Bước tới nội dung

Thơ Đỗ Phủ/17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thơ Đỗ Phủ của Đỗ Phủ, do Nhượng Tống dịch
Truyện Đỗ Phủ của Lưu Hú



TRUYỆN ĐỖ PHỦ,

(Trích trong mục Văn-Uyển ở bộ sử Cựu Đường thư)

Đỗ-Phủ, tự là Tử-Mỹ, vốn quê ở Tương Dương, sau dời sang huyện Củng đất Hà-Nam. Cụ là Y-Nghệ, ngôi đến Lệnh-huyện Củng là cùng. Ông là Thẩm-Ngôn, làm đến Thiện-bộ Viên-ngoại lang, riêng có tiểu-truyện. Cha là Nhàn, làm đến Lệnh huyện Phụng Thiên.

Năm đầu đời Thiên-Bảo, Phủ thi khoa Tiến-sĩ không đỗ. Cuối đời Thiên-Bảo dâng bài phú Tam-Đại-Lễ, Minh-Hoàng thấy tài lạ, vời đem văn chương thử, bổ làm Binh-Tào Tham-quân phủ Kinh-Triệu. (Theo bộ Tân-Đương-Thư thì khi ấy là năm thứ mười hai hiệu Thiên Bảo). Năm thứ mười lăm, An-Lộc-Sơn hãm kinh-đô. Vua Túc-Tông mộ quân ở Linh-Vũ, Phủ từ kinh-đô đêm trốn sang Hà-Tây, vào chầu Túc-Tông ở Bành-Nguyên, làm Tả-Thập-Di. Phòng-quán lúc áo vải, quen với Phủ. Khi ấy Quán làm Tể-Tướng, xin tự đem quân đánh giặc. Vua cho. Tháng mười năm ấy quân Quán thua ở Trần Đào-Tà. Mùa xuân năm sau, Quán bị bãi. Phủ dâng sớ nói Quán có tài không nên bãi. Túc-Tông giận, truất Quán làm thứ-sử và đuổi Phủ ra làm Tư-công Tham-quân ở Họa-châu! Bấy giờ kinh-kỳ loạn ly, thóc gạo đắt bội. Phủ trọ ở huyện Đồng-Cốc thuộc Thành-châu, tự hái củi, nhặt hạt dẻ (?), con cái chết đói mất vài đứa! Ít lâu được triệu làm Công-Tào phủ Kinh-Triệu. Năm Thượng Nguyên thứ hai, Quan Hoàng-môn Thị lang là Trịnh-Quốc-Công Nghiêm vũ, đóng giữ Thành-đô, tâu xin cho làm Tiết-độ Tham-mưu Kiểm-hiệu Thượng-thư, Công-bộ Viên-ngoại-lang, đeo túi cá mầu tím. Vũ cùng Phủ chỗ thế-giao, đãi rất long-trọng. Tính Phủ nóng, hẹp, không có lượng, cậy mình, ngông-nghênh: Có lần mượn say trèo lên giường Vũ, rán mắt nhìn Vũ mà bảo: Nghiêm-Đĩnh-Chi mà có hạng con này! » Vũ tuy rữ-tợn, không lấy làm giận. Trong xóm Gột-Hoa ở Thành-Đô, Phủ bao tre, trồng cây, làm nhà bên sông, uống rượu ngâm thơ, đùa bỡn với dân ruộng, lão quê, chả giữ gìn gì! Nghiêm Vũ tới thăm, có khi không đội mũ ra tiếp, ấy hỗn xược là vậy! Mùa hè năm đầu Vĩnh-Thái, Vũ mất, Phủ không nương nhờ ai được, Sau đó Quách-Anh-Nghệ thay Vũ coi Thành-Đô, Anh Nghệ là tay vũ-phu rữ-tợn, không thể ra vào được, Phủ bèn sang Đông-Thục, dựa Cao-Thích. Đến nơi thì Thích mất. Khi ấy Thôi Ninh giết Anh-nghệ, Dương Tử Lâm đánh Tây-Xuyên, trong Thục loạn to! Phủ đem người nhà lánh sang Kinh Sở. Mảnh thuyền xuống thác, chưa cập bến thì Giang-Lăng loạn. Bèn theo dòng sông Tương sang Hành-sơn, ở trọ Lỗi-Dương. Có hôm lên chơi đền Nhạc, bị nước lũ ngăn trở, hàng tuần không được ăn! Quan Lệnh Lỗi Dương người họ Nhiếp biết chuyện, tự chèo thuyền đến đón Phủ về. Năm Vĩnh-thái thứ hai, uống rượu trắng, nhắm thịt bò một đêm mà mất ở Lỗi Dương, bấy giờ năm mươi chín tuổi. Con là Tông-vũ lưu lạc ở khoảng Hồ, Tương rồi cũng mất. Trong đời Nguyên Hòa, con Tông-Vũ là Tự-Nghiệp từ Lỗi Dương dời cữu của Phủ về chôn ở Yển-sư, trước núi Thú-Dương. Các Thi-Nhân cuối đời Thiên-Bảo, Phủ ngang tiếng với Lý-Bạch. Nhưng Bạch tự phụ lối thơ mình phóng đạt, chê Phủ là tầm thường, cho nên có câu chế « Đầu núi Hạt cơm... » Nhà thơ đời Nguyên-Hòa là Nguyên-Chẩn, bàn chỗ hơn kém của Lý, Đỗ, có nói: « Tôi đọc thơ đến thơ Đỗ-Tử-Mỹ, vân vân » Về sau người viết văn đều cho lời Chẩn bàn là phải. Phủ có tập thơ gồm sáu chục cuốn.