Bước tới nội dung

Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 13

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 19 (5 Décembre 1936), trang 8.

ĐÁM TÁNG ÔNG SALENGRO

Tin ông Tổng trưởng bộ Nội vụ Pháp Roger Salengro tự tử, số trước đã có đăng. Ngày chủ nhật 22 Novembre vừa rồi thành phố Lille đã làm lễ công táng ông. Đám táng rất long trọng và nghiêm trang. Đi đưa có các quan chức trong nội các, 90 ông quận trưởng, mấy trăm ông nghị viên, các đại biểu các liên đoàn công nhân, các đại biểu các chính đảng và Dân đoàn, sau cùng là công chúng lũ lượt sắp hàng dài đi theo. Ông thủ tướng Léon Blum có đọc một bài điếu văn rất cảm động. Thủ tướng nói: “Ông R. Salengro đã đóng một vai trò lịch sử giữa một thời đáng ghi vào lịch sử”. Trong khi ở thành Lille cử hành tang lễ, tại Paris có một cuộc biểu tình rất lớn của các chánh đảng trong Dân đoàn và của các chiến sĩ. Cuộc biểu tình rất yên tĩnh. Công chúng cảm động diễu qua trước bức chân dung ông R. Salengro đặt trong một chiếc thể môn; mọi người đều ngả mũ chào để truy điệu.

MỘT BẢN DỰ ÁN ĐẠO LUẬT VỀ CÁC BÁO CHÍ

Việc ông R. Salengro vì bị các báo phát-xít phỉ báng quá tệ mà phải hủy mình đã làm cho chánh phủ nghĩ đến cách trừng phạt rất gắt tội phỉ báng sau nầy. Có tin thủ tướng Léon Blum đã đệ trình tại Hạ nghị viện một bản dự án đạo luật về các báo chí, nói đến sự trừng phạt tội phỉ báng. Tác giả một bài báo phỉ báng, trong kỳ hạn 8 ngày, sẽ phải trưng ra đủ tang chứng về những điều mình đã viết. Và từ nay không những chỉ viên quản lý phải chịu trách nhiệm về các bài báo mà đến viên chủ nhiệm hay viên chủ tịch hội đồng quản trị tờ báo cũng phải chịu trách nhiệm nữa.

ÔNG M. DORMOY GIỮ CHỨC NỘI VỤ TỔNG TRƯỞNG THAY ÔNG R. SALENGRO

Đúng như tin đồn đã đăng số trước, ông Max Drmoy, thứ trưởng tại Thủ tướng phủ đã được bổ nhiệm chức Tổng trưởng Nội vụ thay ông R. Salengro.

MADRID VẪN CÒN LÀ TRƯỜNG HUYẾT CHIẾN

Ở kinh đô, quân chánh phủ và loạn quân vẫn còn găng nhau. Có tin mấy ngày sau đây quân chánh phủ thắng được nhiều trận và đã chiếm được mấy con đường trước đây vào tay loạn quân. Chánh phủ Nga vẫn liên tiếp chở khí giới và viện binh sang giúp chánh phủ Bình dân Tây-ban-nha.

ĐỨC-NHẬT LIÊN KẾT ĐỂ BÀI CỌNG

Có tin Đại sứ Nhật ở Berlin đã cùng ông Von Ribbentrop, đại biểu của tổng thống Hitler, ký một bản hiệp ước Đức-Nhật liên kết để bài Cọng, tức là để đối phó với đảng Cọng sản quốc tế. Bản hiệp ước này làm cho dư luận thế giới rất sôi nổi. Nước Đức có mời hai nước Ý, Anh vào bản hiệp ước nầy, nhưng cả hai đều không hoan nghênh. Nước Anh đáp: “Không nên có sự chia rẽ về lý tưởng ở Âu châu”.

TRUNG-MÔNG GIAO CHIẾN

Tình hình ở Tuy Viễn hiện nay rất nghiêm trọng. Quân Mông Cổ, có Nhật giúp sức, cùng với quân Tàu đánh nhau rất kịch liệt. Chính phủ Nam Kinh đã phái 20 chiếc may bay lên Tuy Viễn trợ chiến, và hầu hết các đoàn thể ái quốc ở Tàu mấy ngày nay đã rầm rộ ra đầu quân lên cứu viện miền bắc. Thái độ của Nhật trong việc nầy rất ngang. Họ không cho các tỉnh miền Hoa Bắc cứu viện tỉnh Tuy Viễn. Có lẽ họ muốn diễn lại tấn tuồng Mãn Châu năm xưa.

HỌC SINH TÀU Ở SÀI GÒN LÀM BIỂU TÌNH TRƯỚC QUÁN LÃNH SỰ

Tuần rồi ở Sài Gòn – Chợ Lớn dư luận sôi nổi về một cuộc biểu tình của học sinh Tàu trước dinh Lãnh sự Trung Hoa. Số là được tin quân Mông Cổ kéo sang xâm chiếm miền Tuy Viễn, Hoa kiều ở trong Nam định mở một cuộc lạc quyên để gởi tiền về giúp nước. Họ nói với viên Lãnh sự Trầm Cẩn Ý xin chánh phủ Pháp cho phép mở cuộc lạc quyên đó, nhưng viên lãnh sự tỏ vẻ lãnh đạm, mãi không trả lời. Phản kháng cái thái độ ấy, họ cho học sinh đến làm biểu tình trước dinh Lãnh sự. Cuộc biểu tình rất găng, làm Trầm Cẩn Ý phải phải hốt hoảng dùng điện thoại nhờ lính cảnh sát đến giải tán. Có nhiều học sinh Tàu bị bắt về vụ nầy. Các báo Tàu ở Chợ Lớn có đăng tin biểu tình đều bị kiểm duyệt rất gắt.

LỄ ĐẠI TƯỜNG CỦA GIÁO CHỦ CAO ĐÀI LÊ VĂN TRUNG

Luôn 3 ngày 26, 27, 28 Novembre, tại Thánh thất Tây Ninh, tín đồ đạo Cao Đài đã làm lễ đại tường cho giáo chủ Lê Văn Trung. Lễ cử hành rất long trọng, có tới 3 vạn tín đồ khắp Đông Dương đến dự.     

LỄ TRƯỜNG HY

Ngày 31-11-1936 vừa rồi là ngày lễ Trường hy, tức là ngày lễ sinh nhật của Nam Phương Hoàng hậu. Các đường phố, các công sở ở kinh đô đều có treo cờ. Các trường học được nghỉ một buổi. Chiều lại trên sông Hương có cuộc đua thuyền, và ở Bát giác đình có nhiều cuộc vui cùng cuộc đấu ping-pong của phụ nữ.

PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG Ở BẮC

Ở miền Bắc hiện nay phong trào đình công đương lan rộng khắp nơi. Tiếp theo cuộc đình công của 10.000 thợ mỏ ở Hongay, Hatou,[1] Mông Dương đã có đăng số trước, anh em thợ máy ở sở mỏ Cẩm Phả, thợ làm ở sở xi-măng Hải Phòng, thợ ở nhà máy dệt chiếu Nam Định, liên tiếp rủ nhau nghỉ làm để yêu cầu việc thi hành luật lao động. Các cuộc đình công trên nầy đều xảy ra trong một bầu không khí rất yên tĩnh. Chánh phủ đã không phàn nàn sự hành động ấy của thợ thuyền mà còn tỏ ý bênh vực cho họ. Nhiều ông chủ mỏ đã bằng lòng tăng lương và nhận các khoản yêu cầu của thợ mỏ, nhưng họ tăng lương ít quá, nên cuộc đình công vẫn còn dây dưa. Ông François, chủ nhà máy dệt chiếu ở Nam Định thì nhất định giữ chế độ cũ, nếu thợ đình công thì thôi, không dùng nữa, lấy thợ mới vào (!)

MỘT NHÀ VIẾT BÁO BỊ TRUY TỐ

Trong mấy ngày ở Hongay có cuộc đình công của thợ mỏ, các báo đều phái người ra tận nơi điều tra. Trong số ấy có một phái viên của báo Le Travail ở Hà Nội là ông Nguyễn Mạnh Chất. Ông Chất bị truy tố vì các nhà cầm quyền cho rằng không những ông ra Hongay để làm việc nhà báo mà còn để xúi giục thợ thuyền kéo dài cuộc đình công. Bị bắt ở Hongay rồi giải về Hải Phòng, ông Chất hiện đã được tạm tha, về Hà Nội.

SUÝT CÓ CUỘC BIỂU TÌNH Ở NHÀ MÁY TƠ NAM ĐỊNH

Thấy thợ các nơi đình công, thợ nhà máy tơ Nam Định hôm 28-11-1936, đương làm việc, thình lình cũng hãm máy một loạt để yêu cầu chủ tăng lương. Nhưng cuộc đình công nầy chỉ xảy ra trong một giờ, rồi thợ lại làm việc như cũ, là vì họ được ông chủ nhà máy hứa ngay rằng sẽ làm cho họ mãn nguyện.

CHUNG QUANH CÁC CHIẾC GHẾ THỦ HIẾN

Chừng hạ tuần tháng Décembre, ông Jules Brévié sẽ sang Đông Dương nhậm chức Toàn quyền. Có tin đồn rằng ông sẽ giữ chức nầy không lâu, chừng trong khoảng 3 tháng rồi lại về Pháp. Vậy thì những ngày ngài ở đây sẽ cũng coi như là một cuộc kinh lý mà thôi. Về chức phó Toàn quyền, có tin chánh phủ Pháp sẽ cử ông Pagès hiện làm Thống đốc Nam Kỳ. Nếu ông Pagès lên giữ chức phó Toàn quyền thì ông Grandjean, giám đốc ty Mật thám Đông Dương, sẽ vào Nam kỳ làm Thống đốc.

   




Chú thích

  1. Một số địa danh đương thời trên báo chí được viết liền, sau này mới đổi lại: Hongay: Hòn Gai (hoặc Hồng Gai), Hatou: Hà Tu.