Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ nhất/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

PHẦN THỨ NHẤT


Thế-lực các chú trong Nam-kỳ.

I

Người Tầu sang Nam-kỳ từ bao giờ? — Quốc-triều ta ngày trước chiêu tập dân Tầu và xử trí họ khôn khéo là thế nào? Người Minh-hương.

Người Tầu có thế-lực to lớn vững bền ở xứ Nam-kỳ ta như ngày nay, vốn không phải họ gây dựng trong vòng mấy chục năm nay mà được, thực có công-phu tích-lũy đã từ hai ba thế kỷ nay rồi.

Nước ta, từ khi có lịch-sử là giao-thiệp ngay với người Tầu, vậy sự giao-thiệp ấy, từ đời cận-cổ giở lên thế nào ta không cần xét đến, vì không quan-hệ gì đến cái đầu bài cuốn sách này cho lắm, ta chỉ nói chắc rằng: người Tầu bắt đầu sang Nam-kỳ, là vào khoảng cuối thế-kỷ thứ 17 mà thôi.

Chắc thế, năm 1680, vào giữa đời vua Hy-Tôn nhà Lê, và chúa Hiền nhà Nguyễn, nhà Minh bên Tầu bị Mãn-Thanh cướp ngôi, có một bọn quan Minh, là bọn Dương-Ngạn-Địch 楊 彥 迪 năm người, không chịu thần-phục nhà Thanh, mới đem đồ đảng 7,000 người và 50 chiếc thuyền, sang tình-nguyện làm dân Annam. Chúa Hiền nhân muốn khai-khẩn đất Chân-Lạp (tức là Nam-kỳ ngày nay, bấy giờ còn là đất nước Chân-Lạp), bèn cho họ vào ở đất Đông-Phố (tức Gia-Định bây giờ). Bọn Dương-Ngạn-Địch mới chia nhau ra ở tản tác hai tỉnh Biên-Hòa và Mỹ-tho, khẩn điền lập ấp, cày cấy làm ăn, ấy người Tầu di cư sang Nam-kỳ, chuyến ấy là chuyến đầu tiên vậy.

Về sau đến năm 1715, (vào đời vua Dụ-Tôn nhà Lê và chúa Nguyễn-Phúc-Chu) có một người khách Quảng-Đông, tên là Mạc-Cửu 鄚 玖 sang chiếm đất Hà-Tiên của nước Cao-Miên, rồi chiêu-mộ những lưu dân mở mang cày cấy, và đem đất ấy xin thần-phục chúa Nguyễn, chúa phong cho làm chức tổng-binh, giữ đất Hà-Tiên. Sau Mạc-Cửu chết, con là Mạc-Thiên-Tứ (鄚 天 賜) lại được chúa Nguyễn cho tập phong để trấn đất Hà-Tiên. Mạc-Thiên-Tứ xây thành, đắp lũy, mở chợ, làm đường, và rước thày sang dạy nho học cho đất Hà-Tiên. Trong lúc ấy, chúa Nguyễn ta xâm-lược nước Chân-Lạp, tức là khai-thác xứ Nam-kỳ, thì Mạc-Thiên-Tứ giúp đỡ có nhiều công-lao to lắm.

Những lúc ấy, người Tầu sang tụ-tập làm ăn đã đông đúc lắm rồi, song họ được quyền tự-do hành-động, chưa phải thuộc dưới quyền cai-trị nào, vả chăng giữa hồi đó nước ta, một là đang cần người khai-khẩn Chân-Lạp, hai là trong nước đang lắm việc, nên chúa Nguyễn ta cũng chưa lưu-tâm đến sự cai-trị họ được. Mãi sau khi đức Gia-Long đại-định toàn-quốc rồi, sửa sang lại nền chính-trị, mới định hẳn ra thể-lệ cai-trị người Tầu sang kiều-ngụ đất ta. Thể-lệ ấy khéo lắm, nên truyền mãi về các đời vua sau, và ngay đến người Pháp sang bảo hộ bây giờ, mấy điều đại-cương trong thể-lệ ấy vẫn giữ mà không bỏ.

Đại-khái thể-lệ ấy ngày xưa của ta như sau này:

Dân Tầu sang làm ăn bên ta, chẳng có để ở dưới một cái chế-độ nào riêng, là hễ đến đất nước Annam, thì phải theo phong-tục tuân luật pháp của Annam, chớ không nói lôi thôi đến chuyện quốc-tế công-pháp (國 際 公 法 Droit international) gì cả. Quyền lợi cùng được hưởng như người mình, hễ có tội thì cũng các quan mình xử. Nhưng Triều-đình ta nghĩ rằng: nếu đối với người Tầu, mà nhất thiết bắt họ phải đồng hóa với dân mình cả, thì không phải là cách chiêu-phủ người ngoài, nên chi niên-hiệu Gia-Long thứ ba, (năm 1814) có Chỉ-dụ cho dân Hoa-kiều 華 僑, là người Tầu sang ở kiều-ngụ bên ta) được kết-hợp với (nhau từng đoàn-thể, gọi là «bang» (帮 congrégation). Cứ mỗi bọn người nói chung một thứ tiếng với nhau (vì người Tầu mỗi tỉnh nói một thứ tiếng) thì lập thành một bang, như người Quảng Đông thì lập bang Quảng-Đông, Phúc-kiến thì bang Phúc-kiến v.. v...

Năm Minh-mệnh thứ hai (1824), thì định mỗi bang bầu một người lên thay mặt, gọi là «bang trưởng » (帮 長, chef de Congrégation), do những tay buôn bán giầu có ra làm, và phải có quan ta ưng-chuẩn cho mới được.

Bang-trưởng tức là người đứng liên lạc người trong bang và các quan ta, công-việc cũng y như viên lý-trưởng mình, nghĩa là có quyền thu thuế để nộp quan và xử đoán những việc lặt vặt xẩy ra trong bọn họ với nhau.

Thuế thì cứ mỗi năm đến tháng mười thu, chia làm ba hạng

1° Người ngoài 60 tuổi thì được miễn thuế;

2° Những người chưa đến 60 tuổi, làm ăn khá, có thể đóng thuế được, thì để vào hạng « hữu vật-lực » (有 物 力).

3° Những người chưa có địa-vị gì chắc chắn, thì chỉ phải nộp có một nửa thuế, gọi là hạng « vô vật-lực » (無 物 力).

Những người Tầu sang ở nước ta chưa được ba năm, thì đều để vào hạng « vô vật-lực » này, ấy là một cái chính-sách hay của vua ta, để chiêu mộ người Tầu sang khai-khẩn, vì bấy giờ ta còn cần nhiều nhân-công lắm.

Theo lệ định năm Gia-Long thứ 13 (năm 1814) thì bổ thuế mỗi người Hoa-kiều phải đóng 2 cây vải hay là sắt, đánh giá 60 quan tiền, nhưng năm Minh-Mệnh thứ hai, đổi lại, bắt hạng « hữu vật-lực » đóng mỗi năm 2 nén bạc, hạng « vô vật-lực » một nén.

Hễ người Tầu phạm tội, thì cũng bị xử theo luật như người mình. Niên-hiệu Tự-Đức thứ 13 (năm 1838) đã định ra luật riêng để xử người khách. Tội nặng nhất thì bắt đi sung quân hay là đi đày. Mỗi lần bị tội đã mãn rồi, thì bị thích chữ vào mặt mà đuổi về Tầu. Nếu người nào phải đuổi rồi, mà lại lần sang nữa, quan bắt được thì lại phải đi sung quân hay là đi đày trọn đời. Những người nào phạm tội trộm cắp, giết người, bán thuốc phiện hay là phạm các tội ác khác, mà tỏ ý mình ăn năn thật, thì chỉ phải tội đi « thú » (戍, quân lính có tội, phải đem đi đến những chỗ rừng rậm đất hoang, để mở mang ra, thì gọi là đi thú), đến đấy được cấp cho đất khai-khẩn mà làm ăn, không thì bắt nhập tịch Minh-hương, giao cho người làng quản-thúc.

Thế nào gọi là Minh-hương?

Số là người Tầu sang làm ăn bên nước ta, không mấy người đem vợ theo, sang bên này mới lấy vợ Annam là thường. Triều-đình ta muốn lợi-dụng cái tình-thế ấy, để cho tăng dân-số nước mình lên, bèn định lệ rằng: hễ người nào do bố khách mẹ An-nam đẻ ra, thì tức là dân Annam, bắt tụ họp thành ra làng riêng gọi là « Minh-hương » (明 鄉), nghĩa hễ làng của người nhà Minh, Bất cứ dân lai khách ở chỗ nào, cũng có thể lập thành làng Minh-hương được cả, hễ ở đâu thì lập thành làng ở đó.

Năm Minh-Mệnh thứ 10 (năm 1829) định lệ rằng: người Tầu. nào sang làm ăn bên nước Nam được phép lấy đàn bà Annam, nhưng nếu đem vợ Annam về Tầu thì phải xử tội rất nặng, đem con lai về cũng vậy, và cạo đầu cho con mà để bím thì cũng phải tội, nghĩa là Triều-đình buộc ngặt rằng: người Tầu lấy vợ Annam đẻ con, con ấy tức là dân Annam, để lợi sự đông dân lên cho nước vậy. Đã là người Minh-hương, thì nhất thiết phải theo lễ-nghĩa, y-phục, luật-pháp và đóng thuế má, cũng là được thi cử làm quan, y như người Annam cả.

Xét lại, cái chính-sách của Triều-đình ta ngày xưa đối với dân Hoa-Kiều như thế, thật là chính-sách hay lắm: một là không cho họ theo chế-độ nào riêng, thì quyền cai-trị hoàn-toàn ở mình; hai là đặt ra bang, thì dễ phần kiểm-đốc; ba là đặt ra Minh-hương, thì lợi cho dân-số của mình; cái chính-sách ấy vì hay như thế, nên người Pháp sang bảo hộ ta, vẫn noi theo đại-cương ấy để đối với Hoa-kiều, tuy có thay đổi ít nhiều, là bởi tùy thời bắt buộc, như là đánh thuế đinh người Tầu rõ nặng, và buộc người Tầu đi tỉnh nọ sang tỉnh kia, phải có thông-hành hộ-chiếu v.. v... thì sự ấy cũng thường, không cần nói đến, vì cuốn sách này không có ý biên chép những luật-lệ của Nhà-nước đối với dân Hoa-kiều, mà chỉ có ý phô-trương cái thế-lực Hoa-kiều ngày nay ở Nam-kỳ to lớn thế nào, là để tìm cách để-kháng mà thôi.

Đoạn này mà nói đến những thể-lệ của Quốc-triều ta định ra để cai-trị dân Hoa-kiều, là cốt chứng tỏ rằng: nước ta ngày trước tuy ngoại-giao có kém hèn, nhưng đến phương-pháp nội-trị, thì cũng đã là khôn khéo và chu-đáo lắm vậy.