Thơ ngụ ngôn La Fontaine (1951)/30

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đống của với hai người

Một người kia gặp cơn túng ngặt,
Muốn vay ai, ai đắt mà vay.
Lưng không biết tính sao đây?
Quyết đi tự-tận phen này cho xong.
Thừng buộc cổ long-đong phải hết;
Dẫu chẳng toan cũng chết đói mà.
Ngẫm xem bụng dạ người ta,
Ai ưa nhịn đói mà qua kiếp người.
Gần đấy có một nơi nhà đổ,
Anh kiết ta đến đó liều mình.
Trên tường sẵn có đóng đanh:
Một dây thòng-lọng đã đành là xong.
Chẳng ngờ vách cũ không được tốt,
Đổ đánh ùm, vung một đống tiền.
Chàng ta đứng dậy nhặt liền:
Đem vàng đi thẳng còn quên chiếc thừng.
Cũng chẳng đếm xem chừng lẻ chẵn,
Mau bước chân vội lẩn về nhà.
Người có của bỗng chạy ra,
Thoát trông đã thấy tiền đà vắng tanh.
Kêu: « Trời hỡi! nay mình chưa chết,
Mà bạc tiền đã hết mất rồi.

Vậy thì chết quách đi thôi,
Dây đâu thắt cổ cho rồi một phen.
Thừng còn sẵn treo trên vách đổ,
Chỉ thiếu người chui cổ vào trong.
Thò đầu chàng quấn một vòng,
Chỉ trong giây-phút là xong một đời.
Nực cười chết đến nơi còn tính:
Tiền mua dây người ghính đỡ cho.
Ông trời sao khéo bầy trò,
Thừng kia của nọ, chéo-cho lạ đời.
Thương-hại thay những người bủn-xỉn,
Có của mà giấu kín một nơi;
Chẳng dám ăn, chẳng dám chơi,
Để cho kẻ cắp, hoặc người họ xa;
Cũng có khi người ta lấy hết,
Hoặc đất đen giữ diệt dưới sâu.
Tài-thần bỡn cợt lắm câu,
Bày ra trò lạ ở đâu ghẹo đời!
Ông muốn khiến một người thắt cổ,
Bỗng thừng kia, anh nọ chui vào.
Ông đùa những cách lạ sao?