Bước tới nội dung

Thơ Đỗ Phủ/2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

TIỂU SỬ của THI-SĨ

Ông họ Đỗ, tên Phủ, tự là Tử-Mỹ, quê ở Củng-huyện (Thuộc tỉnh Hà-Nam ngày nay), sinh năm Nhâm-Tý, niên hiệu Tiên-Thiên vua Duệ-Tông đời Đường (712 sau Thiên-chúa).

Vốn con nhà dòng sang. — ông, cha đều làm quan, — từ nhỏ ông đã sẵn một thông-minh đặc-biệt. Thông-minh ấy giúp ông đọc được thật nhiều, biết được thật rộng, để vun-đắp thêm cho thiên-tài của ông: Một thiên-tài về thơ...

Thực vậy, Thiên-tài ấy ở ông phát-đạt rất sớm; Năm bẩy tuổi, ông đã biết làm bài thơ Phượng-hoàng! Sau đó, — như lời Hồ-Tôn-Dũ đời Tống đã nói. — « ... Nào tiến, nào thoái, nào ở, nào đi, nào làm, nào nghỉ, nào sướng, nào khổ, nào vui, nào buồn, nào lo. nào nghĩ, nào tức-bực, nào cảm khích, nào yêu người hay, nào ghét kẻ dở, nhất nhất ông đều ghi-chép bằng thơ... » Đọc thơ ông, có thể biết được những người, những việc đồng thời ông, cho nên ông có tiếng là « Thi sử », nghĩa là một nhà chép sử bằng văn-vần vậy.

Xưa nay các nhà thơ, ai cũng có sở trường riêng. Thế nhưng có sở-trường, tất có sở-đoản. Đến như thơ ông, thì không thể nào là không tinh, không vẻ nào là không có, cho nên thi-sĩ Nguyên-Chẩn, người viết mộ-chí cho ông, đã phải nói: « Từ khi có thi-nhân đến giờ, chưa có ai là rồi-rào như Tử-Mỹ »! Cho đến Lý-Bạch nữa. Chẩn cũng nói: « Kể về vẻ ngông-nghênh phóng-túng, thì Lý cũng có thể sóng-sánh với Đỗ. Đến như những bài từ-khí hùng hồn, phong điệu chải-chuốt, dài hàng nghìn chữ, ngắn cũng đến mấy trăm, vậy mà từ trước đến sau, không một câu nào tầm-thường, nông nổi, thì Lý còn chưa tới được ngõ Đỗ, chứ đừng nói gì là vào được trong nhà »! Các thức-giả về sau, cũng đều cho lời Chẩn là phải.

Tuy-nhiên, thơ đã chiếm mất cả thiên-tài của ông, không nhường chỗ cho các thể văn khác nữa. Ngày nay một, đôi khi, ta được đọc ít câu văn xuôi của ông, trong những lời dẫn. lời tựa về một bài thơ thì thật là những câu lôi-thôi và tối-nghĩa! Có lẽ vì thế mà ông thi Tiến-sĩ không đỗ. Mãi năm bốn mươi tuổi, khi ông dâng bài phú Tam-Đại-Lễ, vua Đường Minh-Hoàng mới biết ông là một người có tài lạ, sai Tể-Tướng đem văn-chương thử ông và bổ ông làm chức Hữu-Vệ Tham-quân. Cách đó bốn năm, An-Lộc-Sơn làm loạn, đem quân vào chiếm kinh-thành. Minh-Hoàng phải tránh sang Thục, và con là Túc-Tông thì chạy ra Linh-Vũ. Ông bị hãm ở giữa đám quân giặc, đêm trốn ra khỏi kinh-đô, rồi đi theo Túc-Tông, được cất làm chức Tả-Thập-Di. Tể-Tướng bấy giờ là Phòng-Quán, vốn là bạn áo vải của ông. Vì đem quân đánh giặc bị thua, Quán bị giáng-chức làm Thứ-sử. Ông dâng sớ, nói Quán có đại-tài, không nên truất bỏ. Túc-Tông giận, liền cất chức ông mà cho ra làm Tham-quân ở Họa-châu. Bực mình với viên Huyện-lệnh ở đấy, ông bỏ quan về ở Đồng-Cốc, tự cầy ruộng kiếm củi để nuôi thân. Gặp năm thóc, gạo đắt, con nhỏ ông, hai, ba đứa bị chết đói! Ông liền dời Đồng-Cốc vào Thục, làm nhà ở bên suối « Gột-Hoa ». thuộc phủ Thành-Đô. Tiết-Độ-sứ ở Thành-Đô khi ấy là Trịnh-Quốc-Công Nghiêm-Vũ, dùng ông làm Tham mưu, và tâu xin cho ông chức Viên-Ngoại lang. Nguyên Vũ với ông là chỗ thế-giao, nên đãi ông rất hậu. Có hôm ông say, trèo lên giường Vũ, nhìn vào tận mặt mà bảo: « Ai ngờ bác Nghiêm Đĩnh-Chi (cha Vũ) lại đẻ được thằng con thế này! » Vũ là người nóng tính, vậy mà cũng không giận. Ông tuy làm Tham-mưu, song vẫn ở nhà riêng tại làng Gột-Hoa, trồng rau, vụn cây, cùng mấy ông lão nhà quê, hát ngao đánh chén! Đôi lần Vũ đến chơi, ông để đầu trần ra tiếp. Ấy, thiên-tính ngông ngạo là thế!

Năm đầu niên-hiệu Vĩnh-Thái (756), đời vua Đại-Tông, Nghiêm-Vũ mất. Các tướng ở Thục tranh quyền, đem quân đánh lẫn nhau, gây ra cuộc loạn lớn. Ông tránh loạn, đem nhà sang Vân-An. Năm sau lại từ Vân-An sang Quỳ-châu. Năm Đại-Lịch thứ ba (768), Ông bỏ Quỳ-châu sang Nhạc-châu, rồi lại từ Nhạc-châu sang Đàm-châu. Năm Đại-Lịch thứ năm (770), Đàm-châu bị Tang-Giới quấy rối, ông liền tránh sang Hành-châu. Ý ông định sang Bân-châu, nương nhờ người cậu là Thôi-Vĩ, song mới đi đến Lỗi-Dương thì mất. Truyện chép rằng: « Bấy giờ ông ở Lỗi-Dương sang chơi Nhạc-Miếu, bị nước lũ không về được, phải nhịn đói đến ngót một tuần. Quan Huyện Lỗi-Dương, người họ Nhiếp nghe tin, tự đem thuyền đến đón ông. Một hôm về tháng Năm, ông uống rượu trắng, nhắm với thịt bò, rồi mất ngay ở huyện. Thọ 59 tuổi ». Thơ ông còn lại mà người sau thu nhặt được tất cả là 1405 bài.