Thầy trò trong khám/III
Phi-lập-phúc rồi đó đứng dậy đi ra, để gặp mặt Phất-nhĩ-nam, bộ oai nghiêm đường bệ lắm. Có một viên cảnh sát đã đứng như trời trồng chực sẵn đó. Phất thấy quan ra thì rảo lối mà đón chào, Phi tươi cười mà bảo rằng:
-- Cái điều người nói trong thơ hiệp với đại nghĩa lắm; song Đàm-đức-tư là người nào, mà nó đưa thơ âm mưu với nhau đó là việc gì, người khá bảo cho ta?
-- Bẩm quan lớn, Đàm-tư-đức là chúa tàu Phan-long, tầu ấy thường đi lại các cửa biển Á-lặc-tán và Sỉ-môi-na, chuyên nghề buôn bông sợi. Người chủ có tàu tên là Mã-lạc-nhi, dân thành Mạc-xây nầy. Còn như việc tên Đàm-đức-tư âm mưu thì bí mật khó biết lắm, khi quan lớn tra tấn bắt nó và lục soát cả thơ từ giấy má của nó thì sẽ biết đầu đuôi.
-- Nó bao nhiêu tuổi?
-- Nó mới mười chín tuổi.
Hai đàng đương vấn đáp cùng nhau thì thấy Mã-lạc-nhi lang thang chạy đến, Phất bước trở đi, Mã vào thì hỏi ngay Phi-lập-phúc rằng:
-- Bẩm quan lớn, làm sao lính của ngài tự dưng đến bắt người chúa tàu của tôi là Đàm-đức-tư và dẫn về bót, dễ thường là bắt lầm chăng?
Phi trả lời rằng:
-- Ta biết rồi mà, để đợi hỏi xem thực hư thế nào.
-- Bẩm ngài, người ấy trai trẻ mà giỏi giang, không làm điều chi bậy, tôi yêu và kính hắn lắm, xin ngài làm ơn mà khoan dung cho, chớ để họ đãi như kẻ tù thường.
Phi là người về đảng nhà vua mà nghe lọt mấy lời đó thì hồ nghi cho Mã-lạc-nhi cũng là người trong Nã đảng, bèn hơi tỏ ra ý khinh bỉ, cười lạt mà nói rằng:
-- Trong đời nầy chán chi người hoặc có tánh hạnh tốt, hoặc có tài nghề giỏi về sự vượt biển buôn tàu, làm cho ai cũng phải yêu phải kính, song đối với nhà nước thì lại là người có tội to, ông nghĩ thử câu tôi nói đó có quả vậy không?
Nghe vậy Mã-lạc-nhi tuồng hơi thẹn, vì bình nhựt anh ta đối với cuộc chánh trị trong nước cũng có ý bất bình, và nghe chừng như cái việc Đàm-đức-tư đưa thơ cho Nã-phá-luân ở cù lao Ên-ba là quả có, nên anh ta cũng phải cứng miệng. Một chặp mới nói tiếp rằng:
-- Tôi vẫn biết quan lớn là phước đức nên mới dám mạn phép đến xin ơn ngài.
Phi nói rằng:
-- Khoan khoan chớ vội, đợi hỏi xem khắc biết là thực hay hư. Nếu quả bị người ta vu oan thì tôi thả cho về ngay, không đợi phải xin xỏ gì; còn nếu chẳng may mà tội trạng đành rành, thì tôi đây chỉ biết làm hết bổn phận mình, dầu phước đức mấy mặc lòng cũng không có thể dung thứ được.
Lúc đó hai người vừa đi ra vừa nói. Khi gần đến tòa án thì Phi cáo biệt. Mã đứng sững hồi lâu, nghĩ không biết làm thế nào, thì ra về thất tha thất thưởi.
Phi-lập-phúc đến tòa án, thấy bọn lính đương ở nhà ngoài xúm giữ một người rất nghiêm ngặt thì biết chính là Đàm-đức-tư, bèn biểu dẫn vào.
Đàm vào tòa, cất tay lên chào, rồi lui ra ngồi trên ghế. Phi xem thấy Đàm người rộng trán mà tròng mắt đen đen, lông mày không rậm lắm, môi dày, răng trắng, dáng bộ khoan thai như hồi bình thường, không có ý sợ hãi, bèn biểu khai qua lý lịch thế nào. Đàm nói mình 19 tuổi, làm việc cho tàu buôn, vừa đương cưới vợ thì bị bắt, trẻ người non dạ, vốn không có tư tưởng về quốc sự, bình sanh chỉ để tâm có ba việc: một là phụng dưỡng cha già, hai là hết lòng giúp việc ông chủ Mã-lạc-nhi, ba là yêu thương vợ mình là Mai-tây-đương mà thôi, ngoài ra không dính dáng đến việc gì cả. Phi nghe Đàm nói năng hẳn hoi ngay thật lắm, thì riêng nghĩ rằng hoặc giả những lời Mã-lạc-nhi nói với mình lúc nãy là thật chăng, bèn hỏi luôn coi thử Đàm hồi bình nhựt có oán thù với ai không, thì Đàm thưa rằng:
-- Tôi chưa mấy lăm tuổi, vả danh phận lại hèn mọn, nào có làm gì mà oán thù với ai?
-- Chưa chắc đâu! Anh mới 19 tuổi mà đã làm chúa tàu, lại cưới được vợ đẹp, hai điều đó là phước của anh, song biết đâu chẳng cũng là họa của anh. Tôi thấy anh người chất phác thật thà, tôi thương hại cho anh lắm, đây nầy, cái thơ của người ta cáo anh đây, tôi lấy cho anh xem...
Phi vừa nói vừa đưa cái thơ của Đặng-cách-luân viết cho Đàm coi, và nói luôn rằng:
-- Anh có nhìn ra bức thơ nầy là chữ ai viết không?
Đàm coi kế một chặp rồi thưa rằng:
-- Chữ viết lạ lắm, tôi không nhìn ra được. Song le, may phước cho tôi là dường nào! Thế nầy chẳng những quan lớn không thợp nạt tôi thì chớ mà lại rủ lòng thương xót, đãi tôi như tình bạn hữu, may phước cho tôi biết dường nào.
-- Phải rồi, anh đừng coi tôi là ông quan mà tôi cũng không coi anh là kẻ có tội đâu. Có điều những lời trong thư nầy chẳng phải là vô cớ, hư thực thế nào anh cứ nói mồn một cho tôi nghe là được.
Trong khi Phi nói đó thì tự nghĩ thầm rằng nếu vợ mình là Thánh-mỹ-lan thấy cách cư xử với thằng nhãi con nầy như vầy chắc nó cũng không bắt tròn bắt méo gì mình đâu. Vì Thánh-mỹ-lan với cả nhà nàng đều là người trong đảng nhà vua nổi tiếng trung thành lắm mà khi Phi hỏi việc Đàm đây thì lại làm lành, bỏ nhỏ, như là có ý thương xót một người bên phe nghịch, song kỳ thật là làm bộ để tra cho lòi mối chớ không phải có ý binh vị đâu, cho nên Phi mới nghĩ thầm mà tự nói như vậy.
Đàm-đức-tư thấy nói dễ dãi như vậy thì thưa rằng:
-- Nay quan lớn đã rủ lòng nhơn đức mở đường cho tôi, tôi dám đâu giấu diếm việc mình để phụ lòng ngài và chuốc lấy tội vạ. Ngày trước chúa tàu Phan-long là Lý-khắc-lai đau bịnh óc ngặt lắm, đến ngày thứ ba va biết mình không qua khỏi được, bèn cầm lấy tay tôi mà trối rằng: Hỡi Đàm quân ơi! từ rày đôi ta không còn thấy nhau nữa! Tôi có một việc rất hệ trọng muốn đem phiền anh, xin anh đừng sai lời. Tôi gật đầu mà rằng: Xin ông chúa tàu cứ dạy đi, tôi sẽ vâng theo chẳng dám sai. Va bèn nói rằng: tôi có một phong thơ đây, sau khi tôi chết rồi nhờ anh đem cho người bên cù lao Ên-ba; người ấy nhận thơ rồi sẽ có thơ trả lời nhờ đem về trong nước Pháp, thì anh khá lãnh lấy mà chớ từ chối. Người ở Ên-ba đó tức là hoàng đế cũ Nã-phá-luân. Nay tôi trao cho anh một cái cà rá vàng làm tin cầm lấy mà xin vào yết kiến ngài thì thế nào ngài cũng tiếp. Việc nầy là việc của tôi, tôi làm chưa xong mà chết, anh biết tôi ân hận là dường nào; nếu anh không phụ lời tôi cũng được hả lòng nơi chín suối.
Phi xen vào mà hỏi rằng:
-- Thế rồi anh nói với va làm sao?
-- Bấy giờ tôi đối với một người hầu chết mà lại là bề trên mình thì còn từ chối thế nào được! Tôi tưởng chẳng những một mình tôi vui lòng nhận lời va mà thôi, dầu ai lâm cảnh tôi có lẽ cũng phải vui lòng như tôi vậy. Kịp khi tàu ghé Ên-ba tôi đem thơ và cà rá đến thì được gặp Nã-phá-luân. Nã hỏi tôi về tình hình Lý đau mà chết, thương tiếc một hồi rồi đưa ra một phong thơ trả lời khiến tôi đem về Ba-lê. Ngày hôm sau thì tôi đi liền.
Phi nói mộ cách ôn tồn mà rằng:
-- Tôi tin cho anh nói là thật và không giấu diếm gì cả. Song le, việc ấy là việc chẳng nên làm, có điều tại anh ăn chưa no lo chưa tới đó thôi. Dầu vậy, cái đó cũng tại Lý-khắc-lai báo hại anh chớ không phải tội anh tự làm vậy. Phong thơ trả lời ấy nếu chưa gởi đi thì anh lấy mà đưa đây cho tôi, rồi anh cứ việc đi về đi.
Đàm vừa nghe thì mừng quýnh mà rằng:
-- Thế thì tôi được thả rồi hẳn?
-- Phải, sau khi anh đưa cái phong thơ cho tôi rồi thì tôi tha anh.
Họ đã khuân rương hòm của tôi vào đó rồi, xin quan lớn lại đây mở ra mà coi.
Phi gật đầu rồi lại hỏi rằng:
-- Thơ của Nã-phá-luân đó gởi cho người nào ở Ba-lê?
-- Bẩm quan lớn, gởi cho Nô-đăng tức là Nô-nhĩ-đích, ở đường phố Khảo hoàng.
Phi-lập-phúc nghe quá sửng sốt lần lần tái cả mặt thụt lùi lại ngồi trên ghế dựa chặp lâu mới biểu đưa phong thơ ra xem, vừa nhìn phong thơ, vừa lặp đi lặp lại mà rằng: « Nô-đăng tức Nô-nhĩ-đích số nhà 13 đường phố Khảo-hoàng ở Ba-lê ». Một chặp lại lặp lại như vậy nữa. Đàm không hiểu bởi cớ gì hỏi rằng:
-- Vậy thì quan lớn có quen biết người ấy chăng?
-- Không không mà! Có đâu tôi là người trung nghĩa mà lại đi làm quen với đồ gian đảng ấy?
Phi-lập-phúc miệng nói lèm lẻm như vậy song thực ra thì tên Nô-nhĩ-đích tức là cha va. Đàm có biết cái chỗ hiểm ấy đâu, nghe nói thì dớn dác mà hỏi rằng:
-- Người đã là gian đảng sao?
Phi không trả lời câu ấy mà hỏi Đàm rằng:
-- Vậy thì thơ nầy đã có ai thấy chưa?
-- Bẩm không có ai thấy cả.
-- Cái nầy thật là lỗi của anh.
Phi-lập-phúc nói thế mặc dầu song bộ mặt sớn sác ké né ngồi không yên, những cái khí phách nghiêm trang hồi mới vào biến đi đâu mất cả. Kế lấy tay che mặt lại mồ hôi đổ ra như tắm nghĩ rằng may mà Đàm không biết Nô-nhĩ-đích tức là cha mình lại may mà quan chánh án hôm nay đi khỏi, bằng chẳng vậy thì mình còn ra gì nữa! Số là Phi làm chủ quận kiêm chức phó án, nhơn lúc chánh án đi vắng phát ra vụ nầy Phi đã bỏ bụng là một dịp tốt cho mình dâng công với nhà vua không ngờ cái người mà Nã-phá-luân đưa thơ đó lại là cha mình làm cho va khó nghĩ, chặp lâu va mới nghĩ ra một chước nói cùng Đàm rằng:
-- Tôi vốn định thả anh, ngặt vì quan chánh án đi khỏi chưa về, anh phải tạm trú lại đây chờ ngài về mới được.
Rồi lại nói tiếp rằng:
-- Người ta bắt tội anh được chỉ vì có phong thơ nầy mà thôi, bây giờ tôi làm phước đốt đi cho anh.
Phi vừa nói thế vừa cầm phong thơ bỏ vào lò lửa giây lát đã cháy ra tro. Đàm thấy vậy lấy làm cảm kích vô cùng. Phi lại căn dặn mà rằng:
-- Nay tôi bày cho anh nếu có ai hỏi có thơ trả lời hay không thì anh phải kiên một mực mà nói rằng không có; bằng chẳng vậy thì họa anh mà lây đến kẻ cứu anh là tôi đây nữa. Phong thơ nầy đưa ra là anh mà đốt đi là tôi, ngoài ra không còn có ai biết đến; anh phải cẩn thận chớ có dại làm thiệt mình mà hại đến ta!
Đàm giơ tay lên mà thề rằng mình sẽ giữ lời. Phi lại hỏi:
-- Ngoài phong thơ đó còn có vật gì nữa không?
Bẩm không có gì nữa.
Phi hỏi như vậy mấy lần, Đàm cũng thưa không, Phi bèn rung chuông kêu viên cảnh sát vào ghé tai nói gì đó, chỉ thấy viên ấy cứ vừa ngúc đầu xuống vừa dạ lia lịa. Rồi Phi kêu Đàm mà nói rằng:
-- Anh hãy đi với ông nầy.
Hai người bước ra, cửa vừa khép lại. Phi-lập-phúc ngồi phịch xuống ghế dựa, ra dáng bực mình than thở mà rằng: « Nguy cha chả là nguy! Cái nền phú quý của tôi thiếu chút nữa đã bị một phong thơ nầy mà đi đời nhà ma rồi! Cha ôi là cha! Làm sao mà cha cứ chơi cái kiểu đẩy người xuống hố như vậy? » Phi than thở một hồi lâu rồi mới ra về, bộ mặt buồn rượi.