Bước tới nội dung

Trở vỏ lửa ra/X

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

X

SAU khi Nghi đỗ rồi, về Phan-thiết thăm dì và cảm ơn bà giáo. Bà giáo thấy nàng thì mừng-rỡ không xiết. Hỏi nàng định đi học nữa hay thôi thì Nghi nói còn muốn học để đi thi tú-tài.

Nghi bây giờ nói năng sách-hoạch lắm. Nàng phô-bày ý-kiến với bà giáo:

— Con thường đọc báo, thấy có tờ báo cổ-động nữ-quyền. Họ làm vậy là hữu-tâm với phụ-nữ chúng ta lắm. Nhưng đàn-bà con gái không học, hay là học mà chỉ học đến ấu-học tiểu-học thì còn mong bình-quyền với ai? Bởi vậy con muốn học lên nữa, sức theo được tới đâu thì theo tới đó.

Bà giáo khen cái ý-kiến của Nghi là phải lắm. Nhưng lại ngại cho cái gia-tình nàng, sợ cửu Thưởng không chịu xuất tiền cho Nghi theo học luôn,

Nghi vẫn có để tâm lo về vấn-đề đó, nên nhân tiện, nói cho bà nghe cái cách giải-quyết của mình thử có được không. Nghi nói:

— Con tính rồi. Chuyến này con về đòi anh con chia gia-tài. Rồi phần ruộng của con, con đem đợ hoặc bán đi để lấy tiền đi học. Thế thì không còn lo anh con làm lôi-thôi gì nữa hết.

Bà giáo bảo như thế là tiện lắm: người làm ra của chứ không phải của làm ra người. Bây giờ bán rồi về sau có tiền lại mua. Miễn đi học được nữa là quí.

Nghi cũng có đem kế-hoạch ấy bàn với bà Tuấn. Bà này thì lại cho làm vậy khí liều-lĩnh quá, không phải cách ở đời lấy mực chắc. Vì theo ý bà, học đã đến như Nghi là được rồi, bây giờ nên lấy chồng lập gia-đình là hơn. Nhưng cuối-cùng, bà không đánh đổ được ý-kiến của Nghi.

Từ Phan-thiết về Qui-nhơn, Nghi ở nhà phán Thục. Cửu Thưởng nghe Nghi thi đậu rồi, tưởng thế là thôi, rày về sau Nghi không còn làm gì tốn tiền nữa, nên chàng cũng không làm mặt giận nữa. Chàng vẫn nhớ hồi trước phán Thục có nói Nghi học xong bốn năm còn ra Hanoi học luật, nhưng cho rằng đó là phán Thục nói khích mình chứ có lẽ nào? Bởi vậy, vừa thấy Nghi về, thì chàng băng bộ sang thăm.

Nghi thấy cửu Thưởng làm lành với mình thì cũng bỏ cả hờn xưa mà đối-đãi với chàng cách tử-tế nhũn-nhặn. Cửu Thưởng bảo Nghi về bên nhà mình mà ở, nhưng Nghi xin ở luôn nhà chị tiện hơn.

Sở-dĩ cửu Thưởng làm lành với Nghi chẳng những vì cớ đã nói trên mà còn vì cớ khác nữa. Con trai bá-hộ Sanh, tên là Ngô quang Khiết, hồi trước muốn đi nói Nghi mà Nghi gạt đi, thì bấy lâu chàng cũng vẫn chưa lấy vợ ở đâu tuy đã ngoại hai mươi tuổi. Khiết học-hành không mấy chữ, mới nhờ cha bỏ tiền quyên cho được cái cửu-phẩm, lại cậy mình kháu trai, thì ra ý kén vợ. Chàng thấy Nghi học giỏi, không đẹp lắm chứ người cũng mặn-mà có duyên, thì đâm ra yêu cô, đòi ông bá Sanh hỏi Nghi cho mình cho kỳ được. Cũng bởi đó mà cửu Khiết hay đi đánh cặp với cửu Thưởng, yên-chí rằng nhờ cửu Thưởng thu xếp cho thì đám này làm gì chẳng xong. Cửu Thưởng cũng bỏ bụng đã lâu, nghĩ nếu gả được Nghi cho thằng giầu sụ này, nó sẽ không thiết đến gia-tài bên vợ cho lắm, rồi mình tha-hồ mà bao-lãm, nên thừa lúc Nghi ở nhà, chàng định ra tay kết-hợp.

Một hôm tại nhà phán Thục, trước mặt hai vợ chồng họ và Nghi, cửu Thưởng đem chuyện kia ra nói. Chàng trổ tài làm mai ra coi cũng lanh-lợi lắm, đạo-mạo nói rằng:

— Cô Nghi nay học đã thành-tài rồi thì cũng nên lo việc thất-gia đi. Cái nghề con gái gả chồng trước phải xem « lứa ». Cái lứa có nhiều người thì mới tha-hồ mà lựa-chọn: không lấy người này đã có người kia. Chứ cái lứa của cô Nghi, ở vùng ta, tôi xem ra không có ai là người học-hành tài-bộ xứng-đáng với cô cả. Chỉ có cửu Khiết, đám đi giạm cô ngày trước, bây giờ vẫn còn đó, va thì ít học nhưng giỏi trai. Nhà giàu bằng hai nhà ta, lại con một, cũng ông cửu ông kiếc nữa, tôi nhắm không còn nơi nào hơn nơi đó. Còn sướng một nỗi là họ cầu mình, bốn năm nay rồi, thiếu gì chỗ kêu gả mà họ cứ để đợi. Tôi muốn cô Nghi nghe tôi đi, ừ quách cho anh chàng ấy. Ý anh chị nghĩ thế nào?

Hết thảy đều làm thinh. Phán Thục trai từ từ nói:

— Theo tôi thì việc ấy quyền ở dì Nghi, chúng ta chẳng nên đặt miệng vào.

Phán Thục gái cũng xen vào:

— Hồi tôi lấy nhà tôi, cũng tự ý tôi; thầy với mẹ chẳng hề bàn ra nói vô chi hết, chỉ chực có một việc là ăn trầu uống rượu.

Cửu Thưởng thấy trái ý, chêm một câu:

— Tuy vậy mình là anh chị cũng có nghĩa-vụ chỉ đường vạch lối cho em út; về việc ấy thì cô Nghi làm sao cho từng-trải bằng anh chị và tôi?

— À, thì có khó gì đâu. Hỏi Nghi, hễ nó ưng thì được. Lời phán Thục gái.

Cửu Thưởng quay mặt lại Nghi:

— Ý cô thế nào?

Nghi chẳng e-lệ gì cả, ngó ngay vào mặt cửu Thưởng chững-chạc nói rằng:

— Thưa anh, tôi còn phải đi học nữa, đã định lấy chồng đâu!

— Cô nói chơi?

— Không. tôi nói thật chớ.

Cửu Thưởng thấy Nghi nói khác với ý mình đã nghĩ trước thì tỏ vẻ sửng-sốt và không bằng lòng, thốt ra một câu vừa cộc-cằn vừa vô-duyên:

— Cô định đi học cho tới già để cô ở góa!

Nhưng Nghi không giận, vẫn tỉnh-táo đáp:

— Ở góa thì tôi cũng chẳng ở góa. Nhưng tôi hẵng đi học đã, vì còn nhiều thời-giờ chán để lấy chồng.

— Giá tôi là cô, một mặt cứ đi học, một mặt cứ lấy chồng, sao lại chẳng được? Nghĩa là nhận lời người ta đi, rồi một vài năm sẽ cho cưới.

Nghi đáp bằng một giọng cực chẳng đã:

— Gặp khi cần phải như thế thì cũng có thể. Nhưng...

Cửu Thưởng mới vừa nghe tới đó, tưởng Nghi bằng lòng lấy Khiết rồi, thì hấp-tấp nói:

— Thế thì cô ừ quách đi cho rồi. Sợ cửu Khiết nó không có thể đợi cô được nữa!

Nghi ra dáng ngạc-nhiên:

— Cửu Khiết thì tôi không lấy được. Hắn lấy ai mặc hắn, chớ tôi có bảo hắn đợi tôi đâu?

Thưởng lẩm-bẩm trách Nghi:

— Sao lúc nãy cô nói « có thể »? Cô cũng còn trẻ con lắm, mới vừa nói đó đã đổi ý rồi.

Nghi cãi:

— Tôi nói « có thể » là có thể với người nào tôi bằng lòng kia; chứ cửu Khiết thì tôi xin chịu. Vả tôi không hề biết hắn là người thế nào, mà tôi cũng không cần biết hắn nữa.

— Cô làm cao quá, rồi cô xem!...

— Tôi chẳng làm cao chi hết. Tôi có học ít nhiều thì cố nhiên tôi phải tìm làm bạn với người nào cũng có học ít nhiều như tôi.

— Cô nói vậy chớ cửu Khiết nó không học nó lại có nhiều tiền. Cô học giỏi đến đâu, cái mục-đích của cô cũng chỉ làm ra nhiều tiền như nó là cùng, chứ chi!

— Anh nói nghe như có lẽ mà không có lẽ. Học giỏi là một việc, mà nhiều tiền là một việc khác. Tôi thích học giỏi mà tôi không thích nhiều tiền, ai lại cấm tôi?

Phán Thục trai tự nãy đến giờ ngồi yên để nghe, chốc chốc lại cười tủm-tỉm. Bây giờ mới quay sang nói riêng với vợ:

— Me hắn thấy không? Người con gái có học thì bao giờ ăn nói cũng có khác.

Cửu Thưởng thấy cuộc du-thuyết của mình bị thất-bại thì lấy làm ngượng và tức. Lại thấy rõ rằng từ nay mình không còn có quyền gì trên Nghi nữa, chàng càng lập tâm làm khó dễ Nghi mỗi khi nàng có việc gì dính-dấp tới chàng.

Hôm ấy có đủ mặt ba chị em, Nghi định mở ra nói chuyện chia gia-tài cho rồi, để tháng sau có đi Hanoi. Nhưng, sau môt cuộc bàn-luận về hôn-nhân, đã làm phật-ý cửu Thưởng, Nghi tưởng nếu bàn sang chuyện ấy, thế nào chàng cũng trả miếng bằng cách trâu đen trâu trắng, nên nàng đành phải gác lại đó để đợi một dịp sau.