Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 97

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY

Đánh nước Ngụy, Võ hầu hai lần dâng biểu
Phá quân Tào, Khương Duy dùng mẹo hiến thư

Nói về năm Kiến-hưng nhà Thục thứ 6, mùa thu tháng chín, đô đốc nước Ngụy là Tào Hưu, bị Lục Tốn đánh phá ở Thạch-đình; nội bao nhiêu đồ quân tư khí giới mất sạch. Hưu sợ hãi, lo lắng thành bệnh, đến Lạc-dương, nhọt đau vỡ ra rồi chết. Ngụy chủ Tào Tuấn sai đem hậu táng.

Tư-mã Ý dẫn quân về, các tướng hỏi rằng:

- Tào đô đốc bại trận, tất cũng can hệ đến nguyên súy, sao lại vội vàng về ngay thế?

Ý nói:

- Ta đồ rằng Gia-cát Lượng, nếu biết tin quân ta thua, tất thừa cơ lại cướp Tràng-an. Ta mà ở bên ấy, ví dù Lũng-tây có việc gì khẩn cấp thì ai ra cứu được. Vì thế ta phải về ngay.

Chúng cho là nhát, tủm tỉm cười, trở ra.

Đông Ngô sai sứ vào Thục, xin cất quân sang đánh Ngụy và kể chuyện phá được Tào Hưu, một là chủ ý khoe oai phong của mình, hai là thông việc hòa hiếu.

Hậu chủ mừng lắm, sai người cầm thư đến Hán-trung, báo với Khổng Minh. Bấy giờ Khổng Minh quân mạnh, ngựa khỏe, lương thảo phong túc, đồ dùng đầy đủ, vừa toan cất quân đi thì có thư của Đông Ngô đưa đến. Khổng Minh liền mở tiệc, hội hết các tướng lại thương nghị.

Bỗng đâu, một cơn gió to từ góc tây bắc nổi lên, lay đổ mất một cây thông cổ thụ ở giữa sân. Khổng Minh bấm một quẻ độn, rồi nói:

- Trận gió này báo điềm mất một đại tướng.

Các tướng chưa tin. Đang uống rượu, sực có tin báo hai con quan trấn nam tướng quân Triệu Vân là Triệu Thống, Triệu Quảng lại ra mắt thừa tướng.

Khổng Minh giật mình, quẳng chén rượu xuống đất mà rằng:

- Tử-long hỏng mất rồi!

Hai con Tử-long vào lạy xuống đất khóc, thưa rằng:

- Cha tôi canh ba đêm hôm qua bị bệnh nặng qua đời rồi.

Khổng Minh giẫm chân xuống đất, khóc mà than rằng:

- Tử-long mất đi, nhà nước tổn mất một cột cái, ta thì gẫy mất một cánh tay rồi, trời hỡi trời!

Các tướng đều cảm thương, ứa nước mắt.

Khổng Minh sai hai con Triệu Tử-long vào Thành-đô chầu vua và báo tang.

Hậu chủ nghe tin Triệu Vân mất, khóc ầm lên rằng:

- Trẫm khi xưa còn nhỏ, không có Tử-long thì chết ở trong đám loạn quân đã lâu rồi!

Liền giáng chiếu truy tặng Triệu Vân làm đại tướng quân, Thuận-bình hầu; sai rước ma táng tại mé đông núi Cẩm-bình ở Thành-đô, lập ra miếu đường, bốn mùa cúng tế.

Có thơ rằng:

Thường-sơn một hổ tướng,
Trí dũng sánh Quan, Trương.
Công thành sông Hán-thủy,
Tiếng nổi trận Đương-dương
Đôi phen phò ấu chúa,
Một bụng báo tiền vương.
Sử sách ghi trung liệt,
Nghìn thu tỏa khói hương.

Hậu chủ nhớ công Triệu Vân, tặng tế rất hậu, phong Triệu Quảng làm nha môn tướng, cho ở nhà giữ phần mộ. Hai người lạy từ trở về.

Chợt có cận thần tâu rằng:

- Gia-cát thừa tướng phân phát quân mã đâu đấy, nay mai sắp cất quân sang đánh Ngụy.

Hậu chủ hỏi quần thần có nên đánh Ngụy không, nhiều người nói không nên. Hậu chủ hồ nghi chưa quyết. Sực có Dương Nghi cầm đạo biểu xuất sư của Khổng Minh đến dâng. Hậu chủ xem xong mừng lắm, sai Khổng Minh cất quân đi. Khổng Minh vâng lệnh, khởi ba chục vạn tinh binh, sai Ngụy Diên tổng đốc tiền bộ tiên phong, đến thẳng cửa đường Trần-sương.

Có mật thám báo về Lạc-dương. Tư-mã Ý tâu với Ngụy chủ, hội cả văn võ lại thương nghị.

Đại tướng quân Tào Chân tâu rằng:

- Trước kia, tôi giữ Lũng-tây, công ít tội nhiều, xiết bao sợ hãi. Nay tôi xin dẫn đại quân ra bắt Gia-cát Lượng. Tôi mới được một viên đại tướng, sử một đại đao sáu mươi cân, cưỡi ngựa thiên lý, giương nổi cung hai tạ, trong mình thường giắt ba chùy lưu tinh, ném đâu tin đấy, có sức khỏe muôn người không địch nổi. Người ấy ở làng Địch-đạo, xứ Lũng-tây, họ Vương tên Song, tự là Tử-toàn. Tôi xin cử người ấy làm tiên phong.

Tuấn mừng lắm, vời Vương Song lên điện, thấy Song mình dài chín thước, mặt đen, con ngươi vàng, lưng gấu, mình hổ. Tuấn cười nói:

- Trẫm được đại tướng này, còn lo gì nữa!

Bèn ban cho áo gấm giáp vàng, phong làm hổ oai tướng quân, tiền bộ đại tiên phong; phong Tào Chân làm đại đô đốc.

Tào Chân lĩnh mệnh, tạ ơn trở ra, dẫn mười lăm vạn quân cùng với Quách Hoài, Trương Cáp chia giữ các cửa ải.

Quân Thục tiến đến Trần-sương, về báo rằng:

- Cửa đường Trần-sương mới đắp một tòa thành, có đại tướng là Hác Chiêu trấn giữ. Thành cao hào sâu, ngoài thành lại rào chông chà cẩn mật lắm. Ta nên bỏ đường này, đi qua lối hẻm núi Thái-bạch ra Kỳ-sơn, thì tiện hơn.

Khổng Minh nói:

- Ở về mặt chính bắc Trần-sương là Nhai-đình. Có thành ấy, thì mới tiến binh được.

Bèn sai Ngụy Diên dẫn binh đến dưới thành, vây bốn mặt mà đánh. Diên đánh luôn mấy hôm, không sao chuyển được, về nói với Khổng Minh. Khổng Minh nổi giận, toan chém Ngụy Diên. Cận Tường tiến lên thưa rằng:

- Tôi bất tài, theo thừa tướng đã lâu, chưa lập được chút công nào. Nay xin ra thành Trần-sương, dụ cho Hác Chiêu lại hàng, không cần phải dùng đến một mảnh cung, một mũi tên.

Khổng Minh hỏi:

- Ngươi có cách gì dụ được hắn?

Tường thưa:

- Hác Chiêu với tôi, cùng là người Lũng-tây, thuở nhỏ chơi với nhau thân lắm. Tôi đến đó, đem đường lợi hại nói rõ cho hắn biết, tất nhiên hắn phải hàng.

Khổng Minh cho Cận Tường đi dụ. Cận Tường tế ngựa đến dưới thành, gọi rằng:

- Hác Bá-đạo cố nhân, có Cận Tường lại chơi đây!

Quân trên thành báo với Hác Chiêu. Chiêu sai mở cửa cho vào, rồi hỏi rằng:

- Cố nhân đến đây có việc gì?

Tường nói:

- Tôi ở Tây Thục, làm chức tham tán quân cơ dưới trướng Khổng Minh được đãi ngang hạng khách quý. Khổng Minh sai tôi đến ra mắt ông, có lời nói để ông xét.

Chiêu sầm mặt, nói:

- Gia-cát Lượng là thù địch với nước ta. Ta thờ Ngụy, ngươi thờ Thục, mỗi người thờ một chủ. Ngày xưa là anh em, nhưng bây giờ là thù địch, ngươi bất tất phải nói lắm, xin mời đi ngay cho.

Cận Tường toan giãi bày lợi hại thì Hác Chiêu đã trèo lên địch lâu rồi, Quân Ngụy giục giã Cận Tường lên ngựa, đuổi ra ngoài thành. Tường ngảnh cổ lại, trông thấy Hác Chiêu đứng dựa trên bao lơn, bèn kìm ngựa trỏ roi bảo rằng:

- Bá-đạo hiền đệ, sao lại bạc tình lắm mấy?

Chiêu nói:

- Phép tắc nước Ngụy, anh cũng đã biết đấy. Ta chịu ơn nước Ngụy, chỉ biết một chết là cùng. Anh chẳng phải nói làm gì cho lắm! Nên về ngay bảo với Gia-cát Lượng đến đây mà đánh thành, ta có sợ gì đâu!

Tường về nói với Khổng Minh rằng:

- Hác Chiêu không để cho tôi phân giải, đã gạt phắt đi trước.

Khổng Minh nói:

- Ngươi thử đi dụ lần nữa xem sao.

Tường lại đến dưới thành mời Hác Chiêu ra gặp mặt. Chiêu lên địch lâu. Tường cưỡi ngựa đứng ngoài thành gọi to lên rằng:

- Bá-đạo hiền đệ, hãy nghe lời ta một chút. Ngươi giữ một thành nhỏ này, địch sao nổi vài mươi vạn quân, không sớm liệu đi, về sau hối sao cho kịp? Vả lại không thuận với Đại Hán mà đi theo giặc Ngụy, sao không biết lẽ trời mà phân biệt trong đục thế ư?

Hác Chiêu nổi giận, giương cung đặt tên, trỏ vào Cận Tường mà rằng:

- Ta đã nói trước như thế rồi, ngươi không phải nói lôi thôi nữa, hãy đi cho mau, kẻo ta bắn chết uổng mạng bây giờ!

Cận Tường về thuật hết chuyện với Khổng Minh. Khổng Minh giận, nói:

- Quân thất phu láo quá, khinh ta không phá nổi thành hay sao?

Lập tức gọi thổ dân ra hỏi rằng:

- Trong thành Trần-sương này ước chừng có bao nhiêu quân mã?

Người ấy thưa rằng:

- Ước chừng ba nghìn người.

Khổng Minh cười nói:

- Tưởng bao nhiêu! Thứ một cái thành nhỏ này, cự sao nổi ta? Không được để quân cứu của nó đến kịp, ta nên hỏa tốc đánh ngay đi!

Bèn sai quân sĩ dựng lên hàng trăm cái thang mây, mỗi cái thang vài mươi người trèo lên, xung quanh dùng ván che đỡ. Quân sĩ cùng mang thang nhỏ chạc mềm, hễ nghe tiếng trống báo thì kéo ùa lên mặt thành.

Hác Chiêu ở trên địch lâu, thấy quân Khổng Minh bắc thang bốn mặt, lập tức sai ba nghìn quân cầm sẵn tên lửa, dàn ra bốn bên, đợi thang bắc vào gần thành thì nhất tề bắn tên lửa xuống. Khổng Minh nổi hiệu trống, cho quân reo kéo lên mặt thành, không ngờ bị tên lửa bắn ra, cháy sạch cả thang; quân sĩ lắm người bị chết bỏng, tên đạn trên mặt thành lại bắn xuống như mưa, quân Thục phải lui cả.

Khổng Minh càng tức giận, nói:

- Mày đốt thang mây của tao, tao dùng phép xung xa, xem mày làm thế nào?

Liền suốt đêm sai quân sắp sửa xung xa. Sáng ngày, sai đánh trống hò reo, bốn mặt trèo lên xe mà truyền vào thành. Hác Chiêu vội vàng sai quân vận đá đến, rồi đục lỗ thủng luồn dây sắn buộc vào, quăng xuống đập vào xe. Xe vỡ tan tành, quân Thục không sao vào được.

Khổng Minh sai quân đổ đất lấp hào, rồi sai Liêu Hóa dẫn ba nghìn quân mang thuổng cuốc, ban đêm đào hầm dưới đất, xuyên vào trong thành. Hác Chiêu biết vậy, sai quân xẻ rãnh trong thành để chặn lại. Hai bên đêm ngày đánh nhau, hơn hai chục ngày, quân Thục không làm thế nào phá được thành.

Khổng Minh trong bụng buồn rầu. Sực có tin báo quân cứu của Ngụy đã đến, đại tướng là Vương Song.

Khổng Minh hỏi:

- Có ai dám ra địch Vương Song chăng?

Ngụy Diên xin đi.

- Ngươi là tiên phong đại tướng, chưa nên đi vội. Có ai dám đi nữa không?

Tì tướng Tạ Hùng xin đi. Khổng Minh cấp cho ba nghìn quân.

Khổng Minh hỏi:

- Có ai dám đi nữa không?

Tì tướng Cung Khởi dạ xin đi. Khổng Minh cũng cấp cho ba nghìn quân.

Khổng Minh sợ Hác Chiêu ở trong thành kéo quân xông ra, mới rút quân lui về hai chục dặm hạ trại.

Tạ Hùng dẫn quân đi trước, vừa gặp Vương Song, đánh nhau chưa được ba hợp, bị Song chém chết. Quân Thục thua chạy, Song đuổi theo. Cung Khởi tiếp vào đánh mới được vài hợp, lại bị chém chết nốt. Quân thua về báo với Khổng Minh. Khổng Minh giật mình, kíp sai Liêu Hóa, Vương Bình, Trương Ngực ba người ra cự chiến. Ba người dàn trận, Vương Song ra giao phong với Trương Ngực, được vài hợp chưa phân thắng phụ, Song giả thua chạy, Ngực sấn vào đuổi. Vương Bình biết Trương Ngực bị lừa, gọi to lên rằng:

- Đừng đuổi theo nữa!

Trương Ngực vội vàng quay ngựa về, thì đã bị Vương Song quăng một chùy lưu tinh đến, tin vào sau lưng. Ngực nằm rạp xuống yên ngựa mà chạy. Vương Song đuổi theo. Vương Bình, Liêu Hóa đổ ra chặn lại, cứu được Trương Ngực. Vương Song thúc quân đánh rát một trận, quân Thục tổn hại rất nhiều.

Trương Ngực về đến trại, thổ ra vài đấu huyết. Ngực nói với Khổng Minh rằng:

- Vương Song khỏe lắm, không sao địch nổi, nay đã dẫn hai vạn quân cắm trại ở ngoài thành Trần-sương, bốn mặt gỗ nhọn rào kín, lại đắp hai lần thành lũy, xẻ rãnh đào hào, giữ gìn cẩn mật lắm.

Khổng Minh thấy thiệt mất hai tướng mà Trương Ngực thì bị thương, mới gọi Khương Duy lại hỏi rằng:

- Cửa đường Trần-sương không đi lọt được, ngươi có mẹo gì không?

Duy thưa rằng:

- Ở Trần-sương này, thành trì kiên cố, Hác Chiêu phòng giữ cẩn mật, lại có Vương Song giúp sức thêm, khó lòng lấy được. Không bằng sai một đại tướng, dựa núi men sông, cắm trại mà giữ vững; lại sai tướng giỏi giữ đường hiểm yếu, để phòng mặt Nhai-đình. Thừa tướng thì dẫn đại quân ra thẳng Kỳ-sơn, tôi xin dùng một mẹo này, chắc bắt được Tào Chân.

Khổng Minh nghe lời, sai Vương Bình, Lý Khôi dẫn hai toán quân giữ đường nhỏ Nhai-đình; sai Ngụy Diên giữ cửa Trần-sương; lại sai Mã Đại làm tiên phong, Quan Hưng, Trương Bào làm tiền hậu cứu ứng, đi lẻn đường nhỏ kéo ra Kỳ-sơn[1].

Tào Chân nghĩ lần trước bị Tư-mã Ý cướp mất công lao. Chuyến này Chân định hưởng công một mình, bèn sai Quách Hoài, Tôn Lễ, chia ra giữ các mặt đông tây. Nghe tin ở Trần-sương cáo cấp, Chân đã sai Vương Song đi cứu rồi. Về sau lại biết Vương Song chém được tướng Thục, Chân mừng lắm, bèn sai đại tướng Phi Riệu quyền nhiếp tiền bộ tổng đốc tướng sĩ, chia nhau ra giữ các cửa ải.

Một hôm, quân tuần tiễu bắt được một tên do thám đưa đến. Chân sai điệu vào hỏi. Tên ấy quỳ dưới trướng bẩm rằng:

- Tôi không phải là người do thám, có việc cơ mật lại bẩm với đô đốc đây thôi, lỡ bị quân tuần phòng bắt được. Xin đô đốc hãy cho tả hữu lui ra ngoài, tôi xin thưa chuyện.

Tào Chân sai cởi trói cho y, rồi đuổi tả hữu ra, hỏi rằng:

- Mày có việc cơ mật gì?

Tên ấy bẩm:

- Tôi là người tâm phúc của Khương Bá-ước, bản quan tôi sai đem mật thư đến đây dâng đô đốc.

Chân hỏi:

- Thư đâu?

Tên ấy thò vào túi lấy thư trình lên. Chân mở ra xem, thư rằng:

"Tôi tướng Khương Duy trăm lạy, xin trình dưới cờ đại đô đốc được hay, Duy nghĩ rằng: nhà Duy đời đời ăn lộc nhà Ngụy, không đáng được giữ ngoài biên thành, đội ơn dày ấy, biết bao giờ đền báo cho xiết! Trước kia lỡ mắc phải mẹo Gia-cát Lượng, hãm vào chốn non cùng núi thẳm, nghĩ đến nước cũ bao giờ cho quên! Nay quân Thục ra đây, Gia-cát Lượng tin cậy Duy lắm. Đô đốc mang đại quân đến, nếu gặp giặc thì nên giả thua lui về. Duy ở mặt sau nổi lửa làm hiệu trước hết đốt lương thảo của Thục rồi đô đốc sẽ dẫn đại quân ập lại mà đánh, chắc bắt sống được Gia-cát Lượng. Duy không phải là dám lập công cán gì đâu, thực chỉ muốn chuộc cái tội trước mà thôi. Nếu đô đốc soi xét đến, xin trả lời cho biết!"

Tào Chân xem xong, mừng nói rằng:

- Trời cho ta thành công chuyến này!

Liền trọng thưởng cho người mang thư, sai về nói lại với Khương Duy, y hẹn hội hợp. Rồi gọi Phi Riệu đến thương nghị rằng:

- Nay Khương Duy mật sai người đến dâng hàng thư, bày cho ta những kế như trong thư này, ngươi nghĩ thế nào?

Riệu nói:

- Gia-cát Lượng lắm mưu, Khương Duy nhiều trí, hoặc giả Gia-cát Lượng sai hắn làm ra kế ấy, trong có mưu lừa dối gì chăng?

Chân nói:

- Hắn nguyên là người Ngụy, bất đắc dĩ phải hàng Thục, còn ngờ vực gì nữa!

Riệu nói:

- Đô đốc chớ nên đi vội, hãy giữ kỹ lấy trại nhà. Tôi xin dẫn một toán quân tiếp ứng cho Khương Duy. Nếu thành công, xin nhường cả về đô đốc, nhược bằng có mưu gian gì, tôi xin chịu một mình!

Chân mừng lắm, sai Phi Riệu dẫn năm vạn binh, kéo ra hang Tà-cốc. Riệu đi được hai ngày, đóng quân lại, sai người đi dò thám xem sao. Thám tử về báo có quân Thục kéo đến. Riệu vội tiến binh lên. Chưa kịp đánh nhau thì quân Thục đã lui rồi. Riệu dẫn quân đuổi theo. Quân Thục lại quay đến. Quân Ngụy sắp dàn trận đánh, quân Thục lại lui. Cứ thế, lai nhai mãi đến chiều hôm sau. Quân Ngụy một đêm một ngày không dám nghỉ lúc nào, chỉ sợ quân Thục bất chợt xông đến. Bấy giờ trời đã gần tối, quân Ngụy sắp sửa thổi cơm ăn. Bỗng đâu bốn mặt tiếng reo ầm ầm, còi trống vang tai, quân Thục kéo đến đầy ngàn man dã. Khổng Minh ngồi chĩnh chện trên xe; cho gọi tướng Ngụy ra nói chuyện.

Phi Riệu trông thấy Khổng Minh, trong bụng đã mừng, dặn tả hữu rằng:

- Nếu bằng quân Thục ập đến, thì quân ta hãy lui về, khi nào thấy có lửa bốc lên mé sau núi, sẽ lại thúc vào tiếp ứng.

Nói đoạn, tế ngựa ra trận, gọi to lên rằng:

- Tướng đã bị thua lần trước kia, nay sao lại dám đến đây?

Khổng Minh nói:

- Ngươi bảo Tào Chân ra đây nói chuyện.

Riệu nói:

- Tào đô đốc là cành vàng lá ngọc, lại thèm nói chuyện với ngươi à!

Khổng Minh nổi giận, cầm quạt lông vẫy một cái, tả có Mã Đại, hữu có Trương Ngực, hai bên xông ra. Quân Ngụy lui về. Đi được ba chục dặm, trông thấy mé sau lưng quân Thục có ngọn lửa cháy, và nghe tiếng reo rầm rầm. Riệu tưởng là hiệu lửa của Khương Duy, mới quay quân đánh quật lại. Quân Thục thấy quân Ngụy kéo đến, lại chạy. Riệu cầm đao đi trước, nhằm phía có tiếng reo kéo đến. Khi gần đến chỗ lửa sáng, thì có Quan Hưng, Trương Bào ở trong đường núi kéo quân đánh ra, trên núi tên đạn ném xuống rào rào. Phi Riệu biết là mắc mẹo, vội vàng rút quân về. Quan Hưng dẫn quân đuổi theo, quân Ngụy giày xéo lẫn nhau, sa xuống khe chết hại rất nhiều. Riệu chạy thoát được. Riệu đang chạy, lại gặp phải Khương Duy đánh chặn ngang đường.

Riệu mắng rằng:

- Quân phản tặc vô tín kia, tao chẳng may lỡ mắc phải gian kế của mày!

Duy cười, nói:

- Tao muốn bắt Tào Chân, lầm tóm phải mày đấy thôi, xuống ngựa mà chịu trói đi cho mau!

Riệu quất ngựa tháo đường chạy rẽ vào trong hang núi. Bỗng lại thấy cửa hang lửa sáng rực, mà sau lưng thì quân đuổi theo đã sắp đến. Riệu biết thân không thoát được nào, liền rút gươm tự vẫn. Còn quân sĩ xin hàng cả. Khổng Minh luôn đêm hôm ấy, đem quân lại ra Kỳ-sơn hạ trại, thu thập quân mã, trọng thưởng cho Khương Duy.

Duy nói:

- Tôi tiếc không giết được Tào Chân.

Khổng Minh cũng nói:

- Tiếc thay! Dùng mẹo to mà chỉ thành được công nhỏ.

Tào Chân nghe tin chết mất Phi Riệu, phàn nàn không biết ngần nào; bèn bàn nhau với Quách Hoài, tìm kế phá giặc. Tôn Lễ, Tân Tỷ dâng biểu tâu với Ngụy chủ rằng quân Thục lại ra Kỳ-sơn. Tào Chân hao binh tổn tướng. Tào Tuấn cả kinh, mời Tư-mã Ý vào hỏi kế.

Ý tâu rằng:

- Tôi đã có mẹo phá được Gia-cát Lượng. Không cần phải dùng đến quân Ngụy khoe khoang tài cán gì, mà quân Thục tự nhiên phải chạy.

Ấy là:

Đành nhẽ Tử-đan không mẹo giỏi,
Còn chờ Trọng-đạt có mưu hay.

Chưa biết mưu mẹo ra làm sao, xem hồi sau phân giải.

  1. Khổng Minh ra Kỳ-sơn lần thứ hai.