Trở vỏ lửa ra/XV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

XV

TRONG một xóm nhỏ thuộc làng Bưởi, ở cạnh hồ Tây, có cái nhà lá nhỏ mà xinh-xinh, có vườn hẹp, trồng mấy thứ cây hoa và xen vào một ít cây có trái, trước nhà có cái ao thả sen, giữa mùa hè hoa nở tưng bừng: ấy, chỗ người ta thuê cho Nghi ở đó.

Xuân-Sơn tìm được một người u-già, phải thuê mỗi tháng ba đồng để ở với Nghi, mà Nghi lấy làm vừa ý lắm. Mụ săn-sóc tất cả mọi việc cho nàng; lại nhớ nhiều chuyện xưa, khi ngồi rỗi thì kể những tích Hà-nội thất-thủ, giặc Cờ-đen, Kỳ-đồng thiên-binh cho Nghi nghe, nhờ vậy mà nàng khuây bớt nỗi buồn rầu. Bệnh thì vẫn cầm chừng, không tăng không giảm, nhưng theo lời thầy thuốc, sợ đến mùa đông lại phát nặng, phải đề-phòng cho lắm mới được.

Có một điều làm vui lòng Nghi được đôi chút là Xuân-Sơn mới vừa thi đậu Tú-tài phần thứ nhất. Nàng chỉ mừng cho Xuân-Sơn thôi, chứ không hề lộ ý buồn tiếc về phần mình vì ốm không được đi thi. Xuân-Sơn thi xong, không còn bận gì nữa, muốn lại về ở với Nghi cho có bạn, nhưng Nghi từ chối, xin bạn cứ một vài hôm đến thăm nhau là đủ. Xuân-Sơn chiều ý bạn, cũng kiếm nhà ở gần đó, để tiện mỗi ngày đến với Nghi một lần.

Văn-Hải thì từ hôm Nghi dọn về chỗ ở mới đến nay, không ngày nào chàng không tới viếng qua một bận. Chàng theo lời dặn của đốc-tờ, tiêm thứ thuốc gì, cho uống thứ thuốc gì, thân-hành đi mua lấy rồi đem đến, cũng tự tay làm lấy chu-đáo cho nàng. Mỗi khi pha thuốc cho uống hay tiêm cho Nghi, Văn-Hải còn kiếm sẵn những câu chuyện buồn cười, hoặc thời-sự, hoặc cổ-tích để nói cho Nghi nghe; và, không lần nào chàng nói mà nàng không chăm-chỉ nghe rồi cười đến rũ-rượi. Thế rồi khi Văn-Hải về rồi, hay là khi đã tới giờ thường đến mà chàng còn bận gì chưa đến, Nghi cứ ra vườn đi vơ-vẩn dưới gốc cây mà lầm-bầm trong miệng, không thì đứng nhìn sững ao sen mà ra dáng nghĩ-ngợi bâng-quơ. Những cái cử-chỉ ấy chứng thực là những cái trưng-tượng của ái-tình: chẳng phải yêu, thì có khi nào một người ốm liệt-nhược lại còn vui sống được như thế?

Ái-tình? Một người biết mình sẽ chết mà còn có ái-tình được sao? Ôi! Duy có thế, mới là ái-tình! Duy có thế, ái-tình mới là thần-thánh. Cũng duy có thế, cái thần-thánh ấy mới chỉ là cái bình thường! Yêu trước khi gần chết thì cũng như ăn uống trước khi gần chết chứ có lạ gì! Người ta đã không vì cớ biết mình tuần sau chết mà tuần này bỏ ăn uống, thì có lẽ nào vì cớ biết mình năm sau chết mà năm nay bỏ yêu? Chỉ thương-hại cho Văn-Hải và Nghi: đằng nào cũng thấy rõ cái điều mình đang đeo-đuổi theo là không có kết-quả gì hết, thế mà vẫn đeo-đuổi!

Một buổi sáng, Nghi cởi bỏ một cái tay-áo để đưa cánh tay ra cho Văn-Hải tiêm thuốc, cái cánh tay gầy-gò không còn bằng nửa lúc bình-thường, làm nàng như ngượng-nghịu, như buồn-rầu, nói với chàng:

— Anh có thể cứ để cả áo mà tiêm cho em không?

Văn-Hải cười:

— Tôi chưa hề tiêm cho ai cách ấy bao giờ, cơ chừng khó lắm.

Nàng lại lẩm-bẩm như chỉ nói cho mình nghe:

— Quái lạ, sao dạo này năm ngoái không đau đi!

Văn-Hải thấy nàng thốt ra một câu mặc dầu kín-đáo nhưng có ý suồng-sã như thế, thì biết Nghi đã nặng tình với mình lắm, tuy từ trước hai bên chỉ mới phải lòng mặt nhau chứ chưa có nguyện-ước gì. Chàng thấy trong lòng xao-xuyến, rồi nước mắt như muốn tuôn ra, bèn vội-vàng làm xong việc cho Nghi và vờ-vĩnh lảng sang câu chuyện khác.

Một buổi sáng khác, trước khi đi nhà thương, Văn-Hải đạp xe đến thăm nàng. Vào nhà, không có một người nào, chỉ thấy trên bàn viết một bức mạn-họa bán-thân vẽ chưa rồi, cây bút chì còn bỏ đó. Cái hình bán-thân ấy, chàng nhìn kỹ một lát, thấy giống mình lắm, thì kinh-dị quá chừng. Vì chàng vốn biết Nghi không có học chuyên-môn về vẽ truyền-thần, thì sao không có phô-tô của chàng để làm mẫu mà lại vẽ giống được đến thế? Còn nếu nói không phải Nghi vẽ thì là ai? Văn-Hải cầm bức họa vừa đi vừa ngắm, đi thẳng ra vườn. Thấy u-già ngồi giặt ở cầu ao, Nghi đứng dựa gốc cây cùng nhau nói chuyện. Thấy Văn-Hải, nàng chào bằng một nụ cười và quày-quả bước vào nhà với chàng. Sực nhớ lại bức họa, nàng trông trên bàn không có thì nói một mình:

— Có lẽ gió bay mất rồi!

Văn-Hải thò tay rút bức họa trong túi áo ra và nói:

— Ngọn bút thần-tình, gió nào lại dám?.. Nhưng, đã trông vào đâu mà em vẽ được tôi?

Nàng tỷ mỷ kể:

— Sáng nay em dậy, thấy trong người khỏe-khoắn dễ chịu, bỗng nhớ đến anh, sao gần bảy giờ rồi chưa đến, bèn đem giấy bút ra vẽ thử. Vẽ xong, chỉ còn hai cái tai: em nhớ hai cái tai anh hình như không cân, một bên có thùy-châu, một bên không có, mà không biết có đúng thế không, nên còn để đó, đi ra vườn chơi với u-già...

Văn-Hải nghe nói. liền đưa tay lên sờ bóp hai tai mình. Quả nhiên cái phần dưới cùng, chỗ mà người ta kêu bằng « dái tai », bên hữu thì dầy và đầy, bên tả thì kém. Sự khác nhau ấy ở nơi tai chàng, xưa nay chính chàng cũng không để ý đến, bây giờ có Nghi nói chàng mới biết. Lúc đó Văn-Hải tự nghĩ: « Thế này thì ra Nghi nó chú ý đến ta từng ly từng tý hay sao? » Nghĩ vậy, chàng thấy sung-sướng lắm, nhưng rồi lại buồn-rầu ngay.

Nghi ở xóm Bưởi trong hai tháng đầu, ăn ngon ngủ yên, vui-vẻ luôn. Xuân-Sơn cho là có hy-vọng lắm. Những món tiền bán đồ nữ-trang thu vào, nàng giữ cho Nghi, rồi mỗi ngày lấy ra chi-dụng, khỏi lo thiếu-thốn.

Trong lúc đó, Nghi thình-lình nhận được một phong thư, một phong thư mà chính nàng cũng không ngờ có ngày nhận được: Ấy là thư của cửu Thưởng, gởi thế nào mà do người này chuyển sang người khác, trải nhiều tay và hơn một tháng cái phong bì đã rách nát mới đến nàng. Nàng cho là một sự lạ, mở ra xem:

Qui-nhơn, ngày 29 Juillet 1929,
Cô Nghi,

Tôi đã không giận cô thì chắc khi nhận được thư này của tôi, cô dù có giận cũng vuốt giận đi mà xem cho biết tâm-sự tôi:

Đã lâu, từ hồi mới phát ra vụ kiện kia, tôi biết cô thủy-chung không muốn có sự ấy làm gì, mà vì chị phán nài-ép mãi làm cô cũng phải nghe theo chị.

Bởi vậy, đối với chị phán lâu nay tôi bất-bình lắm; nhưng còn cô, tôi chẳng có giận hờn gì.

Phải chi một năm nay có cô ở nhà thì bề nào điều-đình việc nhà với cô cũng xong. Nhưng với chị phán là người tham-lam, khó nói chuyện lắm, tôi không thể nói chuyện với chị ấy.

À, ở trong này người ta đồn rằng cô thi đậu Tú-tài rồi và sắp thành-thân với ông Tấn-sĩ Hà văn-Hải con quan Án tỉnh ta. Cô định giấu không cho tôi biết chăng? Có sao đâu mà cô giấu! Cô đã trưởng-thành rồi, cô có quyền định lấy việc trăm năm cho mình, tôi không can thiệp đến. Tôi chỉ trách cô sao có việc hoan-hỉ như thế mà không cho tôi biết để tôi mừng với.

Thấy đồn mấy tháng trước cô có đau ốm sao đó mà đã nhờ ông Tấn-sĩ chữa lành phải không? Tôi mừng cho cô và có lời kính thăm ông ấy.

Xin cô đừng lo chi về việc gia-tài hết. Hễ cô về đây, tôi được bàn với cô một bữa là yên.

Sau nữa, tôi muốn lễ thành-hôn của cô sẽ về làm tại nhà đây là nhà ông bà cha mẹ; cây có cội, nước có nguồn! Như thế, cũng tiện cho bên quan Án nữa vì ngài hiện lỵ ở tỉnh ta. Cô nghĩ thế nào?

Chúc cô mạnh, và mong cô trả lời cho tôi.

Nay kính thư

Ký tên: Thưởng

Cửu Thưởng viết thư ấy cho Nghi là do cái ý hèn-mạt, sợ Nghi mà muốn đấu-dịu, như trước kia đã nói. Nàng vẫn biết Thưởng có tính quỉ-quyệt, hay tráo-trở, láu-cá, nên chẳng lấy làm lạ gì về sự chàng giả làm lành với mình. Nhưng, thực ra, trong bức thư đó cũng có những điều làm đụng-chạm đến chỗ vết thương của tâm-khảm nàng, càng ngẫm-nghĩ, nàng càng đau-đớn và tức-tủi. Gia-dĩ mùa lạnh đã đến, tiết trời và việc người hè nhau tiến-công một cô thiếu-nữ, làm bệnh nàng phát ra thêm kịch hơn và không thể cứu được.

Nghi tự hỏi: Cửu Thưởng tưởng nàng thi đậu và sắp lấy một ông Tấn-sĩ nên mới gởi thư vồn-vã nàng như thế, còn nếu hắn biết nàng đau gần chết thì có gởi thư như thế không? Nang trả lời rằng « không ». Chẳng những không, mà Thưởng lại còn khoái ý nữa là khác. Do đó, Nghi coi bức thư ấy như một vật chọc tức mình, như một cái búa bửa vào lòng tự-ái của mình cho tan ra từng mảnh. Nàng lại còn nhìn thấy cái sức yếu đuối của mình không đủ chống với hoàn-cảnh ác-liệt, cái số-phận mong-manh của mình không chịu nổi với cái xã-hội xấu-xa đang xúm nhau làm hại mình, thì tấm lòng càng quặn-thắt và khí phẫn-uất càng lồng lên.

Nó còn mỉa-mai nàng hơn nữa, là câu chuyện thành thân với ông Tấn-sĩ. Một đời chưa biết ái-tình là gì, mới vừa gặp Văn-Hải, toan nhận làm ý-trung-nhân thì cũng vừa thấy cái bóng của mình ở dưới mặt trời hầu không có nữa! Cái điều oái-oăm bất-bình ấy không ai nói động đến thì thôi; nay có người nói động đến, mà người ấy lại là người cừu-địch với cả cái đời sống của mình, thì còn gì đau-đớn, chua-cay, thảm-khốc cho bằng!

Từ hôm ở Hanoi bắt đầu lạnh đến nay, chứng ho của Nghi cứ một ngày tăng lên một ngày. Hai mắt nàng cứ nhắm nghiền lại, nên có nhiều lúc khạc ra máu mà nàng không tự biết. Tiếng cũng bắt đầu tắt.

Văn-Hải và Xuân-Sơn thấy nàng không có thể qua được thì viết thư về cho phán Thục và cửu Thưởng. Họ có gì cũng là người ngoài, có biết được thâm-tâm của cửu Thưởng đâu; thấy chàng vừa viết thư cho Nghi mới rồi thì họ cũng chiếu lệ làm như thế mà thôi.

Phán Thục gần nay lo chạy theo vụ kiện, tốn-kém đã nhiều mà vẫn chưa có kết-quả. Nhà không có tiền, nàng phải đi vay lãi để đem đút cho quan. Những chủ nợ họ vẫn dòm thấy nàng sẽ có mấy chục mẫu ruộng phần chia, nên họ mới cho vay; tuy vậy, đến ngày đến tháng, họ cũng cho đòi bách-thiết lắm. Nàng lại phải vay ở chỗ khác để giả lãi. Bận vì cớ ấy, vả lại còn phải một mình trông-nom nhà cửa, con cái, buôn-bán, nên có tiếp thơ Xuân-Sơn mà nàng không làm sao đi Hanoi để thăm em một lần chót được.

Trong thư trả lời cho Xuân-Sơn, phán Thục còn vét túi kèm theo được cái măng-đa 20$. Nàng kể-lể sự mình, rồi nhờ Xuân-Sơn săn-sóc cho em khi còn cũng như khi chết, có câu này thảm-thiết lắm: « Cô Xuân-Sơn ơi! Con em tôi nay mai như có mệnh-hệ thế nào thì cũng chính bởi cái tư-tưởng cao xa của nó làm hại nó! Nó tưởng cái tài-lực của nó có thể vẫy-vùng để thoát ra ngoài khuôn-khổ được, chứ có biết đâu rằng rút cục lại nó cũng vẫn một hạng « trở vỏ lửa ra » như tôi hay là như chúng ta! » Xuân-Sơn đọc đến đó, giật nẩy mình: nàng đã là phận gái như nhau, huống chi cùng với Nghi chung một cảnh-ngộ!

Những thư-từ ấy Xuân-Sơn giấu biệt không nói cho Nghi biết mà Nghi cũng không hề hỏi đến. Từ đây, nàng không còn nói gì về việc gia-đình hay về việc học-hành nữa hết. Chỉ còn ăn được chút ít cháo và sữa. Cả ngày lẫn đêm cứ nhắm mắt, có ai hỏi mới mở ra. Tuy vậy, cũng còn có khi nói chuyện với Văn-Hải và Xuân-Sơn: không phải chuyện gì, nàng cứ đem những tích Hà-nội thất-thủ, Kỳ-đồng thiên-binh hay giặc Cờ-đen, những tích u-già đã kể với nàng, thuật lại cho hai người ấy. Giọng nói khàn khàn, nhiều câu không nghe rõ.

Bấy giờ đã bước qua năm 1930 rồi. Trải qua một tháng nữa, gặp một buổi tối, pháo nổ đùng đùng liên-thinh, ấy là đêm trừ-tịch của tết ta. Nghi tự-dưng mở mắt ra, nói với Văn-Hải, đang ngồi bên cạnh nàng, tiếng được tiếng mất, rằng:

— Lại đã sang năm mới nữa rồi sao?

Văn-Hải hỏi:

— Cô có biết tôi là ai không?

Nghi mỉm cười đáp không rõ-ràng lắm:

— Anh Văn-Hải. Anh tưởng tôi mê-muội sao mà không biết!

V thêmà: — Anh còn giữ bức vẽ của tôi không?

— Còn!...

— Thôi, anh hãy giữ lấy làm kỷ-niệm về tôi!

Nói câu ấy rồi là thôi. Đó về sau, Nghi không nói gì nữa, cũng không ăn không uống cho đến năm hôm sau mới tắt nghỉ.

Chôn nàng xong, Văn-Hải có nhận được bức thư của cửu Thưởng gởi cho mình, nói về việc Nghi:

Qui-nhơn, ngày 20 Janvier 1930,
Kính quan lớn,

Tôi có được tin quan lớn cho biết rằng con Nghi, em gái tôi, đau nặng lắm, không thể qua được: bảo tôi như có ra cho kịp thấy mặt em thì ra ngay mới kịp.

Cảm ơn quan lớn.

Nhưng mà em tôi nào có phải như em người ta? Nó đã đứng đơn kiện tôi; và còn, từ nhỏ đến lớn, nó đều phản-đối tôi trong mọi việc. Tôi còn anh em gì với nó.

Chẳng những thế, nó làm thân con gái, chưa có chồng, mà nó đi luôn, đi Nam rồi Bắc; ngày ông ngày bà, cho đến ngày cha mẹ banh da nẻ thịt đẻ nó ra nữa nó cũng không về. Ngày nay nếu nó đến nỗi chết đường chết sá như thế là có lẽ bởi vong-linh tiên-nhân nhà tôi bắt nó, vì nó đắc tội nhiều lắm!

Quan lớn có rộng ơn cho nó vài nhát cuốc là quí lắm rồi, tôi có ra làm gì!

Nay kính thư

Cửu Thưởng

HẾT