Bước tới nội dung

Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 23 (9 Janvier 1937), trang 8.

NỀN KINH TẾ PHÁP VÃN HỒI

Cuối năm 1936, chính phủ Bình dân Pháp “kế toán niên đề” thì thấy rằng trong sáu tháng chính phủ ấy lên nắm chánh quyền, nền kinh tế nước Pháp vãn hồi một cách rõ rệt, và nạn thất nghiệp cũng giảm bớt hết nhiều. Ông Léon Blum càng lạc quan và người ta càng tín nhiệm nơi nội các Bình dân. 

MỘ NGHĨA BINH PHÁP SANG GIÚP TÂY-BAN-NHA

Tuy chánh phủ Pháp, đối với cuộc nội loạn Tây-ban-nha, vẫn giữ thái độ trung lập, trong nước thường có những cuộc vận động ngấm ngầm của những người có cảm tình với chánh phủ Bình dân Tây-ban-nha để mộ nghĩa binh sang Madrid trợ chiến. Ở Paris và khắp nước Pháp, người ta tình nguyện tòng chinh mỗi ngày một nhiều. Tại Perpignam thuộc vùng biên giới hai nước, đêm nào cũng có chuyến xe lửa chở nghĩa binh đến để rồi khởi hành sang Tây-ban-nha.

MỸ BÁN CHIẾN CỤ CHO TÂY-BAN-NHA

Có tin gần đây chánh phủ Hoa Kỳ cho phép một công ty làm khí giới chở chiến cụ sang bán cho chánh phủ Bình dân Tây-ban-nha. Anh và Pháp lấy làm không bằng lòng về cái thái độ ấy của chính phủ Hoa-sinh-tông. Nhưng, họ đương sửa soạn mời Ủy ban Bất can thiệp nhóm để xét việc nầy, thì kế được tin ông Roosevelt, tổng thống Hoa Kỳ, đã đệ trình giữa toàn quốc hội nghị một đạo luật cấm nhặt sự xuất cảng khí giới sang bán cho Tây-ban-nha.

HAI VẠN NGƯỜI ĐI ĐÓN TƯỞNG GIỚI THẠCH

Tin Tưởng Giới Thạch bị Trương Học Lương bắt đã được thả, số trước đã có đăng. Hôm Tưởng từ Tây An đáp máy bay về đến Nam Kinh, có đến hai vạn người đi đón Tưởng. Khắp nước Tàu đều mở các cuộc vui, đốt pháo để tỏ lòng vui mừng về sự Tưởng được thả, bình an vô sự. Trương Học Lương hôm ấy cũng cùng đi với Tưởng về Nam Kinh.

VÌ SAO TRƯƠNG HỌC LƯƠNG KHỞI NGHỊCH

Ngày mới xảy ra cuộc khởi nghịch của Trương Học Lương thì chúng ta được nhiều tin có thể nói là quan trọng về mục đích cuộc khởi nghịch ấy: Trương bắt giam Tưởng để yêu cầu chánh phủ Nam Kinh liên Nga, chống Nhật, cùng nhiều điều khác nữa; nếu chánh phủ Nam Kinh nghe Trương, Trương sẽ thả Tưởng. Nhưng, nay Tưởng được thả rồi, thì lại có tin: cái cớ sự bắt giam kia chẳng qua vì Trương tưởng lầm rằng Tưởng Giới Thạch định thải hồi các đội quân của Trương, tước binh khí và không trả lương các quân đội ấy, nên Trương bắt giam Tưởng để làm con tin.

TRƯƠNG HỌC LƯƠNG BỊ KẾT ÁN

Quốc dân Tàu lấy làm bất bình về thái độ của Trương Học Lương vừa rồi lắm. Mà Trương nghe chừng cũng tỏ ý hối hận về việc của mình đã làm, và xin sẵn lòng chịu tội. Trương đã bị đem xử trước tòa Thẩm phán quân sự, và bị kết án 10 năm tù và 5 năm mất công quyền. Nhưng theo lời yêu cầu của Tưởng thì Trương sẽ được giảm án về dịp năm mới. Trương đã bị tống giam. Tưởng Giới Thạch có đệ đơn xin từ chức hai lần, lấy cớ rằng sức yếu, nhưng Ủy ban chánh hội hai lần đều không cho. Người ta nói rằng Tưởng sở dĩ xin từ chức là vì về việc xử Trương, có chỗ bất đồng ý giữa Tưởng và Ủy ban quân sự. Tưởng thì muốn tỏ một thái độ khoan dung đối với Trương; trái lại, ủy ban thì nhất định buộc tội Trương một cách nghiêm khắc.

ÔNG JUSTIN GODARD ĐẾN ĐÔNG DƯƠNG

Ông Jusstin Godard, nguyên thượng thư, được chánh phủ Bình dân Pháp cử sang Đông Dương khảo sát tình hình lao động, đã đến Sài Gòn hôm 1-1-1937, do chiếc tàu Grandidier. Công chúng ra bến tàu đón ông rất đông. Nhân dịp nầy, nghe đâu báo giới quốc âm Sài Gòn định xin phép tổ chức một bữa tiệc bình dân để chào mừng ông Godard.   

VIÊN LÃNH SỰ TÀU Ở SÀI GÒN BỊ TÁT TAI

Trong một bữa tiệc của người Tàu ở Sài Gòn vừa rồi, người ta có mời viên lãnh sự Trung Hoa Trầm Cẩn Ý đến dự. Giữa bữa tiệc, một người Tàu đứng lên  chất vấn ông về vụ ba người Hoa kiều bị trục xuất sau khi làm biểu tình trước dinh lãnh sự, rồi nhảy chồm lại cho Trầm tiên sinh một tát tai; đoạn, bỏ chạy. Sự náo động nổi lên trong phòng tiệc. Cảnh sát đến. Viên cò đi ngay lại hỏi viên lãnh sự về đầu đuôi câu chuyện; ông nầy nóng thế nào không biết, nhè chơi ngay lại viên cò một tát tai (có lẽ để trả thù), lấy cớ rằng làm cảnh sát gì lại không biết bảo toàn một viên lãnh sự ngoại quốc.

NGƯỜI TÀU NGỤ TRONG NAM ĂN MỪNG TƯỞNG GIỚI THẠCH ĐƯỢC THẢ

Tin Tưởng Giới Thạch được Trương Học Lương thả làm cho người Tàu hết sức mừng rỡ. Khách trú trong Nam như ở Sài Gòn, Chợ Lớn, hôm 31-12-1936, muốn tỏ nỗi mừng của mình, cũng có tổ chức nhiều cuộc vui và đốt pháo vang dậy.

VỤ 32 PHỐ HÀNG DA SẼ VÀO NAM

Hẳn bạn đọc còn nhớ trước đây, vào dịp phong trào Đông Dương đại hội nghị, tại Hà Nội có xảy ra vụ bắt bớ 10 người có chân trong chi nhánh Đ.D.Đ.H.N. tại Bắc Kỳ mà trụ sở ở nhà số 32 Hàng Da. Ra tòa án vi cảnh, mỗi người ấy bị phạt mỗi người 1 quan. Nhưng bất phục án ấy, cả thảy đều chống án về tòa Ủy án Sài Gòn. Nay đã có tin ở Sài Gòn ra cho hay rằng đến 5 Mars 1937, những người ấy sẽ phải vào Nam hầu kiện. Nhưng trong số bị cáo, có người như ông Trần Huy Liệu chẳng hạn, đã bị trục xuất khỏi Nam Kỳ; vậy thì không hiểu rằng nay họ có được vào trong Nam hầu kiện không? Ông Liệu đã đem việc nầy hỏi sở Mật thám Hà Nội.

ÔNG MOUTET CÓ SANG ĐÔNG DƯƠNG KHÔNG?

Trước đây có tin ông Moutet, Tổng trưởng thuộc địa, chừng sang đầu năm 1937 sang kinh lý Đông Dương. Nhưng theo một số báo Le Populaire ở Sài Gòn vừa rồi thì có lẽ quan Tổng trưởng sẽ không thực hành được điều dự định đó. Một lẽ vì cuộc kinh lý ấy sẽ tốn kém nhiều, hai lẽ vì nếu sang Đông Dương khảo sát, ít ra ngài phải lưu lại một vài tháng thì sự khảo sát ấy mới được tường tận; nhưng ở đến một vài tháng thì sợ ngài không có thì giờ. Song theo một tin khác mà người ta bảo là chắc chắn thì ông Moutet hiện đương sắp sửa hành trang để trung tuần tháng Janvier, ngồi máy bay sang khảo sát xứ nầy. Khi ở Đông Dương, ngài cũng sẽ dùng máy bay đi chỗ nầy sang chỗ khác, như thế nghe đâu là để tiện bớt thì giờ. Vậy ông Moutet có sang Đông Dương không?

TIN CUỐI CÙNG

Theo báo La Presse Indochinoise, những người Việt Nam ở Paris có cử hai đại biểu sang giúp chính phủ Bình dân Tây-ban-nha.