Trang:Co xuy nguyen am.pdf/99

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
IIILỐI VĂN TINH-NGHĨA

Đại-ý

Tinh-nghĩa là lấy một hai câu trong sách kinh, truyện ra làm đầu đề, mà thích nghĩa ra cho tinh; hay là nói rộng thêm ý mà giảng giải ra cho rõ nghĩa, nên mới gọi là tinh-nghĩa, (hoặc gọi là kinh-nghĩa). Đầu đề là lời người nào thì lại làm giả như lời người nấy, thí dụ như: Mẹ răn con, thì làm lời mẹ; con thưa mẹ, thì làm lời con, vân, vân.

Dàn bài

(Phá-đề, thừa-đề, khởi-giảng, khai-giảng, lạc-đề)

(Trung-cổ, hậu-cổ, kết-cổ, thúc-đề)

Trước hết phải làm hai ba câu phá-đề; thứ hai tới ba bốn câu thừa-đề; câu phá, câu thừa còn là lời mình nói, để giải qua nghĩa đầu đề ra mà thôi.

Thứ ba là đoạn khởi-giảng, đoạn này mới nói khởi mào để giảng giải ý đầu đề ra; cứ theo đầu bài là lời người nào, mình lại làm giả như lời người nấy, độ một đoạn ngắn là đủ.

Sau này chia làm 8 cổ đối nhau: — 2 vế khai-giảng, mỗi bên độ năm sáu câu, để nói khai-phác ra cho xuống ý đề. Rồi hoàn lại câu đầu đề, gọi là lạc-đề. — 2 vế trung-cổ, là đoạn thích-thực cho rõ nghĩa đầu đề. — 2 vế hậu-cổ là đoạn nghị luận giải nghĩa thêm ra cho rõ ý đề. Cuối cùng tới 2 vế kết-cổ, một câu thúc-đề là hết.

Trong 8 vế, thì 2 vế trung-cổ, 2 vế hậu-cổ, phải làm dài hơn 2 vế khai-giảng, 2 vế kết-cổ; đó là lối bát-cổ chỉnh-đối. Còn lối tản-hành, thập-tị, cũng phải đủ chừng ấy phép tắc, duy lối đặt mỗi đoạn độ giảm bảy câu đối nhau, mà làm dài hơn.