Bước tới nội dung

Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 17 (21 Novembre 1936), trang 8.

MỘT TAY PHÁT-XÍT LỢI HẠI: DORIOT

Cái tên Doriot[1] đối với bạn đọc hẳn không lạ. Trước đây 10 năm, anh ta vốn là một đảng viên cọng sản rất có thế lực, đã từng đi công cán cho đảng mình ở Tàu và một lần có ghé Đông Dương ta. Nhờ đảng ủng hộ, Doriot được cử làm nghị viên, rồi làm xã trưởng thành phố Saint Denis là thành phố có rất nhiều thợ thuyền, gần kinh đô Paris. Từ cọng sản, ngày nay Doriot đã trở nên phát-xít ra mặt. Anh ta bắt đầu phản đảng từ năm 1932. Vừa rồi, nhân diễn thuyết, Doriot cực lực công kích chánh phủ Bình dân và đảng cọng sản là đảng cũ của mình. Anh ta phản kháng cuộc Pháp-Nga liên hiệp và bảo chánh phủ phải thừa nhận chánh phủ phát-xít Tây-ban-nha.

TOÀN QUỐC HỘI NGHỊ CỦA ĐẢNG XÃ HỘI

Sắp có cuộc hội nghị toàn quốc của đảng Xã hội Pháp. Cuộc hội nghị nầy quan hệ lắm vì là cuộc hội nghị đầu tiên, từ đảng cho phép các lãnh tụ, các nghị viên có chân trong đảng được ra giữ chánh quyền. Hết thảy các chi bộ sẽ cử đại biểu, và các báo chí của đảng sẽ cũng sẽ được phái ủy viên đến dự hội nghị.

MADRID CHƯA THẤT THỦ

Số trước có đăng tin loạn quân tiến áp chỉ còn 7 cây số đến Madrid nên kinh đô phải dời xuống Valence. Tuy vậy, Madrid không dễ gì vào tay loạn quân vì quân chánh phủ phản công rất kịch liệt. Hiện nay tướng Franco vẫn còn ở các vùng phụ cận.

KỶ NIỆM CÁCH MẠNG NGA SÔ-VIẾT

Lễ kỷ niệm thập cửu chu niên Cách mạng Nga Sô-viết vừa cử hành tại Moscou rất long trọng. Có cuộc duyệt binh đội hồng quân mà tổng trưởng Voloshilev tuyên bố là đội binh hiện thời hùng tráng nhất trên thế giới. Quốc trưởng Staline có đến dự lễ kỷ niệm nầy.

TRUNG-MÔNG GIAO CHIẾN

Tình hình phía bắc nước Tàu hiện nay rất nghiêm trọng. Quân Mông Cổ bị các tướng Nhật xui giục, thường sang xâm chiếm đất Trung Hoa. Tin tuần rồi cho hay rằng quân Mông Cổ đã lấy Bách Linh miếu làm đại bản doanh và đã giao chiến với quân Tàu rất kịch liệt ở Tuy Viễn.

TẤN TUỒNG HOA-NHẬT

Tấn tuồng Hoa-Nhật có lẽ không bao giờ kết liễu. Hết những cuộc xâm chiếm, những sự áp bức thường xảy ra, đến những cuộc điều đình hòa giải, rồi cứ như thế mà diễn mãi không thôi. Vừa rồi, nhân có sự xích mích giữa hai nước, một cuộc đàm phán mở ra ở Nam Kinh giữa các đại biểu Tàu và Nhật. Nhật yêu cầu Tàu sáu điểm: 1/ Tàu phải liên hiệp với Nhật để trừ cọng; 2/ Phải để 5 tỉnh Hoa Bắc tự trị; 3/ Giảm quan thuế cho hàng hóa Nhật; 4/ Tàu với Nhật phải mở đường hàng không thông nối nhau; 5/ Cấm nhặt những cuộc tuyên truyền vận động bài Nhật; 6/ Các cơ quan hành chánh của Tàu phải mời Nhật làm cố vấn. Có tin nói Tàu bằng lòng nhận bốn điều sau. Nhưng chưa chắc, vì có tin khác trái lại, nói chánh phủ Nam Kinh nhất định không chịu.

HỘI NGHỊ CÁC QUAN TOÀN QUYỀN

Ngày 5 Novembre, tại Paris có mở cuộc hội nghị các quan Toàn quyền, do Tổng trưởng Moutet chủ tịch. Có đem ra bàn nhiều vấn đề rất quan hệ đến thuộc địa. Quan Toàn quyền Đông Dương J. Brévié có đến dự. Lần nầy là lần đầu chánh phủ Pháp mở một hội nghị giống như hội nghị Ottawa của đế quốc Anh.

HAI ÔNG THÂU TẠO ĐI DỰ HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Tuy vì nhịn đói sức còn yếu, hai ông Thâu, Tạo ngày 10-11 vừa rồi cũng gắng sức đến dự phiên nhóm của Hội đồng thành phố Sài Gòn. Công chúng nghe có hai ông ra dự, đến xem rất đông. Ông Tạo vì hăng hái phản kháng thái độ bất chánh của ông phó xã Pinaud về vấn đề căn cước của cử tri, bị ông nầy giơ nắm tay toan đánh. May nhờ các ông hội đồng can thiệp, nên đã tránh được cuộc ẩu đả.   

VỤ LÀM REO Ở LÒ CHÉN THỦ DẦU MỘT

Vì ở xa không biết rằng, chiều 5-11, ba ông Thâu, Ninh, Tạo đã được tại ngoại hậu tra, nên ngày 6-11, những người làm công ở lò chén Thủ Dầu Một tổ chức một cuộc đình công để binh vực ba ông. Cảnh sát hay tin, đến làm ăng-kết[2] và bắt nhiều thợ can dự vào vụ nầy.

ÔNG THÁI PHỈ ĐẾN SÀI GÒN

Ông Thái Phỉ, chủ hai tờ báo Tin vănCậu ấm, ở Bắc vào Nam, tháng trước đây có ghé Huế. Hiện nay ông đã đến Sài Gòn, được các đồng nghiệp trong ấy tiếp đón rất thân mật. Nghe đâu ông sẽ đem vấn đề nhi đồng giáo dục ra diễn lại trong Nam.

BỐN ÔNG CHIÊU, CHÍN, LIÊM, KHÁ BỊ DỌA ÁM SÁT

Việc bốn ông Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm, Trần Văn Khá, Huỳnh Văn Chín không chịu can thiệp vào vụ Thâu, Ninh, Tạo tại hội đồng quản hạt, số trước có đăng. Việc ấy làm cho dư luận đối với bốn ông rất nghiêm khắc. Có tin vừa rồi mỗi ông đều có nhận được một bức thư nặc danh dưới ký “Dân chúng lao động” dọa sẽ ám sát.

MỘT TỜ BÁO TÀU BỊ ĐÌNH BẢN

Ấy là tờ Hoa kiều nhật báo ở Chợ Lớn, được lệnh chánh phủ bắt đình bản kể từ ngày 6-11-1936 đến 5-12-1936 mới được ra lại. Không hiểu vì cớ gì.

KẾT QUẢ HỘI CHỢ ĐÊM CỦA HỘI QUẢNG TRI

Cuộc chợ Đêm ngày 31-10-1936 vừa rồi do hội Quảng Tri tổ chức ở Huế để giúp nạn dân miền Bắc được kết quả rất mỹ mãn. Tiền thu vào tổng cọng 950$33, ấy là kể luôn 200$ của Hoàng thượng và Hoàng hậu ân ban. Chi phí tất cả 141$02. Còn được 809$31 gởi ra Bắc.

LẠI CHỢ ĐÊM

Chúng tôi vừa được bà hội trưởng hội Lạc thiện ở Huế cho hay rằng ngày 6 Décembre 1936 sắp đến sẽ mở một buổi chợ đêm tại nhà hàng Morin lấy tiền giúp vào những công cuộc cứu tế. Sẽ có nhiều cuộc vui, cuộc bán các đồ chơi trẻ con và mỹ thuật, cùng cuộc xổ số tombola. Các nhà từ thiện muốn cho vật gì có thể gởi đến bà Hội trưởng Le Nestour, Hôtel de la Direction Locale de la Santé, đường Jules Ferry Huế, trước ngày 1er -12-1936.

BIỂU TÌNH Ở THÁI BÌNH

Việt báo đã đăng tin rằng vì chuyện chia ruộng không công bằng, hàng trăm nông dân làng Hội Khê, Thái Bình, kéo nhau ra đình và lên huyện nha Vũ Tiên để biểu tình phản kháng.

LỄ ĐÌNH CHIẾN Ở HÀ NỘI

Lễ đình chiến ở Hà Nội vừa rồi cử hành long trọng hơn mọi năm. Chánh phủ Bắc Kỳ có mời các võ quan Trung Hoa ở Vân Nam về dự cuộc duyệt binh. Ngày 14-11, các võ quan đã cùng với ông lãnh sự Pháp ở Vân Nam đáp máy bay trở về nước.

SẮP LƯU HÀNH HAI THỨ TEM MỚI

Có tin chánh phủ sắp cho lưu hành hai thứ tem có hình vua Bảo Đại và vua Cao Miên Monivong.

   




Chú thích

  1. Jaque Doriot (1898-1945): chính khách, nhà báo Pháp.
  2. ăng-kết: phiên âm chữ Pháp enquête: điều tra.