Thầy trò trong khám/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ngày hôm sau chính là ngày đám cưới Đàm. Mã-lạc-nhi, chủ tàu Phan-long thấy Đàm trai trẻ mà thật thà thì yêu và nể lắm, chẳng những tôn lên cho làm chúa tàu mà lại giùm giúp cho việc hỉ sự mau thành. Hôm đó khách đi đám đông như hội, Mã-lạc-nhi và cha của Đàm lấy làm vui lòng. Phất-nhĩ-nam cũng có đến đó chỉ có một mình, va buồn thiu buồn thỉu không chuyện trò chi hết. Một chặp chi đó chàng rể cô dâu ra chào họ. Bên hữu Đàm là Mã-lạc-nhi bên tả là Đặng-cách-luân còn Mai-nương thì ngồi giữa cha của Đàm và Phất-nhĩ-nam. Khi quá trưa lễ cưới xong rồi thấy Mai-tây-đương càng thêm trổ mã lịch sự lạ lùng. Phất ngắm nghía phỉ sức rồi lại thở dài, rồi lại ngồi phịch xuống trên ghế mây để kề cửa sổ ngó bộ như ngây như dại.

Thình lình nghe tiếng người ta đi lọp đọp từ thang gác mà lên lại có tiếng gươm đao cọ nhau choảng choảng, cả họ hàng nhà trai nhà gái đều sợ hãi. Kế lại nghe như là nặm gươm gõ vào cánh cửa ba cái thật mạnh, ai nấy càng sửng sốt nhìn nhau. Một ông quan cảnh sát ngoài cửa bước vào theo sau có bốn tên lính. Quan hỏi ai là Đàm-đức-tư, Đàm đứng dậy thưa rằng:

-- Chính tôi là Đàm-đức-tư đây, chớ ông hỏi gì tôi?

-- Ta vâng lịnh trên đến bắt ngươi đây.

Đàm hơi biến sắc mặt, hỏi rằng:

-- Tôi có tội gì mà bắt?

Quan đáp rằng:

-- Không cần ta bảo ngươi, đợi khi tòa án hỏi rồi ngươi khắc biết.

Nói đoạn, kéo Đàm xuống gác bỏ vào trong xe, lính ngồi vây bốn phía chở ngay về bót.

Ông thân Đàm vội vã chạy theo toan bề cứu gỡ song không biết làm thế nào được. Sau nghe nói Đàm bị người ta tố giác rằng có âm mưu với vua Nã-phá-luân cho nên phải bắt như vậy, thì chạy về thuật lại, ai nấy đều chắc lưỡi kêu oan. Riêng phần Mai-tây-đương nghĩ mình với Đàm chưa vui sum hiệp đã sầu chia phôi thì vật mình lăn ra mà khóc.

Cảnh-đặc ghé tai nói với Phất-nhĩ-nam rằng:

-- Nếu vậy thì chú đã thi hành cái kế hôm qua rồi sao? Tôi đây thật không nỡ nào trông thấy cái cảnh cha già khóc con, gái tơ khóc chồng cho đành, thế nào tôi cũng khui sáng việc nầy ra mới nghe.

Đặng-cách-luân vội vàng vừa kéo cánh tay của Cảnh-đặc vừa nói:

-- Anh nầy mới dại cho, anh khui sáng ra thì liệu anh có yên thân ở ngoài vòng được không? Vả lại có chắc chi vì anh nói một lời mà người ta tha bổng. Nó đã đậu tàu tại cù lao Ên-ba cả ngày, mười con mắt đều thấy, thì sự đưa thơ cho ngụy đảng đó chưa chắc là không, nếu sau mà nghiệm thật quả tang thì người ta sẽ gia cho anh cái tội đồng mưu thì rõ là anh se giây buộc mình, ăn năn sao kịp.

Cảnh nghe qua thấm ý, cười rằng:

-- Phải phải, khi nãy tôi nói chơi đó thôi, phận tôi đây chẳng xong thay rồi, đâu lo việc người khác!

Ai nấy đều cười giả lả rồi tan về.

Khi Đàm-đức-tư bị bắt rồi tàu Phan-long không ai cai quản, Mã-lạc-nhi bèn cho Đặng-cách-luân lên kế chân. Đặng có miếng mấm đã lâu bây giờ vớ được thì đắc ý lắm, chỉ e một nỗi không bao lâu mà Đàm lại được thả ra.

Tiệc cưới của Đàm-đức-tư vì một lá thơ của Đặng mà giữa chừng bị đình chỉ; cùng trong lúc ấy lại có kẻ vì việc Đàm mà giữa chừng cũng đình chỉ tiệc cưới của mình; ấy là Phi-lập-phúc.

Phi-lập-phúc là quan chủ quận Mạc-xây, người trẻ tuổi mà tinh ranh thông thạo về luật pháp. Ông thân va là Nô-đăng vốn là người trong Nã-đảng, va lấy vậy làm xấu hổ, kiếm thế làm cho trái lại với cha thành ra cả được vua nước Pháp tin dùng. Hôm ấy Phi-lập-phúc đương kết hôn với nàng Thánh-mỹ-lan con gái một nhà quý phái kia, giữa đám khách đông, có một ông hầu tước lấy giọng trên mà nói cùng va rằng:

-- Nầy quan chủ quận! Bây giờ phàm việc gì ích lợi cho nhà nước, có thể làm gương cho người khác và có thể che được cái lỗi của cụ nhà ta thì xin ngài cố gắng mà làm đi!

Phi-lập-phúc nhăn trán lại, rồi cười ruồi mà rằng:

-- Bẩm ngài, ông thân tôi ngày nay đã chừa bỏ những sự hành vi lúc trước rồi, khá gọi là một người lương dân trong vòng chánh trị và tôn giáo; còn tôi đây, việc làm của tôi chắc là được các ngài tin cậy, vì tôi chỉ có lòng nhiệt thành yêu nước, muốn làm thế nào cho đền bù được tội lỗi của thân phụ tôi mà thôi.

-- Ừ phải, nếu ngài hết lòng với nhà vua, thì nhà vua đâu lại có lẽ bạc đãi ngài, tức như hôm nay về việc hỉ sự của ngài đây, hoàng đế thiệt đã quyến chú một cách hậu tình lắm đó.. Từ rày về sau nếu có đứa ngụy đảng nào bị ngài bắt được, chắc là khó lòng mà thoát khỏi tay ngài.....

Hầu tước nói chưa dứt lời, thì cái giấy tố giác của Phất-nhĩ-nam đưa đến. Phi-lập-phúc vội vàng thảo tờ sai lính đi bắt Đàm-đức-tư. Vì anh ta cốt muốn vớ vụ nầy để tỏ lòng trung thành của mình đối với Pháp hoàng, mà cũng nhơn đó nhờ vả ơn huệ của nhà vua nữa.

Phi-lập-phúc nhà giàu có, mới hai mươi bảy tuổi, làm quan to, người vợ y đương cưới là Thánh-mỹ-lan lại lịch sự mà nhiều của, cha anh nàng đều làm quan sang, oai quyền lừng lẫy, của hồi môn đến sáu vạn phật-lăng, sau nầy lại sẽ chia gia tài của cha nàng được chừng hai trăm vạn nữa, cái cảnh ngộ của va như thế cũng đã sướng mê rồi, song va còn một chút canh cánh bên lòng là ông thân va đã từng vào đảng với Nã-phá-luân.