Thề non nước (tập truyện ngắn)/Thề non nước/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

II Náo-nhiệt.

Vân-Anh từ sau lúc khách đi, cũng mừng rằng được món tiền ba chục bạc ấy mà đi chuộc lấy áo về, lại trang-điểm chỗ ăn-ngồi cho hơi lịch-sự; tuy vậy mà trong lòng thực sinh ra có nhiều mối cảm một là tiếc rằng không mấy khi được gặp có người khách như thế, mà bèo hợp mây tan, không ra làm sao; hai là tủi rằng tự mình đã đem thân vào trong áng yên-hoa, thời thế nào cũng là người trong áng yên-hoa, cho nên người ta coi mình, dù hoặc có ai thương tiếc chăng, nhưng khinh rẻ thời vẫn là lòng chung của thiên-hạ; ba là buồn rằng tự mình nghèo túng quá, mất hết cả những cái phong-nhã, khiến cho người ta dẫu có lòng tốt với mình mà cũng đến phải chán; bốn là ngợ rằng lúc người khách cáo-biệt, bảo có một hai câu chuyện muốn nói chuyện mà còn để đến khi khác thời không hiểu là làm sao. Ruột tầm đòi đoạn vò tơ, hết ngày sang đêm mà ai vẫn ai, nghề vẫn nghề, đàn vẫn đàn, phách vẫn phách.

Một đêm. Vân-Anh đi hát ở nhà khách, hát một bài rằng:

Người đời thử ngẫm mà hay,
Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê.
Còn ai, ai tỉnh hay mê?
Những ai thiên-cổ đi về những đâu?

Đời đáng chán? hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh, riêng hỏi bạn tri âm.
Giá khuynh-thành nhất tiếu thiên kim
Mắt xanh, trắng, đổi nhầm bao khách tục.

江 河 日 下 人 皆 濁
天 地 鑪 中 孰 有 情
Giang hà nhật hạ nhân giai chọc,
Thiên địa lô trung thục hữu tình.

Đón đưa ai gió lá chim cành?
Ấy nhân-thế phù-sinh là thế thế.
Khách phù-thế chửa rứt câu phù-thế.
Người phong-lưu càng đượm vẻ phong-lưu.
Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu,
Chuyện kim cổ một vài câu phải trái.
Châu Nam-hải, thuyền chìm sông Thúy-ái,
Sóng Tiền-đường, cỏ ái bến Ô-giang
Ngẫm nghìn xưa, ai tài-hoa, ai tiết-liệt, ai đài-trang.
Cùng một giấc mơ-màng trong vũ-trụ.
Đời đáng chán, biết thôi là đủ.
Sự chán-đời xin nhủ lại tri-âm.
Nên chăng? nghĩ lại kẻo nhầm.

Hát xong, quan-viên bảo đọc lại một lượt nghe. Vân-Anh lại đọc lại. Trong quan viên có một ông lấy bút giấy, chép ra, rồi nói rằng:

— Sao bài này lại làm ra nhời của hai người?

— Bài này chính là hai người làm.

— Ai với ai làm mà chị biết?

— Em không biết rõ là ai với ai. Chỉ biết rằng là của một người khách chơi với một người cô-đầu.

— Tại làm sao mà chị biết rằng như thế?

— Nguyên cứ người chép bài này có nói chuyện cho em nghe rằng: có một người khách đến chơi nhà cô đầu, cùng với người cô-đầu cùng làm ra bài này. Từ đầu cho đến câu « Ấy nhân-thế phù sinh là thế thế » là của người khách làm; từ câu « châu Nam hải... » cho đến câu kết thời là của người cô đầu làm; bốn câu giữa, từ chữ khách phù-thế » cho đến chữ « câu phải trái » thời là hai người cùng thêm vào sau.

— Bài này, chị đã biết như thế thời có biết nghĩa làm sao hay không?

— Em cũng biết được gọi là thôi.

— Thử nói đi xem nào.

— Bốn câu mưỡn chỉ là nói đời người vơ-vẩn không ra làm sao. Một đoạn trên của người khách thời là bảo cho người cô-đầu biết rằng: đời là đáng chán, đời người cô-đầu càng đáng chán. Một đoạn dưới của người cô-đầu thời là giả nhời cho người khách nghe rằng: đời đáng chán, chẳng những gì đời người cô-đầu, dẫu những người thế kia thế khác xưa kia, mà thân đời nghĩ cũng là đáng chán cả. Đời đáng chán, chỉ nên biết như thế thôi là phải; còn nên chán hay không thời chưa chắc. Bốn câu giữa thời chỉ là nhời chép, để tiếp đoạn trên xuống đoạn dưới đấy thôi.

Trong quan-viên có một ông cụ đương nằm tiêm thuốc, đặt rọc tẩu, ngồi dậy nói rằng: — Chị này thông lắm! tất là người có học. Thế chị có biết những điển-tích trong hai câu này không? (trỏ vào câu (châu Nam-hải).

— Con cũng có được nghe người ta nói Châu Nam-hải là sự-tích Mỵ-Châu, Mỵ-Châu bị chém chết ở bờ bể Nam, tương-truyền rằng những con trai ở đấy ăn cái máu Mỵ-Châu mà thành ra có ngọc. Thuyền chìm sông Thúy-ái là sự-tích bà Phan-thị-Thuấn. Chồng bà ấy chết trận ở bến Thúy-ái, rồi bà ấy ngồi thuyền sai bơi ra giữa giòng sông chỗ ấy, tự dìm thuyền xuống để chết theo chồng. Ấy là một câu trên, hai điển lấy về sử Tàu: Sóng Tiền-đường là sự-tích Tây-Thi...

— Tiền-đường thời là tích Thúy-Kiều, sao lại là Tây-Thi?

— Tây-Thi cũng bị chết ở sông Tiền-đường. Đây lấy về sự-tích Tây-Thi mới phải; chớ lấy về tích Thúy-Kiều thời lại mất nghĩa của đoạn này.

— Tây-Thi đến sau theo Phạm-Lãi đi chơi năm hồ, điển-tích phân minh, cho nên ở chuyện Hoa-Tiên cũng có câu « Buồm mây khói tỏa năm hồ », là nói về Tây-Thi. Sao lại là chết ở sông Tiền-đường được?

Một ông quan-viên nữa lại nói rằng: —

Phải. Con bé nó nói láo! Nhớ độ đã lâu, tôi có xem hát tuồng ở trên Hanoi, hát vở tuồng Tây-Thi, cũng đến cảnh Phạm-Lãi đưa Tây-Thi đi chơi năm hồ là hết.

Vân: — Tây-Thi theo Phạm-Lãi đi chơi năm hồ, tự cổ vẫn truyền như thế, nhưng thực thời không phải. Cứ em nghe người ta nói, ở một quyển sách gì có nói rằng: Lúc quân Việt đã đánh được Ngô, Câu-Tiễn cùng Phạm-Lãi sai bỏ Tây-Thi vào một cái túi, quăng xuống một khúc sông Tiền-đường để tế giải oan cho cái trung-hồn Ngũ-tử-Tư. Vì rằng trước kia Ngũ-tử-Tư bởi Tây-Thi mà bị bỏ vào túi da ném xuống khúc sông ấy. Còn như đi chơi năm hồ là chỉ có một mình Phạm-Lãi. Sau các văn-nhân thường thích những câu chuyện phong-vân, cho nên đều nhận là Phạm-Lãi đem Tây-Thi đi chơi năm hồ. Lại đến như vở tuồng Tây-Thi hát ở Hanoi khi trước mà kết rằng Phạm-Lãi, Tây-Thi cùng đi chơi năm hồ, đó là trong sự diễn tuồng người ta chỉ cốt soạn lấy vui trò mà lại cho có hậu; chớ không phải là sự thực.

— Con bé nó chỉ nói láo! chẳng nghe ra làm sao cả!

Ông cụ nói: — Chắc đâu rằng người ta nói láo; ngộ chỗ ấy mình không học đến thời sao.

— Chẳng biết nói láo hay không, nhưng bây giờ mà đem những câu chuyện ấy ra để nói, thật là hủ!

— Tôi tưởng đi chơi mà gặp được có người biết nói câu chuyện như thế, kể cũng còn là hơi có thú; chẳng hơn là ngồi với những thị xấu không thể thương được, mời thìa rượu, chán quá mà phải uống; lại phải múc giả lại một thìa thời thật không cái gì khổ bằng.

— Cụ thích nó thời tối mai cụ đến hát cho nó một chầu, tha-hồ mà nghe chuyện!

— Tối mai tôi đến hát lắm.

Ông khác nói: — Tối mai tôi với cụ đến đấy chơi. Ta hủ, ta lại chơi về cách hủ. Thế tên chị gọi là gì? mà ở chỗ nhà nào?

Vân: — Em tên là Vân, nhà ở trong ngõ này, tối mai mời các quan quá bộ đến xơi nước.

Ông quan-viên nữa lại nói: — Hãy để nói hết về bài hát này đã. Một điển « sóng Tiền-Đường » nhận về Thúy-Kiều thời sao? mà phải nói đến Tây-Thi?

Ông khác nói: — Đoạn này là nhời người cô-đầu cốt dẫn những người sang trọng ở ngoài áng yên-hoa mà thân-thế cũng chỉ là một giấc mộng, để giả nhời người khách ở đoạn trên; nếu Thúy-Kiều thời cũng là một người trong yên-hoa, còn có gì mà dẫn. Chị Vân nói về Tây-Thi có nhẽ phải, nhưng không biết điển ấy ở về chỗ sách nào.

Ông khác lại nói. — Thế còn cỏ Ô-giang thế nào?

Vân: — Cỏ ái bến Ô-giang là tích Ngu-Cơ. Lúc Hạng-Võ bại trận ở Cai-Hạ, Ngu-Cơ tự-vẫn chết, chôn ở gần miền sông Ô-giang, nhân thế ở chỗ đó sinh ra nhiều cỏ « ngu mỹ-nhân ». Cho nên trong bài Ngu-mỹ-nhân thảo của ông Tăng-Củng có câu « 香 魂 夜 逐 劍 光 飛, 靑 血 化 爲 原 上 草 Hương-hồn giạ trục kiếm quang phi, thanh huyết hóa vi nguyên thượng-thảo »; trong chuyện Hoa-Tiên cũng có câu « le-te bờ cỏ sông Ngô bên đường », đều là nói về tích ấy cả.

Một ông quan viên hay cáu lại nói rằng:

— Thế còn gì nữa không? hay đã hết rồi? thời để cho bảo bưng rượu!

Từ bận đi hát ấy về sau, nhà Vân-Anh đã thường thường có khách hát. Trước còn phần nhiều là quan viên làng nho, đến thưởng văn, thơ, xem đề, họa; sau thời các hạng quan viên cũng đến chơi đông cả. Đã được đông khách hát thời sự ăn-mặc, chỗ ăn ở cũng dần dần được sang-trọng; đã thế thời khách hát cũng càng đông. Con người gặp lúc không ra gì thời không ra gì, đến lúc giời đã cho lên thời thấm-thoát cũng không mấy. Qua một mùa đông năm ấy sang tháng xuân năm sau mà Vân-Anh đã dọn nhà lên Hàng-Giấy ở vậy.

Vân-Anh từ khi lên Hàng-Giấy, thanh-giá càng lộng-lẫy, như một vừng giăng sáng ở dưới đáy hồ thu. Con người ta đến lúc phong-quang hời vẻ người cũng phong-quang, cái đẹp không biết từ đâu sinh ra, cái sang không biết từ đâu đưa đến, cái con ma ghen của tạo-hóa đến lúc ấy cũng đã bớt khe-khắt với người hồng-nhan. Trong nhà Vân-Anh đã có nuôi vài ba người bạn hát, cô đầu hát, cô đầu rượu có cả. Những người cùng ở với Vân-Anh, phi có thanh, thời có sắc, đều có tư-cách người con hát, không ai đến nỗi là giã kê. Bởi thế cho nên khách gần khách xa, khách các quan, các nhà tư-bản, các thầy đương làm việc, các công-tử đương thời cho đến các người không phong-lưu lắm ở trong làng nho cũng đều có lòng chiếu-cố cả. Khách đồng-bang đã lắm mà khách các chú cũng lại nhiều. Khi ấy, ngoài cửa nhà Vân-Anh dù những tối thứ hai, thứ tư về cuối tháng tây, cũng đều có xe gác: xe cao-xu, xe nhà, xe ô-tô. Mỗi tối chưa đến bảy giờ tiếng trống đã vang cả các nhà bên cạnh; hoặc cũng có tối không nghe thấy tiếng trống thời ngoài cửa trông vào, cũng đã thấy có những cái chân quần trắng, giầy vàng, đen, thò ra ở cạnh giường. Bởi thế, các người trong làng chơi, ai có muốn thưởng cái phong-vị ở trong đó thời đi phải hơi sớm. Bởi thế, trong một cái nhà cô-đầu đó biệt gây thành một mối cạnh tranh. Bởi thế, các nhà đến gọi đi mời rượu, Vân Anh cũng ít đi. Bởi thế, các người muốn thưởng-thức Vân-Anh thời càng phải đến đó. Bởi thế, cũng một chầu cháo, ở nhà khác năm, sáu đồng, ở nhà Vân-Anh ít cũng phải mươi hai đồng; cũng là một chầu rượu, ở nhà khác mươi hai đồng, ở nhà Vân-Anh ít cũng phải hai mươi đồng. Bởi thế, Vân-Anh đi ra ngoài thời xe nhà, ở thường trong nhà cũng đeo ngộn những vàng, như thể hiện thân kim-tướng vậy. Bởi thế, những người muốn nói chuyện trăm năm, tỏ nhời tri-kỷ càng phải nặng đưa tặng-khoản, phi một cái tủ khảm thời cũng đôi xuyến vàng. Bởi thế, những văn-nhân tài-tử không có xuyến và tủ khảm thời cũng nặng nhời xưng-tán, đưa tặng-khoản bằng văn thơ. Bởi thế, Vân-Anh đối với những tài-tử văn-nhân, cũng tiếp-đãi một cách riêng, không nỡ lấy tiền tài làm mục-đích. Bởi thế, những tài-tử văn-nhân, có người lấy thơ văn của Vân-Anh đem đăng báo, có người tự viết bài đăng báo mà ký tên Vân-Anh. Bởi thế, Vân-Anh không những có thanh-giá ở trong xóm Bình-khang mà lại chiếm một phần danh-dự trong văn-giới. Bởi giầu-có thanh-danh, cho nên bà con ở gần xa, tổng-lý trong xóm mạc cũng có đi lại vay mượn nhiều. Bởi thế, Vân-Anh không những có thanh-giá danh-dự ở phố-phường, mà lại có đức-vọng ân-trạch ở hương-quán. Bởi thế, một phần tâm-lý của xã-hội như đã không nhận Vân-Anh là con hát, mà là một người trong thượng-lưu. Ôi! Cùng đàn phách, cùng phấn son, có người được đến thế!

Vân-Anh ở hàng Giấy vừa được hai năm là sang đầu xuân năm thứ ba thời trong Bình-khang-giới có một đám ma nhớn. Đám ma nhà ai? chính là đám ma nhà Vân-Anh, tức là đám ma mẹ Vân-Anh vậy. Một cái đám ma ấy, lúc cử-hành, người đi đưa đứng chật hết một phố hàng Giấy, cả ta lẫn khách, không thể ước số là bao nhiêu người. Trong những người đi đưa, cũng có nhiều hạng: Mặn tình thăm viếng nhất là những tay đại-du-tử muốn lợi-dụng một phen thảm-thiết để tỏ niềm ân ái mà làm duyên cùng tài-sản của Vân-Anh; những khách quen, không có ý lợi-dụng gì, chỉ vì cảm-tình với Vân-Anh mà đi cũng có nhiều; lại những bà-con quen biết, thường có nhờ vả, ở nhà quê ra cũng đông; những chị em trong xóm Bình-khang đi cũng lắm; cũng có người thiên-hạ thấy vui mà dự vào cuộc đi theo xem. Người đi đưa đã đông mà câu đối và trướng cũng lại lắm, câu đối đã đi khỏi ga mà người đưa còn chưa qua phố hàng Lọng. Lúc hạ huyệt, đọc bài kính-thăm cũng có đôi ba kẻ. Kể cũng là một sự phong-vận ở Hà-thành. Ôi! vinh dự thay!

Cách một vài hôm sau, Vân-Anh viết nhời cảm ơn gửi đăng báo để cảm tạ chư-tôn liệt-quý đã có dự vào việc tống-tang ấy.