Bước tới nội dung

Thầy trò trong khám/XVI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Cái kế hoạch của Lam-cư-an định mở chợ tạm tại cù lao Cơ-lê-mân đã xong đâu vào đấy rồi, làm cho Đàm vui mừng hớn hở xiết bao.

Vì nếu vô cớ mà đến đó, thì làm sao cho khỏi người ta nghi ngờ; nay thình lình lại gặp đặng dịp may, hoặc bởi chưng lòng trời dong ruổi! Trong đêm ấy, Đàm ngủ lại trong tàu, tấc lòng hồi hộp, hết nghĩ thế nọ, lại nghĩ bề kia, nằm không an giấc. Hễ nhắm mắt lại thì thấy ông Tư-ba-đạt dắt mình đến mà chỉ chỗ hầm vàng. Nghĩ mà nực cười thay! Chẳng biết vì cớ gì, cũng chẳng rõ mình có lòng chi mà trong chiêm bao cứ đeo đẳng mãi!

Ngày hôm sau, chiều cả, Đàm nói cùng đồng bạn rằng:

-- Thôi, hôm nay, các anh cứ ngủ, để mình tôi coi lái cho.

Đến đó, Lam-cư-an thức giấc dậy, thấy tàu đi rất mau gấp ngày thường; kịp năm giờ sáng thì đã đến cù lao Cơ-lê-mân rồi.

Bấy giờ mặt trời mới mọc, ánh sáng chói lói, Đàm đứng trên lầu tàu trông hòn cù lao Cơ-lê-mân tỏ một. Ngắm nghía hồi lâu, nghĩ đến lời dặn của sư Phan-lan chưa chắc có thiệt cùng chăng, và của kín của Tư-ba-đạt chẳng biết là có còn hay mất. Mà phỏng sử của ấy có còn chăng nữa, thì làm thế nào mà dò thăm ra được? Dò thăm ra được chăng nữa thì làm thế nào mà lấy vào tay? Lại nghĩ đến bỗng trong một ngày một bữa mà phát tài to, có nhiều tiền làm gì chả được, khi bấy giờ ân trả ân, oán trả oán, thật là thỏa chí bình sanh! Nghĩ tới nghĩ lui, phập phồng tấc dạ, khiến cho người nửa tin nửa ngờ, vừa mừng vừa ngại.

Lúc 10 giờ đêm hôm ấy, Lam-cư-an dẫn chúng lên hòn cù lao. Chốn nầy vẫn là nơi bọn ấy đi lại thường thường để làm chỗ buôn chùng bán lén. Song Đàm thì mới đến đây là lần thứ nhứt. Lam-cư-an khiến người bắn vài phát súng làm hiệu. Thôi thì ghe thuyền ở đâu không biết chạy đến thiệt đông; cất hàng hóa vừa rồi, lại tan đi mất cả.

Sáng ngày mai, Đàm vác súng, mang đạn theo, giả đò đi bắn heo rừng. Số là va muốn trớ[1] bọn họ mà đi một mình, để tiện bề tìm đường kiếm lối. Song có một người thủy thủ tên là Can-kha cố xin cùng đi với Đàm. Đàm tính từ chối không cho, song lại sợ nhơn đó mà sanh nghi, cực chẳng đã phải cho y đi với.

Đi chưa xa mấy, nhác thấy một con heo rừng nhỏ đương nhảy nhót trong bụi cây, Đàm bắn cho một phát chết tươi. Va bèn sai Can-kha đem con heo rừng về dưới tàu nấu dọn cho cả bọn ăn uống rượu.

Can-kha đi rồi, Đàm cứ việc lần tới. Nhưng chốc chốc lại quay đầu ngó xuống dưới tàu. Giữa đường, thấy một hòn đá khá cao, Đàm bèn leo lên trên mà trông xuống. Thấy họ đương quay thịt heo và tranh nhau mà ăn uống, có vẻ vui mừng khác thường, thì va cứ đi tới luôn. Vừa đi vừa ngó quanh ngó quất, dầu một con khe nhỏ, một hòn đá tầm thường, va cũng giắt mắt vào và để ý đến.

Trong khi Đàm đi đó, hoặc cúi đầu mà lần xuống, hoặc ngửa mặt mà leo lên, lại nhờ những hòn đá che bớt đi, làm cho hình người khi bày khi khuất, cho nên họ ở dưới tàu trông lên, không biết va đi hướng nào cả. Đàm lần dò tìm kiếm hồi lâu mà chưa được chi hết. Trong cơn bứt rứt, bỗng nghe có tiếng đồng bạn kêu mình, thì ra dưới tàu họ quay thịt heo đã xong, kêu Đàm về đặng cùng nhau đánh chén. Đàm trèo lên hòn đá cao, gật đầu mà đáp lại. Thình lình có con dê núi chạy ngang qua, Đàm ra sức đuổi theo tính bắn. Va nhảy vọt trên đá, qua lại như trên đất bằng; còn dưới kia, chúng ngó trực chỉ lên và kêu la om sòm, tiếng reo cười dường sấm dậy. Không ngờ Đàm sẩy chơn một cái, rớt xuống dưới tảng đá lớn. Ai nấy chạy tới, thấy va đã ngất người đi, máu me lênh láng, vì từ trên chỗ cao hơn mười thước mà rơi xuống.

Mấy người kia đem thuốc đổ cho Đàm, thì va lần lần mở mắt ra được. Theo lời va nói, trong tay chơn có bị thương nặng, và đầu óc choáng váng lắm. Họ muốn cõng Đàm về dưới tàu, song va không chịu, nói rằng: bị thương nặng quá, nằm đâu nằm đó cho yên, không nên day động, sợ máu ra nữa không cầm được mà khốn. Va lại giục họ biểu cứ đi về ăn thịt heo rừng đi, còn mình ở đây nghỉ ngơi giây lát, đợi hơi bớt, sẽ trở về cùng chúng bạn. Mấy người kia không thể nào được, phải đành để va ở lại, và kéo nhau đi.

Cách một tiếng đồng hồ, họ lại đến thăm, thấy Đàm đã đi nhúc nhắc được vài bước, dựa mình bên hòn đá; song chỗ bị thương chẳng những không giảm mà lại đau thêm. Bấy giờ Lam-cư-an cũng đến đó. Lam cố bảo Đàm phải để cho họ dìu xuống tàu, vì ngày mai tàu nhổ neo chạy sớm. Đàm ráng sức nhắc đi nhắc lại, nhưng đi một bước thì đau thêm một hồi, mặt mày nhăn nhó và bợt trắng.

Va bèn nói với họ rằng:

-- Tôi đau quá, không đi được, thà chết quách ở đây. Các ông nếu có lòng thương tôi, xin để một ít đồ ăn lại cho tôi đỡ đói; và cũng cho tôi mượn một khẩu súng để hộ thân, một cái rựa và một cái cuốc để cắt tranh cùng đào đất cất tạm cái chòi che mưa gió; nếu vậy thì tôi đội ơn các ông nhiều lắm.

Lam-cư-an nghe thấy thế, vội vàng nói rằng:

-- Chúng tôi đi chuyến nầy, hơn tuần lễ mới trở lại, anh ở đây há chẳng nguy lắm sao?

Đàm trả lởi rằng:

-- Dầu thế nào nữa, biết làm sao được giờ, vì tôi đau quá đi không đặng.

Can-kha nói:

-- Thôi, các ông đi đi, còn để tôi ở lại với anh va.

Đàm nói với Can-kha rằng:

-- Lẽ nào vì cớ tôi đau mà cầm anh ở lại chốn nầy, biểu tôi thế nào mà yên tâm được?

Can-kha cũng cứ nói hoài; song Đàm nhứt vị không nghe. Họ bèn để lại một ít đồ ăn cho va, cho mượn súng, đạn, cuốc, và rựa rồi cùng nhau từ biệt.

   




Chú thích

  1. Trớ: tránh (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)