành gỗ.
    Che mưa che nắng đặng thì thôi.
  57. Kinh cung chi điểu.
    Con chim sợ ná. Chim đã phải ná một lần, hễ thấy ná thì thất kinh ; con người ta bị sự gì rồi, sau nghe tới sự ấy, hãy còn hãi kinh, thì là thương cung chi điểu.
  58. Kình thân tàm thực.
    Cá kình nuốt, tằm ăn. — Cá kình nuốt thì là ăn to, tằm ăn thì là ăn lần. Hiểu nghĩa là xâm lấn nhau, cũng chư nước mạnh xâm chiếm nước yếu.
  59. Kíp miệng, chầy chân.
    Miệng gấp mà chơn chậm, nói ra thì dễ, mà đến việc thì dùng dằng, cũng là sự dữ tâm vi, nghĩa là việc cùng lòng trái nhau.
  60. Kiếp chết, kiếp hết.
    Có câu rằng : Tử giả biệt luận.