Trang:Cay dang mui doi 1.pdf/29

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 25 —

được mà tôi nói dối đặng gạt mình, thì xin ông thần trong làng nầy bẻ cổ vặn họng tôi đi. »

Ông già thấy ba Thời khóc lóc thề thốt như vậy, thì lồm-cồm ngồi dậy mà can rằng: « Thôi, hai vợ chồng cũng chẳng nên rầy-rà mà làm gì. Tôi là người ở xứ lạ, tình cờ đến đây chớ không phải là bà con quen biết chi với hai vợ chồng. Nảy giờ tôi nằm lòng tai nghe thì tôi đã rõ gia đạo của hai vợ chồng hết rồi. Thím em nó xí được con của họ bỏ rơi thím em nó bồng về mà nuôi phải hôn, chú em nó đi làm ăn lâu ngày về thấy khi đi thì vợ không có nghén mà khi về thì vợ lại có con, nên để lòng nghi thím em nó ở nhà có ngoại tình, rồi vợ chồng sằn-sặt với nhau hoài. Làm đàn-ông mà nghi như chú em nó đó cũng chẳng phải lạ gì. Mà nảy giờ tôi nghe hơi thím em nó tức tối trong lòng lắm, thì tôi biết chắc thím em nó thiệt tình chớ không có gian-dối. Tôi tuổi đã trộng rồi, cũng đáng bực huynh trưởng của hai vợ chồng, tôi đến đây thấy hai vợ chồng cắn-đắn với nhau như vậy tôi cũng buồn. Vậy tôi xin thím nó vui lòng để cho tôi nuôi giùm thằng nhỏ cho, làm như vậy chú em nó mới hết nghi, vợ chồng mới hòa thuận mà lo làm lo ăn với người ta. Tôi vẫn biết thím em nó nuôi thằng nhỏ từ hồi còn đỏ lắm-lói cho đến bây giờ kể đã tám chín năm trường sao lại không thương, bây giờ thím em nó giao cho tôi dắc đi thì thím em nó chắc là thương nhớ buồn rầu lắm chớ. Mà thím em nó nên nghĩ đều nầy: Thằng nhỏ thì mặt mày sáng-láng lắm, nếu thím em nó để mà nuôi thì bất quá một vài năm nữa thím em nó bắt đi chăn trâu, bắt đi mót lúa, rồi chừng nó lớn thì cầm cày đánh xe càng tội nghiệp cho thân nó. Chớ còn thím em nó bằng lòng để lại cho tôi nuôi thì tôi dạy nó học chữ học đờn, họa may ngày sau thân nó khỏi cực khổ, coi có phải là tốt hơn hay không? Chú em nó đòi 20 chục đồng bạc, thôi tôi cũng chịu cho đủ 20 đồng bạc, tôi nuôi nó trước là làm phước giùm cho nó, sau nữa giúp cho hai vợ chồng hòa thuận mà ở đời với nhau, dầu mắc rẻ cũng chẳng nệ gì. »

Tên Hữu nghe ông già chịu trả 20 đồng thì mặt mày hớn hở, còn ba Thời nghe lời hơn thiệt thì động lòng nên ngồi khóc dầm dề. Chừng ông già nói dứt lời ba Thời mới nói