nhờ một cô-giáo làm mối, xin đưa nghìn bạc cưới làm lẽ thứ hai. Ông bố vốn nhà nho gàn, không nhận lời. Ông Đốc giận lắm, mượn việc đuổi ra không cho học nữa Năm sau ông đồ đem vợ con về Tăng-giang. Thấy nhà Lý-Hoa cũng nhà khá trong làng, lại thấy bác ta cẩn-thận mà trông cũng có vẻ con người, liền đem con gái gọi gả, được hơn một năm thì làm lễ cưới, vợ chồng ăn ở rất là thân yêu. Chị ta có bắt buộc chồng phải theo đúng ba điều: Một là không được dóc tóc mà cũng không được để cho con nhài chải đầu. Khi gội thì phải gội nước của vợ đã gội thừa. Nếu không thì phải xõa tóc quì dài, như là kiểu kim-đồng lậy phật-bà vậy. Hai là không được ăn nằm với quân vô-lại trong làng, sáu giờ chiều là ở đâu cũng phải mò về với vợ. Nếu không thì phạt giam kín một ngày. Ba là không được làm công cho hiệu buôn gạo để bụi bặm bám vào đầy mình lại đem về làm bửn lây đến con người ngọc. Nếu không thì phạt phải trát phấn vào mặt, hay khi khâu vá cắn những mẩu chỉ thừa nhổ ra bắt phải ăn. Lý-Hoa vốn yêu mến hết lòng, bảo thế nào mà không phải chịu. Bây giờ ra làm công ở Hương-cảng cũng là vâng lệnh người vợ, vì chị ta cho rằng thành phố là đất hào hoa phong nhã, nhờ gió Âu-Mỹ, rửa óc quê-mùa, họa chăng không để tủi cho « mợ-trẻ ». Tuy nhiên, trong chỗ vô hình vẫn buộc chỉ cổ-chân thật chắc! Bởi vậy trong một vài tháng tất phải về nhà thăm vợ một lần...
HỒI THỨ HAI
Say mệt say mê, tìm ra tấm ảnh
Giả nhân giả nghĩa, khéo tính mưu sâu
Ông chủ hàng trẻ tuổi là Tạ-Thiếu-my đang đánh diêm hút xì gà, nghe đến đấy thấy bùi tai, liền hút dấn một hơi, sức khói thấm vào đến tim, trong bụng bỗng nẩy ra một kế, móc túi ra lấy một đồng bạc, bảo thằng nhỏ lại gần đưa cho rồi vỗ vai mà rằng: