Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 26
MỘT VỤ XUNG ĐỘT NGHIÊM TRỌNG GIỮA HAI PHẢI TẢ, HỮU
Vừa rồi tại Clichy, một thành phố gần Paris, có xảy ra một vụ xung đột nghiêm trọng giữa hai phe tả hữu, nó rồi đây sẽ có ảnh hưởng đến tình hình chính trị nước Pháp. Số là được tin tối 10-3-1937, đảng Quốc xã của đại tá De la Rocque tổ chức một cuộc biểu tình tại rạp chiếu bóng Olympic trong thành phố ấy, đảng viên các tả đảng có chân trong Mặt trận Bình dân liền kéo đến làm phản biểu tình. Hai bên xô xát nhau rất kịch liệt, tuy có cảnh binh được lệnh đã đến phòng giữ nghiêm mật. Ông tổng trưởng bộ Nội vụ Max Dormoy cùng ông chánh văn phòng thủ tướng là Blumei cũng thân hành đến điều khiển cảnh binh trong việc giữ trật tự. Ông Blumei trúng đạn bị thương. Cùng số phận với ông có đến 150 người, thảy đều được chở ngay vào bệnh viện. Một người chết ngay tại trận. Cuộc xung đột xảy ra từ lúc 7 giờ đến 11 giờ khuya mới liễu kết.
SAU CUỘC XUNG ĐỘT
Dư luận chấn động về vụ đổ máu tại Clichy. Các báo hữu nhao nhao lên án đảng cọng sản và chính phủ Bình dân. Các báo tả, trái lại, đổ lỗi cho đảng quốc xã của De la Rocque, vì đã có ý khiêu khích quần chúng. Ngày 18, dưới lời hiệu triệu của tổng hội lao động, có trên 1 triệu công nhân tổng đình công trong sự yên tĩnh và trật tự để phản đối vụ xung đột. Tại “vòng đua xe đạp mùa đông”, các tả đảng cũng tổ chức một cuộc met-tin rất lớn có nhiều nhà hùng biện lên diễn đàn để yêu cầu chính phủ giải tán các hội đảng bất hợp pháp và duy trì trật tự cọng hòa. Ông tổng trưởng nội vụ Max Dormoy tỏ ý tiếc rằng đã xảy ra vụ lưu huyết tại Clichy và tuyên bố cho tiến hành gấp cuộc điều tra để biết những ai là người trách cứ trong vụ đó. Ngày nghị viện họp sắp đến, sẽ có nhiều ông nghị lên chất vấn chính phủ về vụ nầy.
LỄ KỶ NIỆM TÔN TRUNG SƠN
Tôn Trung Sơn, ông tổ của cách mạng Tàu, mất sau Trung Hoa Dân quốc thành lập 14 năm, tức năm 1925, đến tháng ba dương lịch năm 1937 vừa đúng 12 năm. Ngày 12 vừa rồi toàn thể nước Tàu đã làm lễ “thập nhị châu niên” ông rất trọng thể. Các cuộc vui, trong ngày ấy, đều bị cấm, và các học đường, nhà buôn, công xưởng đều đóng cửa, treo cờ truy điệu. Tại Nam Kinh. Uông Tinh Vệ cùng trên 40 yếu nhân của Quốc dân đảng đến trước lăng Trung Sơn cúi mình ai điếu và làm lễ trồng cây chung quanh lăng. Ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các thành phố các nước có người Tàu cư trú đều có làm lễ kỷ niệm.
VIỆC DI DÂN BẮC VÀO MIỀN NAM
Dân số miền trung nguyên Bắc Kỳ mỗi ngày mỗi tăng, một cách có thể nói là thất thường đến nỗi hiện nay các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, v.v… mỗi cây số vuông có đến 1.100 người, một sự trên thế giới ít nước nào có. Cho được giải quyết nạn nhân mãn ấy, chính phủ đương trù liệu việc di dân miền Bắc vào Nam, là nơi rất giàu về đất bỏ không. Vừa rồi quan Phó toàn quyền Nouhailletas và ông tổng đốc Nam Định Trần Văn Thông đã vào Nam Kỳ đi quan sát các tỉnh miền Hậu Giang, tìm chỗ có thể dùng vào việc ấy. Có lẽ rồi đây 50.000 dân Bắc rồi đây sẽ được đem vào Nam, ở làm ăn hẳn trong ấy.
ÔNG J. GODART, ĐẢNG TRƯỞNG DANH DỰ ĐẢNG ĐÔNG DƯƠNG DÂN CHỦ
Trước ngày ông Godart về Pháp, đảng “Đông Dương dân chủ” vừa thành lập ở Sài Gòn có viết thơ dâng ông chức danh dự đảng trưởng. Lao công đại sứ đã vui lòng nhận lãnh chức ấy. Hôm 19-3-37, ban trị sự đảng Đông Dương dân chủ có lên yết kiến quan thống đốc Pagès để cảm ơn ngài về sự đã cho phép đảng thành lập, trình bày những khoản cốt trọng của đảng cương và xin ngài lưu ý đến những việc cải cách cần kíp. Trạng sư Trịnh Đình Thảo, một trong ba người sáng lập, có đem việc hai nhà viết báo Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ bị trục xuất khỏi Nam Kỳ kêu với quan thống đốc. Ngài hứa sẽ xét lại hồ sơ của hai ông một cách rộng rãi.
LỄ KỶ NIỆM NGÀY SÁCH LẬP HOÀNG HẬU
Hôm 22-3-37 là ngày lễ kỷ niệm việc sách lập Hoàng hậu Nam Phương. Tại kinh đô có nhiều cuộc vui như đua thuyền, học sinh tập thể thao tại vườn hoa Paul Bert, Hoàng thượng và hoàng hậu đều có ngự lãm tại Bát giác đình.
CUỘC HỘI NGHỊ BÁO GIỚI TRUNG KỲ
Tiếp theo cuộc hội nghị báo giới Huế trong tháng trước, một cuộc hội nghị báo giới toàn kỳ do các ông Nguyễn Quý Hương, Phạm Bá Nguyên, Nguyễn Xuân Lữ đứng xin đã được phép mở vào ngày hôm nay, 27 Mars. Theo tờ thông cáo của ban tổ chức, mục đích của hội nghị nầy là để: 1/ Thảo luận lập một liên đoàn cho những người viết báo Trung Kỳ; 2/ Thảo luận tất cả những vấn đề cần thiết đến quyền lợi và nghĩa vụ chung của những người viết báo; 3/ Tham chước ý kiến cùng các bạn đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc để dự trù một cuộc hội nghị báo giới toàn quốc. Vì là mở vào dịp ở Huế có hội chợ, cuộc hội nghị hy vọng được kết quả tốt đẹp, nhờ các nhà viết báo ở các tỉnh về đông đủ, lại thêm có những đồng nghiệp Nam Bắc về dự nữa.
BÁO “LE TRAVAIL” RA TRƯỚC TÒA TRỪNG TRỊ
Trước đây báo Le Travail xuất bản ở Hà Nội, có đăng một bài đề là “Représentation ouvriéré”, trong có vài đoạn bị chính phủ truy tố, cho là phạm đến chủ quyền nước Pháp. Hôm 18-3 vừa rồi, ông Trịnh Văn Phú chủ nhiệm báo ấy, đã phải ra trước tòa Trừng trị để nghe xử. Kết cuộc, ông Phú bị tòa phạt 5 ngày tù và 1.000 quan, án treo. Sau vụ xử nầy, báo Le Travail còn phải ra trước tòa nhiều lần nữa, vì nghe đâu có đến 6 – 7 lá đơn kêu báo ấy tại tòa án.
ỦY BAN ĐIỀU TRA BAO GIỜ SANG ĐÔNG DƯƠNG
Theo tin ở Pháp sang, Ủy ban điều tra sang Đông Dương hiện nay còn ở Paris, và đợi lúc nào ông J. Godart về đến Pháp, ủy ban mới xuống tàu. Như thế có lẽ độ đầu tháng bảy ủy ban mới sang đến Đông Dương.
HỘI CHỢ HUẾ
Ngày mai chủ nhật, đúng 9 giờ sáng, hội chợ Huế khai mạc. Người ta đoán năm nay cảnh chợ chắc ngoạn mục, tấp nập hơn năm ngoái là vì nhờ đường xe lửa thông suốt Đông Dương, du khách trong Nam ngoài Bắc sẽ về dự nhiều, vả lại khí trời tốt đẹp không ủ rũ vì mưa dầm dề như năm ngoái.
BÁO “NHÀNH LÚA” BỊ CẤM
Có lệnh quan Toàn quyền cấm tờ báo Nhành lúa xuất bản do nghị định ký ngày 10 Mars vừa rồi. Trong làng báo gần đây có lời đồn rằng dưới trị quyền quan Toàn quyền mới các báo An Nam sẽ không bị đóng cửa một cách thình lình như trước nữa. Nhưng đó chỉ là lời đồn, báo Nhành lúa hiện đã bị cấm mà không biết vì cớ gì cũng như mấy báo khác. Nói về văn, trong các báo “tả khuynh” chúng tôi nhận cho tờ Nhành lúa viết sáng suốt hơn hết. Nay nó chết kể cũng là đáng tiếc trong làng báo. Chúng tôi xin có lời chia buồn cùng bạn đồng nghiệp.
S. H.