« Tri nan hành dị » nghĩa là: « Biết được rành thời khó, đã biết rồi mà làm thời dể ». Nếu anh em muốn làm việc, cần phải biết cho rành.
Lại còn có một tệ-bệnh, người ta càng nên biết lắm.
Thí dụ: muốn lấy trộm một nhà ông nhà giàu thời làm thế nào những khi bình-thường, phải giả ngẩn giả ngơ, giả khờ giả dại, chớ cho ông nhà giàu đó biết mình là kẻ trộm bợm. Vậy sau đến khi thực-hành, mới dể được thành-công. Ông Lão-Tử có câu nói rằng: « Đại trí nhược ngu », nghĩa là những người khôn rất to, thời phải làm như hình người ngu; lại có câu rằng: « Đại xão nhược chuyết » nghĩa là những người khéo rất to, thời phải làm như hình người vụng.
Vậy nên những người muốn làm việc, trước phải bồi-dưởng hai cái tinh-thần, 1° là tinh-thần nín nhịn, 2° là tinh-thần tránh tiếng. Hay nín-nhịn thời chớ có dậng vặt với hung-hăng những thói vỏ-phu; hay tránh tiếng thời chớ có bán tiếng mua danh, để cho những người tầm thường không kể mình là giỏi mới là hay.
Sách Binh-thư có hai câu rằng: « Tịnh như xữ nữ, động như thoát thố ». Câu trên nghĩa là: “Khi ta hãy còn lặng lẽ, thời êm đềm kín-đáo như chị con gái chưa lấy chồng ở trong một chốn buồng sâu, vẫn mình là rất muốn lấy chồng vẫn hết sức tính-toan cách lấy chồng, mà không để cho ai biết”. Câu nói đó là bày vẽ cách kế-hoạch cho người ta làm việc. Câu dưới nghĩa là: “Khi ta hành-động, tất phải nhìn thời-thế mà theo cho gấp, như con thỏ ở trong lồng mà được sổ ra, thời bổng-chốc mà chạy rất mau, dầu ai lanh đến mấy, cũng không có thể bắt được nó”. Câu nói đó là bày vẽ cho cách người ta hành-động.
Cách làm việc nếu được như hai câu nói đó thời việc gì cũng thành-công; nếu không được như hai câu nói đó, thời việc gì cũng phải thất-bại.