Bước tới nội dung

Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 16

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 22 (2 Janvier 1937), trang 8.

TẠI PHÁP

Thời cục nước Pháp hai tuần nay không xảy ra việc gì quan trọng. Phong trào đình công nổi lên từ ba tháng trước, nay cũng đã dịu dần; thợ thuyền trong nước đã bắt đầu đi làm lại, trừ ra thợ kim khí ở thành phố Lille vẫn còn bãi công. Những cũng có một việc xảy ra đáng để cho ta chú ý, xảy ra hai tuần rồi, ấy là việc đảng Xã hội Pháp (Parti social française) của đại tá De La Rocque, đã chánh thức thành lập tại nghị viện.

NỘI LOẠN TÂY-BAN-NHA

Cuộc nội chiến ở Tây-ban-nha vẫn còn dây dưa, có lẽ không bao giờ hết. Tại Madrid ròng rã mấy tháng trời nay sự chém giết nhau mỗi ngày mỗi găng, mỗi trầm trọng. Gần đây loạn quân có vẻ núng thế và đã tháo lui hết nhiều. Trái lại quân chánh phủ phản công rất kịch liệt, và đại thắng ở nhiều nơi. Nhiều khu vực của kinh thành trước đây bị loạn quân chiếm đoạt, nây đã trở về tay chánh phủ.

CUỘC BIẾN ĐỘNG Ở TRUNG HOA

Cuộc biến động ở Trung Hoa do Trương Học Lương gây nên mà trong số trước đã có đăng, hiện nay làm cho thế giới phải chú ý nhìn vào thời cục Viễn Đông. Tưởng Giới Thạch bị Trương Học Lương bắt giam từ hôm ấy đến nay kể có hơn hai tuần rồi mà vẫn chưa được thả. Cuộc điều đình giữa chánh phủ Nam Kinh và Trương vẫn đương tiến hành. Trước đây mấy ngày, có tin chánh phủ Nam Kinh vì thấy sự điều đình không có kết quả, đã động binh và nhất định kéo quân lên vây đánh Tây An phủ là nơi quân của Trương đóng. Tin ấy có thật; nhưng tuy đã kéo lên đến Tây An, quân Nam Kinh, dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Hà Ứng Khâm, chưa dám công phủ, một vì sợ làm hư hại những công trình mỹ thuật kiến trúc chốn cố đô, hai vì e nguy đến tánh mạng Tưởng Giới Thạch. Cho nên người ta đương hy vọng cuộc khởi nghịch nầy sẽ kết quả bằng sự êm thấm. Vả nghe chừng Trương Học Lương cũng đã có ý thả Tưởng rày mai. Diêm Tích Sơn, mà Trương đã yêu cầu đứng giữa điều đình, cũng có thông cáo cho Trương biết rằng: nếu mở cuộc thương nghị về thái độ của chánh phủ Nam Kinh đối với Nhật, hoặc về những vấn đề nội chánh, điều kiện thứ nhất phải là: hãy thả Tưởng Giới Thạch đã.

TRƯƠNG HỌC LƯƠNG QUYẾT THÂU PHỤC LẠI MÃN CHÂU

Trương Học Lương mới đánh điện tín cho các yếu nhân Nam Kinh nói mình quyết tổ chức quân đội đông bắc thành tập đoàn thứ nhất chuyên trách việc kháng Nhật. Khi tổ chức này xong, Trương sẽ kéo lên Tuy Viễn hợp với quân đội ở đó đánh đuổi quân Mông Mãn, rồi thừa thắng kéo lên Mãn Châu đánh đuổi quân Nhật để thâu phục lại Đông tam tỉnh lại cho nước Tàu.

ÔNG BRÉVIÉ ĐÃ XUỐNG TÀU

Ông Jules Brévié, Toàn quyền Đông Dương, đã đáp tàu Aramis tại Marseille hôm 22-12-1936 để sang Đông Dương nhậm chức. Vì đối với xứ nầy ngài vốn là người lạ nên hồi còn ở Paris, ngài để tâm nghiên cứu tường tận hết thảy mọi vấn đề có quan hệ đến Đông Dương. Ngài đã từng cùng ông Moutet, Tổng trưởng thuộc địa, tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết nói về chánh sách của ngài sẽ thi hành ở xứ nầy. Ông Brévié có tuyên bố: Chương trình của tôi sẽ là một chương trình xã hội.

CUỘC ĐÌNH CÔNG SỞ BA SON ĐÃ LỄU KẾT

Cuộc đình công của hơn nghìn thợ sở Ba Son ở Sài Gòn xảy ra hôm 4-12-1936, trong một số trước đã có đăng. Vụ đình công dằng dai mãi đến hôm 18-12-1936 mới liễu kết. Kết quả, những điều yêu cầu của thợ được chủ chuẩn y gần hết. Thợ đã bằng lòng đi làm lại.

ĐẠI TƯỚNG DENAIN ĐÃ BAY VỀ PHÁP

Đại tướng Denain, Thanh tra các đội không quân thuộc địa, sang Đông Dương đầu tháng Décembre 1936, có ghé qua Huế rồi đi vào Sài Gòn; tin ấy bản báo đã có đăng. Sau khi ở Sài Gòn thanh tra đội không quân miền nam Đông Dương, ngài đáp máy bay sang Cao Miên, rồi bay thẳng trở về Pháp.

TÙ CHÁNH TRỊ LAO BẢO BỊ ĐÀY ĐI BAN-MÊ-THUỘT

Cách đây ít lâu, tù chánh trị Lao Bảo làm reo phản đối chế độ khám đường tại đó và yêu cầu được phép xem nhật trình. Tuy, sau cuộc làm reo ấy, chế độ lao tù đã được sửa đổi lại ít nhiều, những người tud chánh trị làm reo đều bị trừng trị và đày đi Ban-mê-thuột. Tất cả có 50 người, trong số ấy 12 người quán tỉnh Quảng Ngãi, đều bị giải đi do chuyến xe suốt ngày 24-12-1936.

LỄ QUY PHỤC CỦA MỌI AN ĐIỀM

Ngày 20-12-1936 vừa rồi, trước mặt quan đại diện quan Khâm sứ và Thiếu tướng French, trúc nghìn dân mọi An Điềm[1] tỉnh Quảng Nam, đã làm lễ quy phục chánh phủ. Tuy trời mưa, du khách các nơi kéo đến chứng kiến lễ quy phục nầy đông lắm.

ÔNG DIỆP VĂN KỲ ĐÃ RA ĐẾN HUẾ

Ông Diệp Văn Kỳ, chủ bút báo Việt Nam, bị chánh phủ trục xuất khỏi Nam Kỳ, tin ấy trong một số trước đã có đăng. Tuy có lệnh trục xuất song ông Kỳ cứ tìm đường trốn tránh luôn, làm cho nhà chức trách phải nhọc công tìm kiếm. Đêm thứ sáu 18-12-1936, hay tin ông trá hình làm ông thày dòng đáp xe ô-tô ra Huế, sở Mật thám liền cho người ra Biên Hòa đón bắt ông. Ông Kỳ bị bắt giải về Sài Gòn, cùng với ba người bạn ngồi trên xe, ngay đêm ấy. Lấy cung xong, nhà chức trách giam 4 ông vào bóp lính kín đường Catinat. Sáng thứ bảy 19-12, ông Kỳ liền bị đem lên ô-tô áp giải ra Trung Kỳ. Còn ba ông bạn kia đều được thả. Hiện nay ông Kỳ đã ra đến Huế và đã giáp mặt bà cụ thân sinh ra ông.

CUỘC TỔNG ĐÌNH CÔNG CỦA THỢ MÁY XE LỬA MIỀN NAM

Hôm 15-12-1936, tất cả thợ máy sở xe lửa miền Nam đều đình công để yêu cầu tăng lương lên 30 % cùng việc thi hành các luật lao động đối với họ. Vì điều đình không xong, nên hôm ấy rốt lại người ta phải gọi thợ cầm máy người Pháp để cầm chuyến xe tốc hành chạy ra Hà Nội. Các thợ máy ở Tourcham cũng hưởng ứng theo làm reo để yêu cầu bớt giờ làm, tăng lương. Thành thử, trong mấy hôm, các công việc giao thông không được song suốt, chuyến xe tốc hành hôm 15-12 chạy ra đến Hà Nội trễ hết mấy giờ.  

THỢ NHÀ IN TÂN DÂN ĐÌNH CÔNG

Tiếp theo việc đình công ở nhà in Ngô Tử Hạ, thợ nhà in Tân Dân ở Hà Nội cũng đình công hôm 16-12-1936. Nhờ cuộc điều đình được ổn thỏa, nên một số thợ đã đi làm ngay.

HỘI CHỢ HÀ NỘI LẦN THỨ XIII

Hội chợ Hà Nội lần thứ XIII đã mở cửa hôm 19-12-1936. Năm nay hội chợ có vẻ long trọng hơn mọi năm. Ngoài Trung, Nam, Bắc Kỳ, Lào, Cao Miên, các xứ như Mã Lai, Nhật, Tàu, Ấn Độ, Ma-rốc cũng có dự. Ngày mai, 3-1-1937 hội chợ bế mạc.

TIN CUỐI CÙNG VỀ CUỘC BIẾN ĐỘNG Ở TRUNG HOA

Điện tín ARIP ngày 25-12-1936 báo tin rằng Tưởng Giới Thạch đã được Trương Học Lương thả, trở về đến Nam Kinh. Về phần Trương có lẽ nay mai sẽ đi ngoại quốc. Người ta không ngờ một việc ban đầu nổi lên rầm rinh như thế mà nay lại kết cục bằng một cách êm thấm như thế. Rõ là câu chuyện Tàu.

   




Chú thích

  1. “mọi” là từ dùng đương thời chỉ chung các sắc dân bản địa vùng cao Tây Nguyên (từ này có sắc thái khinh miệt, nay đã bị bỏ).