Bước tới nội dung

Thơ Đỗ Phủ/3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource



NHŨNG THƠ LÀM TRƯỚC
HỒI BỐN MƯƠI TUỔI

I. — CHƠI CHÙA PHỤNG-TIÊN TRÊN NÚI LONG-MÔN

Đã bạn với nhà sư;
Lại nằm nhờ cửa Phật.
Hang hút gió vi-vu...
Ngàn tỏa trăng trong vắt!
Mây dầm, áo lạnh mình...
Trời kề, sao sát mặt!
Chuông sớm gọi hồn mê,
Việc đời lòng tẻ-ngắt!

II. TRÔNG NÚI ĐẠI (Thái-sơn)

Núi Đại như thế nào?
Xanh trùm cả Tề, Lỗ![1]
Hai mạn, sáng, tối cắt!
Một trời khí thiêng tụ!

Xát ngực, mây đùn lớp...
Nháy mắt, chim về tổ...
Sẽ lên đỉnh thật cao,
Một nhìn muôn núi nhỏ!

III. ĐỀ NƠI ẨN CƯ CỦA HỌ TRƯƠNG

Non xuân thăm bạn, một mình ta.
Rừng vắng càng vang tiếng gỗ pha...
Tuyết, trải đường khe, hơi lạnh rớt.
Ngàn, vào cửa đá, bóng dương tà.
Không tham, hơi bạc đêm nhìn rõ.
Tránh lụy, đàn nai sớm ngắm qua.
Như thả thuyền không, khi gặp bác.
Cơn vui quên phất cả đường ra!

IV. CON ƯNG VẼ

Ưng xanh ai khéo vẽ vời?
Nổi trên lụa trắng, một trời gió, sương!
Gườm-gườm đôi mắt liếc ngang.
Nghiêng-nghiêng mình né như đương rình mồi.
Giây xinh, vòng sáng hẳn-hoi!
Gọi, thường bay xuống hiên ngoài cũng nên!
Bao giờ đánh bọn chim hèn:
Máu, lông tung-rắc giữa miền đồng hoang?

V. ĐÊM ĂN TIỆC Ở TRẠI HỌ TẢ

Ngàn gió chìm vành nguyệt.
Thềm sương dạo ngón đàn.
Ngõ hoa, dòng nước uốn.
Mái cỏ ánh sao tan...
Lục sách, đèn dong thấp.
Xem gươm, chén dốc tràn!
Thơ xong nghe tiếng hát,
Thuyền mảnh ý còn toan...

VI. TẶNG LÝ-BẠCH

Hai năm ở Đông-đô,
Mánh-khóe đã từng trải!
Thịt, cá, chỉ ngồi nhìn,
Ăn rau thường đói mãi!
Nào đâu cơm thanh-tinh[2]
Cho ta người trẻ lại?
Thuốc tiên, khổ không tiền!
Rừng, núi, vào thêm ngại!
Anh Lý người cửa vàng,
Uất mình tìm diệu-vợi,
Sắp sang chơi Tống, Lương.

Cỏ rao[3] mong sẽ hái...

VII. CÙNG LÝ-BẠCH ĐẾN THĂM PHẠM ẨN-CƯ

Những câu hay của Lý
Nhiều lúc giống Âm-Khanh.[4]
Tôi, bác, người cùng huyện,
Thương nhau: em với anh!
Chăn chung khi rượu choáng;
Tay giắt lúc chơi quanh...
Chợt nhớ nơi thầm hẹn,
Sang tìm Bắc-Quách-sinh.[5]
Cười to: gặp nhau hả!
Thằng nhỏ đứng hầu xinh!
Chiều lạnh, chầy[6] vang bến.
Dấu xưa, mây lấp thành.
Cây quất từng nghe phú.[7]
Rau thuần ai nhớ canh?[8]

Hốt, trâm không thiết, tưởng:
Tình nặng bể mông mênh![9]

VIII. VỊNH NGỰA THÔNG CỦA QUAN ĐÔ-HỘ HỌ CAO

An-Tây Đô-Hộ có ngựa hồ,
Mới từ Đông sang thanh-giá to!
Ngựa này ra trận vốn vô-địch!
Cùng chủ rắp lập công nghìn thu!
Công thành được chủ chiều và mến.
Phăng-phăng mới tự Lưu-Sa đến!
Sức mạnh chưa cam nép xó tầu!
Khí hùng còn tưởng vào vòng chiến!
Vó cao, móng rắn, sắt nào tầy!
Qua sông đá mạnh băng tan ngay!
Muôn dậm, bồ-hôi coi máu rấp![10]
Năm mây, mình-mẩy rải hoa đầy!
Dân khỏe đất Kinh không dám cưỡi!
Nghiêng thành chớp loáng xem như tưới!
Tơ xanh ràng đầu xui ngựa già!
Hoành-Môn[11] nào biết thuở nào qua?

IX. BÀI CA TÁM TIÊN TRONG LÀNG RƯỢU[12]

Tri-Chương cưỡi ngựa tựa ngồi thuyền!
Mắt hoa, sa giếng vẫn nằm nguyên!
Nhữ-Dương chầu sớm đã say quen!
Dãi dỏ khi thấy qua xe men!
Bực chẳng được phong sang Tửu-Tuyền![13]
Tả-Tướng ngày nốc khá tốn tiền.
Cá voi uống bể kể còn hèn!
Chè chén mải vui, danh lợi quên!
Tông-Chi lịch-sự trang thiếu-niên,
Trời xanh, nâng cốc trắng mắt nhìn!
Cây ngọc trước gió, đẹp như in.
Tô-Tấn ăn chay, niệm Phật rền!
Cơn say thường thích trốn rừng Thiền!
Lý-Bạch một hũ, thơ trăm thiên!

Hàng rượu ngoài chợ thường nằm bền!
Thuyền vua cho gọi chẳng buồn lên,
Rằng: « Trong làng say, tôi là tiên! »
Trương-Húc ba chén tay tháu liền,
Trần đầu, trật mũ trước quan-trên!
Bút sa trên giấy: khói, mây chen!
Tiều-Toại năm đấu, nói huyên-thiên!
Hùng-hồn lác mắt khách ngồi bên!

X. KÍNH TẶNG QUAN TẢ-THỪA HỌ VI HAI MƯƠI HAI VẦN[14]

Khố-lụa chẳng chết đói!
Mũ nho thường tội thân!
Cụ hãy lắng nghe thử!
Hèn-mọn xin phân-trần:
Phủ trước lúc trẻ tuổi.
Sớm dự khoa thi xuân[15].
Sách đọc vỡ muôn quyển.
Hạ bút như có thần!
Thơ sánh sức Tào-Thực;
Phú ngang tài Tử-Vân;

Lý-Ưng tìm biết mặt;
Vương-Hãn muốn cầu thân...
Tài mình, tưởng chẳng mấy
Sẽ nắm quyền trị dân;
Giúp vua vượt Nghiêu, Thuấn!
Lại cho phong-tục thuần!
Hát dong phải lánh đời?
Nguyền xưa dẫu lỗi dần,
Cưỡi lừa ba chục năm,
Đất Kinh tìm kiếm ăn.
Nhà giầu, sớm gõ cửa!
Ngựa béo, chiều theo chân!
Rượu thừa, miếng chả nguội,
Nuốt tủi đã bao lần?
Nhà vua vừa cho đòi,
Bay nhẩy chắc có phần.
Mây xanh, cánh bỗng rã.
Vũng cạn vẩy đành quăn!
Rất biết cụ thực bụng:
Rất cảm cụ ân-cần:
Câu hay thường đọc lại
Trước mặt các triều-thần.
Lòng mừng riêng khấp-khởi,
Cảnh nghèo bao khó-khăn!

Chạy kể đã vất vả,
Lòng dẫu không ăn-năn!
Nay định tìm vào bể.
Sẽ ra ngay khỏi Tần.[16]
Núi Chung[17] còn tiếc rẻ.
Bến Vỵ[17] tạm lần-chần...
Bữa ăn mong trả nghĩa.
Huống nữa xa ân-nhân!
Muôn dặm sóng mông mênh.
Âu trắng ai dễ gần?

XI. TIỄN KHỔNG-SÀO-PHỦ CÁO BỆNH VỀ, SANG CHƠI GIANG-ĐÔNG, NHÂN TIỆN ĐƯA LÝ–BẠCH

Anh lắc đầu, quyết không ở lại!
Vào bể Đông, theo với khói, mây!
Thơ còn để mãi đời hay...
Cần câu sẽ phất ngọn cây san-hồ...
Rồng, rắn lẩn chầm to, núi quạnh...
Phong cảnh chiều, xuân lạnh, đồng hoang...
Xe mây Chức-nữ quay ngang,

Hư-vô, chỉ bảo con đường Bồng Lai...
Cốt cách tiên, tự Trời riêng đúc!
Hiểu được đâu, bọn tục chúng ta!
Tiếc anh, nài-nẵng chi mà!
Lớp sương ngọn cỏ ấy là giầu sang!
Lặng-lẽ tốt có chàng họ Sái,
Rượu đêm thanh đặt tại hiên ngoài.
Buông đàn, tẻ ngắt trăng soi...
Bao giờ thư gửi ngang trời thăm nhau?
Hiện Lý-Bạch ở đâu hang Vũ.
Rẽ sang Nam qua đó hộ tôi
Nói rằng: « Phủ nó gửi lời
« Hỏi thăm cho biết nay thời ra sao? »

XII. XE RA TRẬN

Ngựa hét váng! Xe sình-sịch chạy!
Lưng đeo cung, ai nấy như nhau.
Vợ, con, cha, mẹ chạy sau:
Bụi tung, nhìn chẳng thấy cầu Hàm-Dương!
Níu vạt áo, đón đường lăn-lóc...
Vọng tận trời, tiếng khóc thảm-thê!
Qua đường khách hỏi: Việc chi?...
Người đi rằng: Chúng tôi đi... đi hoài!
Mười lăm tuổi ra ngoài cửa ải;

Ngoài bốn mươi sang tới đồn điền;
Bạc đầu về lại thú biên!
Lúc đi, ông Lý đứng bên bịt đầu!
Ngoài biên, máu đỏ ngầu như bể!
Nhà vua còn chưa nghĩ khai biên!
Quan-Đông[18] làng, xóm muôn, nghìn,
Hai trăm châu lẻ mọc liền chông gai!
Dù gái khỏe có tài cầy, cuốc,
Đầy đồng sao phá được cỏ đi?
Quân Mường lại đánh rát ghê!
Bị xua thôi có khác chi chó, gà!
Ông dẫu muốn hỏi ra manh mối,
Tôi dám đâu cạn nỗi đắng-cay.
Tức như mùa rét năm nay,
Quân còn kéo tới Quan-Tây[18] ùn ùn!...
Quan Huyện lại gấp dồn sưu-thuế.
Sưu-thuế nào biết chẻ đâu ra?
Sinh trai, khổ mẹ, khổ cha!
Thà sinh con gái thế mà lại hay!
Sinh gái được gả ngay lân-cận.
Sinh trai đành vùi lẫn cỏ-cây!
Chẳng đi, ông chẳng có hay:

Bể-Xanh[19] trên bãi xương bầy trắng phau!
Chồng chất mãi, ai nào nhặt hộ?
Ma mới phiền! Ma cũ kêu oan!
Những khi trời tối, mưa tàn,
Tiếng ma ty-tỷ khóc than canh dài!

XIII. CÙNG CÁC BẠN LÊN THÁP CHÙA TỪ-ÂN

Ngọn cao ngất khung xanh.
Gió to quanh bốn mùa...
Ví thiếu dạ phóng khoáng,
Lên đây trăm mối lo,
Mới biết sức đạo Phật.
Đủ dục ta thăm dò.
Hang rồng vin với lên,
Qua khỏi nơi lần-mò...
Bẩy sao kề cửa Bắc.
Miền Tây nghe sóng xô...
Hy-Hòa[20] quất ngày trắng.
Thiếu-Hiện[21] ra oai thu...
Non Tần bỗng vỡ-vun!

Kinh, Vị[22] trông lù-mù!
Cúi nhìn man mác cả.
Nào đâu là kinh-đô?
Quay lại gọi Ngu-Thuấn,[23]
Mây lấp trời Thương-Ngô...
Cảnh tiên bầy tiệc ngọc,
Tiếc thay chén tạc, thù!
Hộc vàng bay chẳng nghỉ,
Kêu thương ai thấu cho!
Theo thời kìa lũ nhạn,
Mồi ăn đều đủ no!

XIV. SÔNG KHÚC[24]

I

Đìu hiu sông khúc trời thu sang,
Gió đập, sóng xô, sen, ấn tàng...
Khách du mái tóc điểm mầu sương.
Chim hồng thảm thiết kêu tìm bạn.
Đá trắng lăn quanh bãi cát vàng...

II

Thơ làm không khuôn, cũng không lối!
Cất tiếng hát ngao vang khoảng núi!
Nhà sang không kể, kể ra ói!
Lệ em sao lại tựa mưa sa?
Lòng ta đành chịu như tro nguội!

III

Kiếp này thôi có hỏi chi Trời!
Quê nhà may sẵn ruộng dâu, gai.
Núi Nam ta sẽ về nay mai,
Ngựa một. áo đơn theo Lý-Quảng.[25]
Sống thừa xem họ bắn hùm chơi!

XV. SỢI TƠ TRẮNG

Tơ cần dài, không cần trắng lắm...
Cây thước vàng tính gấm, đo là....
Ửng hồng tay ngọc, giường ngà,
Trên nền xanh biếc, cải hoa muôn mầu.
Theo thời nhuộm, còn đâu trắng trước:
Xé xuống khung, các sắc sáng choang;
Người xinh cắt dọc, khâu ngang,

Dụng công là nhẵn mọi đường chỉ kim:
Vì chàng múa, xuân đem mặc ướm...
Oanh hót vui; đàn bướm lượn quanh;
Tơ hồng cũng vẻ hữu-tình,
Nắng soi, gió thổi, cất mình bay cao...
Thấm bồ-hôi, quến vào cát bụi,
Mầu cũ rồi, ai hỏi? ai nhìn?
Có tài thật khó đường lên:
Những lo rẻ rúng, đành quên lạc-loài!

XVI. TIỀN XUẤT TÁI[26]

I

Bịn-rịn bỏ quê cũ,
Bâng khuâng qua bến sông...
Hành trình nhà nước định,
Phép ngặt trốn sao xong!
Đất vua đã rộng lắm, mở mang chi chẳng cùng?
Vác giáo cắm đầu đi,
Mẹ, cha thôi mất trông!

II

Mài dao dòng suối khóc,
Suối đỏ: dao đứt tay.
Toan lờ tiếng buốt ruột,
Ruột rối đã lâu ngày!
Thờ nước thề dâng thân,
Quản chi thân đọa đầy!
Công danh để sử sách,
Xương trận cho mục ngay!

III

« Coi lính dù có cai,
« Làm lính cũng biết phận.
« Sống, chết, đi thì đi!
« Lọ là thày phải bẳn! »
Dọc đường gặp người quen,
Thư gửi cho nhà nhận:
« Cay đắng chẳng cùng nhau,
Thương ôi! xa cách hẳn!

IV

Tên vót, dài càng hay!
Cung dùng, cứng mới được!
Bắn người, bắn ngựa ngay!

Bắt giặc, bắt vua trước!
Đâm chém phải coi chừng!
Cõi bờ chia các nước!
Cần chi giết hại nhiều,
Miễn chống quân ngang ngược!

V

Xua ngựa trời mưa tuyết,
Non cao đi dở chừng.
Lối trơn ôm đá lạnh,
Ngón rụng rơi trong băng!
Thành đắp bao giờ xong?
Bấy lâu xa ánh trăng!
Mây nổi chiều sang Nam,
Với trông lòng bâng khuâng.

XVII. BÀI CA LÚC SAY

(Tặng Trịnh Kiều, bác-sĩ quán Quảng-Văn).
Bao nhiêu kẻ ra vào đài các,
Bước đường quan riêng bác long-đong!
Bao nhà thừa-bứa đỉnh chung,
Cơm ăn riêng bác đói lòng không no!
Tài bác kể đời so được hiếm.
Đức bác xem nào kém chi ai?

Đạo cao chật vật một đời,
Ăn gì cái tiếng với người nghìn thu!
Thằng tôi cũng lu-bù có một:
Tóc bạc phơ, áo cụt ngang lưng!
Gạo kho ngày bán mấy thưng,
Đôi khi cùng bác lăng-nhăng hẹn-hò...
Tiền hễ sẵn, là mò lại bác!
Rượu mua về, thù-tạc chén liền!
Mày-tao chi-tớ huyền thiên!
Nghề say bác thực đáng lên mặt thày!
Đêm xuân vắng, chén say chợt động.
Mưa trước đèn, hoa rụng quanh hiên...
Hát ngao biết lúc này tiên!
Bao giờ chết đói, hãy nên bấy giờ!
Tài Tương-Như sa cơ túng-đói,
Học-Tử-Vân không khỏi chết oan!
Mau mau treo ấn, từ quan!
Nhà tranh, ruộng sỏi, mọc tràn rêu xanh!
Đừng sử-sử, kinh-kinh nữa bác!
Nó với mình nào được việc chi!
Thánh hiền cho đến ngu-si,
Trăm năm xương nát cũng thì ra tro!
Nghe tôi nói đừng cho làm lạ;
Cũng đừng nên buồn bã chua cay!

Trời còn để sống nhau đây.
Gặp nhau ta hãy chén đầy, chén vơi!

XVIII. HÁT SAY

(Tiễn Đỗ-Cần, cháu họ, thi hỏng về).
Lục-Cơ viết phú mới hai mươi.
Cháu trẻ hơn nhiều sớm nẩy tài:
Để chỏm, tay thảo lanh như cắt!
Trong đời con trẻ đều cơm tai!
Ngựa ký còn non đã thét gió!
Chim ứng cất cánh toan tung trời!
Lời tuôn dốc ngược nước Ba Dội!
Bút đưa đánh đổ trận nghìn người!
Năm nay mười sáu, mười bẩy tuổi.
Giãi đầu mong giật kỳ thi Hội.
Bắn xuyên lá liễu vốn lành nghề,
Lỡ vấp gót sương chưa đáng ngại.
Lướt gió Trời cho sẵn cánh lông,
Không khó có phen đời biết giỏi!
Tài mày xem đã nhả ngọc rồi!
Tóc bác cách gì nhuộm đen lại?
Tần-Đông trước quán ánh xuân gầy!
Dong nước xanh rờn! Sậy trắng rầy!
Gió thổi áo bào, nắng vàng úa...

Cây buồn ly biệt, hoa đua bay...
Đầu bãi rượu cạn hai bình đầy!
Khách ngồi say cả, ta không say!
Nghèo-khổ xa nhau càng thấy khổ!
Lao-đao thầm nuốt lệ vơi đầy!

XIX. NGƯỜI ĐẸP.

Mồng ba tháng ba, khí trời trong.
Người đẹp đất Kinh chơi bến sông:
Tính nết thùy-mỵ, vẻ đượm-nồng...
Xương thịt đều đặn, da trắng mòng...
Áo là, xiêm vóc, ánh xuân lồng...
Bạc đúc kỳ-lân, vàng dát công...
Trên đầu có gì quý?
Cánh trả buông theo mái tóc cong!
Sau gáy có gì đẹp?
Vạt châu lẳn gọn vừa lưng ong!
Màn mây người ở họ tiêu-phòng:[27]
Tần-quốc, Quắc-quốc, trước vinh-phong.[28]

Trên bướu lạc đà, chõ xanh biếc;
Trong mâm thủy-tinh cá trắng bông.
Đũa ngà ngán ngấy mãi chưa gắp...
Dao loan thái nhỏ đành uổng công!
Thị vệ phi ngựa, bụi không tung!
Bát-trân, bếp ngự dâng lại dùng!
Đàn, sáo déo dắt, trống thì-thùng!
Khách mời chen chúc bọn Vương, Công.
Yên ngựa đến sau, sao sượng-sùng?
Xuống ngay đệm gấm trước thềm rồng!
Hoa dương rắc tuyết đầy lớp dong...
Chim xanh bay lại ngậm khăn hồng!
Hơ tay thấy nóng! Hách vô-cùng!
Ai ơi! Chớ xán gần bên trong:
Cụ-lớn Thừa-Tướng không bằng lòng...

XX. MỸ BI

Anh em Sầm-Sâm đều hiếu kỳ,
Đem ta lại chơi hồ Mỹ-Bi.
Đen rầm, Trời Đất bỗng đổi sắc,
Sóng dồn muôn lớp: cồn lưu-ly!
Lưu-ly tung-tóc, buông thuyền tới...
Cao hứng qua rồi, sinh nghĩ-ngợi:
Giải rình, mập nuốt biết đâu chừng!

Gió quái, sóng ma, thôi hết nói!
Buồm gấm chủ-nhân mở phong phanh.
Lái đò mừng quýnh: trời quang rênh!
Mòng, le bay tản: tiếng hát cất.
Đàn sáo vang động từng không xanh!
Buông cần, nối giây đáy không tới.
Lá ấu, hoa sen sạch như dội.
Nhìn quanh phảng phất bể Bột trong!
Ngắm xa mờ mịt ngàn Nam tối!
Về Nam, hồ ngập núi lô-nhô...
Bóng núi long-lanh rỡn đáy hồ...
Mặt nước, ải soi vầng nguyệt hé...
Trong mây, chùa vọng dịp chèo đua...
Lúc ấy, rồng đen nhả ngọc châu...
Bằng-Ri[29] thúc trống, các rồng chầu.
Nàng Hán[29], chúa Tương[29], cùng múa hát.
Tàn, cờ lấp-loáng chen muôn mầu...
Tấc, gang chỉ ngại cơn mưa kéo.
Ý các thần thiêng, ai dễ hiểu?
Trẻ trung mấy lúc? Già theo chân!
Tẻ Tẻ, vui vui, biết mấy lần?

XXI. NGÀY CHÍN THÁNG CHÍN, ĐƯA SẦM-SÂM

Trở ra lại trở vào.
Mưa vẫn sa như cũ
Đâu đó thẩy lầm bùn!
Nhớ anh, người đả võ!
Cơm ăn sai bữa thường.
Quanh hiên ngồi đứng vọ!
Mấy bước khỏi đầu sông,
Sang thăm đường chẳng có!
Thương thay lũ đen đầu:
Cầy cấy thôi đành bỏ.
Ai giết được thần mưa?
Trời dột, hàn vá hộ?
Đồng rít lũ chim muông!
Sáng chìm đôi ác, Thỏ,
Ông lớn thẩn-thơ buồn.
Thằng dân đi lại khổ!
Về Nam rẫy núi cao.
Sợ còn tuôn nước lủ!
Hôm nay cúc dậu Đông.
Vì ai đua nở dộ?
Anh hẳn lắm thơ hay?
Rượu xơi chừng mấy hũ?

Hoa vàng hái, hái mau!
Đầy vạt xem chừng khó...

XXII. THAN MƯA THU

I

Mưa thu dội, trăm hoa chết bẹp!
Riêng quyết-minh tươi đẹp dưới thềm.
Lá phô: lông trả xanh mềm!
Hoa như tiền rãi, cánh xem vàng vàng!
Gió lạnh ngắt bất-thường thổi mãi,
Hết mùa, mày đứng lại được đâu?
Trên thềm có khách bạc đầu
Ngửi hương trong gió, lệ sầu nhủ sa!

II

Mưa, gió rải: chiều Thu ủ-giột.
Tám phương trời cùng một sắc mây!
Trâu qua, ngựa lại chẳng hay.
Vị trong, Kinh đục, lúc này như nhau!
Bọn làm ruộng vò đầu kêu khổ:
Mộng mọc dài, bông lúa đen sì!
Áo, chăn đổi lấy gạo về!
Đổi cho là quý, kể gì thiệt hơn!

Dân áo vải, đất kinh ai hỏi!
Dưới mái tranh, nằm chúi đêm ngày!
Nhìn đàn trẻ nhỏ thương thay!
Chạy mưa, chạy gió, thơ ngây biết gì!
Tiếng mưa gọi gió về chi vội?
Chim ướt lông khó nỗi bay cao!
Sang Thu chưa nắng ngày nào,
Đất lầm, bùn lội, khô khao khó lòng!

XXIII. ĐÙA ĐƯA TRỊNH-KIỀN BÁC-SĨ, TRÌNH CẢ TÔ-NGUYÊN-MINH TƯ-NGHIỆP

Buồng giấy Quảng-Văn mở.
Ngựa ràng ngay trước cửa.
Say rồi cưỡi ngựa về!
Thường được quan trên quở!
Tài danh ba chục thu,
Không đệm, khách ngồi xo!
Đôi lúc cho tiền rượu,
Nhờ lưng chú họ Tô!

XXIV. VỊNH NGỰA CHUỒNG THIÊN DỤC

Ta nghe ngựa bậc Đế-vương.
Một ngày nghìn dậm đi đường như bay!

Chòm đuôi rung động gió may,
Vẻ hùng hẳn giống tranh này chẳng sai!
Đỏ khóe mắt, vuông con ngươi,
Khắp mình xam-xám, hai tai vàng vàng!
Rắn cẳng, trời đúc khuôn xương;
Tính rồng biến hóa không thường có khi.
Nguyên Trương Thái Bộc xưa kia.
Trải xem các ngựa, định chia từng loài:
Mở trường Thiên Dục: Kén người.
Nuôi riêng giống ngựa có tài trung-phong.
Ngoài ra không đẹp ý ông,
Bốn mươi vạn ngựa ăn dông, nằm dài!
Tranh này mới vẽ để đời.
Trông vào như thấy ý người ngày xưa.
Thương ôi! Ngựa chết, hình mờ,
Dẫu cho chạy khỏe bây giờ cũng thôi!
Đời nay nào hiếm ngựa tài?
Chết già chỉ tại không người biết cho!

XXX. NGỤY TƯỚNG-QUÂN

Tướng-quân trước khoác manh áo nhung.
Ngựa sắt giàm đôi tay quất lồng!
Mặc giầy, cầm sắc, đánh Tây-Cực,

Hang-Trăng[30] nhìn lại xê về Đông!
Vũ-Lâm[31] quân mạnh kể có vạn,
Rữ như hùm xổng, một mình trông!
Ba năm giáo sương cửa cắm đặc![32]
Một ngày bể gió buồm qua thông![33]
Bạn bè thuở trước phường bơ biếng:
Bọn trẻ đất Kinh đều chết điếng!
Chàng Ngụy nhanh nhọn đã lừng tiếng:
Đĩnh chót Họa-sơn[34], chim cắt liệng!
Ngọc như sao dát, vàng sáng ngời!
Ngựa trời đêm cưỡi vượt Sông Trời!
Sao Chổi, sao Đuôi mất nhúc-nhích!
Cờ mây, quạt thúy, ung-dung chơi!

Vì chàng, ta hát dọng Đốc-hộ.
Rượu dở tuốt gươm, gan ruột sổ!
Câu-Trận xanh lè! Huyền-Vũ úa![35]
Muôn năm chầu chực bên minh-chúa!
Hạng vũ-phu thường đâu đáng đọ!

  1. Thuộc tỉnh Sơn-Đông bây giờ.
  2. Thanh-tinh: một thứ cơm nấu với nước thuốc của người tù-tiên.
  3. Cỏ rao: cỏ tiên, ăn vào có thể sống lâu.
  4. Thi-sĩ đời Nam-Bắc-triều.
  5. Tên hiệu của Phạm.
  6. Chầy đập vải.
  7. Khuất-Nguyên có bài phú « Tụng Quất ».
  8. Trương-Hàn thấy gió thu mà nhớ rau thuần, cá hức.
  9. Từ-Phúc vào bể tìm tiên.
  10. Bồ hôi đỏ như máu là hạng ngựa tốt.
  11. Hoành-môn là lối đi sang An-Tây (Tỉnh Cam Túc bây giờ).
  12. Hạ Tri-Chương, Hàn-lâm học-sĩ; Lý-Tiến phong chức Nhữ-Dương-vương; Lý-Thích-Chi, Tả-Thừa-tướng; Thôi Tông-Chi, tập tước Tề-quốc-công; Tô-Tấn, Thị-lang; Lý-Bạch, Hàn lâm-học-sĩ; Trương-Húc, Tiều-Toại, hai nguời áo vải.
  13. Tên một quận ở Tam-Tần, ở đấy có suối nước mùi như mùi rượu, cho nên gọi là Tửu (rượu) Tuyền (suối).
  14. Vi-Tế, làm chức Thượng-Thư Tả-Thừa.
  15. Thi Hội, thường mở vào mùa Xuân.
  16. Tức là miền Trường-An, kinh-đô nước Tầu hồi ấy.
  17. a ă Núi, sông ở miền Trường-An.
  18. a ă Các miền bên ngoài Sơn-Hải-quan, tức là Mãn-châu quốc cùng Cao-ly ngày nay.
  19. Thanh-Hải.
  20. Hy, Hòa, hai vị thần coi việc đánh xe cho thần mặt Trời.
  21. Thần mùa Thu.
  22. Tên hai con sông.
  23. Tên một ông vua hiền đời cổ mả ở Thương-Ngô.
  24. Con sông ở gần nhà Thi-sĩ.
  25. Tên một vị danh-tướng đời Hán.
  26. Xuất-tái: ra ngoài ải. Vì có những bài « hậu xuất tái », nên mấy bài này đề là « Tiền xuất tái ».
  27. Tiêu phòng: phòng trát vách bằng hồ-tiêu, nơi ở của các hoàng-hậu.
  28. Tần-quốc phu-nhân, Quắc-quốc phu-nhân, đều là em gái Dương-quý-phi. — Bài này Thi-sĩ có ý trào-phúng sự kiêu-xa, dâm-dật của Đường-Minh-Hoàng cùng anh em Dương-Quý-phi.
  29. a ă â Tên các vị thần ở dưới nước.
  30. Hang Trăng, nơi mặt trăng lặn, ở về cực Tây.
  31. Vũ-lâm, quân Thị-vệ, hầu cạnh và hộ thân nhà vua.
  32. Theo quan-chế, từ Tam-phẩm trở lên, cửa mới được cắm giáo.
  33. Bể đây là chỉ Thanh-Hải, nơi mà trước Ngụy đánh Tây Cực phải đi qua.
  34. Tên một rẫy núi trong năm rẫy cao nhất nước Tầu: Thái sơn, Họa sơn Tung-sơn, Hằng sơn và ... sơn.
  35. Câu Trận, Huyền-Vũ tên hai chòm sao.