Bước tới nội dung

Thơ Tản Đà/27

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thơ Tản Đà của Tản Đà
Nhời dẫn trước bài tựa truyện Tỳ-Bà

Nhời dẫn trước bài tựa truyện Tỳ-Bà

(Xem ở quyển Tỳ-Bà.)

Ngựa tuấn nọ để còn xương thiên lý, ngàn vàng chưa dễ mấy ai mua.[1]

Ngọc bích kia chưa tỏ giá liên thành, giọt lệ chớ hoài riêng kẻ khóc[2]
Cho nên,
Lan có cây mọc trong hang tôi[3]
Gà có con rướch bỏ lông đuôi.[4]
Đem tài hoa mà ai oán với trần-ai.
Chẳng thà giấu hương sắc để lánh chơi ngoài cõi tục vậy.
Ấy đã thế-gian là thế; giận làm chi, mà dỗi nữa làm chi.
Thôi thời tri-kỷ mà chi; tẻ cũng thế, có vui thời cũng thế.
Ngẫm từ trước biết bao tài-tử,
Mà trong trần nào mấy tri âm.

Bạch-tuyết Dương-xuân,[5]
Cao sơn lưu thủy:[6]
Chẳng cứ gì Ly-Tao với Tỳ-Bà-ký,[7]
Chẳng cứ gì Khuất-Nguyên với Cao Đông-Gia[7]
Nếu trần-ai ai cũng biết ai,
Ai còn phải vì ai cảm khái.
Cội thông lũa chơ-vơ đỉnh núi, đầm thấm tuyết sương.
Bông huê đào hớn-hở gió đông, đại-đằng ong bướm.
Kiếp văn tự ngẫm ra nhường cũng rứa, trải trăm tuổi đến khi đầu bạc, phí bao nhiêu tiếng khóc tiếng cười.
Khách cổ kim nào có khác chi nhau; hỏi nghìn thu xin giọt mực đen, xóa cho hết chữ tài chữ ngộ.
Nhân tôi xem quyển truyện Tỳ-Bà của ông Đoàn-tư-Thuật dịch thuật mà trước có bài tựa của ông Mao Thanh sơn,

Vậy tôi có mấy nhời viết đây, rồi xin viết xuống bài tựa về quyển truyện Tỳ-Bà dịch nôm của ông Đoàn-tư-Thuật.

  1. Xưa có ông vua thích chơi ngựa, sai người đem nghìn vàng đi tìm con ngựa hay để mua; đến nơi thời con ngựa đã chết, mua bộ xương đem về. — Tuấn là tên một thứ ngựa hay. Thiên lý là nói con ngựa chạy nghìn dặm
  2. Xưa có họ Biện-Hòa, người nước Sở, bắt được hòn ngọc bích còn ở trong hòn đá, đem dâng vua Sở là Lệ-vương. Lệ-vương giao cho thợ ngọc xét. Thợ ngọc bảo là đá. Biện-Hòa phải tội nói dối vua, bị chặt một chân bên tả. Sau lại đem dâng vua Võ-vương. Thợ ngọc lại bảo là đá. Hòa lại bị chặt nốt một chân bên hữu. Vua Văn-vương lên ngôi, Hòa ôm hòn ngọc đá mà khóc ở dưới chân núi ba ngày ba đêm, nước mắt hết, ra máu. Văn-vương bèn sai người lấy hòn đá đem rũa thời bượch ra được hòn ngọc bích. Ngọc bích ấy sau về vua nước Triệu có, vua nước Tần xin đổi lấy một giẫy hai mươi nhăm cái thành. — Liên thành là một giẫy thành liên.
  3. Sách nho có chữ Lan sinh u cốc 蘭 生 幽 谷 là cây lan mà mọc trong hang tối.
  4. Trong sách Tả truyện: Người Tân-Mạnh nhà Chu đi qua một cánh đồng, trông thấy một con gà sống tự rướch bỏ lông đuôi; hỏi kẻ hầu Thưa rằng: « Ấy là nó sợ vì phải làm con gà thờ. »
  5. Xưa có một người khách đi qua kinh-đô nước Sở mà hát khúc Hạ-lý-ba-nhân (điệu hát nhà quê, không hay); người trong nước họa mà hát theo, có đến vài nghìn người. Khách lại hát khúc Dương-a Dạ-lộ (điệu hát hơi hay); người trong nước họa mà hát theo có được vài trăm người. Khách hát đến những khúc Dương-xuân Bạch-tuyệt (hai điệu hát thật hay); họa mà hát, chỉ còn được có vài mươi người.
  6. Ngày xưa ông Bá-Nha hay đàn, gặp được ông Chung-tử-Kỳ sành nghe. Bá-Nha đánh đàn, trong bụng đương nghĩ ở ngọn núi cao; Tử-Kỳ khen rằng: « Tiếng đàn vòi vọi như trên ngọn núi cao. » Một lát, Bá-Nha bụng lại nghĩ về nước chẩy; Tử-Kỳ khen rằng: « Tiếng đàn lưu-loát như một giòng nước chẩy. » Chung-Tử-Kỳ chết, Bá-Nha đập bỏ đàn, rướch đướch bỏ giây, cho là ở đời không còn có ai tri âm.
  7. a ă Kinh Ly-Tao của Khuất-Nguyên soạn; truyện Tỳ-Bà của Cao Đông-Gia soạn