Bước tới nội dung

Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 14

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 20 (12 Décembre 1936), trang 8.

NỘI CÁC BLUM CÓ HƠI NÚNG

Gần đây vì có sự không đồng ý kiến trong việc ngoại giao giữa phái ông Léon Blum và đảng cọng sản, nên có tin nội các sợ rồi phải lung lay. Hôm 4-12-1936, có một cuộc bàn cãi rất kịch liệt về ngoại giao tại nghị viện. Ông Léon Blum nói: “Nếu những đảng có chân trong Mặt trận Bình dân không ủng hộ tôi thì tôi sẽ từ chức”.

NI-CA-RA-GA NHÌN NHẬN CHÁNH PHỦ FRANCO

Ni-ca-ra-ga, một nước cọng hòa ở Trung Mỹ, vừa rồi đã tuyên bố nhất định thừa nhận chánh phủ của loạn tướng Franco ở Tây-ban-nha và lấy làm vui mừng mà thấy binh của tướng ấy thắng trận đã hầu khắp.

ANH ĐỐI VỚI CUỘC NỘI LOẠN TÂY-BAN-NHA

Anh, cũng như Pháp, đối với việc nội loạn ở Tây-ban-nha vẫn giữ thái độ trung lập. Vừa rồi nghị viện nhóm đã chuẩn y đạo luật cấm tàu bè Anh không được chở khí giới qua bán cho Tây-ban-nha. Trái lại đảng Lao động Anh thì muốn cho chánh phủ mình can thiệp và trách chánh phủ đã không can thiệp, lại thường có ý bênh vực loạn quân.

ANH HOÀNG SẼ THOÁI VỊ CHĂNG?

Có tin vua nước Anh là Edouard VIII dự định kết hôn với cô Simpson, hoa khôi Hoa Kỳ. Dư luận Anh sôi nổi vì cái tin nầy lắm, vì nó là một việc có quan hệ đến hiến pháp. Theo hiến pháp Anh, nhà vua trong việc hôn ước của mình phải hỏi ý kiến của Nội các, chứ không có quyền tự định liệu lấy được. Đây, vua Edouard VIII đã làm theo ý mình, và trái với ý của Nội các, và vua vì thế, sẽ mất lòng tin phục của dân. Sự thoái vị, do đó, sẽ không thể không xảy ra được, nếu nhà vua nhất định đeo đuổi theo chữ tình.

NHẬT, Ý THỪA NHẬN LẪN NHAU

Có tin chánh thức rằng: Nước Ý đã thừa nhận Mãn Châu quốc; nước Nhật đáp lại tấm thịnh tình ấy, cũng đã nhìn nhận nước Á[1] là đất thuộc Ý. Hai nước lại định cùng nhau kết một thương ước.

LỜI TUYÊN BỐ CỦA ÔNG MOUTET VỚI BÁO “TIẾNG GỌI”

Trong lúc Mặt trận Bình dân lên nắm chánh quyền, những người Đông Dương kiều ngụ ở Pháp có đứng lên thành lập một nhóm gọi là “Tụ nhóm những người Đông Dương kiều ngụ ở Pháp” (Rassemblement des Indochinoise en France) để yêu cầu những điều cải cách cho xứ sở. Nhóm ấy có một cơ quan là tờ “L’ Appel” (Tiếng gọi). Ông Moutet có tuyên bố với báo ấy như sau nầy: Ngài sẽ gọi hết cả lính lê-dương ở Đông Dương về, sẽ ân xá tất cả chính trị phạm, sẽ để tự do báo chí, và sẽ phái một Ủy ban điều tra sang Đông Dương, gồm những ông nghị viên, những người Pháp và người Nam có danh tiếng ở Pháp.

ÔNG MOUTET KHÔNG ĐỊNH RÚT LƯƠNG CÁC CÔNG CHỨC

Có tin đồn quan Tổng trưởng Moutet dự định rút lương các công chức xuống 20%, vì muốn thi hành chính sách tiết kiệm. Vừa rồi ông Moutet tuyên bố lấy làm ngạc nhiên vì tin đồn ấy. Ngài nói: “Tôi hằng lưu tâm đến việc làm cho dân thuộc địa sung sướng hơn lên, chớ không bao giờ có ý định rút lương của dân bản xứ”.

THUẾ MUỐI SẮP BỎ, THUẾ THÂN SẼ TĂNG

Trong những phiên nhóm của Hội đồng kinh tế lý tài ở Sài Gòn suốt hai tuần nay, nhiều vấn đề đã được đem ra cãi, trong đó có việc bỏ thuế muối là quan hệ. Việc bỏ thuế muối do ông Lê Quang Liêm, hội đồng quản hạt Nam Kỳ, xướng xuất. Phần đông các đại biểu Việt Nam đều tán thành. Bên đại biểu Pháp, ông De Lachevrotière cũng biểu đồng tình. Và sau một hồi bàn cãi, toàn thể hội đồng đều ưng thuận. Thuế muối bỏ, công nho sẽ bày một khoảng trống, người ta định tăng thuế thân để lấp khoảng trống ấy.

1000 THỢ BA SON, SÀI GÒN ĐÌNH CÔNG

Làn sóng đình công hiện nay tràn lan từ Bắc chí Nam. Ngày 4-12-1936 tại Sài Gòn xảy ra một vụ đình công rất to của thợ làm ở sở Ba Son. Tất cả có 1000 thợ dự vào vụ nầy. Họ đình công không phải để yêu cầu tăng lương mà để phản đối sự ông chủ bắt ép làm cho xong nhiều công việc trong hạn ít giờ và sự cúp lương dân thợ. 

CHỢ ĐÊM CỦA HỘI LẠC THIỆN

Cuộc chợ đêm do hội Lạc Thiện ở Huế tổ chức mà chúng tôi đã có rao trong một số trước, ngày chủ nhật 6-12-1936 đã mở tại nhà hàng Morin, được kết quả rất mỹ mãn. Có Hoàng thượng và quan Khâm sứ đến làm lễ khai mạc.

QUAN CÔNG SỨ NGHỆ AN KHUYÊN GIẢI THỢ THUYỀN TRƯỜNG THI

Những cuộc đình công xảy ra vừa rồi ở miền Bắc làm cho các nhà cầm quyền tỉnh Nghệ lo sợ phong trào ấy sẽ đi lấn vào tỉnh nhà. Vừa rồi quan Công sứ Jeannin đã thân hành đến Trường Thi khuyên giải thợ thuyền ở đây nên yên tĩnh làm ăn, đừng nên làm những việc gì có tính bạo động. Đại ý ngài nói: Những cuộc đình công ở Bắc sở dĩ đã xảy ra là vì tiền công quá ít, đến như thợ ở Trường Thi đều được công cao cả thì không việc gì phải bãi công, cứ nên điềm tịnh làm việc là hơn.

PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG Ở BẮC SÔI NỔI

Tiếp theo những vụ đình công xảy ra ở Hòn Gay, Cẩm Phả, Hải Phòng, Nam Định đăng trong số trước, thợ mỏ ở Mạo Khê ngày 1-12 cũng toan bãi việc, may nhờ điều đình ổn thỏa, thợ lại đi làm như thường; ở Quảng Yên, thợ sở đúc kẽm cũng tuyên bố với ông chủ rằng họ sẽ làm reo, nếu trong 15 ngày nữa sở không tăng lương; ở Hà Nội ngày 2-12-1936, tất cả thợ mộc một loạt đều đình công để yêu cầu chủ tăng lương, bớt giờ làm việc; vụ đình công nầy hiện còn dây dưa chưa kết liễu. 

MỘT BỨC ĐIỆN TÍN CỦA BỘ THUỘC ĐỊA

Quan Tổng trưởng Thuộc địa vừa gởi sang quân Toàn quyền Đông Dương một bức điện văn tỏ ý lấy làm thỏa mãn về việc liễu kết cuộc đình công tại các mỏ than ở Bắc Kỳ vừa rồi.

BÁO “LE TRAVAIL” BỊ KHÁM XÉT

Tiếp theo việc truy tố phái viên Nguyễn Mạnh Chất của báo Le Travail, đã đăng số trước, ngày 4-12-1936, quan Thống sứ Bắc Kỳ A. Tholance đã ra lịnh cho sở cảnh sát Hà Nội đến khám xét nhà báo ấy ở phố Nguyễn Trãi. Nhiều giấy má và bài vở bị nhà chuyên trách tịch thu, và các nhân viên trong tòa soạn không ai bị bắt cả. Khám xét báo quán Le Travail xong, cảnh sát lại đi ngay lại soát từng nhà các trợ bút báo ấy, nhưng cũng không ai bị bắt. Chưa hiểu vì cớ gì?

ĐẠI TƯỚNG DENAIN ĐẾN ĐÔNG DƯƠNG

Đại tướng Denain, thanh tra bộ Hàng không Pháp quốc hải ngoại, vừa rồi đáp tàu bay sang Đông Dương công cán, đã đến Hà Nội ngày 28-11-1936. Từ Hà Nội, ngài vào đến Huế hôm 5-12-1936.

   




Chú thích

  1. Nước Á ở đây là nói tắt nước Abyssinia, tức là Ethiopia ở châu Phi.