Trang:Cong bao Chinh phu 489 490 nam 2023.pdf/47

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
48
CÔNG BÁO/Số 489 + 490/Ngày 19-02-2023


a) Tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;

b) Theo yêu cầu của người bệnh, người đại diện của người bệnh và được sự đồng ý của người hành nghề trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc người trực lâm sàng;

c) Tạm dừng hoặc bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động;

d) Gặp sự cố bất khả kháng mà không thể tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận, điều trị cho người bệnh.

11. Tham gia các hoạt động y tế dự phòng theo quy định của pháp luật.

12. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.

Chương V
CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT

Điều 61. Cấp cứu

1. Hoạt động cấp cứu bao gồm:

a) Cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Cấp cứu ngoại viện.

2. Việc cấp cứu phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá, phân loại và áp dụng các biện pháp chuyên môn kỹ thuật phù hợp với tình trạng của người bệnh. Trong trường hợp cần áp dụng những biện pháp cấp cứu khẩn cấp mà chưa có sự đồng ý của người đại diện của người bệnh thì người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quyền quyết định.

3. Khi việc cấp cứu cần sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

a) Tổ chức hội chẩn theo quy định tại Điều 64 của Luật này;

b) Đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hỗ trợ cấp cứu;

c) Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa;

d) Chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.