Bước tới nội dung

Thơ Đỗ Phủ/4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thơ Đỗ Phủ của Đỗ Phủ, do Nhượng Tống dịch
Những thơ làm trong khoảng Thiên Bảo, Chí Đức, Thi sĩ ở kinh, làm chức Suất Phủ Tham Quân và sau trốn giặc sang Phượng Tường làm chức Tả Thập Di


NHŨNG THƠ LÀM TRONG KHOẢNG THIÊN-BẢO, CHÍ ĐỨC, THI-SĨ Ở KINH, LÀM CHỨC SUẤT PHỦ THAM QUÂN VÀ SAU TRỐN GIẶC SANG PHƯỢNG TƯỜNG LÀM CHỨC TẢ THẬP DI

XXVI. SAU KHI NHẬN CHỨC. ĐÙA TỰ TẶNG

Huyện-Úy làm không nổi:
Khom lưng chuyện bẽ bàng.
Thân già ngại đi lại,
Suất-Phủ hãy xênh-xang!
Hát nhảm nhờ ơn chúa;
Uống say cần chút lương!
Về vườn thôi gác chuyện!
Gió lật mái đầu sương!

XXVII. CÙNG QUÁCH-CẤP-SỰ CHƠI ĐẦM ĐÔNG-LINH

Non Đông hơi mịt mù,
Cung điện ở trên đầu...
Vua cứ tháng mười tới,
Dựng cờ, coi chín châu.[1]

Lửa ngầm đun suối ngọc,
Phun tưới vùng non cao.
Có lúc tắm vầng đỏ:
Trong không sáng rọi lầu.
Lãng-phong[2] bước lần tới.
Khoáng-Nguyên[2] lối tìm vào...
Rậy đất, muôn xe động,
Xem đầm trăm trượng sâu.
Lạ thay chuyện linh-hiển,
Khi các quan lui chầu:
Đá nứt, ngàn cây đổ;
Rồng thiêng hóa phép mầu —
Nửa đêm di chỗ ở:
Gió gấp, mưa tuôn rào...
Đền ngọc bóng lộn ngược.
Sông Thương, dòng rót mau.
Mùi như nước cam-lồ!
Mát tay khi khỏa ngầu.
Cờ thúy rủ tha-thướt,
Xe mây bầy trước sau.
Sáo, đàn vang bốn bể!
Trời rộng hương ngạt ngào!

Dao nhân dâng gấm vóc,[3]
Tăng-Chúc dìm dê, trâu[4],
Điềm tốt họp đời thịnh,
Xưa nay bì kịp đâu!
Cóc vàng dưới bờ suối
Hiện ra vì cớ sao?
Đức vua quay lại cười...
Đức mẹ chẳng nhận nào...
Trở lại đáy hư-vô,
Hóa ra con hoàng-cầu!...[5]
Phất-phơ chàng khóa xanh,[6]
Vẻ người thật phong-lưu!
Ca hát khúc sông biếc,
Rót tai như gợi sầu!

XXVIII. TỪ KINH SANG HUYỆN PHỤNG-TIÊN

Đất Đỗ-Lăng có chàng áo vải,
Tuổi càng già, càng dại, càng khờ!
Ví mình với Tắc, Tiết xưa![7]
Bạc đầu chịu kiếp sống thừa chua cay!
Ván chưa sập, lòng này chưa đổi,
Vì dân đen buồn tủi quanh năm!
Đòi phen ruột nóng, lệ đầm,
Hát ngao cho hả, cười thầm mặc ai!
Sông, biển rắp dong chơi ngày tháng,
Vua Thánh minh chưa đáng quên đời...
Cột, rường đành chẳng thiếu tài,
Hoa quỳ vẫn mến mặt trời biết sao?
Khinh sâu, kiến con nào tổ nấy;
Học côn, kình vùng vẫy mông-mênh!
Chiều đời chẳng uốn nổi mình,
Cát vùi, bụi lấp chịu đành tới nay!
Thẹn Sào, Do[8] dám thay tiết cũ,
Mượn thơ bầu, rượu hũ làm khuây!
Đông về, gió táp tung bay;
Gò cao nứt vỡ; ngàn cây héo tàn...

Đường cái đã rộng lan bóng tối.
Giữa đêm trường tìm lối thẳng dong.
Sương nồng, giải áo đứt tung,
Cóng tay thắt lại chẳng xong cũng liều!
Ngai vàng đặt cheo leo đỉnh núi,
Qua Ly-sơn một buổi sớm mai.
Mống trôi vắt vẻo ngang trời,
Lần mò bao đoạn dốc dài, kẽm trơn!
Bóng đền ngọc chập-chờn sáng rực;
Quân Vũ-Lâm chầu chực đông sao!
Vua, tôi sung-sướng xiết bao:
Kẻ ra ban tắm! người vào ban ăn!
Trước thềm son, chia phần gấm vóc!
Lũ gái quê khó nhọc bao công?
Chồng con đòn vọt mất mông!
Thu vào dâng lại sân rồng nhà vua!
Nhà vua nhận, ban cho là cũng
Muốn sao cho nước sống dân yên!
Chẳng lo ơn báo, nghĩa đền,
Móc-mưa nỡ để ơn trên phí-hoài!
Đầy Triều-Đình bao người tài giỏi,
Biết nghĩ ra sao khỏi rụng rời?
Vàng kho nghe nói đã vơi:

Các nhà Vệ, Hoắc, họ thời chuyên đi![9]
Làn mây khói lồng che mặt ngọc,
Cô nàng tiên ngang dọc thềm trong!
Áo cừu điên-thử, Người dùng!
Đàn vang, sáo thét, não-nùng sướng tai!
Móng đà ninh, Người xơi rỉm-rót!
Thêm chanh chua, quất ngọt rượu mùi!
Cửa son, rượu, thịt để ôi!
Có thằng chết lả xương phơi ngoài đường!
Sướng, khổ cách tấc, gang, trời vực!
Nói bao nhiêu cơ-cực bấy nhiêu!
Trông Kinh, Vị ruổi xe theo.
Mấy đò quan một buổi chiều vượt qua!
Các dòng sông trông xa cao vọi!
Từ phía Tây dồn lại ào-ào!
Khống-đồng lạc-lối hay sao?
Cột trời e lúc vật vào gẫy tan!...
Hoàng-Hà rộng khó toan chuyện lội,
May còn cầu có lối lần sang!
Vịn nhau đầu đội, vai mang.
Tiếng nghe kĩu-kịt dịp-dàng dưới chân!
Vợ già gửi kiếm ăn một chỗ,

Cách mười ngày, mưa gió âu-sầu!
Tìm sang đói khát có nhau!
Ai người có thể để lâu không nhìn?
Vào cửa thấy khóc rên, liền hỏi.
Con nhỏ vừa chết đói hôm qua!
Khỏi sao đau tủi lòng ta.
Xóm diềng họ cũng xót xa nghẹn-ngào!
Làm bố thế có sao ra bố?
Không cơm nuôi để nó chết oan!
Biến sinh chỉ bởi nghèo-nàn.
Lúa mùa thu gặt chan chan kệ người!
Việc sưu-thuế một đời được rảnh;
Tên đi phu, đi lính cũng không!
Vậy mà còn chịu khốn-cùng,
Người thường chẳng trách long-đong trăm đường!
Bọn thất-nghiệp, lại phường lính thú,
Nghĩ họ còn cực khổ biết bao!
Mối lo chồng tựa non cao,
Lung-tung biết gỡ cách nào cho ra?

XXIX. VỊNH BỨC BÌNH-PHONG MỚI VẼ SƠN-THỦY CUA LƯU THIẾU-PHỦ, HUYỆN PHỤNG TIÊN

Quái lạ trên thềm sao mọc cây?

Rồi sông cùng núi! Khói cùng mây!
Chải tranh Xích-huyện[10] vừa khô mực,
Vẽ cảnh Thương-Châu[10] lại hứng tay!
Thợ vẽ kể ra đầy!
Tài hoa khó gặp thay!
Biết ông trọng từng nét,
Ngắm-nghía lòng mê say!
Trịnh-Kiền[11], Kỳ-Nhục[11] bút chưa già!
Dương-Khiết-Đan[11] xem cũng kém xa!
Vườn Huyền[10] chắc vừa lẩy!
Dòng Tương chừng mới sa!
Đặt ta ngồi xó đỉnh Thiên-Mụ,
Vượn hót bên tai nghe thiết-tha!
Gió mưa đêm trước thì ra bởi
Thần quỷ quanh miền khuân vác tới —
Khí thiêng còn đẫm trên tranh mới!
Trời phải khóc vì tài hạ-giới!
Quán quê xuân tới, rối mầu hoa!
Ngư-phủ thuyền buông giữa bóng tà!
Bể xanh nước lộn trời xanh rộng!
Đảo lệch, bờ nghiêng lấm-chấm xa!

Nào thấy nàng Tương khi dạo phím![12]
Bên sông trúc hóa vẫn rườm-rà!
Ông Lưu người tỷ-mỷ,
Mê tranh đến xương-tủy!
Lại được hai cậu con
Vẽ-vời đều sáng ý.
Cậu lớn thông minh thay:
Chấm thêm đỉnh núi một, đôi cây!
Cậu nhỏ đã có khiếu,
Vẽ sư, vẽ trẻ, coi hay hay!
Suối Nhược-Da! Chùa Cửa-Mây!
Ta ở làm chi giữa vũng lầy?
Tất gai, dép cỏ kể từ đây!

XXX. THƯƠNG TRẦN ĐÀO[13]

Đông sang... Mười quận trai tài
Máu tuôn thành nước đỏ tươi dòng dòng!
Im-lìm trời vắng, đồng không!

Bốn muôn quân nghĩa chết trong một ngày!
Giặc Hồ tên rửa tuyết bay,
Hát câu hát Mán, uống say phố-phường!
Ngày đêm khóc ngóng Bắc-phương,
Quan-quân đâu tá? Dân đương đợi chờ!

XXXI. TRƯỚC TUYẾT

Khóc trận nhiều ma mới!
Nghêu ngao một lão già!
Chiều hôm, mây rối thấp.
Gió quẩn tuyết mau sa.
Bầu dốc rượu còn quỷ!
Lò tàn lửa lạnh ma!
Mấy miền tin-tức đứt,
Tắc lưỡi: Thế ru mà?

XXXII. ĐÊM TRĂNG

Chân Lộc[14] trăng ai ngắm.
Đêm nay, tủi một mình...
Xa thương con trẻ nhỏ.
Chưa hiểu nhớ kinh-thành
Sáng lạnh cánh tay trắng.

Sương đầm mái tóc xanh.
Bao giờ hàng lệ ráo?
Đôi bóng tựa bên mành...

XXXIII. TRÊN TIỆC TÔ-ĐOAN, TIẾT PHỤC, TẶNG TIẾT-HOA SAY HÁT

(Làm tháng giêng năm Chí-Đức thứ hai, ở trong giặc)

Văn chương khá, chơi bời phải lối,
Phục và Đoan sớm nổi tiếng lành.
Đầy thềm rặt bạn tài danh,
Nhớ xuân bầy đặt tiệc quỳnh, ta chơi...
Ai dời hộ ngàn mai xa thẳm?
Dưới trời quang, hoa cắm cho đông!
Dậm ngàn tuyết cũ còn phong,
Hũ trăm hãy dốc cho lòng tạm khuây!
Lòng lo, mượn chén cay dập tắt!
Trống trận buồn déo dắt quanh tai!
Trẻ-trung hãy gượng nói cười!
Này trông tôi đã nửa người, nửa ma!
Hát dọng say, Tiết-Hoa là nhất,
Phong-cách già, tự đặt nên bài.
Gần đây giỏi lối câu dài,
Có anh với Lý-Bạch người Sơn-Đông.

Đè Tốn, Rưởu, coi không Ước, Xước[15],
Pháo-Chiếu tài nhớn-nhác phục lăn!
Bạn bè vui vẻ mười phần.
Việc đời nay chuyển, mai vần, ai hay?
Vầng Hồng lặn. Gió Tây hãy thổi,
Đồng nước xanh thành suối rượu đào!
Chén vàng cạn, lại vục vào,
Cái sầu, cái khổ, tôi nào thấy đâu!
Chợt nhớ trận mưa mau hôm nọ.
Lỡ mồ xưa, trật bộ xương khô...
Trên xương rêu xám mọc đua!
Cớ sao không uống, để cho lòng buồn?

XXXIV. XUÂN TRÔNG

Thành xuân, cây, cỏ rậm.
Nước mất, núi sông còn!
Thời thế hoa sa lệ!
Biệt ly chim chột hồn!
Thư nhà vàng đổi khó!
Lửa hiện mắt nhìn luôn!
Đã bạc còn thêm rụng,
Trâm chê mái tóc cùn!

XXXV. ĐÊM HÀN-THỰC, TRÔNG TRĂNG

Không nhà, qua tiết đẹp!
Có lệ tưới đêm xuân!
Chặt quách cây đa bóng,
Trăng thêm sáng mấy phần!
Đèn mờ, hoa đỏ nở...
Lòng nghĩ, mày xanh nhăn...
Ngưu, Nữ can chi tủi,
Qua sông năm một lần...

XXXVI. THƯƠNG ĐẦU SÔNG

Khúc sông Khúc ngày xuân đi lủi,
Lão Thiếu-Lăng nuốt tủi một mình!
Đầu sông cung điện vắng tanh!
Liễu tơ, bồ mới, xanh xanh ai nhìn?
Cờ mây trước xuống miền vườn cấm.
Muôn vật đều gội tắm vinh-quang.
Người ngôi cao nhất Chiêu-Dương,
Cùng xe cùng với quân-vương ngồi kề!
Bọn tài-nhân trước xe dàn đứng.
Nghiến giàm vàng, ngựa trắng phau phau!
Ưỡn mình, ngửa bắn mây cao,
Một tên bay thoắt trúng vào đôi chim...

Hồn vơ-vẩn, oan chìm, máu đọng,[16]
Nay còn đâu răng bóng, mắt xinh?
Đôi nơi tin-tức không rành:
Mịt mù sông rộng, gập ghềnh ải xa!
Mãi thế ru? Này hoa! Này nước!
Giọt lệ tình thấm ngực đầm-đìa!
Ngựa hồ tung bụi đen sì!
Thành chiều lạc cả đường đi lối về!

XXXVII. THƯƠNG VƯƠNG-TÔN[17]

Quạ đầu thành lông đầu trắng phớ[18]
Đêm bay kêu trên cửa Duyên-Thu.
Lại moi nhà các quan to...
Các ngài chạy trốn giặc Hồ lung-tung!
Chín ngựa chết, roi đồng đập gẫy,
Bỏ thịt-xương, cố chạy lấy mình!
Dưới lưng vòng ngọc xanh xanh,
Góc đường ngồi khóc thương tình Vương-Tôn!
Hỏi tên họ, đâu còn dám nhận!

Chỉ xin cho được phận tôi-đòi!
Tháng dòng chui rúc chông gai,
Trên mình da, thịt chẳng nơi nào lành!
Con cháu chúa thẩy rành cao mũi,
Giống rồng xem khác với người thường!
Rồng thất thế! Sói đầy đường!
Liệu mà giữ lấy nghìn vàng tấm thân!
Vì Vương-Tôn dừng chân đứng tạm,
Lối lại qua, chuyện dám kề-cà!
Gió đưa hơi máu đêm qua!
Sớm nay, đô cũ lạc-đà nghênh-ngang!
Tướng phương Bắc rặt phường thao-lược,
Nay vì đâu nhụt sức, kém tài?
Trộm nghe vua mới lên ngôi,
Đức đà phục được rợ ngoài Hung-Nô.
Rạch da mặt, trả thù xin quyết...
Chớ rỉ răng, người biết không nên!
Vương-Tôn cố sức giữ gìn.
Năm lăng trông lại còn bền khí thiêng!

XXXVIII. MƯA, ĐẾN TÔ-ĐOAN

(Đoan đặt rượu)

Gà gáy, gió xen mưa.
Nắng lâu, mưa cũng tốt.

Chống gậy lội bùn xuân.
Rậy sớm vì dạ ngót!
Nhớ khi qua các nhà
Một bữa thôi quét gót!
Anh Tô mời ăn luôn,
Đón mừng thường mải mốt!
Nghĩ cũng đáng thương tình.
Gọi con bầy quả ngọt.
Rượu đục tất đầy be!
Say nhè, chuyện sổ nút!
Góc nhà hoa đỏ tươi!
Cạnh tường cỏ xanh muốt!
Bạn thân cười, nói vang,
Già nghe như cởi ruột!
Lại thêm ơn thấm-nhuần,
Cơm ăn may đủ hột!
Vợ con cách lũy quân,
Bỏ rớt bao đau xót!

XXXIX. MỪNG TỚI HÀNH-TẠI[19]

Ký Bắc mong tin mãi,
Người về chẳng thấy ai!

Tro tàn, lòng chết dở!
Bóng xế, mắt trông hoài!
Cây rặng đi lần mãi.
Ngàn xa thoắt tới nơi.
Bạn trông già xọm hẳn:
Trong giặc xuýt đi đời!

XL. THUẬT LÒNG

Năm ngoái ải Đồng vỡ.
Vợ, con xa bấy chầy!
Hè sang cây cỏ tốt,
Vác xác chạy về Tây!
Dép cỏ vào chầu vua,
Áo rách trầy khuỷu tay!
Triều-Đình khen sống sót,
Bạn hữu thương thân gầy!
Khóc nhận chức Thập-Di,
Ơn chúa thật cao giầy.
Quê hương tuy được về,
Chưa nỡ ngỏ lời ngay.
Gia đình chưa chắc còn,
Thư gửi hỏi cho hay.
Nghe đồn bọn mắc nạn,
Gà, chó đều phanh thây!

Nhà tranh dột trong núi,
Trông coi cậy ai rầy?
Thông xanh gốc ngả-nghiêng,
Đất lạnh trơ xương cây!
Cả nhà còn mấy mạng?
Sống ra là họa may!
Hiểm-hóc hang hùm thiêng,
Đoái nhìn ghê sợ thay!
Từ khi gửi thư đi,
Kể đã mười tháng nay!
Nay lại sợ tin sang!
Lòng riêng thổn-thức đầy!
Vận Hán buổi trung-hưng,
Tính già đam chén say!..
Chỉ e trơ xác cụ,
Thôi hết chuyện xum vầy!

XLI. CUNG NGỌC-HOA[20]

Gió thông bên suối ào ào!
Lô-xô ngói cổ, ra vào sóc xanh!
Phía trên, núi đứng như thành,

Đền vua nào dựng chênh-vênh hãy còn!
Lối xưa róc-rách khe tuôn...
Xanh lè buồng tối chập chờn ma trơi!
Mầu thu xám ngắt khung trời!
Sáo, đàn, muôn tiếng bên tai mơ-màng!
Má hồng hóa đống đất vàng!
Huống chi son, phấn điểm trang bằng thừa!
Hầu bên xe ngọc hồi xưa,
Còn con ngựa đá đứng trơ sân ngoài!
Lòng buồn đè cỏ tạm ngồi,
Hát ngao mà nước mắt rơi đầy lòng!
Đường trường xuôi ngược long-đong,
Ai người sống mãi ở trong cõi đời?

XLII. KHƯƠNG THÔN

I

Ngàn Tây mây đỏ kéo liền!
Bóng tà từng vết, in trên đất bằng.
Cửa ngoài sẻ réo vang lừng:
Khách đi nghìn dậm, bỗng rưng về nhà!
Vợ, con không chắc là ta,
Mặt nhìn ngơ-ngác, lệ sa đầm-đìa!
Nổi-chìm trong buổi loạn-ly,

Tình cờ còn sống mà về đấy thôi!
Xóm giềng đứng chật tường ngoài,
Cảm-than lắm kẻ xụt xùi sa châu!
Canh khuya ngọn đuốc dong cao,
Nhìn nhau như giấc chiêm bao mơ-màng!

II

Tuổi già gượng sống cho qua,
Về nhà nào có chi là thú-vui!
Con thơ quấn-quít bên đùi,
Sợ ta có lúc về rồi lại đi!
Nhớ hồi hóng mát xưa kia,
Cây quanh ao cũ, ta thì lượn quanh!
Ào ào gió bấc đành-hanh!
Việc đời ngẫm nghĩ một mình trăm lo!
Vào men may sẵn thóc mùa,
Cất cho đủ uống, uống cho đỡ buồn...

XLIII. SANG BẮC

Vừa năm hoàng-hiệu thứ hai,
Ngày lành tháng tám nhuận, Trời về Thu,
Có chàng họ Đỗ co-ro,
Sắp sang miền Bắc thăm-dò vợ con...

Bấy giờ giặc giã hãy còn,
Trong triều, ngoài nội bận luôn đêm ngày!
Xin về, chiếu chỉ cho ngay.
Ơn trên nhuần-thấm, niềm tây thẹn-thùng.
Tạ từ lậy trước sân rồng,
Bồn chồn chưa dễ yên lòng ra đi.
Can ngăn tuy chẳng giỏi gì,
Sợ vua lầm sót có khi không chừng!
Như Người bậc chúa Trung-Hưng,
Ngang trời, dọc đất, ai bằng được đâu!
Đông-Hồ làm phản bấy lâu,
Lòng tôi đây vẫn ruột dầu, gan căm!
Xa Hành-cung gạt lệ đầm,
Dọc đường còn vẫn âm-thầm sớm trưa!
Đầy trời ghẻ-lở nhớp-nhơ,
Niềm lo, mối nghĩ bao giờ cho nguôi?
Đồng-điền man-mác trông vời,
Vì đâu khói bếp, bóng người vắng teo?
Bị thương gặp kể cũng nhiều,
Vỡ đầu, đổ máu rên kêu đầy đường!
Quay đầu nhìn lại Phượng-Tường:
Chiều hôm cờ-quạt nhập-nhoàng nẻo xa!
Mấy trùng núi vắng đi qua,

Đào cho ngựa uống kể ra bao lò?
Quận Mân đất trũng lòng mo...
Sông Kinh nước chẩy xô-bồ mông mênh!
Trước ta hùm rữ đứng rình.
Tiếng gào chuyển cả non xanh bốn bề!
Thu nay cúc nở vừa thì!
Xe xưa đá ngấn vết đi rành-rành!
Hứng cao lên tận mây xanh:
Bao nhiêu phong cảnh quanh mình đáng yêu!
Lon-con quả núi cũng nhiều:
Trái đa, trái dẻ chít-chiu đầy cành.
Đỏ như son nhuộm xinh-xinh;
Đen như sơn phủ long-lanh ưa nhìn!
Móc mưa nhuần thấm kết nên
Thứ chua, thứ ngọt, sang, hèn như nhau!
Bâng-khuâng nhớ chuyện nguồn Đào,
Nghĩ mình vụng-dại biết bao ở đời!
Lộc-Châu chừng sắp tới nơi,
Chốc thời lên dốc, chốc thời xuống khe.
Bên khe ta đã lần đi,
Đoái nhìn đầy tớ chưa lìa ngọn cây!
Dâu vàng, cú, vọ đậu đầy!
Hang đen là chỗ cáo, cầy lẩn-chui!

Chiến-trường đêm tới mấy nơi,
Thăng-răng xương trắng, trăng soi lạnh-lùng!
Toán quân trăm vạn ải Đồng,
Năm xưa thua chạy lung-tung miền này!
Dân Tần quá nửa chết lây,
Bị đâm, bị chém, làm thây không đầu!
Bụi Hồ luẩn-quẩn theo nhau,
Dũ xong, tóc đã nhuốm mầu hoa râm!
Nhà tranh vắng đã cách năm,
Vợ, con về thấy áo trăm mụn chằng!
Nào than, nào khóc vang lừng:
Suối khe nghẹn dọng, thông rừng thua hơi!
Con nuông thằng bé xinh trai,
Nước da, tuyết trắng sánh coi chưa tầy.
Thấy cha quay mặt hờn ngay...
Hai chân đen thủi, không giầy khổ chưa!
Trước giường hai gái ngây thơ,
Vá nan, vá đụp, áo vừa chấm khoeo!
Mụn tìm phá bức tranh thêu:
Bể, non, sóng, nước, xé liều, khâu quanh!
Cho nên trên chiếc áo manh,
Thần sông, phượng núi, hai hình còn nguyên!
Thân già bụng dạ không yên,
Trên mơi, dưới tả nằm rên mấy ngày!

Đẫy cha có ít lụa dày,
Cắt may làm áo cho mày đỡ run!
Cởi bao, này phấn, này son!
Này chăn, này đệm hãy còn sót đây!
Vợ già mặt bủng tươi ngay...
Tóc con bù rối liền tay chải đều!
Điểm-tô mặt phấn mỹ-miều,
Mẹ xoa, con cũng xoa theo, tức cười!
Môi son bôi đánh đã rồi,
Mày xanh lại kẻ đầu đuôi to xù!
Đàn con đú-đởn, nô-đùa,
Ngồi nhìn quên cả đói, no trong lòng!
Ai người quát mắng được không?
Nắm râu chúng hỏi lung-tung mọi điều!
Quấy rầy thôi cũng cố chiều,
Nhớ khi trong giặc bao nhiêu lo buồn!
Hãy mừng gặp vợ, gặp con,
Mới về cách sống hãy còn gác bên!
Bề-Trên đương bước chuân-chiên,
Mấy ngày là nghỉ tập rèn quân-gia!
Trông lên trời đổi màu da:
Nhìn quanh yêu-khí lan ra mịt-mùng...
Gió đưa Tây-Bắc lạnh-lùng!

Theo vua Hồi-Hoạt[21] sẵn lòng giúp oai...
Giống này xông-đột có tài,
Lính năm nghìn kẻ, ngựa thời muôn con...
Quân ngoài dùng ít là hơn!
Đánh hăng đã khét tiếng đồn khắp nơi!
Tướng toàn hạng cắt ngang trời,
Phá tan trận giặc như người chẻ tre!
Lòng vua có ý tin vì.
Người ngoài bàn bạc ra bề không vui...
Trong tay Y, Lạc thu rồi,
Tây-Kinh cũng chỉ nay mai lấy về.
Quan-quân xin tiến dấn đi,
Đem quân sớ sức đồng thì đánh nhanh.
Chuyến này cướp lại Từ, Thanh,
Hằng Sơn, Kiệt-Thạch để dành lấy sau!
Cơ trời bĩ, thái theo nhau:
Có hồi nắng ấm, có chầu tuyết sương!
Vạ qua rồi đến phúc sang,
Giặc rồi phải vỡ, phải hàng không lâu!
Vận Hồ bền vững được đâu!

Dòng vua chưa có lẽ nào đã suy!
Nhớ hồi bối-rối trước kia,
So cùng đời cổ kể thì khác xa:
Gian-thần tội chết không tha!
Bao nhiêu đảng nịnh, lũ tà chẳng dong!
Hạ, Thương nào thấy đường cùng
Giết trang nghiêng nước, lấy lòng muôn dân?
Tuyên, Quang là bậc minh-quân,
Cho nên Chu, Hán có lần lại lên!
Tuốt gươm thề với Hoàng-thiên,
Tướng Trần-Nguyên-Lễ gan liền trơ-trơ!
Nước nhà được sống đến giờ,
Trừ ông ra bảo còn nhờ vào ai?
Đại-Đồng cung cũ vắng người!
Nọ đền Bạch-Hổ thềm ngoài rệu phong!
Dân Kinh ngóng bóng xe rồng
Lại đưa ấm-cúng về trong cửa vàng;
Các lăng linh-khí mơ-màng,
Lễ dâng giữ đủ lệ thường chẳng sai;
Cơ-đồ gây dựng lâu dài,
Lại lừng-lẫy được như đời Thái-Tông.

XLIV. ĐƯỜNG BÀNH-NHAI

Hồi trước trốn quân giặc,
Lần mò sang Bắc chơi.

Trăng soi ngàn Bạch-Thủy.
Đêm vắng lối Bành-Nhai.
Quen mặt nhìn thêm ngượng!
Đau chân bước dám lười!
Véo von chim núi hót,
Chẳng thấy ai về xuôi!
Con đói cứ bố cắn.
Khóc e hùm rõi mồi!
Ôm con, bưng lấy miệng!
Con giẫy kêu inh tai!
Thằng lớn vẻ sành-sỏi,
Mận chua ăn cố đòi!
Một tuần mưa quá nửa,
Lậm-lội giắt nhau hoài!
Áo mỏng lối như mỡ
Lại thêm không nón, tơi!
Có ngày đi cả buổi.
Vài dậm khó lòng nhoai!
Cành lá giùm lều trọ,
Quả rừng no bụng xơi!
Ngày đi đường ngập nước!
Đêm ngủ sương bên trời!
Lò-Tử định ra khỏi.
Đồng-Gia tạm nghỉ-ngơi

Bạn quen có Tôn Tể.
Nghĩa khí cao hơn người.
Đón khách vừa chiều tối.
Dong đèn mở cửa ngoài
Cắt cờ hú vía tôi!
Đun nước rửa chân tôi!
Rồi gọi vợ, con đến,
Chào nhau lệ xụt-xùi!
Cơm bưng, gọi rậy ăn.
Đàn trẻ ngủ mê-tơi!
Định kết nghĩa cùng bạn,
Anh em trong một đời!
Nhà trên bèn dọn sạch,
Tôi ở thật yên vui!
Bụng dạ khoát-đạt thay!
Đời này đã mấy ai?
Giặc Hồ làm rữ mãi,
Xa bạn một năm rồi!
Ước gì mọc cánh lông,
Thăm nhau bay tới nơi!

XLV. NGÀY CHẠP

Mọi năm ngày Chạp ấm còn xa.
Ngày Chạp năm nay rét đã qua

Lá nẩy, huyên đè mầu tuyết xuống!
Cành tơ, liễu hé ánh xuân ra!
Về nhà. điện ngọc chầu vừa vãn.
Sẵn rượu, đêm lành uống chẳng tha!
Phấn mặt, sáp môi ơn rải khắp:
Ống xanh, bình bạc tự trời sa!

XLVI. HỌA THƠ: « CHẦU SỚM CUNG ĐẠI-MINH » CỦA GIẢ-CHÍ XÁ-NHÂN

Lậu cạn, năm canh tuôn bóng sớm.
Xuân say, chín bệ rực bông đào!
Nắng soi cờ, quạt, rồng rung động!
Gió nhẹ cung, đền sẻ liệng cao!
Áo đẫm khói hương, phiên trực vãn!
Bút vung châu ngọc, hứng thơ hào!
Mấy đời chiếu, sắc chuyên tay giữ.
Lông cánh nhà tông khác biết bao!

XLVII. LUI CHẦU ĐỀN TUYÊN-CHÍNH, CHIỀU RA CỬA TẢ

Nắng chói bảng vàng trên cửa khuyết.
Bóng lồng cờ đỏ trước đền xuân.
Tơ hồng vướng nhẹ hương tuôn khói.
Chuyền ngọc buông chùng cỏ rợp sân.

Gần với non Bồng, mây đẹp lắm!
Đọng trên lầu Tước tuyết tan dần!
Quan hầu chậm bước về dinh nghỉ.
Chầu muộn thường khi trễ bữa an.

XLVIII. TRÊN SÔNG KHÚC, TIẾP RƯỢU ÔNG TÁM TRỊNH NAM SỬ

Trên liễu đầu sông, sẻ rỉa hoa...
Le, mòng, bãi nắng, đậu gần xa...
Chén vàng dốc rượu vui ngày đẹp.
Đầu bạc thương xuân tủi phận già!
Áo mũ dễ đâu chơi bạt mạng!
Vợ con mất đứt thú không nhà!
Sức ông còn khỏe, tài còn cứng,
Câu chuyện trồng dưa hãy bỏ qua!

IL. SÔNG KHÚC

I

Trông xuân buồn thấy vẻ xuân gầy:
Muôn cánh hồng theo trận gió bay!
Qua mắt, hoa nhìn đi kẻo hết!
Mềm môi, rượu uống ngại gì say!

Mồ cao bên uyển, lân nằm khểnh!
Nhà nhỏ trên sông, trả họp bầy!
Ngẫm kỹ lẽ đời chơi hóa phải,
Cần chi tiếng hão bận thân này!

II

Mỗi buổi chầu về thế áo xuân,
Đầu sông ngất-ngưởng uống say lăn!
Sống đời bẩy chục xưa nay hiếm!
Nợ rượu đầy nơi khất-khứa dần!
Cánh bướm luồn hoa nhìn thấp-thoáng.
Đuôi chuồn điểm nước gợn lăn tăn.
Phong-quang nhắn bảo cùng trôi chuyển,
Tạm chút làm vui, chớ lữa-lần!

L. TRƯỚC CẢNH MƯA TRÊN SÔNG KHÚC

Tường uyển, mây xuân phủ rợp thành!
Quán sông năm mới, cảnh chiều thanh...
Hoa ngàn phô đẹp, mưa rơi thắm!
Dong nước đua dài, gió cuốn xanh!
Hương thắp đền riêng thêm lạnh lẽo!
Xe dồn quân mới vẫn loanh quanh!
« Tiền-vàng » hội cũ bao giờ gặp?
Say gối dằn nằm cạnh gái xinh!

LI. UỐNG RƯỢU TRÊN SÔNG KHÚC

Ngoài vườn Thượng-Uyển mải ngồi giai!
Mặt nước, đền xuân lấp-lánh soi!
Chim trắng, chim vàng bay thấp thoáng...
Hoa đào, hoa liễu rụng tơi-bời...
Người khinh bét-rượu thường kiềng mặt!
Tính ngại chầu vua, khéo ngược đời!
Xiêm áo tuổi già chưa dữ nổi,
Bao giờ bể rộng được dong chơi?

LII. ĐỀ NHÀ CŨ CỦA TRỊNH TRƯỚC-TÁC[22]

Châu Thai bể rộng, đất-đai gầy...
Đồi, núi xanh om lộn nước, mây
Đôi ngả lệ sa đời loạn lạc!
Một thân bèo nổi buổi đi đầy!
Múa không người đỡ, già càng tủi!
Thơ đọc ai nghe nín hóa hay!
Dòng suối bên cầu tuôn hận mới!
Mái đình trước bến buộc sầu tây!
Cú kêu, họ Giả buồn thân-thế!
Dê giắt, chàng Tô phí tháng ngày!

Nước trẻ nhờ ơn ban tội nhẹ.
Ông già ngán nỗi giữ lòng ngay!
Nễ-Hành mắc nạn cơ nên sợ...
Phương-Sóc là tiên chuyện khéo bầy!
Ngõ hẻm vắng tanh xe với ngựa,
Đóm đầu án sách chết còn đây!

LIII. CON CẮT NGHĨA-HIỆP

Ưng xanh ngàn thẳm một đôi,
Trắc đen trên ngọn kiếm mồi nuôi con.
Trèo lên, rắn trắng nuốt luôn:
Mỏ vàng cả tổ chim non đi đời!
Kiếm ăn, con sống xa chơi,
Chịu thua, con mái râm trời kêu vang!
Chim chồng về tự Tây phương,
Tung mây lại thấy vội-vàng bay đi.
Chốc thời cắt khỏe rước về,
Nỗi niềm oan khổ, cắt thì hiểu ra;
Băng mình vừa đánh vừa la...
Khúc dài, đầu lớn, rắn đà sợ oai
Lìa cành rơi xuống lưng trời,
Nằm trên bãi cỏ, quằn quài chẳng nên;
Gẫy xương, sổ ruột, chết liền!
Giúp nhau, nghĩa cắt đáng truyền nghìn thu!

Chim ra cũng biết báo thù!
Sướng gì hơn sự mắt cho được nhìn!
Việc xong cất cánh bay liền...
Trong loài chim rữ, cắt nên đứng đầu!
Đi qua sông Ruật ngày nào,
Tiều-phu có bọn kháo nhau chuyện này
Giúp mà nên nghĩa giúp ngay!
Nghe xong, lòng những vơi đầy kính, yêu.
Biên thơ cứ thực chép theo,
Làm gương nghĩa-hiệp để treo trong đời!

LIV. TẶNG MẠNH-VÂN-KHANH

Tiệc vui. đầu bạc thêm buồn!
Canh khuya, nến đỏ lòng còn thấy yêu!
Gặp nhau dịp chẳng được nhiều,
Xa nhau xin chớ mượn điều đi ngay!
Chén vàng cạn mấy chẳng say!
Dòng Ngân chỉ sợ lúc này vội sa!
Việc đời mai kéo lôi ta
Mỗi người một ngả... Khóc mà ích chi!

  1. Nước Tầu ngày xưa chia làm chín châu.
  2. a ă Tên hai cảnh tiên.
  3. Một giống người ở dưới đáy bể, có tài dệt các tơ lụa, và khóc ra ngọc trai!...
  4. Chu Mục-Vương qua núi Yên-nhiên, sai Tăng-Chúc dìm dê, trâu xuống sông để tế thần Hà-Bá.
  5. Cầu, một giống rồng không có sừng. Ở đây Thi-sĩ có ý ám chỉ An-Lộc-Sơn, khi đó sắp nổi loạn.
  6. Khóa sơn xanh, thứ khóa dùng đóng cửa dinh Cấp-sự.
  7. Hai bậc hiền-thần đời xưa.
  8. Sào Phủ, Hứa Do, hai bậc ẩn-sĩ đời cổ.
  9. Vệ, Hoắc, họ các hoàng-hậu.
  10. a ă â Tên các cảnh tiên.
  11. a ă â Tên các tay danh họa hồi bấy giờ.
  12. Nàng Tương tức là Nga-hoàng vợ vua Thuấn. Vua Thuấn mất ở Thương-ngô. Nga-hoàng ngồi khóc bên sông Tương, vẩy lệ vào trúc, trúc đều in ngấn lệ, thành ra giống trúc hóa ngày nay.
  13. Tên một nơi chiến-trường hồi ấy!
  14. Nơi mà vợ Thi-sĩ ở đậu.
  15. Hà-Tốn, Tạ Rưởu, Thẩm-Ước, Tôn-Xước, đều là tên các Thi-sĩ đời xưa.
  16. Dương Quý-phi bị giết ở trạm Mã-Côi.
  17. Tiếng gọi chung các người trong họ nhà vua.
  18. Người xưa cho thế là điềm đời loạn.
  19. Nơi vua đóng ở ngoài kinh-đô.
  20. Cung của vua Đường Thái Tông làm ở bên núi Phượng-Hoàng huyện Nghi-Quân.
  21. Vua Đường khi ấy mượn quân Hồi-Hoạt vào rẹp giặc trong nước. Thi-sĩ không bằng lòng điều đó, e sinh chuyện về sau.
  22. Tức Trịnh-Kiền, khi ấy phải truất ra làm Tư-hộ châu Thai.