Bước tới nội dung

Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 15 (7 Novembre 1936), trang 8.

NỘI LOẠN Ở TÂY-BAN-NHA

Binh của chánh phủ thua luôn mấy trận ở Escorial. Hiện nay binh ấy hết sức giữ thế thủ trong vùng Peregoimes sau dãy núi đá, phòng bị kiên cố. Loạn quân phải hạ được thành ấy mới tràn vào được Escorial và tiến thẳng đến kinh đô Madrid. Hai bên, quân chánh phủ và loạn quân, chỉ còn cách nhau 500 thước. Lại có tin không quân của loạn quân ném bom xuống thành Madrid, tàn phá rất nhiều. Hai chiếc tàu Nga chở khí giới bị đoàn không quân ấy ném bom, cháy ở Gibraltar.

ĐỀ NGHỊ HỦY TỜ HIỆP ƯỚC PHÁP – NGA

Ông Nguyên lão nghị viên Heiwe Haye sẽ trình một cái đề nghị hủy tờ hòa ước mà Pháp đã ký với Nga, ra trước nghị trường. Ông cho rằng Nga sẽ gây chiến tranh và Pháp sẽ mang họa lây, nếu cứ giữ tờ hiệp ước ấy.

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ NGA SÔ-VIẾT

Tình hình chánh trị ở Nga rối lắm. Bên ngoài thì bị các nước hườm đánh, bên trong thì dân tình lộn xộn. Ngoại giao không kết quả tốt; Litvinoff đã bị triệu về, và bị hiềm nghi. Các báo tư bổn thông tin rằng ngày nào ở Nga cũng có tin bắn giết nhiều đảng viên. Số người đi đày Sibérie mỗi ngày một tăng lên.

ĐỨC MUỐN PHÁ CHƠI

Ở Berlin có tin đồn rằng chánh phủ Nga Sô-viết có yêu cầu chánh phủ Pháp để cho tàu bè Nga được lui tới trong các hải cảng Pháp để lấy than củi trong lúc đi từ Nga qua Y-pha-nho.[1] Ông Yvon Delbos, tổng trưởng bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố rằng những điều chánh phủ Nga xin đó không thể nào cho được. Điều ước Pháp-Nga không ăn thua gì trong vụ Y-pha-nho hết. Báo La Dépêch de Toulouse, cơ quan lớn nhất của đảng Xã hội cấp tiến nói rằng “Pháp ký điều ước để giữ gìn hòa bình chớ chẳng phải để Nga lợi dụng”. Những tin trên kia, người ta nói toàn là tin bịa đặt của Đức; chánh phủ Pháp chưa hề tiếp được của Nga một chữ nào về chuyện ấy. Đức muốn phá chơi nên đồn phao như vậy.

CHỦ TỊCH TỈNH HỒ BẮC BỊ ÁM SÁT

Đại tướng Dương Vĩnh Thái, chủ tịch Hồ Bắc, đã bị ám sát chiều ngày 28-10-1936 tại Hán Khẩu. Dương là cánh tay phải của Tưởng Giới Thạch. Các giới Trung Hoa đều cho vụ ám sát thuộc về chính trị. Dương năm nay 56 tuổi. Thích khách là một thiếu niên 20 tuổi.

CUỘC TẬP TRẬN LỚN CỦA QUÂN ĐỘI NHẬT BẢN TẠI MIỀN HOA BẮC

Các quan chức Nhật báo tin cho các quan chức thành phố Bắc Bình biết rằng: Hai ngày cuối cùng của cuộc tập trận lớn của quân đội Nhật sẽ thao diễn ngay ở thành phố Bắc Bình. Quan chức Nhật lại ngỏ ý mượn tất cả những nhà bỏ không để làm các chỗ quân đội đóng tạm. Nhân dân Bắc Bình lấy làm lo ngại lắm.

ÔNG DƯƠNG BẠCH MAI ĐÃ TỚI MARSEILLE

Tàu Grandier nhổ neo từ Sài Gòn ngày 1er Octobre đã tới Marseille ngày 25 Octobre. Trên tàu có ông Dương Bạch Mai, đại biểu của Lâm thời Ủy ban Đông Dương đại hội qua Pháp để tỏ bày tình hình Đông Dương cùng quan Tổng trưởng Moutet và các chánh giới Pháp. Ông Dương được Liên đoàn lao động và đồng bào ta ở đó ra tiếp rước long trọng. Ông sẽ đáp chuyến xe lửa P.L.M. đi Paris.

CÓ LẼ ÔNG BRÉVIÉ SẼ KHÔNG SANG ĐÔNG DƯƠNG

Một tờ báo chữ Pháp ở Sài Gòn vừa rồi có đăng tin rằng, theo lời một người ở Paris cho hay thì có lẽ quan toàn quyền Brévié sẽ không nhậm chức ở Đông Dương nữa, chánh phủ sẽ cử một quan cai trị Đông Dương thay cho ông Brévié. Báo ấy lại nói rằng người cho hay tin ấy là người đáng tin không bao giờ nói sai. Mặc dầu lời nói ấy quả quyết, ta cũng nên đợi tin chính thức của chánh phủ đã.

BA ÔNG THÂU, NINH, TẠO TUYỆT THỰC TRONG KHÁM LỚN SÀI GÒN

Ông Trần Văn Thạch, hội viên thành phố Sài Gòn, đã gởi thư yêu cầu ông xã trưởng Boy Landry can thiệp dùm để xin cho hai ông Tạo và Thâu được tại ngoại hậu tra. Ông Boy Landry vẫn chưa trả lời cho biết sự quyết định ra sao, thì trạng sư bênh vực cho các ông Thâu, Ninh, Tạo cho hay rằng: Từ sáng bữa 26 Octobre ba ông đã tuyệt thực để phản đối về sự đơn xin tại ngoại hậu tra của ba ông bị bác. Theo bạn đồng nghiệp Việt Nam thì hết thảy tù chánh trị hiện đương bị giam tại khám lớn và tù ở Côn Lôn về, sau khi nghe tin Thâu, Ninh, Tạo tuyệt thực, họ cũng làm reo nhịn đói hai ngày để yêu cầu cho ba ông ấy hoặc có tội thì xử ngay, còn không thì cho tại ngoại hậu tra. Vừa rồi lại có tin cho hay rằng, trong ba ông nhịn đói, ông Thâu đuối hơn cả. Các trạng sư lo ngại, e xảy ra điều bất trắc nên đã xin giấy cho ba ông đi nhà thương.

NĂM TRĂM CHÍNH TRỊ PHẠM ĐƯỢC THA

Theo lịnh quan chưởng lý tòa Thượng thẩm Hà Nội, ký ngày 29 Septembre 1936, hôm thứ sáu 23 và thứ bảy 24 Octobre vừa rồi đã tư tha cho gần 500 chính trị phạm hiện giam ở nhà pha Hỏa Lò Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo và mấy nơi khác. Phần nhiều những chính trị phạm được tha lần nầy đều là những người được giảm án, hoặc chưa hết hạn được tha. Nhiều người vẫn phải giao về địa phương quản thúc hoặc bị biệt xứ.

PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG TRONG NAM

Lúc 10 giờ tối ngày 20 Octobre, hơn 20 thợ may, làm tại tiệm Phan Bá đình công, chỉ vì ông chủ hiệu bác 6 khoản yêu cầu của họ. Sáu khoản ấy như sau nầy: 1/ Xin đổi giờ làm theo các hiệu khác ở Sài Gòn; 2/ Xin treo đồng hồ ngay chỗ thợ làm; 3/ Xin tăng lương lên 20 % cho được thích hợp với hiện tình sinh hoạt; 4/ Xin ua phấn cho thợ dùng; 5/ Xin đừng nói lỗ mãng với thợ và xin bỏ thói đánh đập; 6/ Xxin tăng tiền chợ, hay là được phép ăn cơm ngoài.

VỤ HOÀNG THÂN VĨNH CẨN KIỆN BÁO “ŒUVRE”

Phòng thứ nhứt, tòa Thượng thẩm sáng 31-10-1936 do quan tham nghị Léopold Léger chủ tịch, có đem vụ hoàng thân Vĩnh Cẩn kiện ông Candelon, chủ nhiệm báo Œuvre vì một bài đăng trong báo ấy ngày 13-4-1936, mà ngài cho là ám chỉ và hủy báng ngài. Ông Candelon bị tòa Trừng trị Hà Nội xử phạt 300 quan và 1000$ bồi thường danh dự.

TIN THÊM VỀ VỤ NGƯỜI LÝ TRƯỞNG BỊ BẮN CHẾT Ở THANH HÓA

Về vụ người tây Đoan bắn chết người lý trưởng làng Phong Cốc, phủ Thiệu Hóa, trong khi đi bắt thuốc, mà bản báo đã đăng kỳ trước, nay lại có tin rằng, vợ người xấu số là Đỗ Thị Búc đệ đơn lên tòa Khâm kêu oan cho chồng. Trong đơn, kể rõ đầu đuôi tấn thảm kịch, và kêu nài về chỗ người nhà Đoan bắt thuốc trong đêm tối mà không cho chức dịch làng ấy biết là trái phép, và chồng thị chết oan trong khi làm phận sự.

   




Chú thích

  1. Y-pha-nho: tức Espagne, tức Tây-ban-nha.