Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 18
CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA PHÁP BỊ CÔNG KÍCH
Bạn đọc biết rằng, đối với việc nội loạn Tây-ban-nha, chính phủ Pháp giữ thái độ trung lập. Cái thái độ ấy đã thường bị các đảng tả công kích. Như vừa rồi, trong một số báo La Populaire là cơ quan đảng xã hội của thủ tướng Léon Blum, có bài phản đối rất kịch liệt chánh sách ngoại giao ấy của nội các, và bảo phải thủ tiêu sự cấm xuất cảng khí giới qua Tây-ban-nha. Bất can thiệp? Thì cái chánh sách ấy đã không ngăn ngừa Đức và Ý nhìn nhận chánh phủ của loạn tướng Franco và sự trợ chiến của họ cho chính phủ ấy đó còn gì.
BẮT LẪN TÀU CỦA NHAU
Tại Tây-ban-nha vừa xảy ra một việc lôi thôi có tính cách rất nghiêm trọng: ấy là việc Đức và chính phủ cọng hòa Tây-ban-nha bắt lẫn tàu của nhau. Chiếc tàu Đức “Palos” bị chính phủ xứ Basque tình nghi có chở chiến cụ sang giúp cho loạn quân nên khám bắt. Để báo thù, chiếc tuần dương hạm “Koenigsberg” của Đức đón đường khám bắt hai chiếc “Soton” và “Aragon” của chính phủ cọng hòa Tây-ban-nha. Cả hai bên đều tỏ ra thái độ rất cương quyết, không chịu nhượng bộ nhau. Chính phủ cọng hòa Tây-ban-nha hết sức phản đối việc chiếc tuần dương hạm Đức đã khám bắt hai chiếc tàu của mình. Và viên thủy sư đề đốc thống lãnh hạm đội Đức trong phần biển Tây-ban-nha cũng đã gởi ngay tối hậu thư cho chính phủ Tây-ban-nha buộc trong ba ngày phải trả chiếc tàu “Palos” lại cho Đức, nếu không, Đức sẽ có những phương pháp đối phó rất nghiêm khắc. Việc lôi thôi hiện nay vẫn chưa giải quyết xong và cuộc giao tế giữa Đức và chánh phủ cọng hòa Tây-ban-nha đương trải qua một thời kỳ nghiêm trọng.
HITLER TỪ CHỨC THỦ TƯỚNG
Hitler, tổng thống kiêm thủ tướng nước Đức, ngay đầu năm, có lời thông cáo cho toàn nước nói xin từ chức thủ tướng và chỉ xin giữ chức tổng thống thôi. Ông Goering, một yếu nhân đảng quốc xã sẽ lên giữ chức thủ tướng.
TRƯƠNG HỌC LƯƠNG ĐƯỢC ÂN XÁ
Số trước có đăng tin Trương Học Lương bị hội đồng quân sự Nam Kinh kết án 10 năm tù và 5 năm mất công quyền về tội đã khởi nghịch ở Tây An. Nhưng nay có tin, nhờ Tưởng Giới Thạch can thiệp, Trương đã được ân xá và được hưởng án treo, chỉ còn phải bị 5 năm mất công quyền thôi.
NHẬT LẠI HOÀNH HÀNH Ở TUY VIỄN
Để cho việc biến động ở Tây An phủ yên, nay Nhật, sau khi nghỉ đi một độ, lại tỏ cái chí quyết xâm lược nước Tàu của mình ở Tuy Viễn. Mấy trăm võ quan Nhật đã tổ chức lại ở Nhiệt Hà một cảm tử đội trà trộn với quân đội Mông Mãn, và đã bày đồ trận một cách lớn lao, hầu tính việc khởi công nay mai. Nước Tàu lại một phen nữa tìm cách đối phó. Có tin 2.000 quân Lưỡng Quảng đã kéo lên miền bắc hiêp với quân của tướng Phó Tác Nghĩa chống cự lại quân địch.
ÔNG MOUTET HOÃN CUỘC KINH LÝ SANG ĐÔNG DƯƠNG
Số trước có đăng hai tin: một, của báo Le Populaire ở Sài Gòn, nói rằng ông Moutet sẽ không sang kinh lý Đông Dương; hai, nói chắc chắn ngài sẽ khởi hành tại Paris bằng máy bay vào trung tuần tháng nầy. Cái tin sau nầy quả có thực. Nhưng nay có điện tín cho hay rằng quan Tổng trưởng đã hoãn cuộc kinh lý ấy rồi. Ngài muốn ở lại Paris chờ hai nghị viện bỏ thăm chuẩn y công nho thuộc địa cho xong xuôi, và muốn để ông Brévié sang Đông Dương thân chánh ít lâu đã, rồi chừng tháng Mars ngài sẽ qua.
ÔNG JUSTIN GODARD ĐẾN SÀI GÒN
Tin ông Justin Godard, vị “lao công đại sứ” của chánh phủ Bình dân phái sang Đông Dương, đến Sài Gòn hôm 1-1-1937, số trước đã có đăng vắn tắt. Thành phố Sài Gòn hôm ấy đã đón tiếp ông Godard và phu nhân một cách đặc biệt long trọng. Có đến một vạn người ra chực ở bến tàu, trong đó, số anh em lao động chiếm phần đông. Chánh phủ đã để dành riêng cho vị “lao công đại sứ” một tòa nhà ở đường Paul Blanchy. Ông Godard tuyên bố: “Cửa nhà tôi ở sẽ luôn luôn mở rộng để tiếp bất kỳ ai vì sự ích chung muốn nói chuyện, bàn bạc với tôi”. Từ hôm đến Sài Gòn tới nay, ông đã vui vẻ tiếp đại biểu đủ các giới, nhất là đối với đại biểu lao động, ông hỏi chuyện rất ân cần, niềm nở. Ông Godard đã đi thăm các nhà thương, hội thiện, nhà mồ côi, trường học, vì chẳng những chánh phủ Bình dân phái ông sang đây khảo sát tình hình lao động, mà cả đến vấn đề vệ sinh, xã hội nữa.
PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG TRONG NAM
Về dịp đầu năm tây, trong Nam có xảy ra nhiều vụ đình công lớn.
‒ Đêm 31 rạng ngày mồng một, hơn 150 phu thùng ở Chợ Lớn đều nghỉ việc một lượt. Trước đây, họ đã được tăng lương 15 % rồi, nhưng nay họ đình công là để phản đối luật xã hội đã bắt họ nghỉ ngày chủ nhật. Thực là một trạng thái kỳ dị của lao động nó trái ngược với nguyên tắc nhân đạo mà luật xã hội đã muốn ban cho họ. Nhưng cái trạng thái kỳ dị ấy không phải là không có cớ: bọn phu thùng toàn ăn lương công nhật, hễ phải nghỉ ngày 4 chủ nhật thì mất 4 ngày lương. Nếu sở Vệ sinh muốn tỏ ra mình hoàn toàn nhân đạo thì phải vừa cho họ nghỉ ngày chủ nhật vừa cho họ ăn lương ngày chủ nhật. Nghe đâu phu thùng đã đi làm lại ngay tối 1-1-37, vì sở Vệ sinh đã ưng thuận như thế.
‒ Hôm đầu năm, các xe ô-tô-ca ở Sài Gòn đều nghỉ chạy để phản kháng vài món thuế khá nặng.
‒ Ngày 31 Décembre tất cả thợ nhà in “Xưa Nay” đều đình công để yêu cầu tăng lương lên 20 %.
‒ Ngày 19-1-1937, 300 culy sở cao-su Comékong (Cao Miên) nghỉ việc cũng để yêu cầu tăng lương, vì giá cao-su lên, mà lương của họ vẫn để nguyên như cũ.
LẠNH
Một tuần nay ở Huế nổi mưa lạnh, hàn thử biểu xuống 15 - 16 độ. Ngoài Bắc bắt đầu lạnh từ một tháng nay, có lẽ lạnh hơn mọi năm: hàn thử biểu thường chỉ trên dưới 10 độ. Nhưng khong bằng ở Đà Lạt. Theo báo Công luận thì mấy ngày gần đây ở đó lạnh lắm. Ngày 3-1, hàn thử biểu chỉ 3 độ. Qua ngày 4-1 xuống 2 độ dưới 0; cây cỏ vì thế đều hư hỏng, vì nước đóng giá. Nhiều người Pháp ở Pháp mới qua mà cũng kêu lạnh quá, chịu không nổi.
CUỘC XỔ SỐ ĐÔNG PHÁP Ở HUẾ
Tuần sau, thứ tư 20 Janvier 1937, đúng 8 giờ sáng, tại Viện Dân biểu Huế có cuộc xổ số Đông Pháp về loại Trung Kỳ. Liền sau khi xổ loại Trung Kỳ lại có xổ ngay 3 lô lớn chung: 100.000 $; 40.000 $; và 20.000 $: các vé mua từ đầu kỳ phát hành lần thứ nhì nầy, bất kỳ thuộc về loại nào, đều được dự vào lần xổ các số lớn sau nầy. Kỳ xổ số cuối cùng tại Huế nầy sẽ rất long trọng. Các công sở trong thành phố buổi sáng hôm ấy, sẽ đều đóng cửa nghỉ.