Bước tới nội dung

Trưng vương

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trưng vương
của Hoàng Cao Khải

Tượng đá trời nam giại tuyết sương,
Nghìn năm công đức nhớ Trưng-Vương.
Tham tàn trách bởi quan gây biến,
Oanh liệt khen cho gái dị-thường!
Liều với non sông hai má phấn,
Dành nhau nòi giống một da vàng.
Cột đồng Đông-Hán tìm đâu thấy,
Chỉ thấy Tây-hồ bóng nước gương.

Bài thơ này là thuật công đức bà Trưng-vương; đại ý nói rằng: Ta thường đi qua xã Hát-môn, (huyện Phúc-thọ, Sơn-tây) trông thấy miếu-mạo nguy nga, có hai tượng đá dựng ở trời Nam, đã cách mấy nghìn năm nay, trải biết bao nhiêu tuyết sương mà vẫn y như cũ. Người ta nói rằng: « Ấy là hai tượng của chị em bà Trưng-vương thuở trước đã đuổi quan Thái-thú là ngươi Tô-Định mà làm vua nước Lĩnh-Nam. Về sau người ta nhớ công đức mà dựng nên tượng ấy ». Thế mới biết rằng lòng người ta yêu mến dẫu lâu đời mà cũng không quên vậy.

Trong buổi ấy chẳng phải là buổi nước Tàu cai-trị nước ta ru? Nếu không phải những kẻ quan-lại tham tàn thời bởi đâu mà gây ra loạn, lại không có những kẻ anh hùng khẳng khái thì lấy ai mà cứu cho dân. Nhưng cái sự oanh-liệt ấy bởi tay kẻ nam-nhi thì cũng là thường, mà bởi tay kẻ nữ-nhi thì thiệt là lạ vậy.

Tuy rằng, về sau thế-lực không địch nổi thì cũng đành lấy hai má phấn mà liều với non sông, nhưng cũng để làm gương cho những kẻ đồng loại ấy không nên lấy thế mạnh mà hiếp thế hèn vậy.

Than ôi! được thua ấy là công việc trong một buổi mà còn mất ấy là chứng cớ của muôn đời, kìa như ông Mã-Viện khi đã đánh thua được bà Trưng-vương thì dựng lên cột đồng cao vòi vọi, để mà ghi chép lấy công nghiệp của mình. Mà đến bây giờ thời cột ấy hoặc bị sóng bồi, không còn tìm thấy đâu nữa mà hai họ Trưng thì danh-tiết chói sáng cùng với mặt trăng hồ Tây muôn kiếp vẫn còn. Ấy mới biết rằng cái sự danh-tiết ấy là một cái chứng-cớ làm gương soi cho người ta vậy.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn.


Tác phẩm không chắc chắn đã thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ nếu nó được phát hành từ năm 1929 đến 1977. Để có phiên bản dùng được cho Hoa Kỳ, xem {{PVCC-1996}}.