Thầy trò trong khám/VII
Vua Lu-y 18 lên làm vua lại được một năm, sai quan thanh tra đến khám Khu-đô, xét lại tù phạm và hỏi xem ai có sự tật khổ gì không. ấy cũng là một điều nhân chánh mà vua mới thi hành.
Đàm-đức-tư đương ở trong khám hầm, lắng nghe lính tráng qua lại xôn xao, kẻ rửa người quét, như là sửa soạn chực có quan khách nào đến. Lại nghe họ thầm thì với nhau, hỏi ra thì biết rằng viên thanh tra hầu đến. Đàm bấy lâu chịu oan không biết kêu cùng ai được, gặp dịp nầy, va lại có hơi trông mong một chút, nên ngày đêm ngỏng cổ chờ tin.
Khỏi ít lâu, viên thanh tra ấy đến. Sau khi đến các khám tù khác mà hỏi từng người một rồi, thì nói với viên đề lao rằng:
-- Thế đã hết rồi hay chưa?
Viên đề lao thưa rằng:
-- Còn một tên tù điên, giam dưới khám hầm.
Quan thanh tra ngó bộ đã hơi mệt mỏi, song xây lại nói với viên đề lao rằng:
-- Phải đưa ta đến xem tên tù ấy luôn, hầu để rủ ơn huệ nhà vua và thông tình kẻ dưới, thì sự đi của ta đây mới là được việc.
Viên đề lao bảo hai tên lính đi trước giàn mặt, và nói cùng viên thanh tra rằng:
-- Xin ngài cẩn thận một chút vì thằng tù ở dưới khám hầm nó có chứng điên, khi nó thình lình đổ chứng ra, ngó dễ sợ lắm, đừng đi xộ vào, e nó làm bướng chăng.
-- Có người giàn mặt đàng trước rồi, ngại gì.
Viên thanh tra nói như vậy rồi cùng với đề lao đi xuống từ nấc thang, ở trong đó đã dơ lại tối, làm cho mắt mờ, mũi nghẹt, không thở được, viên thanh tra than rằng:
-- Có ai lại đem loài người mà đặt chốn nầy!
-- Bẩm ngài trong nầy có một tên tù nghịch đảng, trước kia có lịnh quan trên ở Ba-lê truyền sang, bảo phải giữ nó cho kỹ, nên cực chẳng đã mà phải giam nó vào đó.
-- Vậy thì trong đó chỉ có một mình tên ấy mà thôi sao?
-- Bẩm phải.
-- Cầm nó ở đây bao lâu rồi?
-- Bẩm hơn một năm.
-- Thế thì hồi nó mới tới đã phải nhốt vào đây sao?
-- Bẩm không, nó tới đây ít lâu rồi nó phát điên, toan giết lính canh, nên mới nhốt nó vào đó.
-- Ta có nên vào để hỏi nó có oan ức gì không?
-- Bẩm nó điên, không biết ai là ai cả, hỏi nó cũng vô ích.
-- Hãy hỏi thử, hoặc giả ta sẽ giải oan cho nó được, chưa biết chừng.
Coi mấy lời đó đủ biết viên thanh tra có lòng nhân ái là dường nào. Song viên đề lao lại thưa rằng:
-- Bẩm ngài có lòng trọng mạng người như vậy, tôi đâu chẳng thể theo ý ngài, duy còn có một khám nữa, cách đây chừng vài chục bước, đi qua thang khác thì đến đó được, là chỗ một lão sư kia ở. Lão là nguyên thủ lãnh một đảng kia ở nước Y-ta-ly, năm 1811 bị cầm tại đây, được hai năm thì lão phát điên. Một điều rất lạ, là trước kia thì lão hay khóc, mà bây giờ thì hay cười, trước kia thì ốm nhách, mà bây giờ thì mập đẫy. Lão làm nhiều trò dễ buồn cười lắm. Xin ngài trước đến thăm lão ấy rồi sẽ đến tên kia, thế nào?
Viên thanh tra nói:
-- Được, để rồi ta cũng đi thăm luôn. Đều là tù tội thì ta coi tên nào cũng như tên nào, song tiện đây thì ta thăm tên nầy trước.
Nói rồi biểu lính đi tới khám hầm Đàm-đức-tư ở. Vừa mở cửa ra, thấy Đàm-đức-tư nằm queo trong một xó, nghe tiếng người ta thì ngước đầu lên, mở mắt ra nhìn mặt không còn chút máu, ngó bộ tội nghiệp lắm. Đèn thắp lên, hai tên lính đứng hai bên, viên thanh tra bèn bước tới. Đàm biết người đó tức là quan thanh tra thì vừa khóc vừa tỏ nỗi oan khổ của mình. Quan chăm nghe và hỏi:
-- Mầy muốn gì?
-- Bẩm ngài, tôi chẳng biết tôi có tội gì mà giam hoài ở đây. Bằng không có tội thì tha đi, bằng có tội thì giết đi, sao lại trấn tôi vào chỗ lỡ sống lỡ chết nầy, làm cho tôi muốn chết không chết được, khổ quá!
Viên đề lao xen vào mà hỏi rằng:
-- Bữa này mày nói còn có lẽ, song hôm trước mầy toan giết lính canh là ý làm sao?
-- Không, tôi có toan giết đâu. Tôi bị giam lâu thì bực tức quá mà làm như vậy đó thôi.
Viên thanh tra hỏi rằng:
-- Mầy nói bị giam lâu, thế là mấy năm nay rồi.
-- Bẩm, khi tôi đến nhằm ngày hai mươi mốt tháng hai năm 1815, lúc hai giờ rưỡi chiều.
-- Bữa nay là ngày 30 tháng sáu năm 1816, vậy thì mầy ở đây mới có 17 tháng.
-- Trời ôi! mới có 17 tháng ư, sao mà ít dữ vậy?
Viên đề lao cười mà nói với va rằng:
-- Mầy ở trong ngục, còn biết chi là ngày tháng nữa? 17 tháng hay là 17 năm, đều là cái số mà mầy không thể nào biết được.
Đàm nghe vậy thì càng ra dáng ủ dột mà nói cùng viên thanh tra rằng:
-- Nay may mà quan lớn đến đây, ngài lại sẵn lòng thương xót, vậy dám xin ngài cho tôi biết tôi bị tội vì cớ gì. Vì giam lâu mà không biết mình có tội chi, thì cái khó chịu ấy nó lại càng gấp mấy sự giam lâu nữa, có lẽ chết cũng không nhắm mắt được!
Viên thanh tra nói:
-- Ta thấy bộ mầy và nghe mầy nói thì thương hại lắm.
Rồi quay lại nói với đề lao rằng:
-- Hãy đem bổn án cho ta xem, để ta sẽ biết nó có tội gì.
Viên đề lao dạ. Quan lại hỏi Đàm:
-- Chớ hồi đó ai bắt mầy?
-- Bẩm, ông Phi-lập-phúc.
-- Ông Phi-lập-phúc có thù oán gì với mầy không?
-- Bẩm không, ông ta chẳng những không oán với tôi mà còn là ân nhân của tôi.
-- Ông Phi-lập-phúc đã bỏ Mạc-xây mà đến ở Tu-lông rồi.
Đàm nghe quan nói như vậy thì riêng nghĩ rằng mình sở dĩ bị giam lâu ở đây hoặc giả vì cớ ấy. Vừa khi đó viên đề lao bước tới thưa cùng viên thanh tra rằng:
-- Ngài muốn xem bổn án ngay bây giờ hay là đợi rồi việc sẽ xem?
-- Thôi để rồi việc cũng được.
Quan nói dứt lời ấy thì xây nói cũng Đàm rằng:
-- Thôi mầy hãy nhịn nhục ở đây, ta sẽ vì mầy mà xem lại bổn án coi thử mầy bị tù vì tội gì.
Đàm-đức-tư cúi sát đất khóc và cảm ơn. Ai nấy đi ra, đóng cửa lại. Bấy lâu Đàm đã tuyệt vọng rồi, bây giờ lại có hy vọng chút đỉnh thì cũng gọi là đỡ buồn được một ít. Song, nghĩ như Phi-lập-phúc là người thế nào, khi không hãm hại va, làm cho cha con, vợ chồng xa nhau, bị tù bị tội, oan khổ đến như dường ấy, mà va trở lại kêu bằng ân nhân! ân nhân và cảm ơn khôn xiết! Ôi thế mới biết Phi là con người nham hiểm, dễ sợ mà cũng dễ thương thật.
Bấy giờ viên thanh tra mới qua bên khám hầm lão sư ở. Dọc đường, hỏi viên đề lao rằng:
-- Lão sư ấy điên cách làm sao?
-- Buồn cười lắm, nó khoe mình giàu, của tiền mấy đời cũng không hết. Năm đầu nó mới đến, nó nói muốn lót tôi một trăm vạn phật-lăng để cho nó trốn. Năm sau tăng lên hai trăm vạn. Năm thứ ba tăng lên ba trăm vạn. Đến năm nay ở đây 5 năm rồi. Bây giờ ngài vào chắc lão sẽ nói với ngài năm trăm vạn cho mà coi.
-- Lạ è! Lão sư ấy tên gì?
-- Bẩm, tên là Phan-lan.
Đến nơi, thấy trên cửa đề "số 27". Mở cửa vào thấy lão sư đương ngồi chính giữa phòng, bốn phía đầy những bụi đất, là đồ lão quào trên vách rớt xuống. Lão mặc áo rách tả tơi, không che kín thân, đương vẽ một cái vòng tròn trên đất như cách làm toán. Mắt lão chăm chăm ngó cái vòng đó không nháy, và tai cũng không nghe. Thấy có đèn sáng, lão mới đủng đỉnh ngước đầu lên, nhìn xem người ta đông đảo thì ra ý bợ ngợ, vội vàng lấy cái mền rách quấn mình lại, nằm xuống thim thíp. Viên thanh tra bước tới hỏi rằng:
-- Mầy có xin gì không?
Lão sư Phan-lan đáp rằng:
-- Không, tôi chẳng xin gì.
-- Hoặc giả mầy không biết ta là ai chăng. Ta vâng mạng nhà vua đến đây xét tù và hỏi xem có ai xin xỏ điều gì.
-- Vậy thì bẩm ngài lão sư Phan-lan là tôi đây! Tôi sanh tại thành Rô-ma, làm thơ ký cho ông sư cả Tư-ba-đạt đã 12 năm, đến năm 1811 thì tôi thình lình bị tù mà chẳng biết mình có tội gì. Từ đó nhẫn nay tôi vẫn có ý kêu nài cùng hai chánh phủ Y-ta-ly và Pháp-lan-tây để trả tự do lại cho tôi mà thôi.
-- Không, câu mầy đáp đó không ăn với câu ta hỏi. ý ta chỉ muốn hỏi mầy ở đây có điều gì khó chịu không.
-- Tôi không có gì khó chịu cả. Cơm tù hẩm hút tôi cũng ăn được, khám hầm tối tăm dơ dáy tôi ngủ cũng được; duy có một điều tôi muốn thưa với ngài là trong tay tôi có năm trăm vạn phật-lăng mà không biết dùng làm chi, tôi chỉ muốn đem dâng chánh phủ, là tôi thỏa lòng.
Viên thanh tra cười mà nói rằng:
-- Nhà nước há muốn lấy của mầy làm chi? Hãy giữ lấy đợi khi nào mầy ra tù mà xài.
Sư Phan-lan lại gần, cầm lấy tay viên thanh tra mà nói một cách thật thà rằng:
-- Bẩm ngài, chẳng may mà tôi bị giam rục ở đây suốt đời, hoặc là tôi chết mòn ở đây, thì cái của tôi đó thành ra vô dụng đi mất, chi bằng hiến cho nhà nước dùng còn có ích hơn. Huống chi ngoài năm trăm vạn tôi định dâng cho chánh phủ đó, tôi lại còn có vô số nữa, giá tôi được ra tù mà xài cả đời tôi cũng không hết.
Viên thanh tra xây lại nói với các người kia rằng:
-- May mà ta biết trước là lão điên, chớ không thì đã nghe lão mà tin phăm phắp rồi.
Sư Phan-lan nghe vậy thì cãi lại mà rằng:
-- Tôi không điên đâu. Món tiền tôi nói đó quả có thật, xin các người đi với tôi đến chỗ đó mà lấy, nếu tôi nói dối, thì lại đem tôi về giam ở đây, có hại gì.
Viên đề lao cười mà hỏi rằng:
-- Vậy thì món của kia ấy mầy giấu ở đâu?
-- Chỉ cách đây ba trăm dặm mà thôi.
-- Gớm thật, dẫu mầy đi khỏi đây ba trăm dặm dễ mầy có kiếm phương "dĩ đào vi cút" đó chi!
Viên đề lao nói thế rồi viên thanh tra cũng nổi nóng lên mà quở lão sư rằng:
-- Mầy nói mầy không điên, làm sao câu mầy trả lời chẳng hề ăn nhập gì với câu ta hỏi cả?
Sư Phan-lan cũng nổi giận hằm hằm mà nói rằng:
-- Ủa hay! Chớ còn ông, làm sao những câu tôi nói ông cũng chẳng hề trả lời? Ông không muốn lấy của ấy thì thôi, tôi cũng đành bỏ đi. Còn ông không thả tôi ra thì trời cũng chẳng cầm tôi ở đây mãi đâu!
Sư nói câu ấy rồi, thì tung cái mền rách ra, ngồi tréo mảy chỗ cũ mà làm toán như lúc nãy. Viên thanh tra và các người kia cũng lui ra.
Quan trở về xét lại bổn án của Đàm-đức-tư thì thấy trong ấy có lời phê rằng: "Đàm-đức-tư là một tay lườm[1] trong Nã đảng, cái mưu Nã-phá-luân ở Ên-ba mà lẻn về thành được, là nhờ sức nó, nên phải đề phòng nó thật nghiêm nhặt chớ nới ra một chút nào." Mà coi kỹ lời văn của câu phê đó thì khác hẳn với lời văn của cả bổn án, chừng như là khi giải Đàm ra Khu-đô rồi mới viết thêm vào. Viên thanh tra thấy vậy biết rằng mình không có thể nhúc nhích chút nào trong vụ ấy được thì cứ để im vậy.
Sau khi Đàm gặp được viên thanh tra tấc lòng lại còn có hy vọng mảy may dường như đèn hầu tắt mà lại đỏ, tro hầu tàn mà lại hực. Bấy giờ va mới biết ngày biết tháng, chứ không như trước kia cứ ù lì tịt mít. Va bèn lấy ngón tay thấm nước miếng nhồi với bụi đất mà viết vào trên vách rằng: "ngày 30 tháng 7 năm 1816", rồi đó cứ mỗi ngày mỗi ghi thêm. Hồi đầu va những tưởng tượng trong ngoài tuần lễ, mình sẽ được tha, không ngờ dấu ghi trên vách đã bộn bề mà bặt không tin tức gì cả. Mãi đến vài ba tháng mà cũng cứ hết ngày ấy đến ngày khác, một ngày là bặt đi một ngày, thành ra lại tuyệt vọng, trở ngờ rằng sự gặp viên thanh tra đó là sự gặp trong chiêm bao, chứ không phải thật. Vừa một năm, viên đề lao ấy đổi đi, viên khác đến, lấy cớ rằng phòng giam sắp lớp nhau, tù phạm đông, không nhớ hết tên họ được, thì ghi bằng số liệu để cho dễ nhớ. Bấy giờ số hiệu Đàm là 34. Từ đó người ta chỉ gọi tên tù số 34 mà thôi, không ai nói đến ba chữ Đàm-đức-tư nữa.
Chú thích
- ▲ Theo ngữ cảnh mà đoán thì "lườm" có ý nói "quan trọng" hoặc "nguy hiểm"; tuy nhiên H.T. Paulus Của hoặc Từ điển phương ngữ Nam Bộ lại chỉ ghi nhận "lườm" như một trợ từ, đứng sau tính từ để chỉ mức độ, ví dụ vàng lườm là rất vàng, đỏ lườm là rất đỏ; các chỉ dẫn này rõ ràng không phù hợp với nghĩa của từ "lườm" ở đây