Bước tới nội dung

Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 24

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 30 (13 Mars 1937),  trang 8.

DÂN Á NỔI LOẠN

Tuy bị quân Ý đánh thua và đành chịu mất nước, người Á[1] từ một năm nay thường tỏ ra mình không phải là một dân tộc dễ chịu sự chinh phục. Thỉnh thoảng lại có tin họ dấy loạn. Như vừa rồi, nhân ngày lễ sinh nhật hoàng tử Ý, tại A-đi A-bê-ba, kinh đô nước Á, một bọn người Á xen vào đám đông toan giết phó vương Graziani. Nhưng cuộc mưu sát vỡ lở, hàng nghìn người bị bắt, trong số đó 700 người bị án tử hình.

NỘI LOẠN TÂY-BAN-NHA

Điện tín mấy ngày gần đây cho hay rằng quân chính phủ đã tiến vào thành Oviedo thuộc tỉnh Astories, miền bắc. Cuộc giao chiến ở đây kịch liệt lắm, có trên 10.000 chiến sĩ bị thương và tử trận. Tại Toledo quân chính phủ cũng thắng trận.

15 CHÍNH TRỊ PHẠM Ở ININI ĐƯỢC ÂN XÁ

Do chiếc tàu Compiègne 15 chính trị phạm bị đày ở Inini được chính phủ Bình dân Pháp ân xá, ngày 25 Février vừa qua đã về đến bến Sài Gòn, từ Sài Gòn ngồi luôn ra Hải Phòng, vì thảy đều là người Bắc, can vào vụ biến động Yên Báy năm xưa. Vụ ân xá nầy đã làm cho dư luận hữu phái bên Pháp sôi nổi. Họ nhao nhao nổi lên công kích chánh phủ Bình dân sao đã nhắm mắt làm một sự khoan hồng vụng dại. Báo Gringoire – cái báo đã giết chết ông Salengro – phản đối một cách kịch liệt cử chỉ nhân đạo của thủ tướng Blum và quan tổng trưởng thuộc địa Marius Moutet, vì, theo lời báo ấy, những người can dự việc Yên Báy là những kẻ giết người, những quân cướp bóc, không đáng được ân xá. Lời “phê bình” sau đây thật đã trái với sự thực quá đỗi.

BA ÔNG TẠO, THÂU, MAI MẤT CHỨC HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ SÀI GÒN

Trong kỳ tuyển cử hội đồng thành phố Sài Gòn ngày 12 Mai 1935, ba ông Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu và Dương Bạch Mai đều ra ứng cử và trúng cử ngay, nhưng lại bị chính phủ cho rằng không đủ điều kiện và yêu cầu Tòa án cai trị Đông Pháp hủy chức hội đồng của các ông. Việc đem xử tại Hà Nội, Tòa án y lời yêu cầu của chính phủ. Nhưng ba ông không chịu, chống án về Hội nghị quốc gia bên Pháp. Những việc trên đây, các báo đều có đăng, hẳn bạn đọc còn nhớ. Nay được tin Hội nghị quốc gia đã y án của Tòa án Cai trị Đông Pháp rồi, nghĩa là từ nay, ba ông Tạo, Thâu, Mai mất hẳn chức hội đồng thành phố Sài Gòn. Riêng có ông Trần Văn Thạch còn giữ chức ấy. Cho được lấp ba ghế khuyết tại hội đồng, rồi đây dân thành phố Sài Gòn sẽ phải đi bỏ phiếu lại. Nhưng chưa biết nhất định ngày nào.

BA NGÀY CỦA ÔNG GODART TẠI HUẾ

Đến Huế 10 giờ rưỡi sáng 26, chiều lại, ông Godart vào nội yết kiến Hoàng thượng và Hoàng hậu. Sang thứ bảy, ông tiếp đại biểu các báo, ủy ban thường trực của viện Dân biểu, những đàn bà bán hàng tại chợ Đông Ba làm reo vì thuế quá nặng, v.v… 6 giờ rưỡi chiều, ông đến dự lễ cầu phúc của hội Phật học tại chùa Bảo Quốc. Qua sáng chủ nhật, lao công đại sứ bắt đầu tiếp đại biểu lao động do ban tổ chức hướng dẫn, dajai biểu học sinh, v.v… 2 giờ chiều ông lên đường vào Tourane.

ÔNG GODART TẠI MIỀN NAM TRUNG KỲ

Xe ông Godart chạy vào Tourane, vừa đến Truồi thì có trên 4000 người đứng chực đón ông. Đại sứ và phu nhân liền xuống xe đi vào giữa đám đông, dưới những tiếng hô vang dậy: Godart vạn tuế! Chiến tuyến Bình dân vạn tuế! Ông nhận được nhiều tập thỉnh cầu và ân cần hỏi về tình hình sanh hoạt của dân chúng. Thấy có nhiều người đói rách lẫn trong đám đi đón, ông Godart và phu nhân động lòng lấy tiền cho.

5 giờ rưỡi, ông Godart đến Tourane. Tại Tourane số người đón ông có trên 5.000. Không phút nghỉ ngơi, đại sứ liền tiếp các đại biểu tại tòa Đốc lý mãi đến 8 giờ tối mới xong. Ông rất để ý đến những lời yêu cầu của thợ hãng S.T.A.C.A. làm reo vì bị chủ bạc đãi và bản thỉnh cầu của ông Sơn Trà về việc dẫn thủy nhập điền và thuế điền trích lục.

9 giờ sáng 1-3-1937, ông Godart từ giã Tourane vào Quảng Ngãi.

Được tin đại sứ ghé làng Thi Lai thuộc phủ Duy Xuyên, là nơi chuyên nghề dệt hàng, thợ thuyền, ở rất đông, trên 4000 người kéo đi đón ông tận đường cái, đầu sáng, nhưng đợi mãi đến 4 giờ chiều không gặp, đành giải tán, sau khi hô nhiều khẩu hiệu. Nhưng, sự thực, ông Godart có đến Thi Lai hồi 10 giờ, nhờ sự giỏi giữ bí mật của các nhà chức trách, nên quần chúng không biết đó thôi!

Tại Quảng Ngãi, Bình Định, v.v…, tuy có sự đàn áp của các nhà đương cuộc, số người đón ông Godart cũng đông lắm. Ông có ghé Đà Lạt, xong, vào Sài Gòn.

Cứ tin theo chương trình đã định, ngày 11 Mars ông và phu nhân xuống tàu về Pháp.

MỘT VỤ DO THÁM QUAN HỆ BỊ VỠ LỞ

Theo tin các báo, vừa rồi tại Hà Nội, người ta khám phá một vụ do thám quan hệ mà vai chủ động là một võ quan Nhật. Cách đây không lâu, thống soái Burher, một hôm có tiếp một người Nhật tên là Endo Etsu, tự khai mình vì muốn học tiếng Pháp và tiếng An Nam nên sang Đông Dương tìm thầy và nhờ thống soái chỉ vẽ cho trong buổi đầu đặt chân trên đất nước xa lạ. Thống soái thấy khách nói khẩn thiết nên thành thực nhận lời và giới thiệu y cho một người bạn để người nầy dạy tiếng Pháp. Sau đó Etsu hay tới lui thống soái và chẳng bao lâu trở nên bạn của nhiều người Pháp. Va ở trọ tại Hanoi-Hôtel, một mình thuê hai phòng lớn, cách sinh hoạt tỏ ra một người phong lưu quý phái. Người ta nhận thấy Etsu hay đi chơi các vùng trại máy bay Bạch Mai, trại lính, thỉnh thoảng lên đồn Tong và lúc nào đi cũng có mang theo máy ảnh. Sở Mật thám liền để ý và cho người dò: quả nhiên, Endo Etsu là một tay do thám lợi hại. Va được chánh phủ Nhật phái sang Đông Dương điều tra về binh lực xứ nầy. Hai thám tử được lệnh đến thuê hai phòng sát cạnh phòng của Etsu và khám phá công việc của va nhờ có hai lỗ khoan vào tường. Khi trong tay đã nắm được nhiều bằng chứng đích xác, sở Mật thám liền đem việc trình phủ Toàn quyền. Phủ Toàn quyền liền hạ lệnh trục xuất Endo Etsu tuy có lời kháng nghị viên lãnh sự Nhật.  

KẾT QUẢ VỤ 32 PHỐ HÀNG DA

Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ bắt bớ 18 người tại chi ngánh Đông Dương đại hội nghị ở Bắc Kỳ, số 32 phố Hàng Da, Hà Nội, ngày năm ngoái, và sau, họ bị tòa án Vi cảnh xử mỗi người 1 quan tiền phạt. Không phục án ấy, cả thảy đều chống về tòa Bác án (Chambre d’ annulation) ở Sài Gòn. Ngày 5 Mars vừa rồi, tòa Bác án đã đem ra xét lại việc ấy. Sự kết án của tòa Vi cảnh Hà Nội bị coi là vô giá trị, nên cả 18 người đều được tha bổng.

MỘT CHÍNH ĐẢNG VỪA CHÍNH THỨC THÀNH LẬP Ở SÀI GÒN

Ấy là đảng “Đông Dương dân chủ” của các ông Trịnh Đình Thảo, Michel Mỹ. Nghe đâu mục đích của đảng – cái mục đích hơi lờ mờ – là chăm nom sự tiến hóa về chính trị, sinh hoạt, luân lý của tất cả các giai cấp trong xã hội. Đảng sẽ xuất bản tờ “Le Temps nouveau” để làm cơ quan, và tổ chức các cuộc diễn thuyết, hội họp công khai để tuyên truyền chánh kiến.

   




Chú thích

  1. Nước Á nói ở đây là Abyssinia, tức Éthiopia, quốc gia ở  đông Phi.